(MPI) - Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 4, sáng ngày 13/10/2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần thứ 2 về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê.
|
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê. Ảnh: Quochoi.vn |
Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê. Thực hiện Nghị quyết số 17/2021/QH15 của Quốc hội khóa XV về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 và Thông báo số 155/TB-TTKQH ngày 20/9/2021 của Tổng Thư ký Quốc hội về Kết luận số 01 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 3, tháng 9/2021, Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê. Mục đích sửa đổi, bổ sung Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia nhằm tạo cơ sở pháp lý để thực hiện kịp thời việc thu thập, tổng hợp và bảo đảm số liệu thống kê phản ánh khách quan, chính xác, kịp thời, đầy đủ, thống nhất, phục vụ Đảng, Nhà nước trong hoạch định đường lối, chính sách và điều hành phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy sự tăng trưởng.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, trên nguyên tắc và phương pháp thống kê đã được quốc tế công nhận, các quy định của Luật Thống kê, các Luật chuyên ngành có liên quan, khả năng có thể tính toán các chỉ tiêu thống kê do các Bộ, ngành đề xuất và thực tiễn triển khai của các quốc gia khác trên thế giới, Chính phủ đã nghiên cứu và đề nghị chỉ tập trung sửa đổi những nội dung lớn, đã rõ và thực hiện được ngay bảo đảm kịp thời cung cấp thông tin sát thực với tình hình phát triển của đất nước, phản ánh thực hiện cam kết quốc tế của Việt Nam trong thời kỳ mới. Đồng thời, để có số liệu, thông tin thống kê phục vụ kịp thời cho công tác chỉ đạo, điều hành, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định sửa đổi, bổ sung 03 nội dung lớn nhằm làm rõ quy trình biên soạn các chỉ tiêu thống kê quốc gia; không ảnh hưởng, tác động đến các nội dung trong các điều, khoản khác của Luật Thống kê hiện hành, cụ thể như sau: Một là, bổ sung quy định về việc giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ, ngành và địa phương trình Chính phủ ban hành quy trình biên soạn chỉ tiêu Tổng sản phẩm trong nước (GDP) và chỉ tiêu Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (GRDP).
Hai là, bổ sung quy định về việc định kỳ 05 năm rà soát về việc đánh giá lại quy mô Tổng sản phẩm trong nước báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội.
Ba là, sửa đổi, bổ sung quy định về thẩm quyền công bố thông tin của người đứng đầu cơ quan thống kê cấp tỉnh đối với thông tin thống kê của chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh là phân tổ của chỉ tiêu thống kê quốc gia.
Quan điểm xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê là thể chế hóa các đường lối, chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước về công tác thống kê; phản ánh tình hình kinh tế - xã hội chủ yếu của đất nước, phục vụ các cơ quan, lãnh đạo Đảng và Nhà nước các cấp trong việc đánh giá, dự báo tình hình, hoạch định chiến lược, chính sách, xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế theo tinh thần của Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII; bảo đảm kế thừa, phát huy hiệu quả những quy định mang tính ưu việt trong Luật Thống kê; khắc phục hạn chế, bất cập và bổ sung những quy định phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của đất nước.
Đồng thời, bảo đảm tính khả thi khi Luật Thống kê sửa đổi, bổ sung được ban hành, áp dụng thuận lợi trong thực tiễn; khẳng định và nâng cao vai trò của hoạt động thống kê, sử dụng thông tin thống kê nhà nước, bảo đảm phù hợp với thực tiễn thống kê Việt Nam và các nguyên tắc hoạt động thống kê chính thức của Ủy ban Thống kê Liên hợp quốc; bảo đảm so sánh quốc tế.
|
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn |
Tại Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê. Ủy ban Kinh tế tán thành với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê như các lý do đã nêu trong Tờ trình số 378/TTr-CP của Chính phủ nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước về công tác thống kê; tạo cơ sở pháp lý để thực hiện kịp thời việc thu thập, tổng hợp và bảo đảm số liệu thống kê phản ánh khách quan, chính xác, kịp thời, đầy đủ, thống nhất, phục vụ Đảng, Nhà nước trong hoạch định đường lối, chính sách và điều hành phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ để hoàn thiện dự án luật. Tuy nhiên, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho rằng, các nội dung trong nhóm vấn đề theo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa được tiếp thu, bổ sung, đang được giải trình và cần được nghiên cứu một cách tổng thể, toàn diện.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao tinh thần cầu thị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan được Chính phủ tham mưu để trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê. Tiếp thu từ Phiên họp lần trước, Bộ đã phối hợp với các cơ quan để chỉnh lại hồ sơ và đổi tên từ dự án chỉ sửa đổi phụ lục sang dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều. Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế đối với dự án Luật cũng rất công phu, trách nhiệm, đúng với những ý kiến mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận tại Phiên họp lần trước.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề cập đến các vấn đề về gia tăng giá trị của chỉ tiêu thống kê; những vấn đề phát sinh, liên quan đến điều chỉnh các chỉ tiêu thống kê quốc gia, nhất là tổng sản phẩm trong nước (GDP), chỉ tiêu thống kê liên quan đến tình hình kinh tế - xã hội của các tỉnh, thành phố thường trực Trung ương, các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô...
Phát biểu kết luận nội dung Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đánh giá cao nỗ lực của cơ quan soạn thảo và thẩm tra; đánh giá cao ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với dự án Luật. Đồng thời đề nghị cơ quan soạn thảo của Chính phủ khẩn trương tiếp thu ý kiến của Chủ tịch Quốc hội, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn thiện trình Quốc hội thông qua./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư