(MPI) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có Báo cáo số 695/BC-BKHĐT gửi Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội báo cáo về tình hình giải ngân vốn đầu tư công 13 tháng năm 2021, tháng 01 năm 2022 và các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.
|
Ảnh minh họa. Nguồn: MPI |
Đẩy mạnh giải ngân phải đi đôi với bảo đảm chất lượng công trình, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí
Tại Nghị quyết số 34/2021/QH15 về dự toán NSNN năm 2022 và số 40/2021/QH15 về phân bổ NSTW năm 2022, Quốc hội khóa XV đã thông qua tổng số vốn đầu tư phát triển nguồn NSNN kế hoạch năm 2022 là 526.105,895 tỷ đồng, trong đó: vốn trong nước: 491.305,895 tỷ đồng, vốn nước ngoài: 34.800 tỷ đồng.
Về tình hình triển khai kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2022, tổng số vốn các bộ, cơ quan trung ương và địa phương trước ngày 31/12/2021 đã có quyết định giao chi tiết cho các dự án đủ thủ tục đầu tư, đủ điều kiện giải ngân trong năm 2022 là 324.767,269 tỷ đồng, đạt 62,6% so với số vốn Thủ tướng Chính phủ đã giao kế hoạch cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.
Nguyên nhân chưa phân bổ kế hoạch năm 2022 chủ yếu do một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương dự kiến phân bổ cho các dự án phải báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi phân bổ, giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 theo quy định tại Nghị quyết số 29/2021/QH15 của Quốc hội.
Về tình hình giải ngân vốn đầu tư nguồn NSNN trong tháng 01/2022, vốn NSNN năm 2022 ước thanh toán đến ngày 31/01/2022 là 12.950 tỷ đồng, đạt 2,5% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2021 đạt 3,25% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao). Nguyên ngân giải ngân chậm là do thời điểm này các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tập trung hoàn thiện hồ sơ, thủ tục, thanh toán kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2021 và các thủ tục đấu thầu cho hạng mục, dự án triển khai trong năm 2022.
Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân toàn bộ vốn NSNN năm 2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tập trung quán triệt nghiêm túc chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, các Nghị quyết của Chính phủ, văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về giải ngân vốn đầu tư công; đẩy mạnh giải ngân phải đi đôi với bảo đảm chất lượng công trình, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong công tác chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng, thẩm định dự án, lập kế hoạch đầu tư công.
Tháo gỡ khó khăn về thể chế, cơ chế, chính sách cho đầu tư công
Về triển khai xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số Luật, ngày 11/01/2021, Quốc hội đã thông qua Luật số 03/2022/QH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự (có hiệu lực kể từ ngày 01/3/2022). Trong đó, sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư công theo hướng quy định thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ được phân cấp cho người đứng đầu cơ quan chủ quản đối với dự án nhóm B, nhóm C và dự án hỗ trợ kỹ thuật sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài.
Trong thời gian tới, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được phân công tiếp tục rà soát, hoàn thiện theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền sửa đổi quy định pháp luật, cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động đầu tư công./.
Bảo Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư