(MPI) – Tiếp tục Chương trình làm việc của kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV, chiều ngày 29/10/2021, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đã trình bày Báo cáo thẩm tra về dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.
|
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanhtrình bày Báo cáo thẩm tra về dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025. Ảnh: quochoi.vn |
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Kinh tế nhất trí với nội dung Tờ trình và đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong việc chỉ đạo, điều hành triển khai thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 theo Nghị quyết số 24/2016/QH14 ngày 08/11/2016 của Quốc hội đã đạt được nhiều kết quả tích cực, quan trọng: hoàn thành 17/22 mục tiêu, đạt 77,3% tổng số mục tiêu đề ra tại Kế hoạch, trong đó có 05 mục tiêu quan trọng hoàn thành vượt xa so với mục tiêu đề ra; chất lượng tăng trưởng được nâng lên, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, năng suất lao động được cải thiện, huy động vốn đầu tư phát triển tăng; quản lý nợ xấu, nợ công có nhiều tiến bộ, hiệu quả sử dụng vốn được cải thiện; thể chế luật pháp, kinh tế, môi trường đầu tư, kinh doanh, xếp hạng năng lực cạnh tranh được cải thiện đáng kể. Quy mô, tiềm lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế được tăng lên rõ rệt, từ đó tạo tiền đề thuận lợi cho những đổi mới và đột phá trong tăng trưởng kinh tế ở giai đoạn tiếp theo.
Việc không hoàn thành 05/22 mục tiêu, chiếm 22,7% tổng số mục tiêu đề ra tại Kế hoạch cần phải được đánh giá làm rõ nguyên nhân, bởi đây đều là những mục tiêu quan trọng liên quan đến khu vực công như cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, cơ cấu lại đầu tư công, phát triển doanh nghiệp và đào tạo lao động.
Việc thực hiện nhiệm vụ cơ cấu lại ba trọng tâm không hoàn thành mục tiêu đặt ra tại Nghị quyết số 24/2016/QH14 là “Hoàn thành cơ cấu lại ba trọng tâm trước năm 2019 để tập trung nguồn lực triển khai cơ cấu lại các lĩnh vực khác”. Cơ cấu lại đầu tư công chưa đáp ứng yêu cầu, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chậm, hiệu quả đầu tư công chưa cao, chưa phát huy được vai trò dẫn dắt của đầu tư công. Cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, nhất là các ngân hàng thương mại yếu kém còn chậm, chi phí vốn còn cao. Sắp xếp lại, cổ phần hoá, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước (DNNN) tiến độ còn chậm, đạt tỷ lệ thấp so với Kế hoạch, chỉ mới tập trung vào việc sắp xếp, thu gọn số lượng; hiệu quả hoạt động của DNNN chưa tương xứng với nguồn lực được giao…
Kinh tế tư nhân chưa đáp ứng được vai trò là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Việc ban hành và triển khai các quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia theo quy định tại Luật Quy hoạch còn chậm; thể chế liên kết vùng chưa đầy đủ, triển khai không hiệu quả. Thiếu cân đối trong phát triển hạ tầng, đặc biệt là giao thông; kết nối còn hạn chế là nguyên nhân quan trọng làm gia tăng chi phí vận tải logistics. Cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng còn chậm, chưa hiệu quả. Cơ cấu, năng lực thị trường vốn còn hạn chế, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế còn thấp. Hiệu quả, tính bền vững và khả năng thích ứng của nền kinh tế chưa cao, chưa tận dụng được cơ hội chuyển đổi sang các mô hình kinh tế mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Ủy ban Kinh tế đề nghị tiếp tục nghiên cứu, đánh giá, làm rõ một số nội dung cụ thể về tác động của dịch COVID-19 năm cuối nhiệm kỳ ảnh hưởng đến tiến độ, khả năng thực hiện và hoàn thành các mục tiêu đã đề ra tại các phương án, đề án cơ cấu lại các TCTD, nhất là các ngân hàng được mua bắt buộc, được kiểm soát đặc biệt. Kết quả khắc phục tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công; đầu tư dàn trải, manh mún, nợ đọng xây dựng cơ bản, tham nhũng, lãng phí.
