(MPI) – Ngày 10/12/2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị trực tuyến thúc đẩy giải ngân đầu tư công năm 2021 Tổ công tác số 6 theo Quyết định số 1962/QĐ-TTg ngày ngày 22/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ.
|
Hình ảnh tại điểm cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ảnh: MPI
|
Diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 tác động lớn đến các hoạt động của dự án
Theo Quyết định, Thủ tướng Chính phủ thành lập 6 Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 tại các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân đến ngày 31/10/2021 dưới 60% kế hoạch, được giao do các Phó Thủ tướng Chính phủ và một số Bộ trưởng làm Tổ trưởng. Trong đó, Tổ công tác số 6 do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm Tổ trưởng, kiểm tra các địa phương: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Bình Định, Đà Nẵng, Quảng Nam.
Tổng số vốn đã phân bổ chi tiết đến ngày 15/11/2021 của 6 địa phương là 30.550,123 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương là 21.540,308 tỷ đồng; nguồn vốn ngân sách trung ương trong nước là 6.372,613 tỷ đồng, bằng 100% kế hoạch; nguồn vốn nước ngoài (ODA) là 2.637,202 tỷ đồng, bằng 94,96% kế hoạch.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, ước số vốn giải ngân đến hết ngày 30/11/2021 của 06 địa phương là 18.288,782 tỷ đồng, đạt 67,74% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao từ đầu năm và cao hơn bình quân cả nước (63,86%).
Theo báo cáo của các địa phương, ước số vốn giải ngân đến hết ngày 30/11/2021 của 06 địa phương là 17.637,612 tỷ đồng, đạt 65,33% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Dự kiến đến hết 31/01/2022 sẽ giải ngân đạt 97,02% kế hoạch năm 2021.
Bên cạnh một số khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách trong quá trình thực hiệngiải ngân đầu tư công, các địa phương đều gặp phải khó khăn chung do diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 tác động lớn đến các hoạt động của dự án, nhất là dự án sử dụng vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài.
Việc thực hiện giãn cách tại một số địa phương làm cho việc lưu thông hàng hóa, nhất là nguyên nhiên vật liệu khó khăn, giá nguyên nhiên vật liệu tăng cao, nguồn lao động bị hạn chế do nhiều công nhân nghỉ việc, phát sinh thêm các chi phí phòng chống dịch… ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ thi công xây dựng công trình.
Do dịch Covid-19 nên việc các chuyên gia sang Việt Nam bị ảnh hưởng; các gói thầu nhập khẩu máy móc, trang thiết bị, nguyên vật liệu cũng bị chậm tiến độ. Ngoài ra, các địa phương cũng gặp vướng mắc về bồi thường, giải phóng mặt bằng; thời điểm giao vốn; đặc thù khí hậu;...
Tại Hội nghị, đại diện các bộ, các đơn vị thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trao đổi làm rõ những khó khăn, vướng mắc của các địa phương nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công thời gian còn lại của niên độ ngân sách năm 2021.
|
Thứ trưởng Trần Quốc Phương phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: MPI |
Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu để phấn đấu giải ngân năm 2021 ở mức cao nhất
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh, thời gian giải ngân niên độ ngân sách nhà nước năm 2021 không còn nhiều, để phấn đấu giải ngân năm 2021 ở mức cao nhất, giải ngân năm 2022 đạt 100% kế hoạch Quốc hội quyết định, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các địa phương phân tích, đánh giá kỹ lưỡng thực trạng, xác định nguyên nhân khách quan và chủ quan, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan và trách nhiệm của người đứng đầu, từ đó mới có biện pháp quyết liệt, căn cơ để giải quyết.
Về đề nghị cắt giảm kế hoạch năm 2021 nguồn vốn ODA, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổng hợp nhu cầu cắt giảm và có văn bản tham mưu cho Chính phủ, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2021 của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.
Đối với các địa phương có đề nghị điều chỉnh giảm kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài năm 2021 nhưng chưa được cấp có thẩm quyền cho phép điều chỉnh giảm, đề nghị tiếp tục thực hiện các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2021 ở mức cao nhất; việc chuyển nguồn kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2021 thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư công và Luật Ngân sách nhà nước.
Về kiến nghị kéo dài kế hoạch đầu tư công năm 2021 sang năm 2022, sau khi kết thúc niên độ ngân sách nhà nước năm 2021, việc chuyển nguồn vốn đầu tư công năm 2021 sang năm 2022 thực hiện theo quy định tại Luật Đầu tư công và Luật Ngân sách nhà nước./.
Minh Hậu
Bộ Kế hoạch và Đầu tư