Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 29/10/2021-10:12:00 AM
Hội thảo Cải cách hướng tới phát triển bền vững và hội nhập kinh tế quốc tế: Trọng tâm và lộ trình đến năm 2025
(MPI) - Với sự hỗ trợ của Chương trình Ốt-xtrây-li-a hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform), ngày 29/10/2021, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội thảo Cải cách hướng tới phát triển bền vững và hội nhập kinh tế quốc tế: Trọng tâm và lộ trình đến năm 2025 nhằm nhìn nhận yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập kinh tế quốc tế; xác định những nội dung, vấn đề cải cách cần ưu tiên ở Việt Nam trong giai đoạn 2021-2025.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Trần Thị Hồng Minh
phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Minh Trang (MPI)

Phát biểu tại Hội thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, bà Trần Thị Hồng Minh cho biết, diễn biến dịch Covid-19 khiến Chính phủ và những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề phải duy trì các biện pháp giãn cách xã hội và hạn chế đi lại. Nhiều rủi ro ảnh hưởng đến đà phục hồi tăng trưởng kinh tế được nhìn nhận, trong đó bao gồm cạnh tranh địa chính trị, căng thẳng thương mại và những rủi ro liên quan đến ổn định kinh tế vĩ mô. Chính phủ vẫn ưu tiên bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và ổn định xã hội. Một mặt, Chính phủ đã chủ động cân nhắc, tham vấn cộng đồng doanh nghiệp để có những quyết sách, nỗ lực giữ đà cải cách thể chế kinh tế ngay cả trong giai đoạn khó khăn. Mặt khác, Chính phủ đã hiện thực hóa nhiều biện pháp thuế, tín dụng, trợ cấp cho người lao động, … để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, trên tinh thần đơn giản hóa điều kiện và rút ngắn thời gian tiếp cận để các nhóm này giảm bớt khó khăn do dịch bệnh. Sự quyết liệt với cải cách của Việt Nam cũng được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.

Ảnh: Minh Trang (MPI)

Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn phải đối mặt với những khó khăn, thách thức. Ở bên ngoài, các thị trường xuất khẩu sử dụng các biện pháp kỹ thuật nhằm hạn chế hàng hóa nhập khẩu, trong đó có hàng hóa Việt Nam. Rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng cũng làm tăng chi phí đáng kể cho doanh nghiệp xuất khẩu cũng như doanh nghiệp hoạt động thương mại trong nước …

Cải cách thể chế kinh tế, đặc biệt là về chính sách cạnh tranh, môi trường kinh doanh, … đã góp phần đáng kể vào việc củng cố niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong những năm qua. Dù có nhiều nỗ lực cải thiện, công tác điều hành và chất lượng các văn bản chính sách hỗ trợ nền kinh tế, người dân và doanh nghiệp vẫn còn hạn chế, bất cập. Một số biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế như miễn, giảm, giãn, hoãn thuế, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí, … chưa đủ sức nặng cần thiết để hỗ trợ doanh nghiệp.

Hội thảo đã thảo luận những vấn đề, trọng tâm ưu tiên cải cách ở Việt Nam trong giai đoạn 2021-2025, trong đó nhấn mạnh tới duy trì cải cách trong quá trình phục hồi và yêu cầu đặt ra là cải cách song song thay vì cải cách sau khi đã phục hồi kinh tế; huy động và sử dụng nguồn lực, đặc biệt là hiệu quả sử dụng nguồn lực; không gian cho các hoạt động kinh tế mới một cách bền vững; những yêu cầu thực hiện hội nhập kinh tế quốc tế hiệu quả, tạo động lực cho cải cách thể chế, tận dụng ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; nâng cao năng lực nội tại của nền kinh tế, trong đó quan tâm nhiều hơn đến khu vực kinh tế tư nhân, hay tư duy về tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế./.

Minh Hậu
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 803
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)