Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 22/10/2021-17:41:00 PM
Thẩm định Nhiệm vụ lập quy hoạch thành phố Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Xem tin ảnh)
(MPI) – Ngày 22/10/2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị thẩm định Nhiệm vụ lập quy hoạch thành phố Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Trần Quốc Phương, Chủ tịch Hội đồng thẩm định.

Tham dự Hội nghị có các chuyên gia, đại diện các bộ, ngành thành viên Hội đồng thẩm định. Về phía Hà Nội có Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Anh Tuấn, cùng đại diện các sở, ngành liên quan.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: MPI

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh, thành phố Hà Nội có vị trí, vai trò quan trọng trong cả nước, có quy mô kinh tế lớn. Về khía cạnh chính trị, xã hội, Thành phố có ý nghĩa lớn đối với quốc gia. Điều này thấy được vai trò đóng góp của Thành phố đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội trong tương lai.

Về triển khai lập quy hoạch tỉnh, đến nay, đã có 61/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch, còn 02 địa phương chưa trình nhiệm vụ lập quy hoạch để thẩm định là thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Với vai trò, vị trí của mình việc lập quy hoạch giai đoạn tới của Thành phố có ý nghĩa quan trọng và cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, đưa ra các quan điểm, mục tiêu, xác định phương hướng phát triển, định hướng không gian cho các nhu cầu phát triển trong tương lai, phát huy được vai trò, vị thế và tiềm năng của thành phố Hà Nội.

Trình bày nội dung lập quy hoạch thành phố Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội Vũ Duy Tuấn cho biết, cho biết, quan điểm lập quy hoạch thành phố Hà Nội là phù hợp với các nội dung định hướng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước thời kỳ 2021-2030, quy hoạch tổng thể quốc gia, các quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng. Đổi mới mạnh mẽ tư duy phát triển, nhất là đảm bảo tính tổng thể, đồng bộ giữa các ngành trên địa bàn; phát triển hài hòa các địa phương, vùng lãnh thổ, phù hợp với khả năng cân đối, huy động về nguồn lực triển khai của Thành phố. Đảm bảo tính công khai, minh bạch trong thu hút và triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn.

Cùng với đó, tận dụng tối đa lợi thế phát triển từ các dự án kết cấu hạ tầng, tạo ra sự đột phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế; phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ngày càng đồng bộ, hiệu quả; kết hợp giữa phát triển kinh tế nhanh, bền vững với phát triển văn hóa, con người; đảm bảo quốc phòng, an ninh, an sinh xã hội; đảm bảo tính khả thi trong triển khai, đáp ứng nhu cầu phát triển, tạo nền tảng phát triển cho các giai đoạn tiếp theo. Việc lập quy hoạch phải đảm bảo sự tham gia của các cơ quan, tổ chức, cộng đồng, cá nhân; bảo đảm hài hòa lợi ích của quốc gia, các vùng, các địa phương và lợi ích của người dân.

Mục tiêu của lập quy hoạch thành phố Hà Nội là đánh giá thực trạng phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố thời kỳ 2021-2030, dự báo và đề xuất các phương án phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn tới. Đây cũng là căn cứ khoa học và công cụ pháp lý quan trọng để chính quyền các cấp vận dụng trong lãnh đạo, chỉ đạo, thống nhất công tác quản lý nhà nước, hoạch định chính sách, kiến tạo động lực phát triển. Đề xuất các phương hướng phát triển các ngành quan trọng, các định hướng, nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện các khâu đột phá chiến lược, mang tính khả thi…

Việc lập quy hoạch thành phố Hà Nội đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc được nêu tại Luật Quy hoạch, Nghị định, Thông tư hướng dẫn thực hiện Luật này. Đồng thời, đảm bảo tính kế, ổn định, thống nhất, đồng bộ giữa Quy hoạch Thành phố với Chiến lược, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; đảm bảo tính bền vững trong lập quy hoạch dựa trên ba trụ cột kinh tế, xã hội và môi trường; phát huy được vai trò vị thế và tiềm năng của thành phố Hà Nội;…

Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: MPI

Tham gia ý kiến tại Hội nghị, các chuyên gia phản biện và đại diện các bộ, ngành đánh giá về sự cần thiết xây dựng nhiệm vụ quy hoạch trong thời gian tới; thống nhất vai trò, tiềm năng của thành phố Hà Nội; cơ sở pháp lý và các nội dung lập quy hoạch. Đồng thời đề nghị, nhiệm vụ lập quy hoạch cần nhấn mạnh thêm sự quan tâm của các cấp, các ngành đối với quá trình triển khai các nhiệm vụ liên quan đến quy hoạch thời gian qua đối với thành phố Hà Nội; nên nêu rõ hơn bối cảnh, đặc thù hiện nay. Quan điểm lập quy hoạch rất khoa học, bám sát thực tiễn và ưu điểm của Thành phố nhưng cần xem xét, bổ sung quan điểm phát huy hiệu quả các chính sách đặc thù của thành phố Hà Nội theo quy định của pháp luật. Với vị trí, vai trò đặc biệt, do đó việc lập quy hoạch cần có tư duy khác biệt, đột phá so với các địa phương khác.

Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đinh Trọng Thắng trình bày bản nhận xét về nhiệm vụ lập quy hoạch thành phố Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 và cho biết, hồ sơ trình cơ bản đầy đủ, được thực hiện một cách công phu, khoa học và bám sát các quy định của pháp luật hiện hành về quy hoạch.

Tuy nhiên, đề nghị thành phố Hà Nội rà soát bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan; hoàn thiện bổ sung và cụ thể hóa các nhiệm vụ lập quy hoạch. Về thẩm quyền quyết định hoặc phê duyệt quy hoạch, đối với quy hoạch Thủ đô, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sau khi cóý kiến của Quốc hội (theo quy định tại Điều 34 Luật Quy hoạch); về niên độ quy hoạch, điều chỉnh lại niên độ tầm nhìn quy hoạch đến năm 2050 để phù hợp với pháp luật về quy hoạch.

Đối với báo cáo rà soát quy hoạch cần phân tích kĩ các điểm nghẽn và tiềm năng chưa được khai thác, qua đó xác định được các vấn đề trọng tâm cần giải quyết trong thời kỳ quy hoạch, đảm bảo quy hoạch là công cụ hữu hiệu trong điều hành phát triển kinh tế - xã hội.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: MPI

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Dương Đức Tuấn cảm ơn và đánh giá cao ý kiến của các chuyên gia và thành viên Hội đồng đã thể hiện sự quan tâm dành cho thành phố Hà Nội. Đây là những ý kiến quý báu để Hà Nội tiếp tục hoàn thiện nhiệm vụ lập quy hoạch trước khi trình cấp có thẩm quyền quyết định. Đây là quy trình đầu tiên nhằm hoàn thiện nhiệm vụ lập quy hoạch và sẽ sửa lại tên quy hoạch: nhiệm vụ lập quy hoạch Thủ đô Hà Nội để trình xin ý kiến của Quốc hội. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng, mới và khó, đặc biệt với thành phố Hà Nội có quy mô, phạm vi rộng. Thành phố Hà Nội đang tiến hành đồng thời các nhiệm vụ theo cấp Thủ đô, gồm: xây dựng nhiệm vụ lập quy hoạch, điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung, chương trình phát triển đô thị và xác định các nhiệm vụ đồng bộ, liên kết, mang tính chiến lược.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Trần Quốc Phương đánh giá cao ý kiến của các đại biểu và cho rằng, qua các ý kiến cho thấy, thành viên Hội đồng chia sẻ với những khó khăn, vướng mắc trong công tác xây dựng nhiệm vụ lập quy hoạch của thành phố Hà Nội và sẵn sàng phối hợp với Thành phố để hoàn thành các bước chi tiết tiếp theo.

Thứ trưởng đề nghị, trên cơ sở ý kiến của các chuyên gia, thành viên Hội đồng, thành phố Hà Nội hoàn thiện hồ sơ trình thẩm định để trình cấp có thẩm quyền theo đúng quy định. Đây là “văn kiện” thể hiện rõ nét nhất tư tưởng của lãnh đạo địa phương trong việc đưa ra các định hướng phát triển trong thời gian tới./.

Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 1124
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)