(MPI) – Ngày 29/10/2021, Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ủy ban Kinh tế - Xã hội Châu Á và Thái Bình Dương đã cùng phối hợp tổ chức Hội thảo trực tuyến tham vấn kỹ thuật xây dựng khung theo dõi và đánh giá chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa do nữ làm chủ và nữ doanh nhân tại Việt Nam.
|
Các đại biểu tham dự Hội thảo tại điểm cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ảnh: MPI |
Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ triển khai dự án “Thúc đẩy phát triển doanh nhân nữ: Kiến tạo hệ sinh thái kinh doanh đáp ứng giới (CWE)” trong giai đoạn 2020-2023”, với mục tiêu thúc đẩy phát triển doanh nhân nữ, do Chính phủ Ca-na-đa tài trợ, thông qua Ủy ban Kinh tế Xã hội châu Á Thái Bình Dương Liên hợp Quốc (UN-ESCAP) phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Cục Phát triển doanh nghiệp) thực hiện.
Tham dự Hội thảo có đại diện Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; hiệp hội doanh nghiệp; bộ, ngành Trung ương; sở, ban, ngành địa phương; chuyên gia giám sát và đánh giá từ các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển nữ doanh nhân; …
Trong bối cảnh COVID-19 đang diễn biến còn rất phức tạp trên thế giới và doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam, trong đó 25% là doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ đang chịu nhiều tác động, gặp nhiều khó khăn thách thức. Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được Quốc hội phê chuẩn và có hiệu lực từ ngày 12/6/2017 đã tạo khung pháp lý bao trùm, gồm các nguyên tắc, nội dung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, gồm có 02 nhóm nội dung hỗ trợ đó là nhóm chính sách hỗ trợ chung và nhóm chính sách hỗ trọng tâm, có 12 nội dung hỗ trợ cụ thể là hỗ trợ tiếp cận tín dụng; bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa; hỗ trợ thuế, kế toán; hỗ trợ mặt bằng sản xuất; hỗ trợ mở rộng thị trường; hỗ trợ thông tin, tư vấn và pháp lý; hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo; đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị; Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp Bùi Thu Thủy cho biết, chính sách hiện nay hỗ trợ cho doanh nghiệp doanh nhân nữ đã có, tuy nhiên trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện cũng như đánh giá kết quả triển khai thực hiện các hỗ trợ này còn nhiều hạn chế, trong đó có hạn chế là chưa có khung đánh giá giám sát, những công cụ khoa học để có thể đánh giá được các nội dung hỗ trợ. Việt Nam cần có một khung theo dõi và đánh giá chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa do nữ làm chủ và nữ doanh nhân phù hợp và có tính khoa học để có thể thu thập số liệu, cung cấp đầu vào cho Báo cáo Chính phủ, Quốc hội để có cơ sở đánh giá bài bản, toàn diện nhằm điều chỉnh chính sách và sửa đổi chính sách đáp ứng tốt hơn những yêu cầu, những khía cạnh về giới…
Tại Hội thảo, chuyên gia quốc tế về Giám sát và Đánh giá của Ủy ban Kinh tế - Xã hội Châu Á và Thái Bình Dương ông Muaz Jalil đã có bài trình bày về Lý thuyết Thay đổi và Quản lý dựa vào Kết quả đối với Hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa do nữ làm chủ. Qua đó, giới thiệu Khung Theo dõi và Đánh giá; Phương pháp Theo dõi và Đánh giá Kết quả hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa do nữ làm chủ; Xác định Bộ Chỉ số Theo dõi và Đánh giá Kết quả phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa do nữ làm chủ và doanh nhân nữ tại Việt Nam.
Các đại biểu tham dự Hội thảo đã cùng đóng góp ý kiến để hoàn thiện Khung Theo dõi và Đánh giá Kết quả; hoàn thiện bộ chỉ số đánh giá kết quả hoạt động hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa do nữ làm chủ; xác định mạng lưới, vai trò và sự tham gia của các tổ chức trong việc tham gia thu thập dữ liệu theo dõi, đánh giá kết quả hoạt động hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa do nữ làm chủ (bao gồm cả tổng hợp báo cáo của cơ quan, tổ chức được giao trách nhiệm tại Luật; và cả đánh giá độc lập) để đánh giá kết quả triển khai các dự án hỗ trợ, chính sách doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ tại Việt Nam./.
Minh Hậu
Bộ Kế hoạch và Đầu tư