Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 10/12/2021-17:16:00 PM
Hướng tới thập kỷ phát triển bền vững tốt đẹp hơn: Không để ai bị bỏ lại phía sau
(MPI) - Diễn đàn Doanh nghiệp phát triển bền vững Việt Nam (VCSF) 2021 được Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam tổ chức ngày 09/12/2021 với chủ đề “Hướng tới thập kỷ phát triển bền vững tốt đẹp hơn: Không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Vụ trưởng Vụ Khoa học, giáo dục, tài nguyên và môi trường Lê Việt Anh phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh:vccinews.vn

Tại Diễn đàn, trình bày về Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh 2021-2030, tầm nhìn 2050: Hiện thực hóa mục tiêu kép “Tăng trưởng nhanh và bền vững” trong thập kỷ mới, Vụ trưởng Vụ Khoa học, giáo dục, tài nguyên và môi trường Lê Việt Anh cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 01/10/2021 về phê duyệt “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050”. Quyết định đưa ra các quan điểm, mục tiêu, định hướng chiến lược và các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể.

Tăng trưởng xanh góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng chống chịu trước cú sốc từ bên ngoài, hiện thực hóa Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030, hệ thống quy hoạch quốc gia, chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực. Tăng trưởng xanh là một phương thức quan trọng để phát triển bền vững, lấy con người làm trung tâm; là sự nghiệp của cả hệ thống chính trị, toàn dân, cộng đồng doanh nghiệp và cơ quan, tổ chức liên quan, được xây dựng bằng tinh thần đổi mới, sáng tạo và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, bền vững.

Mục tiêu tổng quát của Chiến lược là tăng trưởng xanh góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa carbon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.

Vụ trưởng Lê Việt Anh đưa ra các nhận định về bối cảnh trong nước và quốc tế đối liên quan đến vấn đề tăng trưởng xanh và nhấn mạnh, mục tiêu xanh hóa quá trình chuyển đổi đảm bảo bình đẳng về điều kiện, cơ hội phát huy năng lực và thụ hưởng thành quả của sự phát triển, không để ai bị bỏ lại phía sau. 70% mục tiêu tăng trưởng xanh góp phần hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững quốc gia (VSDGs).

Để thực hiện xanh hóa các ngành kinh tế, Chiến lược thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn thông qua khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và năng lượng dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số, phát triển kết cấu hạ tầng bền vững để nâng cao chất lượng tăng trưởng, phát huy lợi thế cạnh tranh và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.

Các mục tiêu tăng trưởng xanh giải quyết các thách thức lớn trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, dưới tác động mạnh mẽ của cuộc Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư phù hợp với điều kiện quốc gia. Mục tiêu kép “tăng trưởng nhanh và bền vững” hướng tới các mục tiêu bền vững đến năm 2030, hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển nhanh và bền vững toàn diện cả về kinh tế, xã hội và môi trường.

Chiến lược tăng trưởng xanh thúc đẩy thực hiện mục tiêu phát triển nhanh và bền vững thông qua các mục tiêu xanh hóa các ngành kinh tế, xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững, xanh hóa quá trình chuyển đổi. Mục tiêu xanh hóa lối sống gắn kết chặt chẽ với kinh tế số, kinh tế biển xanh và kinh tế tuần hoàn nhằm thúc đẩy nền kinh tế xanh, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.


Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh:vccinews.vn

Phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Hội đồng quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh khẳng định, phát triển bền vững đã trở thành xu thế chung, Chính phủ Việt Nam đã lồng ghép các chỉ tiêu phát triển bền vững vào tất cả chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Kế hoạch hành động quốc gia về phát triển bền vững được tổng kết hằng năm để đánh giá những tiêu chí Việt Nam đã làm được, cũng như các thách thức đặt ra.

Theo Phó Thủ tướng, hoàn thành hết 17 mục tiêu phát triển bền vững là thách thức rất lớn với tất cả các quốc gia, kể cả những nước phát triển nhất. Là quốc gia đang phát triển, còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng Việt Nam đã mạnh dạn đưa ra những cam kết rất mạnh mẽ về phát triển bền vững; có 2 mục tiêu về giáo dục, tiêu dùng và sản xuất có trách nhiệm được đánh giá hoàn thành. Các chỉ tiêu khác đang trong quá trình thực hiện, trong đó chỉ tiêu về hạ tầng, tài nguyên đất liền, tài nguyên biển còn khoảng cách rất lớn và đòi hỏi quyết tâm lớn.

Từ sự khởi xướng về mô hình kinh tế tuần hoàn, nhiều dự án rất cụ thể, các doanh nghiệp phát triển bền vững đã hình thành nhiều hoạt động quy mô lớn trong xã hội, thậm chí trở thành phong trào. Chúng ta không thể hoàn thành được các mục tiêu phát triển bền vững nếu không có sự tham gia của người dân, quyết tâm trong việc đẩy mạnh hợp tác công tư, vai trò nòng cốt của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp trong cộng đồng doanh nghiệp phát triển bền vững, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Đại dịch COVID-19 đã thay đổi rất nhiều điều trên thế giới. Trong 2 năm diễn ra đại dịch COVID-19, từng quốc gia, từng cộng đồng, từng doanh nghiệp đã rút ra rất nhiều bài học, về những sự thay đổi cần thiết để thích ứng trước các đại dịch. Qua đại dịch, mỗi quốc gia, cộng đồng, doanh nghiệp, từng cá nhân phải nhận thức rõ hơn trách nhiệm đối với bản thân, giữ gìn cho người thân, cộng đồng, nhất là trách nhiệm toàn cầu; Từng người, từng cộng đồng, từng quốc gia, toàn thế giới phải biết hy sinh lợi ích trước mắt vì lợi ích lâu dài hơn cho bản thân mình và cho tất cả.

Trong đại dịch, ở Việt Nam cũng như các nước cho thấy, từng người, từng doanh nghiệp có tiết kiệm, có tích luỹ, trên phạm vi thế giới là tiết kiệm các nguồn lực, nguồn tài nguyên hữu hạn, thì chúng ta sẽ thích ứng được với tương lai; cần có tinh thần lạc quan, nhìn vào khía cạnh tích cực của vấn đề bên cạnh nghiêm khắc nhìn nhận những nguyên nhân.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, trong đại dịch vừa qua, rất nhiều doanh nghiệp đã có những đóng góp quan trọng trong công tác phòng, chống dịch bệnh ở Việt Nam. Đặc biệt, những doanh nghiệp theo đuổi triết lý phát triển bền vững đã đứng vững, giúp được cộng đồng, người lao động của doanh nghiệp mình. Vì vậy, tất cả các doanh nghiệp mới thành lập hãy theo đuổi triết lý, có các giải pháp để xây dựng phát triển bền vững ngay từ ban đầu. Tất cả cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, trong đó 97% doanh nghiệp nhà và vừa, cần cùng nhau xây dựng cồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững. Đừng coi đây chỉ là ‘sân chơi’ của các doanh nghiệp lớn, mà là của tất cả các doanh nghiệp và tất cả mọi người.

Trong khuôn khổ Diễn đàn, các đại biểu chia sẻ, thảo luận về các chuyên đề: Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh 2021-2030: “Hiện thực hóa mục tiêu kép Tăng trưởng nhanh và bền vững trong thập kỷ mới”; “Cập nhật Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC): từ các cam kết đến hành động đóng góp của DN thông qua các mô hình kinh doanh bền vững”; “Xây dựng một thập kỷ bền vững tốt đẹp hơn thông qua kinh doanh bền vững”. Các diễn giả và đại diện các doanh nghiệp đã cùng nhau thảo luận về các chính sách và kế hoạch tăng cường vai trò và sự tham gia của doanh nghiệp trong các hoạt động phát triển bền vững, các thông lệ tốt từ các mô hình kinh doanh bền vững, sáng tạo. Cũng tại sự kiện Diễn đàn, Ban Tổ chức đã công bố và vinh danh các doanh nghiệp phát triển bền vững Việt Nam năm 2021./.

Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 1334
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)