(MPI) - Nhằm giới thiệu mô hình, lợi ích và xu hướng phát triển khu công nghiệp sinh thái trên thế giới cũng như giới thiệu cập nhật khung pháp lý về mô hình khu công nghiệp sinh thái, ngày 12/11/2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) và Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) tổ chức Hội thảo giới thiệu mô hình khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam.
Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tuyến với sự tham gia của đại diện 18 Ban Quản lý khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT) các tỉnh phía Bắc, 35 doanh nghiệp đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN (khu vực phía Bắc), một số tổ chức quốc tế, hiệp hội tại Việt Nam. Hội thảo nhằm phổ biến thông tin về mô hình KCN sinh thái không chỉ trong phạm vi các KCN tham gia thí điểm mà còn lan tỏa trên khắp cả nước.
Triển khai mô hình KCN sinh thái sẽ góp phần quan trọng trong việc cải thiện hiệu quả kinh tế, môi trường và xã hội của các hoạt động công nghiệp tại Việt Nam, đồng thời là tiền đề cho việc xây dựng cơ chế, chính sách về KCN sinh thái nói riêng, cũng như lồng ghép trong các quy định của pháp luật về môi trường, công nghiệp và các chính sách có liên quan, góp phần thúc đẩy sự chuyển đổi các KCN hiện nay theo hướng bền vững hơn, đáp ứng các nhu cầu phát triển mô hình KCN bền vững và góp phần hướng tới các Mục tiêu Phát triển bền vững (VSDGs) của Chính phủ Việt Nam.
|
Vụ trưởngLê Thành Quân phát biểu. Ảnh: MPI |
Phát biểu tại Hội thảo, Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lê Thành Quân cho biết, thực hiện chủ trương phát triển các KCN, từ năm 1991 đến nay, hệ thống các KCN đã phát huy được vai trò đầu tàu trong phát triển kinh tế, là động lực quan trọng đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa, là điểm đến đầu tư của nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới.
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình tổng kết, đánh giá toàn diện những thành tựu, hạn chế, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm trong 30 năm xây dựng và phát triển, hoạt động của KCN, khu kinh tế nổi lên một số vấn đề cần khắc phục, như phân cấp, phân quyền và đổi mới loại hình KCN, KKT còn chậm, chưa tạo được những chuyển biến căn bản; chất lượng công tác quy hoạch chưa tốt, hiệu quả sử dụng các nguồn lực chưa cao; chất lượng thu hút đầu tư chưa đáp ứng yêu cầu phát triển theo chiều sâu; năng lực, kinh nghiệm của doanh nghiệp phát triển hạ tầng còn hạn chế; ô nhiễm môi trường, các vấn đề an sinh xã hội cho người lao động làm việc trong KCN chưa được đảm bảo, quan tâm đúng mức.
Ở quy mô toàn cầu, để thực hiện SDGs, hạ thấp tiêu chuẩn xã hội và môi trường không còn đem lại lợi thế cạnh tranh, đặc biệt trong các ngành công nghiệp. Thay vào đó, các quốc gia sẽ chuyển đổi và định hướng phát triển bền vững các khu thông qua mô hình quản lý tiên tiến; hợp tác, cộng sinh để sử dụng hiệu quả nguyên vật liệu, năng lượng, tài nguyên, chia sẻ dịch vụ dùng chung; hình thành cụm liên kết ngành (cluster) để tối ưu hóa yếu tố sản xuất và thị trường; kết hợp hài hòa, cân đối giữa khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường và thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn.
Quá trình công nghiệp hóa với tốc độ nhanh tại Việt Nam đã và đang đặt ra nhiều thách thức về môi trường. Trong bối cảnh đó, Việt Nam đang từng bước chuyển đổi mô hình phát triển, trong đó có KCN theo hướng bền vững hơn, phù hợp với Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh, cam kết của Việt Nam trong việc thực hiện Các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) 2030 của Liên hợp quốc, Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu và mới đây nhất là cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị các bên (COP 26) tại Glasgow (Anh) về mục tiêu đạt được mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Từ năm 2015 đến 2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với UNIDO thí điểm chuyển đổi KCN truyền thống sang KCN sinh thái với nguồn tài trợ từ SECO và Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF), nhằm phát triển công nghiệp từ chiều ngang sang chiều sâu và thúc đẩy sự liên kết hợp tác trong sản xuất để sử dụng hiệu quả nguồn lực.
Vụ trưởng Lê Thành Quân nhấn mạnh, trên cơ sở kết quả đạt được, mô hình, định hướng và cơ chế chính sách cho KCN sinh thái đã được quy định tại Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ về quản lý KCN và KKT.
Mô hình KCN sinh thái chỉ thực sự phát huy được vai trò tích cực với chiến lược phát triển bền vững của quốc gia khi được nhân rộng trên cả nước, với các hỗ trợ về chính sách, công nghệ, tài chính, thông tin và cơ chế kết nối chặt chẽ giữa các bên liên quan.
Trưởng đại diện UNIDO tại Việt Nam Lê Thanh Thảo cho biết, UNIDO với tư cách là cơ quan chuyên môn của Liên hợp quốc có sứ mệnh hỗ trợ các quốc gia thành viên phát triển công nghiệp theo hướng bao trùm và bền vững (ISID), UNIDO cam kết luôn sẵn sàng đồng hành hợp tác với Chính phủ và hỗ trợ doanh nghiệp về tư vấn giải pháp kỹ thuật và hỗ trợ tiếp cận các nguồn tài chính xanh, trên cơ sở kinh nghiệm quốc tế lâu năm của UNIDO trong phát triển công nghiệp nói chung và KCN sinh thái nói riêng. Đồng thời hy vọng mô hình phát triển KCN mới này sẽ góp phần thu hút nguồn lực từ tất cả các bên có liên quan, đặc biệt là đầu tư của khu vực tư nhân, để không chỉ chuyển đổi các KCN đang hoạt động theo hướng sinh thái mà còn trong xây dựng các KCN sinh thái mới, nhằm giúp Việt Nam trở thành một nước công nghiệp hiện đại với chất lượng cuộc sống tốt cho người dân và đạt được các SDGs.
Hội thảo nằm trong khuôn khổ Dự án Triển khai KCN sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ Chương trình KCN sinh thái toàn cầu. Dự án được thực hiện trong 36 tháng tại Hà nội và 05 tỉnh/thành phố, gồm: thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đồng Nai, Đà Nẵng và Hải Phòng. Mục tiêu của Dự án là thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, môi trường và xã hội của ngành công nghiệp và lồng ghép quy định để phát triển mô hình KCN sinh thái trong các cơ chế, chính sách có liên quan là sự kế thừa kết quả triển khai thí điểm mô hình này trong thời gian qua và dự kiến nhân rộng trên cả nước thời gian tới./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư