(MPI) – Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có Báo cáo số 7518/BC-BKHĐT gửi Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội về tình hình giải ngân vốn đầu tư công 10 tháng đầu năm 2021 và các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.
|
Ảnh minh họa. Nguồn: MPI |
Thúc đẩy giải ngân vốn trong những tháng cuối năm
Cụ thể, về tình hình phân bổ, giao chi tiết kế hoạch cho các dự án, sau khi thực hiện điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2021 giữa các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương theo phương án Chính phủ đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, về cơ bản, các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương sẽ phân bổ hết số vốn Ngân sách Trung ương trong nước được bổ sung. Tuy nhiên, đến nay còn 04 bộ và 18 địa phương chưa phân bổ hết số vốn nước ngoài nguồn ngân sách Trung ương được giao. Đối với vốn ngân sách địa phương, còn 13 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao. Nguyên nhân là do nguồn thu giảm, một số dự án dự kiến bố trí từ nguồn thu xổ số kiến thiết nhưng chưa đủ thủ tục đầu tư và cũng không thể điều chỉnh nguồn thu này cho dự án khác.
Về tình hình giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước 10 tháng đầu năm 2021, theo báo cáo của Bộ Tài chính, dự kiến giải ngân đến ngày 31/10/2021 là 257.387,17 tỷ đồng đạt 55,8% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó, vốn trong nước đạt 60,89%, vốn nước ngoài đạt 15,29%. Có 07 bộ và 20 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 65%. Tuy nhiên, có 32/50 bộ, cơ quan Trung ương và 21/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 50%, trong đó có 20 bộ và 04 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 30% và 02 cơ quan Trung ương chưa giải ngân kế hoạch vốn…
Theo đó, để phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân cao nhất vốn đầu tư công năm 2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương tập trung chỉ đạo tổ chức thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, hiệu quả các Nghị quyết của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Phát huy vai trò người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp công tác giải ngân vốn. Đây là yếu tố quyết định đến kết quả giải ngân của dự án.
Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư và Tổ công tác đặc biệt về giải ngân đầu tư công tại các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương tăng cường nắm tình hình, bám sát thực tiễn, đẩy mạnh công tác giám sát, kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo xử lý kịp thời các khó khăn vướng mắc, bất cập trong thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.
Tháo gỡ khó khăn về thể chế, cơ chế, chính sách cho đầu tư công
Triển khai Nghị quyết số 94/NQ-CP ngày 20/8/2021 của Chính phủ, các bộ, cơ quan Trung ương đang khẩn trương triển khai xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung 10 Luật nhằm giải quyết dứt điểm những mâu thuẫn còn tồn tại giữa các luật, bảo đảm sự thống nhất, khắc phục những vướng mắc trong thực hiện; cắt bỏ, những thủ tục hành chính không cần thiết nhằm giảm chi phí, thủ tục cho doanh nghiệp.
Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ đã giao các bộ, cơ quan Trung ương tiếp tục rà soát các quy định pháp luật liên quan đến các thủ tục về đầu tư công, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công còn bất cập để kịp thời sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định, nhất là các quy định về xây dựng, đất đai, tài nguyên. Tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, cơ quan, địa phương, chuẩn bị kỹ nội dung và thực hiện đúng quy trình, thủ tục trong việc sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật.
Cụ thể, về sửa đổi Nghị định số 56/2020/NĐ-CP, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương tiếp thu ý kiến, hoàn thiện trình Chính phủ sửa đổi Nghị định số 56/2020/NĐ-CP của Chính phủ.
Các bộ, cơ quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao nghiên cứu, sửa đổi quy định tại Nghị định số 15/2021/NĐ-CP theo hướng đẩy mạnh phân cấp thẩm quyền thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi và các nội dung khác trong quá trình thực hiện đầu tư dự án cho các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương. Trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi bổ sung một số điểm của Nghị định số 40/2020/NĐ-CP, Nghị định số 73/2019/NĐ-CP, Nghị định số 152/2020/NĐ-CP, Nghị định số 10/2021/NĐ-CP bảo đảm thống nhất, tháo gỡ kịp thời khó khăn trong thực hiện dự án đầu tư công. Rà soát, hoàn thiện theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền sửa đổi quy định pháp luật, cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính về xây dựng, tài nguyên, đất đai, quản lý, cấp phép khai thác đối với nguyên vật liệu đầu vào phục vụ cho các dự án đầu tư công, bảo đảm công khai, minh bạch, kịp thời.
Bên cạnh đó, thực hiện các biện pháp kiểm soát giá và chất lượng nguyên, vật liệu xây dựng phục vụ cho các dự án đầu tư công; tăng cường kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các vi phạm. Kịp thời cập nhật, điều chỉnh công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số xây dựng làm cơ sở điều chỉnh gói thầu, tổng mức đầu tư dự án theo quy định…
Dự kiến trong thời gian tới cần tiếp tục triển khai các nhiệm vụ được giao về xây dựng chính sách tháo gỡ khó khăn giải ngân vốn đầu tư công tại Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 29/6/2021 của Chính phủ về giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cuối 2021, đầu 2022, Công điện số 1082/CĐ-TTg ngày 16/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021, Thông báo số 262/TB-VPCP ngày 05/10/2021 về đẩy mạnh giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021, Công điện số 7776/CĐ-TTg-VPCP ngày 25/10/2021 của Văn phòng Chính phủ về đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công./.
Minh Trang
Bộ Kế hoạch và Đầu tư