Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 27/10/2021-17:19:00 PM
Hội thảo về cẩm nang thực hiện cam kết đầu tư quốc tế (Xem tin ảnh)
(MPI) – Ngày 27/10/2021, trong khuôn khổ Hoạt động hợp tác kinh tế Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Ốt-xtrây-li-a, Niu-Di-Lân (AANZFTA), Việt Nam được lựa chọn là quốc gia thí điểm xây dựng một cẩm nang hướng dẫn thực hiện cam kết đầu tư quốc tế của một số quốc gia trong khu vực. Để thực hiện sáng kiến này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với ASEAN tổ chức Hội thảo trực tuyến để giới thiệu, trao đổi, lấy ý kiến của các đại biểu về nội dung chính của cuốn cẩm nang này.
Các đại biểu tham dự Hội thảo trực tuyến. Ảnh: MPI

Hội thảo có sự tham dự của Ban Thư ký ASEAN, chuyên gia nước ngoài và chuyên gia Việt Nam là đồng tác giả của cẩm nang và các cán bộ, công chức tại Trung ương và địa phương hoạt động liên quan tới các cam kết quốc tế về đầu tư.

Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Ốt-xtrây-li-a, Niu-Di-Lân (AANZFTA) được các bên ký kết vào ngày 27/02/2009 và có hiệu lực từ ngày 01/01/2010. Nhằm đảm bảo hiểu rõ lợi ích của Hiệp định AANZFTA và góp phần hỗ trợ các bên trong việc thực hiện Hiệp định, chính phủ các nước thành viên ASEAN, Ốt-xtrây-li-a và Niu-Di-Lân đã thành lập Chương trình hỗ trợ hợp tác kinh tế AANZFTA (AECSP). AECSP bao gồm các hoạt động trong lĩnh vực đầu tư, cạnh tranh, bảo vệ người tiêu dùng, sở hữu trí tuệ, thương mại dịch vụ và các lĩnh vực thương mại hàng hóa chủ yếu như: thuế quan, hải quan, quy tắc xuất xứ, các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động thực vật, tiêu chuẩn và sự phù hợp.

Dự án này là “mô hình thí điểm” của một sáng kiến rộng mở hơn trong khuôn khổ Hiệp định AANZFTA nhằm cung cấp cẩm nang dành riêng cho từng quốc gia và tổ chức các chương trình đào tạo có mục tiêu cho quan chức Chính phủ ở các quốc gia đối tác liên quan mật thiết đến hoạt động quản lý đầu tư nước ngoài (bao gồm sàng lọc và giám sát các khoản đầu tư). Chương trình tập huấn, đào tạo và cẩm nang sẽ nâng cao khả năng thực hiện và nhận thức thực tế về các cam kết đầu tư quốc tế cụ thể của Việt Nam và giảm thiểu rủi ro tranh chấp giữa nhà nước và nhà đầu tư phát sinh từ những sai sót trong quản lý và đối xử với nhà đầu tư.

Hội thảo này được tổ chức và hỗ trợ thực hiện bởi Chính phủ Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các chuyên gia của Trường Đại học Quốc gia Xinh-ga-po, với sự tham gia của các cán bộ chủ chốt từ chính quyền Trung ương và địa phương để xác định phạm vi của cuốn cẩm nang. Hai vấn đề liên quan tới thuế và đất đai là hai trong những nhóm vấn đề tiêu biểu mà thường là nguyên nhân phát sinh các vướng mắc tranh chấp với các nhà đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 40% tổng số các vấn đề vướng mắc.

Trình bày tại Hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Lê Thị Hải Vân giới thiệu về phòng ngừa tranh chấp đầu tư quốc tế. Theo đó, Việt Nam tiếp nhận đầu tư từ hơn 140 quốc gia và vùng lãnh thổ và Tham gia vào nhiều Hiệp định đầu tư quốc tế, 63 Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư song phương (BIT), 20 Hiệp định có điều khoản liên quan đến đầu tư. Bà Lê Thị Hải Vân nêu ra một số nguyên nhân gồm Thủ tục hành chính; Thay đổi chính sách, pháp luật; Không tuân thủ nội dung giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, hợp đồng; Đối xử không bình đẳng; Chính sách thiếu minh bạch, khó khăn trong tiếp cận thông tin; Thực thi phán quyết của trọng tài nước ngoài; Không đảm bảo điều kiện cần thiết để thực hiện đầu tư. Vì vậy, bà Lê Thị Hải Vân cho rằng cần thu thập thông tin về vướng mắc và xử lý vướng mắc; Có quy trình xử lý vướng mắc rõ ràng; Cơ chế phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan nhà nước; Đội ngũ cán bộ chuyên trách để nhận diện, cảnh báo sớm những phát sinh tranh chấp.

GS N.Jansen Calamita, Trưởng khoa Luật và Chính sách Đầu tư, Trung tâm Luật Quốc tế, Phó Giáo sư nghiên cứu Khoa Luật, đại học quốc gia Xinh-ga-po, chuyên gia lâu năm về Luật đầu tư quốc tế trình bày về xây dựng Cẩm nang Thực hiện các Hiệp ước Đầu tư Quốc tế tại Việt Nam. Theo GS N.Jansen Calamita những thách thức đối với cán bộ cơ quan Nhà nước là đưa ra quyết định mà không xét đến các cam kết quốc tế; chưa đánh giá đúng hệ quả của các quyết định đưa ra; từ chối đưa ra quyết định có lợi cho nhà đầu tư nước ngoài.

Mục tiêu của Cẩm nang là hướng dẫn đội ngũ cán bộ Nhà nước cách áp dụng thực tế các nghĩa vụ của Nhà nước trong điều ước quốc tế về đầu tư; Cải thiện chất lượng của cơ chế đưa ra quyết định, giúp những quyết định này ít nguy cơ bị đưa ra tranh chấp; Củng cố tính hiệu quả của các chính sách và thủ tục khác nhằm thực hiện các điều ước quốc tế một cách hiệu quả; Giúp các cán bộ Nhà nước sử dụng tốt hơn các nguồn lực hợp pháp của Chính phủ./.

Minh Hậu
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 1265
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)