(MPI) – Thực hiện chương trình kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, sáng ngày 12/11/2021, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng tiếp tục trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội về các nội dung liên quan đến việc hỗ trợ doanh nghiệp, việc xây dựng kịch bản để ứng phó với rủi ro, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, chương trình phục hồi kinh tế, công tác lập quy hoạch.
|
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trả lời chất vấn. Ảnh: Quochoi.vn |
Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Việt Nga về cách tiếp cận xây dựng các giải pháp phục hồi sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và khôi phục nền kinh tế, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, có 7 vấn đề. Thứ nhất là, sẽ tiếp cận theo diễn biến của tình hình dịch bệnh, tiến độ tiêm vắc-xin và khả năng cung ứng về thuốc điều trị khi chuyển sang trạng thái bình thường mới. Đó là thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19. Từ đó chủ động xây dựng các phương án và kịch bản để đối phó.
Thứ hai là, chính sách được xây dựng theo hướng mở để có thể điều chỉnh một cách linh hoạt, phù hợp với nhu cầu thực tế của các đối tượng mà cần hỗ trợ trong từng thời gian cụ thể.
Thứ ba là, vừa hỗ trợ để phục hồi nhanh trong ngắn hạn, nhưng vừa kết hợp lồng ghép với các chiến lược và các kế hoạch 5 năm trong dài hạn.
Thứ tư là, các chính sách phải bảo đảm các mục tiêu cao nhất đó là phải ổn định kinh tế vĩ mô. Đảm bảo được các cân đối lớn của nền kinh tế như an toàn tài chính quốc gia, hoạt động ổn định của các tổ chức tín dụng. Đồng thời bảo đảm các chỉ tiêu về nợ công, bội chi, lạm phát…
Thứ năm là, các chính sách này phải hướng tới tác động cả về phía cung và phía cầu, cả về kinh tế lẫn an sinh xã hội, lao động, việc làm và phải có trọng tâm, trọng điểm.
Thứ sáu là, phải phù hợp với khả năng huy động và trả nợ.
Thứ bảy là, phải có một nhóm nhiệm vụ, giải pháp để kiểm soát, giám sát chặt chẽ, đảm bảo hiệu quả và phải đạt được các mục tiêu đã đề ra trong chương trình. Đấy là cách tiếp cận và cũng là quan điểm nguyên tắc để xây dựng các giải pháp phục hồi trong chương trình này.
Tiếp tục tham mưu các chính sách cần thiết để hỗ trợ cho doanh nghiệp
Về vấn đề khó khăn đối với các doanh nghiệp nội trong giai đoạn hiện nay; các chính sách hỗ trợ khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa được đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai Trịnh Xuân An đặt ra, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, khó khăn của các doanh nghiệp hiện nay tập trung vào các vấn đề như tổng cầu và sản lượng, doanh thu đã giảm mạnh; khó khăn về dòng tiền vì không có sản xuất, phải dừng, giãn, hoãn thì chắc chắn là không có dòng tiền thì rất khó cho doanh nghiệp; chi phí đầu vào hiện nay, nhất là cả chi phí vận chuyển logisitcs, container hiện nay đang tăng rất cao; thiếu hụt nguyên liệu, vật tư, vật liệu đầu vào; chuỗi cung ứng, sản xuất tiêu dùng, xuất khẩu đã bị gián đoạn, lưu thông hàng hóa khó khăn; về các chuyên gia và lao động. Tuy nhiên, sau khi Nghị quyết 105/NQ-CP và Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ được ban hành, tinh thần của các doanh nghiệp đã tương đối tích cực, phấn khởi, các doanh nghiệp trên địa bàn cả nước đã bắt đầu mở cửa và tái sản xuất trở lại.
Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, các chính sách hỗ trợ cho những doanh nghiệp hướng đến doanh nghiệp khỏe, tức là đang có doanh thu, đang có lợi nhuận để được hưởng ưu đãi, hỗ trợ miễn thuế, giảm thuế, giãn thuế của Nhà nước. Nhưng những doanh nghiệp yếu, doanh nghiệp không có doanh thu chưa được quan tâm hỗ trợ. Đấy là hỗ trợ trực tiếp bằng các chính sách tài khóa, còn các chính sách chung đều đã có và hướng chung với cả các doanh nghiệp khác, kể cả doanh nghiệp khỏe với doanh nghiệp yếu. “Chúng tôi lưu ý vấn đề này để tham mưu cho Chính phủ có những chính sách cần thiết để hỗ trợ cho những doanh nghiệp hiện nay đang rất khó khăn, đang không có doanh thu và không có lợi nhuận để hưởng miễn giảm thuế của nhà nước, để tránh đổ vỡ của các doanh nghiệp này trong thời gian tới”, Bộ trưởng nói.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình Nguyễn Văn Thân hỏi suy nghĩ của Bộ trưởng về những quy định không còn phù hợp trong Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng như việc kéo dài thời hạn giảm 30% thuế thu nhập cho doanh nghiệp nhỏ và vừa đến năm 2023. Về câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa rất quan trọng nhưng mới ban hành, Chính phủ mới ban hành Nghị định số 80/NĐ-CP để hướng dẫn thực hiện các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp trong luật này. Hiện nay, các quy định liên quan đang được triển khai thực hiện, còn vấn đề gì cần triển khai để hỗ trợ doanh nghiệp thì Chính phủ chỉ đạo rà soát, nghiên cứu để bổ sung vào Nghị định 80/2021/NĐ-CP ngày 26/8/2021 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh
Về ý kiến của đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Đỗ Đức Hồng Hà liên quan đến môi trường đầu tư kinh doanh hiện nay, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, môi trường đầu tư kinh doanh đã có một bước tiến hết sức quan trọng, được cộng đồng quốc tế trong nước và quốc tế đánh giá rất cao và các thăng hạng, thang bậc của Việt Nam trên các bảng xếp hạng quốc tế liên tục tăng cao trong những năm vừa qua. Hằng năm, Chính phủ ban hành Nghị quyết 02/NQ-CP bây giờ và trước kia gọi là Nghị quyết 19/NQ-CP về cải cách thủ tục hành chính, môi trường đầu tư và nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, trong đó có đầy đủ các hệ thống giải pháp và đã mang lại những kết quả hết sức tích cực.
Tuy nhiên, còn có những vấn đề cần phải rà soát, điều chỉnh để môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi hơn, an toàn hơn, hấp dẫn hơn, yên tâm cho các nhà đầu tư trong nước cũng như nước ngoài tham gia đầu tư, nhất là hệ thống pháp luật, thủ tục hành chính, các điều kiện về đất đai, mặt bằng, hạ tầng, nhân lực.
Tiềm năng của kinh tế sáng tạo tại Việt Nam
Đặt câu hỏi với Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Hải Anh cho biết, ngành kinh tế sáng tạo với trụ cột chính là công nghiệp sáng tạo hiện nay được nhiều quốc gia quan tâm và coi là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng, bảo vệ môi trường, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa. Đánh giá của Bộ trưởng về quy mô và tiềm năng của ngành kinh tế sáng tạo tại Việt Nam như thế nào và giải pháp để thúc đẩy ngành kinh tế sáng tạo này.
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, hiện nay, khái niệm về kinh tế sáng tạo hay cụ thể hơn là kinh tế số chưa có một nghiên cứu đầy đủ về khái niệm cụ thể là như thế nào, hiện nay sử dụng nhiều thuật ngữ khác nhau. Theo nghiên cứu mới thì tiềm năng tăng trưởng nền kinh tế sáng tạo của Việt Nam có thể đạt 29-30%/năm. Như vậy, Việt Nam đang rất có tiềm năng phát triển lĩnh vực này.
Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XIII của Đảng đưa ra mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số sẽ chiếm 20% GDP cả nước, đến năm 2030 chiếm 30% GDP.
Những vấn đề này đã được Chính phủ giao cho Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng chương trình chuyển đổi số quốc gia và xây dựng chiến lược phát triển kinh tế số của Việt Nam. Chiến lược này trước hết tập trung vào xây dựng hạ tầng số trong nước, hỗ trợ chuyển đổi số của các cơ quan quản lý Nhà nước, xây dựng cơ sở dữ liệu để xây dựng nền tảng, mang lại lợi ích hiệu quả hơn cho doanh nghiệp và người dân. Ngoài ra, các chính sách về hỗ trợ chuyển đổi số nhanh cho các doanh nghiệp của Việt Nam cũng đang được thực hiện.
Trả lời phần tranh luận của đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Văn Hiển về hỗ trợ an sinh xã hội và phục hồi kinh tế sau đại dịch, trong đó phải có gói hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt và nếu gói hỗ trợ không đủ lớn sẽ khiến nền kinh tế chậm phục hồi so với các nước và kéo theo nhiều hệ lụy; ngoài nguồn lực của ngân sách thì cần có chương trình để huy động cả nguồn lực bên ngoài ngân sách để phục hồi và phát triển kinh tế, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, với các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế, việc quan trọng đặt ra nếu không nới trần nợ công và trần bội chi thì sẽ không có nguồn lực để phục hồi và phát triển. Tuy nhiên, nếu nới các chỉ tiêu này mà thực hiện không hiệu quả sẽ dẫn tới hệ lụy cho nền kinh tế, mất cân đối vĩ mô, cân đối lớn.
Hiện nay, các vấn đề này đang được các bộ, ngành tính toán và chưa đưa ra kịch bản một cách cụ thể, Các kịch bản đã được xây dựng nhưng tạm thời chưa báo cáo Quốc hội tại kỳ họp này mà phải cần thời gian để tính toán kỹ lưỡng và báo cáo các cấp thẩm quyền trước khi đưa ra trình Quốc hội. Trong quá trình xây dựng chương trình sẽ lưu ý các vấn đề đại biểu được đại biểu nêu.
Lần đầu tiên thực hiện quy hoạch theo phương pháp tích hợp
Trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc Trần Văn Tiến về công tác lập quy hoạch, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc lập quy hoạch là quan trọng, Luật Quy hoạch đã được ban hành nhưng việc triển khai quy hoạch còn chậm do nguyên nhân khách quan như đây là lần đầu tiên thực hiện theo phương pháp tích hợp, làm quy hoạch tổng thể. Trước đây cả nước chưa bao giờ làm quy hoạch tổng thể mà chỉ làm quy hoạch từng ngành. Cũng vì lần đầu tiên nên năng lực tư vấn và các kiến thức các cơ quan chưa theo kịp, số lượng nhiều, làm đồng thời trong cùng một thời gian nên thực hiện còn đang rất khó; làm đồng thời nhiều quy hoạch, tiếp cận từ trên xuống theo phương pháp đúng dần.
Đến nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng xong khung định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia để tình Thủ tướng Chính phủ; quy hoạch 5 vùng kinh tế còn lại cũng cơ bản đã xong tới phần nghiên cứu và đang lấy ý kiến hoàn thiện, sẽ trình Thủ tướng sớm nhất trong tháng 11-12 để các địa phương, bộ ngành dựa trên khung định hướng này lập quy hoạch của ngành, địa phương mình mà không nhất thiết chờ xong quy hoạch cấp trên mới lập quy hoạch cấp dưới.
Với các quy hoạch ngành, đến nay đã có 19/38 quy hoạch đã hoàn thành, quy hoạch tỉnh có 20/63 quy hoạch đã hoàn thành. Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã có 2 nghị quyết để đôn đốc yêu cầu tất cả quy hoạch từ quy hoạch quốc gia đến quy hoạch ngành, quy hoạch tỉnh phải hoàn thành trước 31/12.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình Nguyễn Cao Sơn về việc xây dựng kịch bản để ứng phó với rủi ro, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp cận theo 2 kịch bản là không có chương trình phục hồi hoặc có chương trình phục hồi. Từ đó xác định mức nợ công, bội chi, lạm phát với từng kịch bản.
Hiện Bộ đang cùng Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội tính toán việc sử dụng các công cụ về chính sách tài khóa, tiền tệ, cũng như khả năng phân bổ, sử dụng và hấp thụ của nền kinh tế.
Về quan điểm, Bộ trưởng cho rằng, phải mạnh dạn hơn để phát triển kinh tế, đảm bảo phục hồi phát triển kinh tế, đặc biệt là sự phục hồi của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, vẫn phải đảm bảo tăng trưởng quy mô GDP của nền kinh tế, tăng thu ngân sách, tạo nhiều việc làm cho xã hội nhưng vẫn đảm bảo an toàn về nợ công và bội chi ngân sách.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh công cụ quan trọng nhất là phải theo dõi chặt chẽ diễn biến của giá cả, nợ xấu… điều chỉnh điều hành linh hoạt cung tiền để giảm áp lực lạm phát. Bảo đảm nguồn cung nguyên nhiên vật liệu, đầu tư công, đảm bảo hiệu quả mang tính dẫn dắt nguồn vốn ngoài Nhà nước cùng tham gia./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư