(MPI) – Ngày 28/10/2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức họp Tổ chuyên gia thẩm định liên ngành Thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Vụ trưởng Vụ Giám sát và thẩm định đầu tư, Tổ trưởng Tổ chuyên gia thẩm định liên ngành Tăng Ngọc Tráng điều hành cuộc họp.
|
Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: MPI |
Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội là cơ quan chủ trì quản lý Chương trình. Đối tượng thụ hưởng của Chương trình là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trên phạm vi cả nước. Chú trọng hỗ trợ trẻ em, người khuyết tật, phụ nữ và người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; Người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; người dân sinh sống trên địa bàn các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo và vùng nghèo, vùng khó khăn; các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn; cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trung tâm dịch vụ việc làm, doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm tại vùng nghèo, vùng khó khăn; …
Phát biểu tại cuộc họp, Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Tô Đức cho biết, việc đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 là rất cần thiết, cấp bách trong giai đoạn hiện nay nhằm phát huy những thành tựu, khắc phục hạn chế và giải quyết một số nội dung mới lĩnh vực giảm nghèo, cụ thể, tiếp tục giải quyết các vấn đề mà Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 chưa thực hiện xong, nhiều huyện nghèo, xã vùng bãi ngang ven biển và hải đảo chưa thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn. Các địa phương này là vùng “lõi nghèo”, có địa hình hiểm trở, kinh tế - xã hội và cơ sở hạ tầng còn khó khăn, có tỷ lệ hộ nghèo cao, một số nơi có tỷ lệ hộ nghèo còn trên 40%...
Phần lớn hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo sinh sống ở vùng nông thôn, có sinh kế, thu nhập không bền vững, thiếu kỹ năng nghề nghiệp, chất lượng nguồn nhân lực thấp. Hiệu quả kết nối giữa sản xuất với thị trường tiêu thụ sản phẩm, phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, giải quyết vấn đề thiếu đất sản xuất, nhà ở, giảm nghèo về thông tin, cải thiện dinh dưỡng cho người nghèo còn hạn chế.
Nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo còn dàn trải, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn; nhiều công trình phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội ở địa bàn nghèo có quy mô nhỏ nên hiệu quả sử dụng, tác động đến đời sống dân sinh, phục vụ sản xuất còn hạn chế.
Giải quyết một số nội dung phát triển kinh tế - xã hội mới, cấp bách, cần đầu tư công của quốc gia. Theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia giai đoạn 2022-2025, ước tính tại thời điểm tháng 01/2022, cả nước có khoảng 16,6% hộ dân cư có thu nhập dưới mức sống tối thiểu, tương ứng với khoảng 4,473 triệu hộ.
Đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu, xu thế đô thị hóa, xu hướng già hóa dân số, chênh lệch về thu nhập và mức sống, tình trạng di cư lao động đặt ra những thách thức rất lớn đối với người nghèo trong việc tiếp cận các cơ hội học tập, đào tạo kỹ năng nghề, tìm kiếm việc làm, sinh kế bền vững, nâng cao thu nhập.
Việc đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 là giải pháp quan trọng nhất, quyết định việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu và nhiệm vụ về giảm nghèo đã được đề ra trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 và Nghị quyết số 24/2021/QH15 của Quốc hội về việc phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.
Mục tiêu tổng quát của Chương trình nhằm thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống; hỗ trợ các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm thực hiện chức năng cơ quan tổng hợp Chương trình; thẩm định và tổng hợp dự kiến phân bổ kinh phí, chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 theo tổng hợp, đề xuất của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội vào kế hoạch 5 năm và kế hoạch hằng năm trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định; Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính tổng hợp, cân đối, bố trí vốn, thẩm định nguồn vốn đầu tư Chương trình theo tiến độ và kế hoạch đầu tư trung hạn, hằng năm trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Tại cuộc họp, bà Nguyễn Hồng Vân, Vụ Giám sát và Thẩm định đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình bày tóm tắt dự thảo Báo cáo kết quả thẩm định Báo cáo Nghiên cứu khả thi Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Báo cáo tóm tắt bao gồm mô tả thông tin chung về chương trình; tổng hợp các ý kiến thẩm định của các thành viên Hội đồng và các cơ quan tổng hợp; ý kiến thẩm định sơ bộ. Tại cuộc họp, các thành viên Tổ chuyên gia thẩm định liên ngành đã có những ý kiến góp ý vào Báo cáo nghiên cứu khả thi Chương trình, tập trung vào các nội dung chính đó là nội dung thực hiện của các dự án thành phần thuộc Chương trình; đặc biệt rà soát các hoạt động thuộc nhiệm vụ quản lý nhà nước của các cơ quan đã được bố trí đầy đủ từ nguồn vốn chi thường xuyên. Cơ sở, căn cứ, định mức tính toán kinh phí đầu tư. Khả năng cân đối, huy động các nguồn vốn thực hiện Chương trình. Các cơ chế, giải pháp thực hiện Chương trình bảo đảm thực hiện hiệu quả các mục tiêu đề ra./.
Minh Hậu
Bộ Kế hoạch và Đầu tư