(MPI) – Ngày 08/12/2021, Hội đồng thẩm định nhà nước Báo cáo Nghiên cứu khả thi Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 họp dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định.
|
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định chủ trì cuộc họp. Ảnh: MPI |
Báo cáo tóm tắt nội dung Báo cáo nghiên cứu khả thi Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Tô Đức cho biết, đối tượng thụ hưởng của Chương trình là các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trên phạm vi cả nước. Chú trọng hỗ trợ hộ nghèo dân tộc thiểu số, hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng và trẻ em, người khuyết tật, phụ nữ thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; hộ mới thoái nghèo; người sinh sống trên địa bàn các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo và vùng nghèo, vùng khó khăn; các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trung tâm dịch vụ việc làm, doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm, hợp tác xã tại vùng nghèo, vùng khó khăn; các tổ chức cá nhân liên quan.
Chương trình thực hiện trên phạm vi cả nước, trọng tâm là các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo từ năm 2021 đến năm 2025. Mục tiêu tổng quát là thực hiện giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống; hỗ trợ các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn. Mục tiêu cụ thể là tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều duy trì mức giảm 1-1,5%/năm; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3%/năm; 30% huyện nghèo, 30% xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo giảm từ 4-5%/năm.
Chương trình gồm 7 dự án và 9 tiểu dự án thành phần, gồm: Dự án 1: Hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; Dự án 2: Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; Dự án 3: Hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; Dự án 4: Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; Dự án 5: Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện nghèo; Dự án 6: Truyền thông và giảm nghèo về thông tin; Dự án 7: Nâng cao năng lực và giám sát đánh giá Chương trình.
Nguồn lực thực hiện Chương trình từ ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, nguồn vốn tín dụng ưu đãi, đóng góp của đối tượng hưởng lợi và các nguồn vốn khác, với tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2025 tối thiểu là 75.000 tỷ đồng.
|
Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: MPI |
Báo cáo tóm tắt dự thảo kết quả thẩm định Báo cáo Nghiên cứu khả thi (NCKT) Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển bền vững giai đoạn 2021-2025, Vụ trưởng Vụ Giám sát và Thẩm định Đầu tư, Tổ trưởng Tổ chuyên gia thẩm định liên ngành Tăng Ngọc Tráng cho biết, ngày 21/9/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1558/QĐ-TTg về việc thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước để thẩm định Báo cáo NCKT Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển bền vững giai đoạn 2021-2025. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã hoàn thành xin ý kiến các cơ quan liên quan/thành viên Hội đồng về hồ sơ Chương trình; phê duyệt Kế hoạch thẩm định của Hội đồng.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có Văn bản số 6458/BKHĐT-GSTĐĐT ngày 24/9/2021 gửi hồ sơ Chương trình xin ý kiến thẩm định của các thành viên Hội đồng và cơ quan liên quan. Đến nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nhận đủ ý kiến thẩm định/góp ý của các thành viên Hội đồng thẩm định nhà nước và cơ quan. Theo đó, nội dung Báo cáo NCKT cơ bản có đủ các đầu mục theo quy định tại khoản 1 Điều 44 Luật Đầu tư công. Về cơ bản, Báo cáo NCKT Chương trình đã được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng trên cơ sở chủ trương đầu tư Chương trình đã được Quốc hội phê duyệt tại Nghị quyết số 24/2021/QH15 ngày 28/7/2021.
Tham gia ý kiến tại cuộc họp, các thành viên Hội đồng thẩm định và đại diện các bộ, ngành liên quan đều đánh giá cao và nhất trí với dự thảo báo cáo của Tổ chuyên gia thẩm định liên ngành đưa ra. Đồng thời đóng góp ý kiến thêm về các nội dung: phạm vi và quy mô của Chương trình; các dự án thành phần cần thực hiện để đạt được mục tiêu của Chương trình, thứ tự ưu tiên và thời gian thực hiện của các dự án thành phần; dự kiến tổng mức vốn để thực hiện chương trình, phân bổ vốn theo mục tiêu, dự án thành phần và thời gian thực hiện, nguồn vốn và phương án huy động vốn, dự kiến thời gian và tiến độ thực hiện chương trình, các giải pháp để thực hiện; cơ chế, chính sách áp dụng đối với chương trình; khả năng lồng ghép, phối hợp với các chương trình khác, khung thời gian hoạt động cho phù hợp để triển khai hiệu quả, hợp tác quốc tế, …
|
Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: MPI |
Giải trình các ý kiến của thành viên Hội đồng, đại diện các cơ quan liên quan và Tổ chuyên gia thẩm định liên ngành, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh làm rõ thêm về việc bổ sung một số mục tiêu cụ thể chưa đề cập tại Nghị quyết số 24/2021/QH15 của Quốc hội; cơ sở xác định, dự kiến hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng cho 70 huyện nghèo và 200 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo. Đồng thời cho biết, việc xác định nhóm vùng nghèo, vùng khó khăn; các đối tượng, tổ chức và cá nhân liên quan sẽ được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục rà soát hoàn thiện tại Dự thảo Báo cáo nghiên cứu khả thi Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.
Phát biểu tại phiên họp, Thứ trưởng Trần Quốc Phương đề nghị, Cơ quan chủ quản Chương trình khi tiếp thu ý kiến cần tập trung vào làm rõ ba vấn đề. Thứ nhất, về nguồn lực, cần nhấn mạnh thêm về các nguồn hợp pháp khác, thể hiện được các nguồn hợp pháp khác là gì, nêu nội hàm để xác định rõ. Thứ hai, nội dung của các chính sách, các dự án và tiểu dự án trong Chương trình. Thứ ba, phải cụ thể rõ đối tượng của Chương trình, nên chia thành 3 nhóm, gồm: đối tượng tham gia, đối tượng thụ hưởng trực tiếp và đối tượng thụ hưởng gián tiếp.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh, Hội đồng thống nhất nội dung thực hiện của các dự án thành phần thuộc Chương trình cần được rà soát kỹ lưỡng, bảo đảm phù hợp với quan điểm, mục tiêu, phạm vi, đối tượng, nội dung tại Nghị quyết số 24/2021/QH15, đặc biệt rà soát các hoạt động thuộc nhiệm vụ quản lý nhà nước của các cơ quan đã được bố trí đầy đủ từ nguồn vốn chi thường xuyên. Cơ sở, căn cứ, định mức tính toán kinh phí thực hiện Chương trình cần làm rõ cơ sở tính toán nhu cầu vốn thực hiện. Khả năng cân đối, huy động các nguồn vốn thực hiện chương trình cần làm rõ khả năng huy động nguồn ngân sách địa phương và nguồn vốn khác.
Trên cơ sở ý kiến của Hội đồng tại cuộc họp, Thứ trưởng Trần Quốc Phương đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khẩn trương giải trình và hoàn chỉnh Báo cáo NCKT Chương trình gửi cơ quan thường trực Hội đồng. Sau khi nhận được Hồ sơ hoàn chỉnh của Chương trình, giao Tổ chuyên gia thẩm định liên ngành hoàn thiện dự thảo Báo cáo kết quả thẩm định, gửi xin ý kiến biểu quyết của thành viên Hội đồng. Trên cơ sở ý kiến biểu quyết của thành viên Hội đồng, Tổ chuyên gia thẩm định liên ngành hoàn thiện Báo cáo kết quả thẩm định, trình Chủ tịch Hội đồng ký trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định Chương trình./.
Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư