Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 09/11/2021-20:03:00 PM
Hội nghị trực tuyến Xúc tiến đầu tư vào tỉnh Quảng Ninh
(MPI) – Ngày 09/11/2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh và Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc tổ chức Hội nghị trực tuyến Xúc tiến đầu tư vào tỉnh Quảng Ninh.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Tường Văn phát biểu khai mạc Hội nghị

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Tường Văn. Tham dự Hội nghị có Trưởng Đại diện Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại Việt Nam Thạch Thụy Kỳ và các cơ quan, đơn vị liên quan.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Tường Văn cho biết, Hội nghị xúc tiến đầu tư lần này là minh chứng cho những nỗ lực, quyết tâm của tỉnh Quảng Ninh trong việc triển khai Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ với phương châm “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19,” vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội và đời sống, sức khỏe nhân dân, nhà đầu tư, doanh nghiệp. Đây cũng là dịp để Quảng Ninh thể hiện sự quan tâm, ưu tiên kêu gọi, thu hút đầu tư, tạo thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư Đài Loan (Trung Quốc) vào tỉnh, nhất là đầu tư vào những lĩnh vực mà các nhà đầu tư Đài Loan hiện rất có thế mạnh là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, điện tử - bán dẫn... tại địa bàn các khu công nghiệp của tỉnh.

Quảng Ninh xác định mục tiêu phát triển, xây dựng Tỉnh trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của phía Bắc; tiếp tục đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh;” đẩy nhanh tốc độ công nghiệp hóa - hiện đại hóa - đô thị hóa. Trong đó, Tỉnh đặc biệt ưu tiên phát triển công nghiệp xanh, công nghiệp sạch, công nghệ cao, công nghệ thông minh, thân thiện với môi trường; tăng nhanh tỷ trọng đóng góp của công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghệ cao, công nghệ thông minh; phát triển hợp lý, bền vững ngành công nghiệp khai khoáng góp phần bảo đảm an ninh năng lượng theo quy hoạch.

Bên cạnh đó, Quảng Ninh có một hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư đồng bộ, hiện đại nhất là hạ tầng giao thông chiến lược thúc đẩy mạnh mẽ liên kết vùng và hợp tác quốc tế; công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh không ngừng được quan tâm, đã giảm đáng kể thời gian giải quyết thủ tục hành chính so với quy định của pháp luật; nâng cao tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia và Cổng dịch vụ công của tỉnh. Cùng với đó, với nguồn nhân lực chất lượng cao và lao động có kỹ năng, đây chính là điều kiện thuận lợi để tỉnh Quảng Ninh mời gọi, thu hút các nhà đầu tư có uy tín, thương hiệu trên trường quốc tế vào đầu tư tại các khu công nghiệp của tỉnh.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, tình hình thế giới dự báo có những thời cơ, thuận lợi, khó khăn, thách thức đan xen, trong đó đại dịch Covid-19 đã và đang tiếp tục gây ảnh hưởng sâu rộng đối với nền kinh tế toàn cầu, gây ra những tổn thất nghiêm trọng về người và nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng, tác động mạnh tới tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, càng khó khăn càng phải nỗ lực, càng phải đoàn kết và càng phải có quyết tâm lớn để cùng nhau mở ra những cơ hội mới.

Năm 2020, nhờ có những giải pháp chủ động và hiệu quả nhằm đạt mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế, nền kinh tế Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng 2,91% và thuộc nhóm tăng trưởng kinh tế cao nhất trên thế giới.

Trong 9 tháng đầu năm 2021, Việt Nam tiếp tục đạt được những kết quả tích cực. Việt Nam vẫn là một trong số ít những nền kinh tế trên thế giới duy trì được đà tăng trưởng dương với GDP 9 tháng đầu năm tăng trưởng 1,42%. Kim ngạch thương mại đạt gần 484 tỷ USD được các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế nâng triển vọng lên tích cực, các chỉ số kinh tế vĩ mô ổn định... Bên cạnh đó, Việt Nam trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 ASEAN với quy mô GDP trên 350 tỷ USD với kết quả thu hút FDI tích cực, Việt Nam lần đầu tiên được Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) đưa vào danh sách 20 quốc gia thu hút FDI hàng đầu thế giới. Trước đó, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ đạt 6,5% trong năm 2021, cao hơn mức tăng trưởng 6% của toàn thế giới.

Ngoài ra, việc Việt Nam là thành viên Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP); Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) và các hiệp định thương mại tự do khác đã đem lại lợi thế cho Việt Nam trong tiếp cận thị trường tự do của 55 quốc gia, trong đó có 15 quốc gia thuộc nhóm G20.

Quảng Ninh là một đầu tàu của vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc với nhiều tiềm năng, lợi thế, hội tụ đầy đủ những điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội và đóng góp quan trọng cho tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của cả đất nước. Hình ảnh một Quảng Ninh năng động, sáng tạo đang bứt phá vươn lên và một cộng đồng doanh nghiệp tự tin hơn trong hội nhập những năm gần đây là minh chứng sinh động của sự chuyển mình, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh. Đặc biệt, Quảng Ninh là địa phương liên tục 4 năm (từ năm 2017 đến năm 2020) xếp hạng hàng đầu về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh ở Việt Nam, chính quyền địa phương luôn chủ động hỗ trợ các nhà đầu tư của tỉnh đến hợp tác đầu tư, phát triển. Những chuyển động này góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế với tốc độ tăng trưởng GRDP luôn trong nhóm dẫn đầu cả nước.

Toàn cảnh Hội nghị

Thông qua Hội nghị, Việt Nam hoan nghênh, chào đón các nhà đầu tư Đài Loan đầu tư vào các dự án sử dụng công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại trong các lĩnh vực như: điện tử, công nghệ cao, công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp phụ trợ, năng lượng tái tạo, nông nghiệp chất lượng cao... Đây là những lĩnh vực mà doanh nghiệp Đài Loan có thế mạnh và phù hợp với định hướng thu hút đầu tư của Việt Nam cũng như tiềm năng của tỉnh Quảng Ninh.

Đồng thời, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cam kết sẽ cùng các Bộ, ngành và các địa phương, trong đó có tỉnh Quảng Ninh đồng hành với các nhà đầu tư Đài Loan, cùng nhau hợp tác, vượt qua những thách thức, tận dụng những cơ hội mới, thúc đẩy đầu tư cũng như phát triển mối quan hệ hợp tác kinh tế bền vững giữa Việt Nam và Đài Loan.

Phát biểu tại hội nghị, Trưởng Đại diện Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại Việt Nam Thạch Thụy Kỳ cho biết, những năm qua tỉnh Quảng Ninh luôn dẫn cả nước về chỉ số cạnh tranh và điều này chính là sự lựa chọn đúng đắn cho các doanh nghiệp của Đài Loan. Mặc dù trong bối cảnh cạnh tranh trên thế giới và khu vực rất quyết liệt, bên cạnh đó là những tác động của dịch bệnh, nhưng Quảng Ninh vẫn an toàn và là điểm đến của các nhà đầu tư, nhất là các doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến chế tạo, điện tử, phụ trợ...

Tại Hội nghị, các đại biểu được nghe giới thiệu về các cơ hội đầu tư, kinh doanh, chính sách thu hút đầu tư vào tỉnh Quảng Ninh và ý kiến trao đổi của các Nhà đầu tư, doanh nghiệp Đài Loan, đặc biệt là những chia sẻ kinh nghiệm đầu tư cởi mở, thẳng thắn của các Nhà đầu tư đã và đang đầu tư tại tỉnh Quảng Ninh. Quảng Ninh sẽ tiếp tục nỗ lực triển khai hiệu quả các giải pháp thúc đẩy dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và đặc biệt là dòng vốn đầu tư Đài Loan vào tỉnh./.

Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1574
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)