(MPI) - Chiều ngày 25/10/2021, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung.
Việc sửa đổi, bổ sung Luật Thống kê phù hợp với định hướng phát triển trong giai đoạn mới
|
Quốc hội thảo luận toàn thể trực tuyến về dự án Luật. Ảnh: Quochoi.vn |
Phát biểu tại phiên thảo luận, đa số ý kiến của các đại biểu đều tán thành với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước về công tác thống kê; tạo cơ sở pháp lý để thực hiện kịp thời việc thu thập, tổng hợp và bảo đảm số liệu thống kê phản ánh khách quan, chính xác, kịp thời, đầy đủ, thống nhất, phục vụ Đảng, Nhà nước trong hoạch định đường lối, chính sách và điều hành phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định Nguyễn Thị Thu Thủy bày tỏ thống nhất về việc rà soát, bổ sung hệ thống chỉ tiêu thống kê. Đồng thời đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra tiếp tục rà soát nhằm xây dựng và hoàn thiện hệ thống chỉ tiêu thống kê bao quát trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; nghiên cứu xây dựng hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia đối với cả nước, đối với vùng bởi trong Luật Quy hoạch có quy hoạch phát triển vùng và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, trong đó cấp quy định thống nhất là Bộ Kế hoạch và Đầu tư mà cụ thể là Tổng cục Thống kê là cơ quan duy nhất có thẩm quyền thực hiện và công bố kết quả thống kê đối với các chỉ tiêu thống kê quốc gia của vùng và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Để đảm bảo tính khách quan, chính xác, trên cơ sở đó chính quyền các cấp cũng sẽ xây dựng hệ thống về mục tiêu cũng như là chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội hằng năm trong triển khai thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu đó. Các cơ quan thống kê sẽ kiểm định và công bố đánh giá kết quả cụ thể thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu đó qua hệ thống chỉ tiêu của thống kê.
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Thủy cũng thống nhất cao với việc bổ sung các quy định 5 năm sẽ tổng rà soát, đánh giá lại quy mô GDP một lần. Trong đó, cần có quy định 5 năm sẽ rà soát, đánh giá lại GDP của vùng và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để đảm bảo tính thống nhất cũng như là đồng bộ hóa. Qua đó đã tạo cơ sở để các tỉnh, thành phố có căn cứ chính xác để xây dựng các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong kế hoạch 5 năm tiếp theo.
Đồng quan điểm về sự cần thiết ban hành Luật, đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Như So cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung Luật Thống kê là hoàn toàn phù hợp với định hướng phát triển trong giai đoạn mới. Đặc biệt là trong bối cảnh trải qua đợt dịch COVID-19 vừa qua cho thấy rõ hơn vai trò quan trọng của thống kê trong định hướng chống dịch cũng như công tác hỗ trợ sau dịch tại các địa phương.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa Bùi Mạnh Khoa bày tỏ tán thành với sự cần thiết, tên gọi và phạm vi sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê như đã được nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Dự thảo Luật nhằm cập nhật, cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, phản ánh đầy đủ tình hình kinh tế - xã hội mới của đất nước, phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cơ quan Đảng, Nhà nước và sửa đổi, bổ sung một số nội dung quan trọng của Luật Thống kê hiện hành để làm rõ quy trình biên soạn các chỉ tiêu thống kê quốc gia, bảo đảm sự thống nhất về số liệu, thông tin thống kê giữa cơ quan thống kê trung ương và cơ quan thống kê cấp tỉnh tại thời điểm này là phù hợp.
Đại biểu Bùi Mạnh Khoa đóng góp ý kiến về một số nội dung cụ thể liên quan đến sự thống nhất về số liệu giữa thống kê Tổng cục Thống kê và thống kê các bộ, ngành; về phụ lục danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia ban hành kèm theo Luật Thống kê; các chỉ tiêu phản ánh thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng Lâm Văn Đoan cho rằng đóng góp của ngành thống kê, trong đó có Tổng cục Thống kê trong nhiều năm qua là rất đáng trân trọng, góp phần quan trọng vào việc hoạch định chính sách của các địa phương, của quốc gia và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Nhiều ý kiến xác đáng về dự án luật đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Kinh tế và các cơ quan Quốc hội nêu trong quá trình thẩm tra, cho ý kiến về dự án luật này, đã được Chính phủ giải trình, Đại biểu cho rằng đây là những vấn đề lớn, phức tạp và đòi hỏi phải có quá trình tổng kết, đánh giá kỹ Luật Thống kê năm 2015 và tham khảo kinh nghiệm quốc tế nên sẽ được nghiên cứu khi sửa đổi toàn diện Luật Thống kê trong thời gian sắp tới.
Đảm bảo tính khả thi, minh bạch, thống nhất trong biên soạn công bố GDP và RGDP
Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang Lý Thị Lan cho rằng, để có số liệu thông tin thống kê phục vụ kịp thời cho công tác chỉ đạo, điều hành, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định sửa đổi, bổ sung ba nội dung lớn nhằm làm rõ quy trình biên soạn các chỉ tiêu thống kê quốc gia không ảnh hưởng tác động đến các nội dung trong các điều khoản khác của Luật Thống kê hiện hành.
Đồng thời bày tỏ nhất trí cao với sự cần thiết phải xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê. Việc thông qua dự Luật lần này là cơ sở đảm bảo cho việc thu thập, cung cấp thông tin thống kê chính xác, khách quan, kịp thời, phản ánh đúng, đầy đủ tình hình kinh tế - xã hội của đất nước giai đoạn 2021-2030. Đồng thời, tạo cơ sở pháp lý để xây dựng hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã. Đây là công cụ quan trọng trong việc cung cấp thông tin thống kê phục vụ quản lý, điều hành của các cấp chính quyền địa phương.
Đối với việc sửa đổi, bổ sung khoản 6 Điều 17 theo hướng giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương trình Chính phủ ban hành quy trình biên soạn, chỉ tiêu thống kê tổng sản phẩm trong nước, chỉ tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là việc cần thiết vì đây là cơ sở pháp lý quan trọng, tăng cường hiệu quả trong việc thu thập, tổng hợp, biên soạn các chỉ tiêu thống kê, đảm bảo tính khả thi, minh bạch, thống nhất trong biên soạn công bố GDP và RGDP. Tuy nhiên, để đảm bảo luật đi vào thực tiễn, đề nghị Chính phủ ngay sau khi luật được thông qua thì cần khẩn trương ban hành Nghị định điều chỉnh quy trình biên soạn GDP và RGDP.
Về phụ lục, danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia ban hành kèm theo Luật này với 20 nhóm với 222 chỉ tiêu đã cập nhật phản ánh, đánh giá một số chính sách pháp luật, mục tiêu đường lối đổi mới trong thời gian gần đây như Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030. Ngoài ra, danh mục chỉ tiêu đã cập nhật quy định các chỉ tiêu thống kê, phản ánh quan hệ hội nhập quốc tế, các chỉ tiêu thống kê về bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu, logistics, các chỉ tiêu thống kê phản ánh liên kết vùng và nhóm yếu thế.
Đồng quan điểm với đại biểu Lý Thị Lan, đại biểu tỉnh Thanh Hóa Cầm Thị Mẫn cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung khoản 6 Điều 17 theo theo hướng giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương trình Chính phủ ban hành nội dung chỉ tiêu thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia và quy trình biên soạn chỉ tiêu tổng sản phẩm trong nước GDP, chỉ tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương GRDP, hướng dẫn, kiểm tra tình hình và báo cáo kết quả thực hiện hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia. Nội dung này là rất cần thiết, là cơ sở pháp lý để xây dựng mục tiêu, chỉ tiêu thống kê quốc gia, biên soạn các chỉ tiêu thống kê, đảm bảo tính khả thi, minh bạch trong công tác biên soạn và công bố GDP.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình Nguyễn Văn Huy cũng bày tỏ thống nhất với việc quan tâm đến việc tính toán, đánh giá và công bố chỉ tiêu tăng trưởng GRDP của các địa phương nằm trong tổng thể chung để bảo đảm không quay trở lại tình trạng khập khiễng như trước đây. Điều này phục vụ rất đắc lực cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các địa phương và qua đó thì góp phần hoàn thiện bộ chỉ số và kết quả thống kê quốc gia.
Dữ liệu thống kê ngày càng có ý nghĩa và vai trò đặc biệt quan trọng
Đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang Ma Thị Thúy tán thành với sự cần thiết phải xây dựng luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê. Đây là công cụ quan trọng cung cấp thông tin, thống kê phục vụ quản lý, điều hành của các cấp chính quyền ở địa phương.
Đại biểu tham gia đóng góp một số các nội dung tại Điều 2, ban hành kèm theo luật này phụ lục danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia thay thế phụ lục danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia; về một nhóm chỉ tiêu liên quan đến đất đai dân số, tỷ lệ đô thị hóa, lao động việc làm và bình đẳng giới, tiền tệ, bảo hiểm và chứng khoán, giáo dục, mức sống dân cư…
Theo đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh Trần Anh Tuấn, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê được xây dựng nhằm cung cấp thông tin thống kê chính xác, khách quan, kịp thời, phản ánh đầy đủ, đúng tình hình kinh tế - xã hội của đất nước, giúp phân tích, hoạch định và điều hành chính sách vĩ mô một cách hiệu quả hơn, đảm bảo yêu cầu của hội nhập, có so sánh yếu tố quốc tế.
Đại biểu cũng đề cập đến tính kịp thời, tính liên tục và các chỉ tiêu thống kê. Danh mục chỉ tiêu thống kê cũng đã cập nhật, phản ánh, đánh giá, dự báo và đo lường thực trạng phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế bao trùm, đã cập nhật các quy định về chỉ tiêu thống kê, bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu, các chỉ tiêu thống kê phản ánh liên kết vùng, nhóm yếu thế cũng đã cập nhật. Quy định về chỉ tiêu thống kê phản ánh hội nhập quốc tế phù hợp với những cam kết của Việt Nam. Tuy nhiên, danh mục chỉ tiêu thống kê ban hành kèm theo Dự thảo cần bổ sung cụ thể hơn về các chỉ tiêu phản ánh chất lượng, hiệu quả đầu tư xã hội, các hệ số mang tính lan tỏa, mức độ liên kết, đảm bảo phản ánh quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng trên nền tảng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.
Theo đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình Nguyễn Văn Huy, đối với các lĩnh vực kinh tế mới, chưa có tiền lệ, mới hình thành trong thời gian gần đây như là kinh tế số, kinh tế sáng tạo, lĩnh vực logistics thì việc sửa đổi sẽ bảo đảm kịp thời cung cấp thông tin sát với tình hình phát triển của đất nước, phản ánh được việc thực hiện cam kết quốc tế của Việt Nam trong thời kỳ mới và cùng với đó thì bảo đảm số liệu thông tin thống kê phục vụ kịp thời cho công tác lãnh đạo, điều hành.
Đại biểu Vũ Hải Quân cho rằng, hơn lúc nào hết trong bối cảnh thay đổi nhanh chóng do tác động của khoa học công nghệ, dữ liệu thống kê ngày càng có ý nghĩa và vai trò đặc biệt quan trọng trong việc xây dựng và hoạch định chính sách, dự báo và hỗ trợ ra quyết định. Dịch bệnh COVID-19 vừa qua là một minh chứng Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã xác định đột phá về nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, về đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, công nghệ, về đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số, xã hội số.
Để thực hiện được các mục tiêu đề ra, Đại biểu đề nghị nên cụ thể hóa, công khai hóa các quy trình, tiêu chuẩn, điều kiện thu thập dữ liệu, thống kê phương pháp làm thống kê để đảm bảo tính chính xác, đầy đủ của các dữ liệu này; cần đặc biệt quan tâm đến việc phân cấp, phân quyền, đẩy mạnh hợp tác công tư để thực hiện tốt công tác thống kê.
|
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: Quochoi.vn |
Tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Đồng thời khẳng định, trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Ban Soạn thảo sẽ tiếp thu đầy đủ, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để rà soát và hoàn thiện dự án Luật một cách tốt nhất.
Phát biểu kết thúc phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, qua thảo luận, đa số ý kiến thống nhất phạm vi sửa đổi, tên gọi của luật như Chính phủ trình. Tuy nhiên, còn một số ý kiến đề nghị sửa đổi toàn diện luật trên cơ sở nền tảng kinh tế số, quản lý dữ liệu số và công nghệ thông tin; cụ thể hơn thẩm quyền, quy trình tính toán, đánh giá, công bố GDP, thời gian, thời điểm tính rà soát và đánh giá lại GDP, làm rõ quy trình tính đoán, thống nhất công bố GRDP. Một số ý kiến đóng góp ý cụ thể về các chỉ tiêu trong Phụ lục Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia như bổ sung, sửa đổi tên, nội dung một số chỉ tiêu thống kê, bổ sung thêm nhóm, phân loại một số nhóm, chia tách một số nhóm các chỉ tiêu thống kê.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ các ý kiến để xây dựng báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội, hoàn chỉnh Dự án Luật trình Quốc hội xem xét để thông qua./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư