Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 17/11/2021-10:40:00 AM
Triển khai đồng bộ, kịp thời và hiệu quả các cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp sớm ổn định đời sống và phục hồi sản xuất, kinh doanh
(MPI) – Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 138/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2021 với các nội dung quan trọng như khẩn trương hoàn thiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; hoàn thiện Chiến lược tổng thể về phòng, chống COVID-19; tăng cường kiểm tra, kiểm soát vật tư đầu vào cho sản xuất nông nghiệp; hướng dẫn và có giải pháp phù hợp cho việc đi học trở lại của học sinh, sinh viên; ...
Ảnh minh họa. Nguồn: MPI

Theo Nghị quyết, kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế tiếp tục được bảo đảm; lạm phát được kiểm soát ở mức thấp; chỉ số giá tiêu dùng bình quân 10 tháng tăng 1,81%; thu ngân sách đạt 90,9% dự toán năm, tăng 5,5% so với cùng kỳ; vốn FDI đăng ký cấp mới và tăng thêm tăng 15,8% so với cùng kỳ, vốn thực hiện đạt trên 15 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 10 tháng đạt 267,93 tỷ USD, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm trước; tính chung 10 tháng xuất siêu 160 triệu USD. Hoạt động đối ngoại được đẩy mạnh, nhất là tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 38 và 39, Hội nghị COP 26 và chuyến thăm làm việc tại Anh, thăm chính thức Pháp của Thủ tướng Chính phủ, góp phần quan trọng củng cố vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Tuy nhiên, nền kinh tế còn nhiều khó khăn, thách thức; kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế vẫn tiềm ẩn rủi ro; còn nhiều sức ép đối với lạm phát; thu nội địa có xu hướng giảm, gia tăng áp lực cân đối ngân sách; nguy cơ nợ xấu tiềm ẩn tăng. Dự báo thời gian tới, dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp kéo dài; kinh tế toàn cầu phục hồi nhưng không đồng đều, tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là về ổn định tài chính, tiền tệ, lạm phát, an ninh mạng, thiên tai, biến đổi khí hậu, thiếu hụt nguồn cung năng lượng, ... ; qua đó có tác động tiêu cực đến quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của nước ta.

Trước tình hình đó, Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương quán triệt, thực hiện nghiêm, nhất quán các Nghị quyết, Kết luận của các Hội nghị Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Lãnh đạo chủ chốt, của Kỳ họp thứ hai của Quốc hội khóa XV và các Nghị quyết của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong thời gian tới, nhất là trong thời gian còn lại của năm 2021 theo Nghị quyết số 88/NQ-CP ngày 12/8/2021 và Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 với phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, đồng thời đẩy mạnh các hoạt động phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao tiếp tục theo dõi sát, nắm chắc tình hình, diễn biến dịch COVID-19, có biện pháp linh hoạt đối với tình huống cụ thể trong công tác phòng, chống dịch gắn với từng bước mở cửa lại nền kinh tế.

Khẩn trương triển khai các chính sách tạo điều kiện hỗ trợ, thúc đẩy chuyển giao công nghệ, sản xuất trong nước vắc-xin, thuốc, trang thiết bị, sinh phẩm y tế và nâng cao năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở. Triển khai đồng bộ, kịp thời và hiệu quả các cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ người dân, người lao động, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh sớm ổn định đời sống và phục hồi sản xuất, kinh doanh; có chính sách phù hợp về phí, lệ phí để kích cầu du lịch nội địa, xây dựng phương án chuẩn bị đón khách du lịch quốc tế. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các dự án lớn, trọng điểm; bảo đảm an toàn và tiến độ thi công các công trình trong mùa bão lũ. Kịp thời đề xuất cấp có thẩm quyền hoặc chủ động sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật còn chồng chéo, cản trở hoạt động đầu tư công. Chủ động tạo mặt bằng sạch, nguồn cung lao động, hạ tầng kết nối, đẩy nhanh tiến độ cấp phép các dự án đầu tư trong nước, nước ngoài, nhất là các dự án FDI lớn; tăng cường xúc tiến đầu tư tại chỗ, trực tuyến. Khẩn trương hoàn thiện các quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch, trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt. Tăng cường phòng ngừa, phát hiện và xử lý theo quy định các hành vi tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.

Các Bộ Công Thương, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Quốc phòng, Công an, Giao thông vận tải, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông, Tài nguyên và Môi trường, Ngoại giao, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, Ủy ban Dân tộc theo lĩnh vực quản lý, nhiệm vụ được giao khẩn trương xây dựng nội dung cụ thể về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm; gửi về Văn phòng Chính phủ trước ngày 25/11/2021 để tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành Chỉ thị về vấn đề này.

Chuẩn bị, thực hiện tốt công tác tổng kết năm 2021 và đề ra phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2022 của Bộ, cơ quan, địa phương. Cho phép không thực hiện cắt giảm kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2021 của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đến ngày 30/9/2021 có tỷ lệ giải ngân dưới 60% kế hoạch vốn ngân sách trung ương đã được giao từ đầu năm 2021 theo quy định tại Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 29/6/2021 của Chính phủ.

Người đứng đầu bộ, cơ quan trung ương và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chủ động điều chỉnh giảm kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2020 đã được kéo dài sang năm 2021 của các dự án chậm tiến độ sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt và có nhu cầu bổ sung thuộc danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 chuyển tiếp sang 2021-2025 hoặc thu hồi vốn ứng trước và nghĩa vụ thanh toán của ngân sách trung ương. Chính phủ sẽ thành lập các tổ công tác đi kiểm tra đôn đốc. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm đẩy nhanh triển khai các chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động và người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, bảo đảm kịp thời, hiệu quả, theo quy định.

Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó làm rõ các cơ chế, chính sách về tài khóa, tiền tệ và các chính sách cần thiết khác để hỗ trợ thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, báo cáo Chính phủ và cấp có thẩm quyền trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp chuyên đề vào tháng 12/2021.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương quyết liệt triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 29/6/2021, Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 09/9/2021 và các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và các dự án đầu tư công. Khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định về cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, trình Chính phủ trong quý IV/2021. Nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách, giải pháp bảo đảm huy động đủ mức vốn tín dụng chính sách tối thiểu từ nguồn ngân sách nhà nước đã được Quốc hội phê duyệt tại Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020 để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, báo cáo cấp có thẩm quyền trong quý IV/2021.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thành thủ tục thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trong tháng 11/2021. Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan, địa phương có liên quan cân đối nguồn vốn để triển khai thực hiện Chương trình Bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021-2025 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 1230/QĐ-TTg ngày 15/7/2021. Hướng dẫn, kịp thời tháo gỡ các vướng mắc về công tác quy hoạch, trường hợp vượt thẩm quyền báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp rà soát các vướng mắc của Luật Quy hoạch, đề xuất phương án xử lý, báo cáo Chính phủ trong tháng 11/2021. Xây dựng dự thảo Nghị quyết về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 11/2021 để xem xét, cho ý kiến trước khi báo cáo Chính phủ tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2021.

Các bộ, cơ quan, địa phương phối hợp với Văn phòng Chính phủ đẩy mạnh triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 trên Cổng Dịch vụ công quốc gia và đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính, bảo đảm thiết thực, hiệu quả; thúc đẩy triển khai kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu tổng hợp phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo Quyết định số 1498/QĐ-TTg ngày 11/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ sớm trình Thủ tướng Chính phủ phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý; đồng thời, chỉ đạo các đơn vị chức năng thống kê, cập nhật đầy đủ các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh của người dân, doanh nghiệp vào phần mềm thống kê theo hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ. Thời gian hoàn thành chậm nhất là ngày 20/11/2021.

Về Đề án thí điểm tách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư, Chính phủ cơ bản thống nhất về quan điểm, mục tiêu, phạm vi, nội dung tại Tờ trình số 7659/TTr-BKHĐT ngày 05/11/2021 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp và ý kiến các Thành viên Chính phủ, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ Đề án, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước khi thay mặt Chính phủ, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp chuyên đề vào tháng 12/2021.

Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương, theo chức năng, nhiệm vụ được giao, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp nêu tại Nghị quyết này; thường xuyên kiểm tra, đánh giá việc thực hiện; kịp thời báo cáo và đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về những vấn đề phát sinh, vượt thẩm quyền./.

Minh Hậu
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 893
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)