(MPI) – Ngày 11/01/2022, Ban Chỉ đạo Tổng điều tra kinh tế Trung ương phối hợp với Ban Chỉ đạo điều tra cơ sở hành chính Trung ương tổ chức Hội nghị trực tiếp và trực tuyến nhằm tổng kết và công bố kết quả sơ bộ tổng điều tra kinh tế và điều tra cơ sở hành chính năm 2021. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương và Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Điều tra cơ sở hành chính Trung ương, đồng chủ trì Hội nghị.
|
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: MPI |
Tổng điều tra kinh tế là một trong ba cuộc Tổng điều tra thống kê quốc gia được quy định trong Luật Thống kê. Tổng điều tra kinh tế năm 2021 được thực hiện theo Quyết định số 307/QĐ-TTg ngày 27/02/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức Tổng điều tra kinh tế năm 2021 và Quyết định số 1344/QĐ-BKHĐT ngày 03/9/2020 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Trưởng ban Ban Chỉ đạo Tổng điều tra kinh tế Trung ương năm 2021 về ban hành Phương án Tổng điều tra kinh tế năm 2021 (Tổng điều tra). Để chỉ đạo thực hiện Tổng điều tra, ngày 03/6/2020 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 752/QĐ-TTg về việc thành lập Ban Chỉ đạo Tổng điều tra kinh tế (BCĐ) Trung ương. Để giúp việc cho BCĐ Trung ương triển khai các công việc của Tổng điều tra, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Quyết định số 912/QĐ-BKHĐT ngày 18/6/2020 về việc thành lập Tổ thường trực Tổng điều tra kinh tế Trung ương.
Tổng điều tra kinh tế năm 2021 được thực hiện với nhiều điểm mới so với Tổng điều tra năm 2017 trong bối cảnh nhu cầu thông tin thống kê ngày càng được yêu cầu cao hơn với mức độ phân tổ chi tiết hơn; yêu cầu tận dụng những lợi thế của công nghệ thông tin để nâng cao chất lượng, hiệu quả của thông tin thống kê trong bối cảnh chung về nguồn lực con người và kinh phí hạn chế. Thứ nhất, đổi mới nội dung và hình thức thu thập thông tin thông qua việc sử dụng triệt để các nguồn dữ liệu hành chính. Thứ hai, cập nhật và áp dụng khái niệm chuẩn quốc tế về đơn vị cơ sở. Thứ ba, thống nhất năm số liệu cho các loại đơn vị điều tra. Thứ tư, ứng dụng triệt để công nghệ thông tin trong tất cả các công đoạn của Tổng điều tra. Thứ năm, đổi mới cách thức phối hợp với các Bộ, ngành trong triển khai thực hiện Tổng điều tra. Thứ sáu, nâng cao chất lượng thông tin và tiết kiệm gần một nửa kinh phí so với điều tra truyền thống trước đây.
Theo Kết quả sơ bộ Tổng điều tra kinh tế năm 2021, số lượng và lao động các đơn vị điều tra năm 2020 đều tăng so với năm 2016 nhưng mức độ tăng về lao động thấp hơn so với các giai đoạn trước. Số doanh nghiệp, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng duy trì mức tăng nhưng các cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể, đơn vị sự nghiệp, hiệp hội, tổ chức phi Chính phủ có dấu hiệu chững lại trong 5 năm qua. Quy mô lao động bình quân một đơn vị điều tra năm 2020 biến động không đều so với năm 2016, trong đó giảm mạnh ở khối doanh nghiệp. Xét theo khu vực kinh tế, khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn nhất về số lượng đơn vị và lao động. Các đơn vị điều tra tập trung nhiều nhất tại vùng Đồng bằng sông Hồng; Đông Nam Bộ tiếp tục dẫn đầu là vùng thu hút nhiều doanh nghiệp nhất cả nước.
Trong giai đoạn 2016-2019, số doanh nghiệp và số lao động tăng nhanh qua từng năm và có xu hướng tăng chậm lại vào năm 2020 do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Số hợp tác xã năm 2020 giữ mức tăng ổn định nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 số lao động làm việc trong hợp tác xã giảm sâu hơn mức giảm bình quân giai đoạn 2016-2020. Số cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể tiếp tục tăng nhưng tỷ lệ phân bố các cơ sở cá thể giữa các vùng kinh tế - xã hội không đồng đều. So với năm 2016, đơn vị sự nghiệp giảm cả về số lượng đơn vị và quy mô lao động trong khi đơn vị hiệp hội và tổ chức phi Chính phủ giảm về số lượng đơn vị nhưng tăng về số lượng lao động. Giai đoạn 2016-2020 có sự phát triển khá nhanh số lượng các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thể hiện đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước là tôn trọng và tạo điều kiện phát triển hoạt động của mọi tôn giáo, tín ngưỡng chính thống của nước ta.
|
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: MPI |
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, năm 2021 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, năm đầu tiên thực hiện Chiến lược 10 năm và 5 năm Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết của TW Đảng và Quốc hội. Để hoàn thành tốt các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và từng địa phương, số liệu thống kê từ các cuộc điều tra, tổng điều tra thống kê đóng vai trò rất quan trọng trong việc đánh giá thực trạng và đề xuất các giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển đất nước và từng địa phương. Tổng điều tra kinh tế năm 2021 được thực hiện theo Luật Thống kê và Quyết định số 307/QĐ-TTg ngày 27/02/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Đây là cuộc tổng điều tra nhằm thu thập thông tin cơ bản về hoạt động và sản xuất kinh doanh của 04 loại đơn vị điều tra, bao gồm: doanh nghiệp, hợp tác xã; đơn vị sự nghiệp, hiệp hội; cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể; cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng nhằm giúp cung cấp thông tin phục vụ đánh giá toàn diện thực trạng và xu hướng phát triển kinh tế của đất nước và các địa phương xây dựng chính sách, giải pháp cụ thể nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025, là cơ sở quan trọng để rà soát bổ sung thông tin chỉ tiêu tổng sản phẩm trong nước GDP, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các chỉ tiêu thống kê khác.
|
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: MPI |
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa cho biết, điều tra cơ sở hành chính năm 2021 được thực hiện theo Quyết định số 1096/QĐ-BNV ngày 23/12/2019 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ, đây là cuộc điều tra thống kê quốc gia trong Chương trình điều tra thống kê quốc gia theo Quyết định số 43/2016/QĐ-TTg ngày 17/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ nhằm thu thập thông tin về số cơ sở hành chính, số lượng, trình độ của lực lượng lao động đang làm việc trong các cơ sở hành chính và kết quả thu chi của cơ sở hành chính ở nước ta nhằm rà soát, điều chỉnh, bổ sung các chính sách quản lý, kế hoạch, quy hoạch phát triển ngành, vùng, phát triển cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực …. đáp ứng yêu cầu quản lý của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương.
Tổng điều tra kinh tế và điều tra cơ sở hành chính năm 2021 được thực hiện trong bối cảnh nhu cầu thông tin thống kê ngày càng yêu cầu cao hơn với mức độ chi tiết hơn. Do vậy đòi hỏi việc thiết kế và thực hiện tổng điều tra kinh tế và điều tra cơ sở hành chính năm 2021 phải được đổi mới và thích ứng với yêu cầu mới, xu hướng mới. Thứ trưởng Trần Quốc Phương và Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa đều đánh giá cao sự phối hợp liên ngành và biểu dương tinh thần làm việc tận tâm, trách nhiệm vượt qua những khó khăn do dịch bệnh Covid-19 của các điều tra viên Thống kê, giám sát viên, của công chức, viên chức ngành Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Nội vụ để hoàn thành xuất sắc cuộc Tổng điều tra.
Kết quả chính thức Tổng điều tra kinh tế và điều tra cơ sở hành chính năm 2021 sẽ được công bố trong Quý II năm 2022 với hệ thống các chỉ tiêu thống kê chi tiết, đầy đủ, những chuyên đề phân tích chuyên sâu sẽ được phổ biến dưới nhiều hình thức, nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu thông tin thống kê cho công tác lãnh đạo, quản lý của Đảng, Nhà nước và các đối tượng sử dụng thông tin khác./.
Minh Hậu
Bộ Kế hoạch và Đầu tư