(MPI Portal) – Chương trình hội thảo với nội dung trên do Bộ Kế hoạch và Đầu tư kết hợp với Hiệp hội LEDS Châu Á, USAID, Quỹ mạng lưới SWITCH-Châu Á, Ngân hàng Thế giới, Mạng lưới Kiến thức về Phát triển và Khí hậu (CKDN) và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) đồng tổ chức.
|
Ông Orestes Anastasia, đồng Chủ tịch Diễn đàn Đối tác chiến lược Asia LEDS. Ảnh: Thanh Sơn (MPI Portal)
|
Hội thảo diễn ra trong hai ngày 12 và 13/3/2014 tại Hà Nội, với sự có mặt của các nhà hoạch định chính sách và các chuyên gia khí hậu từ các nước trong khu vực Đông Nam Á, nhằm tìm kiếm cách thức tài trợ cho Tăng trưởng Xanh với phát thải các-bon thấp.
Để ứng phó với suy thoái môi trường và mối đe dọa ngày càng tăng của biến đổi khí hậu, nhiều quốc gia ở Châu Á đang bắt đầu chuyển đổi nền kinh tế hướng tới mô hình phát triển phát thải các-bon thấp, bền vững hơn. Đạt được tăng trưởng xanh đòi hỏi sự thay đổi đáng kể trong đầu tư, nhận diện và tiếp cận các nguồn tài trợ biến đổi khí hậu mới cũng như lồng ghép vấn đề môi trường và khí hậu vào các chiến lược tài chính doanh nghiệp. Đây vẫn là thách thức lớn đối với các chính phủ, doanh nghiệp và các tổ chức đang tìm kiếm cách thức thực hiện các chiến lược, kế hoạch và các dự án các-bon thấp.
Ông Orestes Anastasia, đồng Chủ tịch Diễn đàn Đối tác chiến lược Phát triển các-bon thấp Châu Á (Asia LEDS) cho biết: “Đầu tư vào công nghệ, các ngành kinh doanh và cơ sở hạ tầng ít phát thải các-bon là trọng tâm để đạt được tăng trưởng xanh và đồng thời có thể giúp xóa đói giảm nghèo, tăng khả năng cạnh tranh của nền kinh tế và an ninh năng lượng, cũng như giảm lượng phát thải khí nhà kính gây biến đổi khí hậu”.
|
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương.
Ảnh: Thanh Sơn (MPI Portal)
|
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương chia sẻ: 20 năm qua, nền kinh tế Việt Nam đã có bước chuyển mình quan trọng, khả năng hội nhập cao, vị thế chính trị được nâng tầm. Song sự phát triển chưa được bền vững, tập trung ở bề rộng mà chưa chú trọng vào chất lượng tăng trưởng, thiếu các ngành phát triển thân thiện với môi trường. Nhận thức được điều đó nên Việt Nam đã xây dựng và đang triển khai thực hiện Chiến lược Quốc gia về Tăng trưởng Xanh với mục tiêu góp phần cải thiện đời sống nhân dân thông qua tạo việc làm trong các ngành công nghiệp xanh, nông nghiệp xanh, dịch vụ xanh, đầu tư vào vốn tự nhiên và phát triển cơ sở hạ tầng xanh. Tất cả các khoản đầu tư này cần sự tài trợ từ Chính phủ, khu vực ngoài nhà nước và cộng đồng quốc tế.
|
TS. Phạm Hoàng Mai, Vụ trưởng Vụ Khoa học, giáo dục và tài nguyên môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ông Ari Huhtala, Phó Giám đốc điều hành CDKN. Ảnh: Thanh Sơn (MPI Portal)
|
Những thảo luận tại hội thảo cho thấy Việt Nam nằm trong số nước dễ bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu, điều này ảnh hưởng 2-6% GDP mỗi năm. Do vậy, Việt Nam đã xây dựng chiến lược nhằm đẩy mạnh tiến trình cải cách và củng cố các tổ chức kinh tế, cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế đạt được thông qua tăng cường đầu tư vào cải tiến công nghệ, nguồn vốn tự nhiên và các công cụ kinh tế, được cụ thể hóa qua 3 mục tiêu chiến lược: đến năm 2020, giảm phát thải các-bon từ 8-10% so với năm 2010 và là 20% với sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế; khuyến khích phát triển công nghiệp xanh, nông nghiệp xanh, dựa trên những công trình, công nghệ và thiết bị thân thiện với môi trường; lối sống xanh và sự tiêu dùng bền vững.
Hiện nay, nguồn đầu tư hàng năm của Chính phủ Việt Nam cho các chương trình và dự án biến đổi khí hậu, bao gồm Tăng trưởng Xanh là khoảng 1 tỷ USD và 2 tỷ USD đến từ nguồn vốn ODA từ năm 1993 đến nay. Trong khi đó, theo mô hình MACC, Việt Nam cần khoảng 30 tỷ USD để đạt được mục tiêu tăng trưởng xanh và giảm phát thải các-bon cho đến năm 2020. Do vậy, ngoài việc xây dựng khuôn khổ chương trình hoạt động lâu dài, gắn với chiến lược tài chính 5 – 10 năm, Việt Nam cũng mong muốn tham gia cộng đồng quốc tế về biến đổi khí hậu nhằm tiếp cận tốt hơn các nguồn vốn quốc tế dành cho lĩnh vực này.
|
Ảnh: Thanh Sơn (MPI Portal)
|
Tại hội thảo, các chuyên gia đến từ các nước Đông Nam Á cũng bàn bạc đi sâu vào các vấn đề cơ chế tài chính từ các quỹ đầu tư khí hậu công tới các chương trình cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cũng như chia sẻ các mô hình và quy trình hiệu quả để thúc đẩy quy mô và nhân rộng các sáng kiến phát thải các-bon thấp, xác định nhu cầu tài chính, cách thức khuyến khích đầu tư khu vực tư nhân, các phương pháp tiếp cận lập kế hoạch đầu tư toàn diện, giám sát và đánh giá nguồn tài chính cho tăng trưởng xanh./.
Nguyễn Hương
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư