(MPI) - Ngày 12/11/2021, Thứ trưởng Trần Quốc Phương đã có buổi làm việc trực tuyến với đoàn công tác của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) do Trưởng Phái đoàn tại Việt Nam và Trưởng Bộ phận tại Vụ châu Á và Thái Bình Dương IMF Era Dabla-Norris làm Trưởng đoàn.
|
Trưởng Phái đoàn tại Việt Nam và Trưởng Bộ phận tại Vụ châu Á và Thái Bình Dương IMF
Era Dabla-Norris chia sẻ các nghiên cứu. Ảnh: MPI |
Thay mặt đoàn công tác IMF, Trưởng đoàn Era Dabla-Norris cảm ơn Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các đơn vị liên quan đã phối hợp cùng IMF tổ chức cuộc họp và cho rằng, sự kiểm soát thành công đại dịch của Việt Nam trong năm 2020 đã bị thử thách bởi đợt bùng phát dịch COVID-19 gần đây do biến thể Delta và các đợt giãn cách xã hội kéo dài. Tuy nhiên bà Era Dabla-Norris tin rằng, Chính phủ Việt Nam đã có các chính sách hiệu quả nhằm đối phó với những rủi ro nảy sinh, đảm bảo an toàn cho đời sống của người dân.
Chia sẻ về các nghiên cứu của đoàn công tác IMF, bà Era Dabla-Norris cho biết, tác động của dịch COVID-19 đến nền kinh tế Việt Nam đã trở nên nghiêm trọng hơn khi ngành đầu tư, tiêu dùng đều bị ảnh hưởng trong năm 2021. Các hộ gia đình có thu nhập thấp hơn và các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) bị ảnh hưởng nặng nề nhất, mặc dù các hộ gia đình có thu nhập cao hơn và các doanh nghiệp lớn hơn vẫn có khả năng chống chịu nhưng điều này sẽ gia tăng tình trạng bất bình đẳng và xu hướng lạm phát trên toàn Thế giới.
Đoàn công tác IMF đưa ra dự báo nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức 2,0-2,5% trong năm 2021 và 6.6% trong năm 2022. Đây có thể cho là sự trở lại của nền kinh tế bên cạnh các gói kích thích kinh tế đang được Quốc hội Việt Nam đưa vào xem xét. Tuy nhiên, rủi ro giảm tăng trưởng vẫn có xu hương gia tăng khi diễn biến của dịch COVID-19 còn phức tạp, hoạt động dịch vụ còn yếu có thể sẽ ảnh hưởng đến các hộ kinh doanh, doanh nghiệp và thị thường lao động. Điều này có thể để lại những vết sẹo lâu dài cho nền kinh tế trong tương lại, làm tăng nợ xấu ngân hàng và gây rủi ro cho sự ổn định tài chính; Cầu tăng cũng có thể làm tăng thêm áp lực lạm phát do sự gián đoạn chuỗi cung ứng trong nước và toàn cầu đang diễn ra.
Về mặt tích cực, những chính sách tài khóa được dự kiến trong Chương trình phục hồi kinh tế sẽ hỗ trợ tăng trưởng cao hơn trong năm 2022 và hạn chế các rủi ro có thể xảy ra; những chính sách tiền tệ cần được duy trì với định hướng hỗ trợ cho tăng trưởng, đồng thời cảnh giác với áp lực lạm phát và bảo đảm sự ổn định của hệ thống tài chính.
Ngoài ra, các gói hỗ trợ tới đây cần có biện pháp đảm bảo cho ổn định kinh tế vĩ mô, hướng tới mục tiêu tổng thể của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030. Hệ thống y tế cần được tiếp tục ưu tiên để chống chọi với các cú sốc trong tương lại và việc giải ngân hiệu quả vốn đầu tư công cần được đẩy mạnh; Cân đối giữa việc hỗ trợ cho nền kinh tế phục hồi và đảm bảo hệ thống tài chính. Đây là thời điểm để Việt Nam đẩy nhanh các cải cách cần thiết, các chính mang tính thống nhất và các biện pháp phát triển nguồn vốn nhằm giúp đất nước đạt được mục tiêu trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.
|
Thứ trưởng Trần Quốc Phương (giữa) phát biểu. Ảnh: MPI |
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cảm ơn đoàn công tác IMF đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các đơn vị trong thời gian vừa qua. Thứ trưởng cho rằng, các thông tin của đoàn công tác IMF rất quan trọng và có ý nghĩa khi Bộ và các bộ, ngành liên quan đang xây dựng Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Với sự lây lan nhanh chóng của biến thể Delta, Việt Nam buộc phải áp dụng các biện pháp mạnh mẽ như giãn cách xã hội trong thời gian dài, khiến nguồn cung bị đứt gãy, hoạt động sản xuất bị tạm dừng và đời sống của những người có thu nhập thấp bị ảnh hưởng. Về GDP trong 9 tháng đầu năm 2021 chỉ tăng 1,42 và giảm sâu 6,17% trong quý III/2021.
Tuy nhiên chính sách vĩ mô, tài khóa, tiền tệ vẫn đang giữ trạng thái tích cực khi lạm phát cơ bản không cao, CPI bình quân 9 tháng năm 2021 chỉ tăng 1.82% so với cùng kỳ năm 2020. Thu chi ngân sách vẫn đảm bảo được các nhiệm vụ cốt yếu của nền kinh tế, đặc biệt chi trong y tế như vắc-xin và các thiết bị khác vẫn được duy trì ổn định.
Đặc biệt trong tháng 10/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP về quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” để khôi phục lại các hoạt động kinh tế trong trạng thái bình thường mới. Tình hình kinh tế vĩ mô tháng 10 đã có nhiều dấu hiệu tích cực như hoạt động sản xuất, kinh doanh đang dần phục hồi; số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động tăng mạnh; thương mại dịch vụ, du lịch tăng khá; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng trở lại trong tháng 10.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, Kế hoạch về kinh tế - xã hội và Kế hoạch về tài chính, ngân sách năm 2022 và các ý kiến về nội dung phục hồi và phát triển nền kinh tế của Việt Nam trong giai đoạn tới sẽ được thảo luận và thông qua tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao nhiệm vụ phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng Đề án định hướng phục hồi nền kinh tế. Các định hướng cơ bản là vừa đảm bảo nguồn lực để phục hồi nền kinh tế, vừa đảm bảo duy trì nền kinh tế vĩ mô; phục hồi sớm để nền kinh tế Việt Nam không bị lỡ nhịp với đà tăng trưởng của Thế giới; phục hồi kinh tế đi đôi với đảm bảo an sinh xã hội. Ngoài ra, đề án không chỉ có định hướng đến lĩnh vực công, cụ thể là đầu tư công, mà còn có tác động đến khối doanh nghiệp tư nhân (trong nước và nước ngoài) được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ về tài khóa và tiền tệ để có đủ nguồn lực vực dậy và phát triển. Thứ trưởng cho biết, Đề án vừa để phục hồi và phát triển kinh tế trong thời gian dài hạn đến năm 2030, cố gắng đạt được các mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030.
Chia sẻ về các nhóm giải pháp nhằm phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội gắn với nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh tới 05 nhóm giải pháp cơ bản. Thứ nhất, mở cửa nền kinh tế gắn với phòng, chống dịch COVID-19: chi phí tăng cường mua vắc-xin và để các cấp nâng cao năng lực y tế.
Thứ hai, bảo đảm an sinh xã hội, kết hợp hài hòa giữa các giải pháp về tài khóa và tiền tệ. Trong đó, sử dụng giải pháp tài khóa để hỗ trợ các đối tượng cần được ưu tiên như những người bị thiệt hại nặng nề của dịch COVID-19, người có thu nhập thấp; giải pháp tiền tệ để có thể hỗ trợ về các nguồn lực ưu đãi hơn nhằm nâng cao năng lực nghề và hỗ trợ các sinh viên và hộ gia đình có thu nhập thấp.
Thứ ba, hỗ trợ phục hồi cho doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh. Xây dựng các chính sách tài khóa, tiền tệ và chính sách phù hợp khác để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sớm phục hồi và phát triển hoạt động, sản xuất kinh doanh và tiếp cận nguồn lực và nguồn vốn.
Thứ tư, kích thích đầu tư công, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công để huy động các nguồn lực đầu tư ngoài nhà nước.
Thứ năm, kiểm soát rủi ro và bảo đảm ổn định lạm phát. Trong đó chú trọng kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô.
|
Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: MPI |
Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội mang tính bổ sung, gắn kết chặt chẽ với các Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; tài chính; tái cơ cấu nền kinh tế trong 5 năm, vừa đưa nền kinh tế sớm quay trở lại với quỹ đạo tăng trưởng và vừa đưa nền kinh tế phát triển hơn để đáp ứng được các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030.
Trưởng đoàn Era Dabla-Norris cảm ơn Thứ trưởng vì các chia sẻ và nội dung từ phía Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Bà Ela cho biết, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tốt kể cả trong thời gian của dịch COVID-19 và cần tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện cho tăng trưởng bao trùm.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương đánh giá cao các ý kiến góp ý của Đoàn công tác IMF và mong rằng sẽ tiếp tục nhận được sự hợp tác chặt chẽ trong thời gian tới. Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẵn sàng lắng nghe các kiến nghị của Đoàn công tác IMF để có thể xây dựng các chính sách hiệu quả hơn trong tương lai./.
Bảo Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư