Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 13/11/2021-10:45:00 AM
Quốc hội thông qua Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế
(MPI) - Sáng ngày 13/11/2021, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế.
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn

Trước khi tiến hành biểu quyết, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Phú Cường trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình về Dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế. Về sự cần thiết ban hành, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội đều nhất trí ban hành Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế và Hải Phòng nhằm thể chế hóa kịp thời các Nghị quyết của Đảng, góp phần tạo thuận lợi trong thu hút nguồn lực đầu tư, tăng tính đột phá về cơ chế, chính sách, thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững, tạo sự lan tỏa vùng, miền, tạo tiền đề để áp dụng cho các địa phương khác.

Việc Quốc hội ban hành Nghị quyết thí điểm là nhằm thực hiện nhiệm vụ thể chế hóa các Nghị quyết của Đảng, tạo căn cứ pháp lý để chủ trương, chính sách đi vào cuộc sống. Về căn cứ pháp lý, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đều cho phép áp dụng thí điểm đối với một số tỉnh, thành phố các chính sách, những vấn đề mới, chưa được quy định trong luật và cũng theo 2 văn bản này thì việc thí điểm chỉ có thể áp dụng đối với một số tỉnh, thành phố mang tính chất đại diện. Nếu áp dụng thí điểm đại trà, trên diện rộng sẽ không đúng với tính chất thí điểm theo quy định của luật. Về căn cứ thực tiễn, hiện nay, cơ chế đặc thù đang được áp dụng đối với các thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Nội. Qua sơ kết đánh giá, các cơ chế này đã và đang phát huy tác dụng tích cực, tạo tiền đề phát triển kinh tế - xã hội, góp phần tăng thu ngân sách nhà nước (NSNN), tạo tác động lan tỏa vùng miền. Về tiêu chí lựa chọn, Thừa Thiên Huế là cố đô có bề dày lịch sử, đặc thù văn hóa song năng lực tài chính rất hạn chế. Hải Phòng là thành phố cảng lớn nhất miền Bắc, một trong những đầu tàu kinh tế nhưng với cơ chế chỉ như các tỉnh, thành khác thì sẽ khó phát huy thế mạnh, nhất là kinh tế biển.

Báo cáo tiếp thu, giải trình cũng làm rõ các vấn đề về tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện trước khi ban hành mới; về Nghị quyết đặc thù cho từng vùng, miền, có cơ chế ưu đãi cho miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số; đánh giá ảnh hưởng đối với thu ngân sách; mức trần dư nợ, tránh ảnh hưởng địa phương kháphân bổ thêm định mức chi thường xuyên; về quản lý quy hoạch. Đối với tỉnh Thừa Thiên Huế, Báo cáo làm rõ vấn đề có ý kiến đại biểu đề nghị không nên cho phép Hội đồng nhân dân ban hành phí, lệ phí; khoản thu từ phí thăm quan của tỉnh Thừa Thiên Huế; thành lập Quỹ bảo tồn di sản Huế.

Nghị quyết quyết nghị, về phạm vi điều chỉnh, Nghị quyết quy định thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với tỉnh Thừa Thiên Huế về quản lý tài chính - ngân sách nhà nước.

Đối tượng áp dụng là cơ quan nhà nước; tổ chức chính trị; tổ chức chính trị - xã hội; Tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp; tổ chức xã hội; tổ chức xã hội - nghề nghiệp; Tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Về quản lý tài chính - ngân sách nhà nước, Tỉnh Thừa Thiên Huế được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ vay về cho Tỉnh vay lại với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 40% số thu ngân sách Tỉnh được hưởng theo phân cấp. Tổng mức vay và bội chi ngân sách Tỉnh hằng năm do Quốc hội quyết định theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Hằng năm, ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách tỉnh Thừa Thiên Huế không quá 70% số tăng thu từ hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu của hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao (không bao gồm thuế giá trị gia tăng của hàng hóa nhập khẩu), nhưng không vượt quá tổng số tăng thu từ hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu so với thực hiện thu năm trước và ngân sách trung ương không hụt thu để thực hiện các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng của địa phương.

Ngân sách tỉnh Thừa Thiên Huế được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (sau khi đã trừ chi phí liên quan đến việc bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất; kinh phí di dời, xây dựng cơ sở vật chất tại địa điểm mới) do cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Trung ương quản lý trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế (trừ cơ quan, đơn vị thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh) để đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ đầu tư công của tỉnh Thừa Thiên Huế.

Tỉnh Thừa Thiên Huế được phân bổ thêm 45% số chi tính theo định mức dân số khi xây dựng định mức chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2022 và trong thời gian thực hiện Nghị quyết này.

Về phí tham quan di tích, phí thăm quan di tích trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế được nộp đầy đủ vào ngân sách nhà nước (sau khi trừ chi phí được trích để lại cho đơn vị sự nghiệp công lập để trang trải chi phí hoạt động cung cấp dịch vụ thu phí theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí). Ngân sách địa phương được bố trí đầu tư tương ứng số thu phí thăm quan nộp vào ngân sách nhà nước để thực hiện đầu tư trùng tu di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn. Khoản thu này không dùng để xác định tỷ lệ phần trăm (%) phân chia các khoản thu giữa ngân sách trung ương với ngân sách địa phương và số bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương.

Về quỹ bảo tồn di sản Huế, cho phép thành lập Quỹ bảo tồn di sản Huế để bổ sung nguồn lực phục vụ công tác trùng tu, bảo tồn di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Quỹ bảo tồn di sản Huế là Quỹ Quốc gia được Chính phủ thành lập và giao cho tỉnh Thừa Thiên Huế trực tiếp quản lý.

Quỹ bảo tồn di sản Huế được tiếp nhận từ nguồn ngân sách nhà nước của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hỗ trợ, nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước và các nguồn thu hợp pháp khác. Không sử dụng ngân sách của tỉnh Thừa Thiên Huế để hỗ trợ Quỹ. Nguồn thu của Quỹ chỉ dùng để đầu tư cho trùng tu, bảo tồn, phát triển giá trị di sản Huế và đầu tư cho các công trình, hạng mục chưa được ngân sách nhà nước đầu tư hoặc đầu tư chưa đủ.

Các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được sử dụng ngân sách địa phương để hỗ trợ cho Quỹ bảo tồn di sản Huế thực hiện trùng tu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản Huế. Chính phủ quy định chi tiết việc thành lập và quy chế hoạt động của Quỹ.

Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022 và thực hiện trong 05 năm. Trường hợp có quy định khác nhau về cùng một vấn đề giữa Nghị quyết này với luật, nghị quyết khác của Quốc hội thì áp dụng theo quy định của Nghị quyết này. Trường hợp văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành có quy định cơ chế, chính sách ưu đãi hoặc thuận lợi hơn Nghị quyết này thì việc áp dụng do Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế quyết định./.

Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1529
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)