(MPI) – Ngày 30/8/2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có Công văn số 5723/BKHĐT-PC phúc đáp Công văn số 2827/BTP-VĐCXDPL ngày 19/8/2021 của Bộ Tư pháp đề nghị đề xuất nội dung dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật để tháo gỡ khó khăn cho đầu tư, kinh doanh.
|
Ảnh minh họa. Nguồn: MPI |
Cụ thể, theo quy định tại điểm b, c và d khoản 4 Điều 17 Luật Đầu tư công, Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư các chương trình, dự án là Chương trình, dự án đầu tư sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài; Chương trình, dự án đầu tư sử dụng vốn ODA viện trợ không hoàn lại trong các trường hợp: chương trình, dự án nhóm A và nhóm B; chương trình, dự án kèm theo khung chính sách; chương trình, dự án trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, tôn giáo; chương trình tiếp cận theo ngành; mua sắm các loại hàng hóa thuộc diện phải được Thủ tướng Chính phủ cho phép; sự tham gia của Việt Nam vào các chương trình, dự án khu vực; Dự án hỗ trợ kỹ thuật sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài để chuẩn bị dự án đầu tư.
Theo quy định tại Điều 25 Luật Đầu tư công, các dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ tại các điểm b, c và d khoản 4 Điều 17 Luật Đầu tư công phải trình Thủ tướng Chính phủ 02 lần để xem xét, phê duyệt đề xuất dự án và quyết định chủ trương đầu tư. Trong trường hợp điều chỉnh chủ trương đầu tư, các dự án này cũng phải trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước khi cơ quan chủ quản điều chỉnh quyết định đầu tư. Theo các thủ tục này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải lấy ý kiến các cơ quan có liên quan và gửi lại cho cơ quan chủ quản để tiếp thu và giải trình trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Quy trình nêu trên phù hợp với dự án đầu tư nhóm A với quy mô lớn, có tính chất liên ngành, liên vùng, thường có tỷ lệ cho các địa phương vay lại cao và phải thực hiện theo các yêu cầu, điều kiện chặt chẽ tại hiệp định với nhà tài trợ lớn được ký kết nhân danh Nhà nước theo quy định của Luật Điều ước quốc tế. Chính vì vậy, các dự án này cần được thực hiện theo thủ tục chặt chẽ hơn để đảm bảo tuân thủ mục tiêu, định hướng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, cam kết với nhà tài trợ và an toàn nợ công bền vững.
Đối với các dự án sử dụng vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài nhóm B và C là nhóm dự án có số lượng nhiều, quy mô không lớn, chủ yếu do các địa phương là cơ quan chủ quản và thường có đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư trong quá trình thực hiện thì tính cả điều chỉnh, các dự án này sẽ phải trình Thủ tướng Chính phủ 03 lần dẫn đến nhiều dự án bị chậm tiến độ thực hiện và giải ngân, không hoàn thành theo đúng cam kết với nhà tài trợ và phải gia hạn hiệp định.
Đối với các dự án hỗ trợ kỹ thuật sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận thấy, các dự án này không nhiều, quy mô nhỏ, thường được thực hiện theo hình thức cung cấp tư vấn, chuyên gia để chuẩn bị dự án đầu tư.
Do vậy, để đảm bảo tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án sử dụng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài đồng thời tăng cường vai trò, trách nhiệm đối với cơ quan chủ quản trong việc thẩm định, phê duyệt báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung quy định tại các điểm b, c và d khoản 4 Điều 17 và Điều 25 Luật đầu tư công theo nguyên tắc phân cấp thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ cho người đứng đầu cơ quan chủ quản đối với Dự án đầu tư nhóm B và nhóm C sử dụng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài; Dự án đầu tư nhóm B và nhóm C sử dụng vốn ODA viện trợ không hoàn lại; Dự án hỗ trợ kỹ thuật sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài để chuẩn bị dự án đầu tư.
Ngoài ra, theo quy định tại Điều 33 Luật Đầu tư công, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn đối với các dự án đầu tư sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài thuộc thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ. Như vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ không thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn đối với các dự án nhóm B và nhóm C trong trường hợp phân cấp cho người đứng đầu cơ quan chủ quản như đề xuất trên.
Do đó, việc thông báo dự kiến bổ sung kế hoạch trung hạn vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài sau khi phê duyệt Đề xuất dự án đầu tư nhóm B và C sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi làm căn cứ để cơ quan chủ quản thực hiện thủ tục thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn là cần thiết để triển khai công tác thẩm định vốn, bố trí vốn hàng năm.
Vì vậy, để đảm bảo các dự án đầu tư nhóm B và C được thực hiện theo kế hoạch đầu tư công trung hạn khi phân cấp thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị bổ sung vào cuối khoản 2 Điều 33 Luật Đầu tư công quy định về việc Thủ tướng Chính phủ thông báo sự kiến bổ sung kế hoạch trung hạn vốn ngân sách trung ương (vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài) cho các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương sau khi phê duyệt Đề xuất dự án đầu tư nhóm B và C sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi làm căn cứ thực hiện thủ tục thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn.
Liên quan tới Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 12 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư đối với “Dự án sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài …”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thấy rằng, việc đẩy mạnh phân cấp thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư có sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài là cần thiết để đồng bộ với quy định được đề xuất sửa đổi của Luật Đầu tư công, góp phần cải cách thủ tục hành chính, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân; đồng thời nâng cao vai trò, trách nhiệm của Bộ trưởng, người đứng đầu cơ quan trung ương, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh trong việc quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án này.
Mặt khác, các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư là các dự án được thực hiện để phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng và cung cấp sản phẩm, dịch vụ công. Các dự án này cần được xem xét, chấp thuận trên cơ sở đánh giá tổng thể về hiệu quả đầu tư, mức độ ảnh hưởng tới xã hội, cộng đồng dân cư, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư, người sử dụng và cộng đồng, trong đó dự án đầu tư có quy mô lớn (dự án nhóm A) thường là các dự án có tác động lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội cần được xem xét, chấp thuận theo thủ tục chặt chẽ hơn so với dự án nhóm B và C.
Trên cơ sở đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị sửa đổi quy định tại điểm b khoản 2 Điều 12 Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư theo nguyên tắc phân cấp thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư các dự án nhóm B và C nêu trên./.
Minh Hậu
Bộ Kế hoạch và Đầu tư