(MPI) – Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có Báo cáo só 5798/BC-BKHĐT gửi Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội về tình hình giải ngân vốn đầu tư công 8 tháng đầu năm 2021 và các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.
|
Ảnh minh họa. Nguồn: MPI |
Theo Báo cáo, tổng số vốn ngân sách nhà nước (NSNN) các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đã phân bổ, giao kế hoạch chi tiết cho các dự án đủ thủ tục đầu tư, đủ điều kiện giải ngân đến hết tháng 8/2021 là 399.331,273 tỷ đồng đạt 86,6% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao; trong đó vốn trong nước đạt 86,2% kế hoạch, vốn nước ngoài đạt 89,4% kế hoạch.
Về tình hình giải ngân kế hoạch đầu tư vốn NSNN 8 tháng đầu năm 2021, theo báo cáo của Bộ Tài chính, dự kiến giải ngân đến ngày 31/8/2021 là 187.285,01 tỷ đồng đạt 40,6% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (giảm 46,41% so với cùng kỳ năm 2020), trong đó vốn trong nước đạt 44,7%, vốn nước ngoài đạt 7,94%.
Tiến độ giải ngân 8 tháng đầu năm 2021 chậm hơn so với cùng kỳ năm 2020 do đặc thù của năm 2021 là năm đầu tiên triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Một số nhiệm vụ, dự án khởi công mới chỉ được giao kế hoạch sau khi Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 được thông qua. Bên cạnh đó, năm 2021 là năm tổ chức nhiều sự kiện trọng đại của đất nước, việc kiện toàn tổ chức bộ máy chính quyền các cấp cũng ảnh hưởng không nhỏ đến công tác chỉ đạo điều hành tại một số nơi.
Nguyên nhân chủ yếu ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn NSNN là do dịch bệnh Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp, xuất hiện nhiều biến thể với tốc độ lây lan nhanh, trải rộng trên hầu hết các tỉnh, thành phố, khả năng không chế khó khăn hơn nhiều so với năm 2020, nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống đại dịch, làm ảnh hưởng lớn đến các hoạt động kinh tế nói chung và hoạt động đầu tư công nói riêng. Công tác triển khai phòng, chống dịch bệnh tại một số địa phương còn thiếu thống nhất, đồng bộ, có nơi ban hành quy định cứng nhắc làm ảnh hưởng đến việc lưu thông hàng hóa, nguyên vật liệu xây dựng, chậm tiến độ giải ngân dự án.
Bên cạnh đó, giá các vật liệu xây dựng trên thị trường tăng mạnh, nhất là sắt, thép xây dựng, xi măng, cát, sỏi,… tác động trực tiếp đến chi phí của doanh nghiệp, nhà thầu xây dựng vì phần lớn hợp đồng đã ký theo đơn giá cố định, ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thi công dự án. Các dự án ODA cũng chịu tác động nặng nề của dịch bệnh do hầu hết các hoạt động đều gắn với yếu tố nước ngoài từ nhập khẩu máy móc, thiết bị cho đến huy động chuyên gia, nhân công, nhà thầu nước ngoài, tư vấn giám sát,… Cùng với đó, việc giải ngân chậm do nhiều dự án phải thực hiện điều chỉnh hiệp định vay, gia hạn thời gian thực hiện dự án, thống nhất với nhà tài trợ về kế hoạch thực hiện, công tác đấu thầu…
Với quyết tâm phấn đầu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư NSNN năm 2021 đạt 95-100% kế hoạch được Thut tướng Chính phủ giao từ đầu năm, trong đó đến quý III/2021 giải ngân đạt tối thiếu 60% kế hoạch đề ra như tại Nghị quyết số 63/NQ-CP của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị tiếp tục triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại Nghị quyết số 63/NQ-CP và Công điện số 1082/CĐ-TTg ngày 16/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ.
Cụ thể, từng bộ, cơ quan Trung ương và địa phương nhận thức rõ tầm quan trọng của việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, căn cứ tình hình thực tế đề ra các giải pháp khả thi nhất để thúc đẩy tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án, các địa phương ít chịu ảnh hưởng bởi dịch tập trung, thúc đẩy hoàn thiện sớm các công trình; những tỉnh là tâm điểm của đại dịch tập trung hoàn thiện thủ tục hồ sơ dự án.
Bên cạnh đó, các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương phải hoàn thành việc phân bổ, giao chi tiết kế hoạch đầu tư vốn NSTW năm 2021 cho các dự án dự kiến khởi công mới và các nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư, nhiệm vụ quy hoạch sau khi được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 trong tháng 9/2021.
Các cơ quan quản lý Chương trình mục tiêu quốc gia chậm nhất trong tháng 9/2021 hoàn thiện Hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định đầu tư, nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn Chương trình. Đẩy mạnh hoạt động Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư tại các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương và Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xây dựng Đề án thí điểm về tách giải phóng mặt bằng, tái định cư ra khỏi dự án đầu tư.
Nhằm tháo gỡ khó khăn về thể chế, cơ chế, chính sách đầu tư công, trong tháng 8/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 79/2021/NĐ-CP ngày 16/8/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 97/2018/NĐ-CP ngày 30/6/2018 về cho vay lại vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ, trong đó đã tháo gỡ vướng mắc về tài sản bảo đảm tiền vay cho bên vay lại, trong đó có đơn vị sự nghiệp công lập.
Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 1388/QĐ-TTg ngày 06/8/2021 về việc thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xây dựng Đề án thí điểm về tách giải phóng mặt bằng, tái định cư ra khỏi dự án đầu tư. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 1082/CĐ-TTg ngày 16/8/2021 yêu cầu các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương tập trung các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo Chính phủ về việc ban hành Nghị định thay thế Nghị định 56/2020/NĐ-CP ngày 25/5/2020 của Chính phủ về quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài. Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn NSNN giai đoạn 2021-2025 đề làm cơ sở cho các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương phân bổ, giao chi tiết kế hoạch vốn cho các dự án khởi công mới trong năm 2021. Đồng thời, đề xuất trong thời gian tới tiếp tục triển khai các nhiệm vụ được giao về xây dựng chính sách tháo gỡ khó khăn giải ngân vốn đầu tư công tại Nghị quyết số 63/NQ-CP./.
Minh Hậu
Bộ Kế hoạch và Đầu tư