Thể chế điều phối phát triển kinh tế theo vùng, sự phối hợp giữa các địa phương trong ban hành và thực hiện chính sách thu hút xúc tiến đầu tư, ưu tiên các ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế cạnh tranh. Kết quả của việc khuyến khích và tạo điều kiện tích tụ đất nông nghiệp, thiết lập khung pháp lý cho thị trường sơ cấp, thứ cấp về quyền sử dụng đất, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, phát triển mô hình hợp tác xã kiểu mới...
|
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: quochoi.vn |
Về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, đa số ý kiến cho rằng việc xây dựng Kế hoạch là cần thiết nhằm khắc phục những hạn chế, yếu kém của giai đoạn trước, đồng thời đưa các nội dung cơ cấu lại nền kinh tế trong giai đoạn 2021-2025 đi vào thực chất, hiệu quả hơn.
Ủy ban Kinh tế đề nghị nghiên cứu, bổ sung trong mục tiêu tổng quát một số nội dung: Phát triển đô thị, kinh tế đô thị; kinh tế đô thị là trụ cột của nền kinh tế quốc dân, khai thác tối đa lợi thế của đô thị để phát triển kinh tế đô thị, tăng cường khả năng cạnh tranh kinh tế của hệ thống các đô thị; chú trọng mở rộng không gian phát triển kinh tế đô thị theo vùng, phát huy lợi thế kết nối đa chiều; thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù, xây dựng các mô hình mới để tạo đột phá trong phát triển kinh tế đô thị; Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, thích ứng với biến động của kinh tế thế giới, chủ động hội nhập quốc tế, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế; khai thác triệt để những lợi thế từ các FTA thế hệ mới để thúc đẩy cải cách kinh tế trong nước, huy động, phân bổ và sử dụng các nguồn lực hiệu quả; Bảo đảm tăng trưởng xanh để gắn kết tăng trưởng kinh tế với chú trọng bảo vệ môi trường và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.
Về mục tiêu, chỉ tiêu, Ủy ban Kinh tế đề nghị nghiên cứu một số nội dung: Đối với 05 mục tiêu không đạt được theo Kế hoạch cần đặt thời hạn sớm hoàn thành các mục tiêu này phù hợp với bối cảnh và điều kiện thực hiện của giai đoạn 2021-2025; Cân nhắc điều chỉnh một số mục tiêu, chỉ tiêu do tác động của dịch COVID-19 dẫn tới khó khả thi như mục tiêu về số lượng doanh nghiệp; đồng thời nghiên cứu đề xuất chỉ tiêu, mục tiêu về chất lượng doanh nghiệp, nhất là việc đánh giá đóng góp của doanh nghiệp vào GDP theo Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Nghiên cứu, bổ sung làm rõ nội hàm, các yếu tố cấu thành kinh tế số, làm cơ sở để xác định mục tiêu “Kinh tế số chiếm 20% GDP, tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%”. Đây là một nội dung mới nên cần phải được cụ thể hóa đối với từng ngành, lĩnh vực nhằm bảo đảm tính khả thi trong triển khai thực hiện.
Nghiên cứu, bổ sung một số mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể về đơn vị sự nghiệp công lập, cơ cấu lại ngân sách nhà nước, cơ cấu lại đầu tư công, phát triển thị trường lao động, cơ cấu lại ngành nông nghiệp.
Về nhiệm vụ, giải pháp cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, về cơ bản, Ủy ban Kinh tế nhất trí với 05 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện các mục tiêu đề ra tại Kế hoạch trên cơ sở tiếp tục các nhiệm vụ cơ cấu lại từ giai đoạn trước, đồng thời tách một số nội dung thành nhiệm vụ riêng để cho thấy rõ nét trọng tâm, trọng điểm và điểm mới.
Sau khi nghe báo cáo của Ủy ban Kinh tế, các đại biểu thảo Quốc hội thảo luận tại Tổ để cho ý kiến về các nội dung: sự cần thiết ban hành Kế hoạch; Quan điểm và mục tiêu tổng quát; mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể; Nhiệm vụ, giải pháp cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025; Danh mục các chương trình, đề án trong Kế hoạch; Nguồn lực và phương thức huy động, tổ chức thực hiện và các vấn đề khác trong Kế hoạch mà đại biểu Quốc hội quan tâm./.
Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư