(MPI) – Phát biểu tại Hội nghị Đối thoại tháo gỡ khó khăn đối với các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn ra ngày 06/11/2021, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, trong thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục tham mưu cấp có thẩm quyền các giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ các khó khăn vướng, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.
Đối thoại do UBND thành phố Hà Nội tổ chức với sự tham dự của đại diện một số bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo thành phố Hà Nội; các sở, ngành Thành phố; các hiệp hội doanh nghiệp, ngành nghề, doanh nghiệp trong nước đang hoạt động trên địa bàn.
Doanh nghiệp và người dân là trung tâm phục vụ
|
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: MPI |
Phát biểu khai mạc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng ghi nhận và trân trọng cảm ơn các doanh nghiệp, doanh nhân và các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đã luôn ủng hộ, chia sẻ và đồng hành cùng Thành phố trong công tác phòng, chống dịch bệnh.
Quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phát triển doanh nghiệp, Thành phố luôn xác định doanh nghiệp là lực lượng nòng cốt, tiên phong trong phát triển kinh tế, là lực lượng quan trọng để thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố đã đề ra; được Nhà nước bảo vệ quyền sở hữu tài sản hợp pháp và quyền tự do kinh doanh theo Hiến pháp và pháp luật; được đảm bảo quyền bình đẳng cho tất cả các doanh nghiệp, không phân biệt loại hình, thành phần kinh tế trong cơ hội tiếp cận các nguồn lực như vốn, tài nguyên, đất đai… và đầu tư kinh doanh.
Với phương châm lấy doanh nghiệp và người dân là trung tâm phục vụ; Thành phố đã và đang tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, giải quyết các điểm nghẽn, bất cập về cơ chế chính sách, thủ tục hành chính để thúc đẩy doanh nghiệp phát triển nhanh và bền vững.
Những nỗ lực của Thành phố Hà Nội trong thời gian qua, được xã hội, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân đồng tình, ủng hộ và đánh giá cao; tuy nhiên, cũng thẳng thắn nhìn nhận, đại dịch Covid 19 đã ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt đời sống, kinh tế, xã hội của Thủ đô.
Đồng hành và chia sẻ trước những khó khăn của doanh nghiệp với phương châm sức khỏe của doanh nghiệp là sức khỏe của nền kinh tế; chính quyền Thành phố đã và đang nỗ lực hết mình, thực hiện đồng bộ các biện pháp để kiểm soát dịch bệnh sớm nhất và nhanh nhất; tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn để duy trì và phục hồi sản xuất kinh doanh, giảm thiểu tác động tiêu cực từ đại dịch Covid 19.
Thành phố mong muốn và tin tưởng rằng, cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục phát huy tinh thần sáng tạo, vượt khó để sớm khôi phục và phát triển sản xuất kinh doanh, tiếp tục đóng góp nguồn lực quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng. Thành phố cũng đề nghị các doanh nghiệp tiếp tục nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật, tuân thủ nghiêm túc và đầy đủ các quy định của pháp luật về đầu tư kinh doanh và các nghĩa vụ đối với Nhà nước; Thực hiện liêm chính trong kinh doanh, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, đạo đức doanh nhân và trách nhiệm của doanh nghiệp đối với xã hội, đối với cộng đồng; Thực hiện phát triển doanh nghiệp đi đôi với bảo vệ môi trường và giữ gìn lịch sử, bản sắc văn hóa và con người Việt Nam.
Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh, xác định ngoại lực đến từ các nhà đầu tư nước ngoài là nhân tố quan trọng, nội lực đến từ các doanh nghiệp trong nước là nhân tố quyết định đến sự phát triển bền vững, tính tự chủ của nền kinh tế. Đồng thời bày tỏ tin tưởng rằng, với quyết tâm chính trị cao của chính quyền các cấp, sự đồng lòng, ủng hộ của nhân dân; cùng ý chí tự lực, tự cường; tinh thần yêu nước và khát vọng vươn lên của doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam, chúng ta sẽ sớm vượt qua đại dịch Covid 19, phục hồi mạnh mẽ các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng.
|
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: MPI |
Thực hiện các giải pháp khôi phục và phát triển kinh tế một cách thực chất hơn và hiệu quả hơn
Tại Đối thoại, đại diện các Hiệp hội doanh nghiệp, các doanh nghiệp đã chia sẻ khó khăn, vướng mắc và đề xuất những kiến nghị, sáng kiến, kinh nghiệm để Thành phố có giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển. Các kiến nghị, đề xuất từ phía doanh nghiệp, các Hiệp hội cũng sẽ là cơ sở quan trọng để Thành phố thực hiện các giải pháp khôi phục và phát triển kinh tế một cách thực chất hơn và hiệu quả hơn, xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, an toàn và lành mạnh cho cộng đồng doanh nghiệp và các nhà đầu tư kinh doanh trên địa bàn Thủ đô.
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội Mạc Quốc Anh cho biết, mặc dù các doanh nghiệp nhỏ và vừa Thành phố luôn nhận được sự đồng hành, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất của Chính phủ và Thành phố trong giai đoạn dịch bệnh. Tuy nhiên bối cảnh hiện nay, phần lớn các doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn và mong muốn Chính phủ, Thành phố tiếp tục có các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp. Theo đó, cần chủ động tổ chức đối thoại giữa lãnh đạo và cộng đồng doanh nghiệp; khảo sát, nắm bắt khó khăn, vướng mắc và đề xuất của doanh nghiệp; triển khai chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thành lập mới; triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ của đề án, chương trình, kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp theo từng lĩnh vực; nghiên cứu đề xuất cấp có thẩm quyền cho phép doanh nghiệp giãn, hoãn, giảm thực hiện nghĩa vụ thuế; tăng cường xúc tiến thương mại, có giải pháp mở rộng thị trường, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, đẩy mạnh xuất khẩu; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giảm các chi phí mặt hàng thiết yếu…
Theo Chủ tịch Hội doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố Hà Nội Lê Vĩnh Sơn, Thành phố cần nhanh chóng có ngay các giải pháp cụ thể hóa Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ về “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid 19; thu xếp, bố trí nguồn lực để hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, duy trì sản xuất thông qua các chính sách tài chính, tài khóa; đẩy nhanh hơn nữa tiến độ giải ngân các gói hỗ trợ cho các doanh nghiệp, các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Cần có những giải pháp quyết liệt hơn trong hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường xuất khẩu, tận dụng tối đa các cơ hội do các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới, chuyển đổi số và tận dụng cơ hội từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Tiếp tục tham mưu các giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh
|
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: MPI |
Phát biểu tại Đối thoại, Thứ trưởng Trần Duy Đông cho rằng, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid-19, doanh nghiệp sản xuất đình trệ nhưng kinh tế Thành phố tháng 10/2021 có dấu hiệu khởi sắc, các chỉ số xuất nhập khẩu, sản xuất công nghiệp tăng; số lượng doanh nghiệp thành lập mới trong tháng có giảm nhưng so với các địa phương trên cả nước thì quy mô và số lượng giảm ít hơn. Điều này thể hiện các doanh nghiệp vẫn tin tưởng vào môi trường đầu tư kinh doanh của thành phố Hà Nội với các giải pháp thích ứng, hiệu quả, tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.
Về kiến nghị của các doanh nghiệp liên quan đến tiếp tục đối thoại với doanh nghiệp và thực hiện khảo sát, đánh giá chính sách, Thứ trưởng Trần Duy Đông bày tỏ ủng hộ và cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu với Thủ tướng Chính phủ, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức các cuộc đối thoại; Bộ được giao chủ trì Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 và Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư tại các bộ, ngành và địa phương. Hiện nay, Bộ đã tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền về các vấn đề đầu tư công, sản xuất kinh doanh, PPP, ODA và các giải pháp về thể chế. Trong thời gian tới, Bộ tiếp tục tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp.
Về tích hợp các thủ tục kinh doanh và đầu tư, hiện nay có 5 thủ tục đã được tích hợp khi đăng ký doanh nghiệp như thủ tục kê khai thuế, cấp mã lao động tham gia bảo hiểm, cấp mã hóa đơn và các thủ tục khác sẽ tiếp tục được nghiên cứu, đặc biệt là các thủ tục về đầu tư kinh doanh để tháo gỡ khó khăn, rút ngắn thời gian cho doanh nghiệp.
Về vấn đề tiếp tục rà soát, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Thứ trưởng cho biết, nội dung này đang được triển khai và thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan để tham mưu cấp có thẩm quyền. Nghị quyết số 105/NQ-CP của Chính về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19 đã đưa ra 59 nhiệm vụ, giải pháp khác nhau và hiện nay, 90% các giải pháp cụ thể đã được ban hành.
Thứ trưởng bày tỏ thống nhất với chia sẻ, kiến nghị của doanh nghiệp trong vấn đề thực thi pháp luật, trong quá trình thực hiện các luật khác nhau còn có sự xung đột và hiện nay, Chính phủ đã thông qua Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung 10 luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh, xử lý nhanh những chồng chéo, mâu thuẫn, vướng mắc giữa các luật để tạo thuận lợi hơn cho đầu tư, sản xuất, kinh doanh.
Về chương trình chuyển đổi số, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg về chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Thực hiện Chương trình, Bộ Kế hoạch và Đầu tư triển khai Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 nhằm hỗ trợ thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp thông qua tích hợp, áp dụng công nghệ số để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực và lợi thế cạnh tranh, tạo ra các giá trị mới cho doanh nghiệp./.
Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư