I. PHÁT TRIỂN KINH TẾ
1. Hoạt động tài chính, ngân hàng
1.1 Tài chính
Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn thành phố tháng 01 năm 2022 ước đạt 8.694,9 tỷ đồng, bằng 99,7% so với cùng kỳ năm trước, bằng 8,2% Dự toán Hội đồng nhân nhân thành phố giao. Trong đó:
+ Thu nội địa ước đạt 3.952,5 tỷ đồng, bằng 117% so với cùng kỳ năm trước; bằng 9,6% Dự toán Hội đồng nhân dân thành phố;
+ Thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 4.742,3 tỷ đồng, bằng 106,7% so với cùng kỳ năm trước; bằng 7,9% Dự toán Hội đồng nhân dân thành phố.
Trong số thu nội địa: thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước Trung ương đạt 175,8 tỷ đồng, bằng 96,5% so với cùng kỳ năm trước; thu từ doanh nghiệp Nhà nước địa phương đạt 85,4 tỷ đồng, bằng 82,2%; thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 646,7 tỷ đồng, bằng 114,5%; thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đạt 1.069 tỷ đồng, bằng 87,1%...
Tổng chi ngân sách địa phương tháng 01 năm 2022 ước đạt 1.251,6 tỷ đồng, bằng 151,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: chi đầu tư phát triển trong chi cân đối ngân sách địa phương ước đạt 300,3 tỷ đồng; chi thường xuyên ước đạt 841,8 tỷ đồng, bằng 119,8% so với cùng kỳ năm trước.
1.2 Ngân hàng
Ngay từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Hải Phòng triển khai Kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm đảm bảo công tác Ngân hàng hoạt động, an toàn, hiệu quả.
* Công tác huy động vốn
Tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn ước thực hiện đến 31/01/2022 đạt 264.344 tỷ đồng, tăng 8,56% so với cùng kỳ năm trước.
Theo loại tiền: Huy động bằng VND ước đạt 251.201 tỷ đồng, tăng 10,48% so với cùng kỳ năm trước, chiếm tỷ trọng 95,03%; ngoại tệ (quy đổi VND) ước đạt 13.143 tỷ đồng, bằng 81,57% so với cùng kỳ năm trước, chiếm tỷ trọng 4,97%.
Theo hình thức huy động: Huy động tiền gửi tiết kiệm ước đạt 157.295 tỷ đồng, tăng 5,44% so với cùng kỳ năm trước, chiếm tỷ trọng 59,5%; tiền gửi thanh toán ước đạt 100.798 tỷ đồng, tăng 15,37% so với cùng kỳ năm trước, chiếm tỷ trọng 38,13%; phát hành giấy tờ có giá ước đạt 6.251 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 2,36%.
* Công tác tín dụng
Tổng dư nợ cho vay đến 31/01/2022 ước đạt 149.882 tỷ đồng, tăng 14,16% so với cùng kỳ năm trước.
Cơ cấu dư nợ theo loại tiền: Cho vay bằng VND ước đạt 142.573 tỷ đồng, tăng 14,98% so với cùng kỳ năm trước, chiếm tỷ trọng 95,12%. Cho vay ngoại tệ (quy đổi VND) ước đạt 7.309 tỷ đồng, tăng 0,19% so với cùng kỳ năm trước, chiếm tỷ trọng 6,88%.
Cơ cấu dư nợ phân theo thời hạn vay: Cho vay ngắn hạn ước đạt 75.458 tỷ đồng, tăng 20,65% so với cùng kỳ năm trước, chiếm tỷ trọng 50,34%; cho vay trung, dài hạn ước đạt 74.425 tỷ đồng, tăng 8,25% so với cùng kỳ năm trước, chiếm tỷ trọng 49,66%.
2. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI)
Ngày 30/11/2021, Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Chỉ thị số 24/CT-UBND, trong đó yêu cầu các ngành, các cấp thành phố tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022; đẩy mạnh triển khai chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết và tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ thị trường trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022; không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa, đầu cơ, gây sốt giá, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống Nhân dân trong dịp Tết. Cùng với thời điểm đó, từ cuối tháng 12/2021 và đầu tháng 01/2022 tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biễn phức tạp (trung bình trên 500 ca nhiễm/1 ngày) làm cho nhu cầu tiêu thụ hàng hóa giảm, đây là nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 01/2022 giảm 0,08% so với tháng 12/2021, tăng 1,44% so với cùng kỳ năm trước.
So với tháng trước, CPI thành phố Hải Phòng tháng 01/2022 giảm 0,08% (khu vực thành thị giảm 0,03%; khu vực nông thôn giảm 0,14%). Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, có 02 nhóm có chỉ số giá tiêu dùng giảm, 8 nhóm hàng có chỉ số giá tăng so với tháng trước.
Trong 02 nhóm hàng có chỉ số giá giảm, nhóm giao hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,62% (làm CPI chung giảm 0,23 điểm phần trăm); do chỉ số giá nhóm rau tươi, khô và chế biến giảm 15,69% so với tháng trước (làm CPI chung giảm 0,43 điểm phần trăm); nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và VLXD giảm 0,17% (làm CPI chung giảm 0,03 điểm phần trăm), trong đó giá điện giảm 0,68% so với tháng trước do nhu cầu sử dụng điện vào mùa Đông giảm và do chính sách hỗ trợ giảm tiền điện đợt 3 của thành phố đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, giá gas giảm 1,7% so với tháng trước do giá gas trong nước điều chỉnh giảm 8.000 đồng/ bình 12 kg.
Trong 8 nhóm hàng có chỉ số giá tăng, nhóm giao thông tăng 1,44% (làm CPI chung tăng 0,13 điểm phần trăm) do điều chỉnh tăng giá xăng, dầu vào ngày 26/12/2021 và các ngày 11, 21/01/2022 đã làm giá xăng tăng A95 tăng 1.560 đồng/lít, xăng E5 tăng 1.510 đồng/lít, dầu diezel tăng 1.570 đồng/lít.
So với tháng 01/2021, CPI tháng 01/2022 tăng 1,44%, trong đó có 09 nhóm hàng tăng giá và 02 nhóm hàng giảm giá. Nhóm giao thông tháng 01/2022 tăng cao nhất với 16,5% do giá xăng, dầu trong nước từ tháng 01/2021 đến nay điều chỉnh làm cho giá xăng A95 tăng 7.890 đồng/lít; giá xăng E5 tăng 8.080 đồng/lít và giá dầu diezel tăng 6.530 đồng/lít.
* Chỉ số giá vàng 99,99% và Đô la Mỹ:
- Chỉ số giá vàng tháng 01/2022 tăng 0,87% so với tháng trước, giảm 4,40% so với tháng 01/2021. Giá vàng bình quân tháng 01/2022 dao động ở mức 5,31 triệu đồng/chỉ, tăng 46.000 đồng/chỉ.
- Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 01/2022 giảm 0,32% so với tháng trước, giảm 1,16% so với tháng 01/2021. Tỷ giá USD/VND bình quân tháng 01/2022 dao động ở mức 22.913 đồng/USD, giảm 73,19 đồng/USD.
3. Đầu tư
Do dịch Covid-19 bùng phát, việc triển khai các dự án đầu tư tổng thể trên địa bàn thành phố Hải Phòng đến năm 2022 và thực hiện các dự án vốn ngân sách thành phố nói riêng gặp rất nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến đời sống của người dân và toàn bộ nền kinh tế; nhiều dự án không thể đàm phán thông qua họp với quần chúng nhân dân về phương án giải phóng mặt bằng đã ảnh hưởng đến tiến độ thi công; việc di chuyển chuyên gia, người lao động của các nhà thầu đến từ các địa phương khác vào Hải Phòng bị hạn chế. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo quyết liệt, đồng thời, linh hoạt của lãnh đạo thành phố, sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, ban ngành từ thành phố đến địa phương, năm 2021, vốn đầu tư công của thành phố là 15.669 tỷ đồng, đạt 88,7% kế hoạch vốn năm 2021, tăng 109,08% so với năm 2020.
Kết quả năm 2021 là nền tảng để Hải Phòng tự tin vươn tới những mục tiêu cao hơn trong năm 2022. Theo Nghị quyết số 66/NQ-HĐND về Kế hoạch đầu tư công thành phố Hải Phòng năm 2022, nguồn vốn đầu tư công từ nguồn ngân sách thành phố năm 2022 là 18.103,7 tỷ đồng.
Ngay từ những ngày đầu năm 2022, tốc độ triển khai các công trình dự án của thành phố đã được khẩn trương thực hiện, vốn đầu tư ước tính tháng 01 đạt 709,8 tỷ đồng, bằng 122,16% so cùng kỳ năm 2021. Chia ra: Vốn ngân sách nhà nước cấp thành phố ước đạt 567,2 tỷ đồng, bằng 120,31%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện 108,6 tỷ đồng, bằng 129,19%; vốn ngân sách nhà nước cấp xã 34 tỷ đồng, bằng 133,33% so với tháng 01 năm 2021. Mặc dù tốc độ thực hiện các công trình, dự án lớn trong tháng 01 năm 2022 chậm lại nhiều so với tháng 12 năm 2021 do yếu tố mùa vụ vào thời điểm cận Tết Nguyên đán nhưng với tốc độ tăng trên 22% so với cùng kỳ năm 2021 là tín hiệu khả quan trong kế hoạch thực hiện và giải ngân nguồn vốn đầu tư của thành phố trong năm 2022.
* Tình hình thu hút vốn đầu tư nước ngoài
Tính đến 15/01/2022 Hải Phòng có 800 dự án còn hiệu lực:
Tổng vốn đầu tư : 22.731,72 triệu USD
Vốn điều lệ : 7.475,80 triệu USD
Vốn Việt Nam góp : 239,54 triệu USD
Nước ngoài góp : 7.236,26 triệu USD
Tính đến 31 tháng 12 năm 2021, toàn thành phố có 53 dự án cấp mới với tổng vốn đầu tư 372,4 triệu USD và 65 dự án điều chỉnh tăng vốn với số vốn tăng là 2.722,49 triệu USD.
Năm 2021 có 6 dự án điều chỉnh giảm vốn, 23 dự án thu hồi/chấm dứt hoạt động.
15 ngày đầu năm 2022, có 8 dự án được cấp mới với tổng vốn đầu tư là 69,41 triệu USD. Trong đó cấp mới trong Khu công nghiệp, Khu kinh tế (KCN, KTT) là 67,84 triệu USD và ngoài KCN, KKT là 1,57 triệu USD.
Điều chỉnh tăng vốn đầu tư có 3 dự án, với số vốn tăng là 32,8 triệu USD. Các dự án mới và tăng vốn chủ yếu ở ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Không có dự án bị thu hồi/ chấm dứt hoạt động.
4. Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản
Sản xuất nông nghiệp trong tháng tập trung chủ yếu vào việc gieo trồng, chăm sóc cây hoa màu và thu hoạch cây vụ Đông, chuẩn bị gieo cấy lúa vụ Xuân. Tình hình nuôi trồng và khai thác thủy sản phát triển ổn định. Bên cạnh đó, tập trung chuẩn bị mặt bằng, ươm và chăm sóc cây giống phục vụ dịp Tết trồng cây Xuân Nhâm Dần 2022.
4.1. Nông nghiệp
* Trồng trọt
- Sản xuất vụ Đông 2021 - 2022
Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm vụ Đông trên địa bàn thành phố ước đạt 6.756,1 ha, bằng 95,70%, tương ứng giảm 305,5 ha so với vụ Đông năm trước. Diện tích một số cây trồng chính cụ thể như sau:
Cây ngô: Diện tích gieo trồng ước đạt 295,7 ha, bằng 92,27% so với cùng kỳ năm trước. Nhiều giống ngô mới được đưa vào sản xuất cho năng suất cao nhưng chưa thực sự là thế mạnh để bà con nông dân đầu tư mở rộng diện tích trồng vì thị trường tiêu thụ còn gặp khó khăn.
Cây khoai lang: Diện tích gieo trồng ước đạt 331,3 ha, bằng 112,99% so với cùng kỳ năm trước. Thị trường tiêu thụ khoai lang tươi có những tín hiệu tích cực, giá thành ổn định và có xu hướng tăng nên diện tích trồng cây khoai lang được mở rộng.
Cây rau các loại: Diện tích nhóm rau các loại ước đạt 4.821,9 ha, bằng 94,99% so với vụ Đông năm trước. Trong đó: Diện tích nhóm cây rau lấy lá đạt 2.244,8 ha, bằng 100,24%; diện tích nhóm cây rau lấy quả đạt 741,9 ha, bằng 94,18%; diện tích nhóm cây rau lấy củ, rễ, thân đạt 718 ha, bằng 94% so với cùng kỳ năm trước.
Diện tích hoa các loại vụ Đông năm nay ước đạt 195,4 ha bằng 107,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó tập trung trồng nhiều nhất ở huyện An Dương với diện tích 78 ha. Nhiều giống hoa đa dạng về màu sắc và chủng loại đáp ứng được thị hiếu của người chơi hoa như: Hoa Lily (Lily Sarbone, Lily Belladonna...), hoa lay ơn, hoa hồng..., cây cảnh như đào, quất cảnh đem lại thu nhập cao cho các hộ nên hàng năm hoa và cây cảnh vẫn được các hộ dân tăng diện tích gieo trồng.
- Sản xuất vụ Xuân 2022
Ngay sau khi kết thúc thu hoạch lúa vụ Mùa năm 2021, bà con nông dân đã chủ động thực hiện cày lật đất, phơi ải chuẩn bị mặt bằng gieo cấy lúa vụ Xuân năm 2022, diện tích cày lật đất, phơi ải đạt 21.736 ha, đạt 76,9% so với Kế hoạch.
Các địa phương tiếp tục tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa; chủ động bố trí gieo cấy đúng thời vụ; cấy hết diện tích gieo cấy lúa Xuân theo Kế hoạch và mở rộng diện tích trồng cây rau vụ Xuân.
* Chăn nuôi
Ước tính tháng 01 năm 2022, số lượng gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố hiện có như sau: Tổng đàn trâu ước đạt 4.166 con, giảm 8,98% so với cùng kỳ năm trước; đàn bò ước đạt 8.463 con, giảm 13,36%.
Tổng đàn lợn toàn thành ước đạt 138,52 nghìn con, tăng 18,33% so với cùng kỳ năm trước. Giá lợn giống bình quân đạt 165,3 nghìn đồng/kg, giảm 5,55% so với tháng trước. Giá lợn hơi có xu hướng tăng trở lại với mức tăng hơn 3% so với tháng trước và dự báo có thể tiếp tục tăng giá trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, hiện giá lợn hơi xuất chuồng đang dao động ở mức 50.000 đồng/kg.
Thị trường tiêu thụ thịt gia cầm trong thời gian qua bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên chăn nuôi gia cầm trên địa bàn tiếp tục có xu hướng giảm. Tổng đàn gia cầm trong tháng ước đạt 8.436,8 nghìn con, giảm 4,23%, trong đó đàn gà ước đạt 6.368,6 nghìn con, giảm 4,18% so với cùng kỳ năm trước.
4.2. Lâm nghiệp
Tháng 01 năm 2022, sản lượng gỗ khai thác ước đạt 133,9 m3, giảm 6,89% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng củi khai thác ước đạt 4.150,4 ste, giảm 4,40%.
Hiện nay, để thực hiện tốt Kế hoạch Tết trồng cây Xuân Nhâm Dần 2022, các địa phương đang tích cực triển khai công tác kiểm tra cây giống lâm nghiệp, khảo sát địa điểm trồng cây bóng mát, cây ăn quả đảm bảo đủ chất lượng trên địa bàn toàn thành phố.
4.3. Thủy sản
Sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản tháng 01 năm 2022 ước đạt 16.432,0 tấn, tăng 2,16% so với cùng kỳ năm trước.
* Nuôi trồng
Diện tích nuôi trồng thủy sản tháng 01 năm 2022 ước đạt 7.164,6 ha, giảm 2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: diện tích nuôi cá các loại đạt 4.780,4 ha, giảm 2,26%; tôm các loại đạt 1.970,2 ha, giảm 1,46%; thủy sản khác đạt 414 ha, giảm 1,53%.
Sản lượng nuôi trồng thủy sản thu hoạch tháng 01 năm 2022 ước đạt 6.484,7 tấn, tăng 2,11% so với cùng kỳ năm trước, chia ra: cá các loại đạt 4.819,5 tấn, tăng 2,27%; tôm các loại đạt 534,2 tấn, tăng 2,53%; thủy sản khác đạt 1.131 tấn, tăng 1,26% với chủ lực là sản lượng ngao nước mặn.
Các cơ sở nuôi trồng thủy sản cần chủ động áp dụng các biện pháp phòng tránh rét, theo dõi diễn biến thời tiết và chuẩn bị đầy đủ vật tư, hóa chất, áp dụng các biện pháp kỹ thuật giữ ổn định môi trường ao nuôi, chăm sóc tích cực để tăng sức đề kháng của thủy sản nuôi. Khu vực thả nuôi sớm tôm thẻ chân trắng đã tiến hành thu hoạch tôm lớn đảm bảo phục vụ nhu cầu thực phẩm cho dịp Tết Nhâm Dần năm 2022.
* Khai thác
Sản lượng khai thác thủy sản tháng 01 năm 2022 ước đạt 9.947,3 tấn, tăng 2,19% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó khai thác biển chiếm đa số với sản lượng ước đạt 9.550,7 tấn, chiếm 96% tổng sản lượng khai thác, tăng 2,24% so cùng kỳ năm trước.
Vụ cá Bắc đang chịu ảnh hưởng trực tiếp của gió mùa Đông Bắc, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường ở Bắc Bộ trong tháng 01/2022, nhiệt độ nước biển giảm, kéo dài làm ảnh hưởng tới sản xuất khai thác của ngư dân. Tuy nhiên hiện nay thị trường tiêu thụ hải sản vẫn đảm bảo, giá mặt hàng hải sản tương đối ổn định nên mỗi chuyến đi biển vẫn đảm bảo lợi nhuận cho ngư dân. Các địa phương khuyến cáo ngư dân thường xuyên theo dõi thời tiết, chủ động và có phương án đảm bảo an toàn sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
5. Sản xuất công nghiệp
Thời gian sản xuất tháng 1/2022 ít hơn cùng kỳ năm trước; tình hình dịch bệnh gia tăng từ các tháng cuối năm 2021, đỉnh điểm sau thời gian nghỉ Tết dương lịch Hải Phòng tăng cấp độ dịch lên cấp độ 4, cấp độ nguy cơ rất cao (đến thời điểm hiện tại cấp độ dịch trên địa bàn thành phố là cấp độ 2), đã xuất hiện nhiều chùm ca bệnh trong các khu công nghiệp, nhiều doanh nghiệp sản xuất bị ảnh hưởng, bên cạnh đó, một số ngành sản xuất có tỷ trọng lớn dự kiến khối lượng sản xuất tháng 01/2022 giảm do chuyển đổi sản phẩm mới, giá nguyên vật liệu tăng cao, khó khăn trong tiêu thụ... như ngành sản xuất thiết bị truyền thông, sản xuất xi măng, sản xuất phân bón.. là những nguyên nhân làm chỉ số phát triển sản xuất (PTSX) công nghiệp tháng 01/2022 có mức tăng thấp nhất trong 5 năm trở lại đây.
Chỉ số PTSX công nghiệp (IIP) tháng 01/2022 ước giảm 8,43% so với tháng trước và tăng 4,07% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: ngành công nghiệp, ngành chế biến, chế tạo tăng 3,84%, đóng góp 3,44 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 8,88%, làm tăng 0,64 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,98%, tác động làm tăng 0,06 điểm phần trăm trong mức tăng chung; riêng ngành khai khoáng giảm 29,03%, làm giảm 0,07 điểm phần trăm trong mức tăng trưởng chung.
Trong số 53 ngành cấp 4, có 27 ngành có chỉ số sản xuất giảm so với cùng kỳ, 26 ngành có chỉ số sản xuất tăng so với cùng kỳ. Một số ngành công nghiệp cấp 4 có chỉ số sản xuất tăng cao so với cùng kỳ năm trước: ngành sản xuất mô tô, xe máy tăng 190%; sản xuất hóa chất cơ bản tăng 150%; sản xuất hàng may sẵn (trừ trang phục) tăng 99,69%; sửa chữa và bảo dưỡng phương tiện vận tải tăng 88%; may trang phục tăng 54,48%; sản xuất săm, lốp cao su tăng 52,69%;... Một số ngành có mức tăng khá: sản xuất sản phẩm điện tử dân dụng tăng 36,03%; sản xuất đồ chơi, trò chơi tăng 26,21%; sản xuất đồ gỗ xây dựng tăng 25,74%;... Một số ngành sản xuất giảm: chế biến bảo quản thủy sản và các sản phẩm từ thủy sản giảm 35,06%; sản xuất phân bón và hợp chất ni tơ giảm 31,96%; sản xuất thiết bị truyền thông giảm 20,95%; sản xuất pin và ắc quy giảm 28,24%; sản xuất thuốc lá giảm 21,29%;...
*Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu 01 tháng năm 2022 dự kiến tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Xe máy điện tăng 190,7%; phân bón tăng 150%; dược phẩm khác tăng 55,76%; lốp hơi mới bằng cao su loại dùng cho xe buýt xe tải hoặc máy bay tăng 52,69%;... Một số sản phẩm tăng khá: camera điện thoại tăng 42,87%; ghế có khung kim loại tăng 39,13%; đồ chơi hình con vật tăng 26,21%; máy in tăng 27,46%; sổ sách vở thếp tăng 34,24%; quần áo các loại tăng 30,9%;.... Một số sản phẩm giảm so với cùng kỳ như: gỗ ốp lát công nghiệp giảm 68,18%; găng tay, bao tay giảm 46,2%; dây cách điện đơn dạng cuộn bằng đồng giảm 58,65%;...
*Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tháng 01/2022 tăng 17,62% so với cùng kỳ, trong đó có một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng mạnh như: sản xuất xe có động cơ tăng 101,5%; sản xuất săm, lốp cao su; đắp và tái chế lốp cao su tăng 91,96%; sản xuất hàng may sẵn tăng 70,55%; may trang phục tăng 66,34%; sản xuất sản phẩm điện tử dân dụng tăng 50,72%; sản xuất đồ chơi, chò chơi tăng 20,35%;... Một số ngành có chỉ số tiêu thụ giảm như: sản xuất dây cáp, dây điện và điện tử khác giảm 47,16%; sản xuất sản phẩm thuốc lá giảm 34,74%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu giảm 31,59%; sản xuất bê tông và các sản phẩm từ xi măng và thạch cao giảm 13,59%;...
6. Thương mại, dịch vụ
Tháng 01/2022 là tháng cao điểm cho các hoạt động thương mại, dịch vụ. Dù ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nhưng những ngày cuối năm, thị trường Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 ngày càng nhộn nhịp, hàng hóa đa dạng, phong phú về chủng loại với nhiều chương trình khuyến mại các đơn vị kinh doanh đưa ra giúp người dân có nhiều lựa chọn mua sắm hàng hóa bảo đảm chất lượng, giá cả phù hợp. Tại các chợ truyền thống đang hoạt động trở lại với trạng thái “bình thường mới”. Mặt hàng được tiêu thụ chủ yếu tập trung vào các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng hàng ngày và trong dịp Tết Nguyên đán.
6.1. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 01 năm 2022 ước đạt 13.989,6 tỷ đồng, tăng 2,36% so với tháng trước, tăng 4,27% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, mức tăng này thấp hơn cùng kỳ năm 2021 (tháng 01/2021 tăng 12,45% so với cùng kỳ). Do ảnh hưởng của dịch bệnh nên dự kiến sức mua tháng Tết năm nay của người dân giảm, bên cạnh đó, trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố về tăng cường các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, một số ngành dịch vụ tạm dừng hoạt động nên dự kiến doanh thu tháng 01 năm 2022 của nhóm ngành dịch vụ đều giảm so với tháng trước và giảm so với cùng kỳ.
* Doanh thu chia theo ngành hoạt động
- Hoạt động bán lẻ: doanh thu tháng 01/2022 ước đạt 11.770,6 tỷ đồng, tăng 3,68% so với tháng trước, tăng 12,54% so với cùng kỳ. Trong đó, tất cả các ngành hàng có ước tính doanh thu tăng so với cùng kỳ năm trước, cụ thể: ngành bán lẻ lương thực, thực phẩm tăng 14,86%, hàng may mặc tăng 14,6%, đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình tăng 10,75%, vật phẩm, văn hóa, giáo dục tăng 12,01%, gỗ và vật liệu xây dựng tăng 14,09%; ô tô con dưới 9 chỗ ngồi tăng 13,38%, xăng dầu các loại tăng 11,46%...
- Hoạt động dịch vụ
Đầu tháng 01 năm 2022, diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động dịch vụ du lịch, lưu trú, ăn uống, vui chơi giải trí của thành phố, có những thời điểm cấp độ dịch theo quy mô thành phố Hải Phòng ở cấp độ 4 (nguy cơ rất cao). Thực hiện văn bản số 9884/UBND-VX của UBND thành phố Hải Phòng về việc chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố theo các cấp độ dịch: ngừng các hoạt động nghỉ dưỡng, khách sạn, nhà nghỉ, tham quan du lịch, lễ hội, biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao, các cơ sở kinh doanh, dịch vụ không thiết yếu tại các khu, điểm vui chơi, giải trí…
Đến thời điểm ngày 17 tháng 01 năm 2022, cấp độ dịch theo quy mô thành phố hạ xuống cấp độ 3 (nguy cơ cao), một số hoạt động sản xuất kinh doanh dần được nới lỏng các điều kiện hoạt động theo cấp độ dịch. Vì vậy, ước doanh thu các ngành dịch vụ trong tháng 01 năm 2022 đều giảm so với tháng trước và giảm so với cùng kỳ. Cụ thể:
- Doanh thu dịch vụ lưu trú tháng 01 năm 2022 ước đạt 55,2 tỷ đồng, giảm 7,72% so với tháng trước và giảm 52,4% so với cùng kỳ năm trước.
- Doanh thu dịch vụ ăn uống tháng 01 năm 2022 ước đạt 1.374,2 tỷ đồng, giảm 5,38% so với tháng trước và giảm 18,32% so với cùng kỳ năm trước.
- Đối với du lịch lữ hành, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, hoạt động du lịch lữ hành tiếp tục gián đoạn, không phát sinh doanh thu tháng 01 năm 2022.
- Doanh thu dịch vụ khác tháng 11 năm 2021 ước đạt 789,6 tỷ đồng, giảm 1,53% so với tháng trước và giảm 13,13% so với cùng kỳ năm trước. Tất cả các ngành dịch vụ trong tháng 01 năm 2022 đều giảm so với cùng kỳ, doanh thu từ hoạt động kinh doanh bất động sản chiếm 56,09%, ước đạt 442,9 tỷ đồng, giảm 10,53% so với cùng kỳ, do tác động của làn sóng dịch bệnh lần thứ 4 khiến nhà đầu tư bất động sản giảm, bên cạnh đó dịch bệnh khiến việc cho thuê nhà cũng gặp nhiều khó khăn do nhu cầu giảm. Doanh thu từ dịch vụ nghệ thuật, vui chơi và giải trí bị ảnh hưởng nặng nề, giảm sâu so với cùng kỳ, đạt 15,6 tỷ đồng, giảm 58,89% so với cùng kỳ.
6.2. Hoạt động lưu trú và lữ hành
Tổng lượt khách tháng 01 năm 2022 do các cơ sở lưu trú và lữ hành thành phố phục vụ ước đạt 139,6 nghìn lượt, giảm 4,43% so với tháng trước và giảm 72,73% so với cùng tháng năm 2021, trong đó khách quốc tế đạt 5,6 nghìn lượt, giảm 4,35% so với tháng trước, giảm 43,96% so với cùng kỳ.
Đối với hoạt động lữ hành, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thành phố tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, do vậy ước tháng 01 năm 2022 không có khách du lịch theo tour.
6.3. Hoạt động vận tải
6.3.1. Vận tải hàng hoá
Khối lượng hàng hoá vận chuyển tháng 01 năm 2022 ước đạt 25,1 triệu tấn, tăng 1,06% so với tháng trước và tăng 8,44% so với cùng tháng năm trước.
Khối lượng hàng hóa luân chuyển tháng 01 năm 2022 ước đạt 10.522,2 triệu tấn.km, tăng 0,42% so với tháng trước và tăng 7,16% so với cùng tháng năm trước.
Khối lượng hàng hóa vận chuyển và luân chuyển tháng 01/2022 tăng so với tháng 12/2021 tác động chủ yếu bởi khối vận tải hàng hóa đường bộ tăng do việc chu chuyển hàng hóa chuẩn bị cho Tết Nguyên đán.
6.3.2. Vận tải hành khách
Khối lượng hành khách vận chuyển tháng 01 năm 2022 ước đạt 1,8 triệu lượt, giảm 15,9% so với tháng trước, giảm 60,43% so với cùng tháng năm trước.
Khối lượng hành khách luân chuyển tháng 01 năm 2022 đạt 72,4 triệu Hk.km, giảm 20,22% so với tháng trước và giảm 60,85% so với cùng tháng năm trước.
Khối lượng hành khách vận chuyển và luân chuyển giảm so với tháng trước tác động chủ yếu bởi lượng hành khách đường bộ và đường biển, do tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố diễn ra khá phức tạp nên nhu cầu khách đi lại giảm mạnh.
6.3.3. Doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải
Doanh thu dịch vụ kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải tháng 01 năm 2022 ước đạt 4.570,7 tỷ đồng, giảm 4,42% so với tháng trước và tăng 19,65% so với cùng tháng năm trước.
6.3.4. Vận tải hàng không
Tháng 01 năm 2022, tổng doanh thu của Sân bay Cát Bi ước đạt 3,5 tỷ đồng, giảm 22,79% so với tháng trước; giảm 82,03% so với cùng tháng năm trước.
Số lần máy bay hạ, cất cánh tháng 01 năm 2022 ước đạt 308 chuyến, giảm 9,41% so với tháng trước, giảm 78,16% so với cùng tháng năm trước, trong đó, có 8 chuyến bay ngoài nước.
Tổng số hành khách tháng 01 năm 2022 ước đạt 50,6 ngàn lượt người, tăng 47,56% so với tháng trước, giảm 71,73% so với cùng tháng năm trước.
Tổng số hàng hóa tháng 01 năm 2022 ước đạt 650 tấn, giảm 2,4% so với tháng trước, giảm 42,63% so với cùng tháng năm trước.
6.4. Hàng hoá thông qua cảng
Sản lượng hàng hóa thông qua cảng tháng 01 năm 2022 ước đạt 11,098 triệu TTQ, tăng 2,74% so với tháng trước và tăng 3,02% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể:
- Khối cảng thuộc kinh tế Nhà nước ước đạt 4,958 triệu TTQ, tăng 1,99% so với tháng trước; tăng 1,99 % so với cùng kỳ, trong đó:
+ Cảng thuộc khối doanh nghiệp nhà nước Trung ương ước đạt 4,955 triệu TTQ, tăng 1,94% so với tháng trước; tăng 1,94% so với cùng kỳ.
+ Cảng thuộc khối doanh nghiệp Nhà nước địa phương ước đạt 0,003 triệu TTQ, tăng 1,13% so với tháng trước, giảm 18,89% so với cùng kỳ.
- Các cảng thuộc khu vực kinh tế ngoài nhà nước ước đạt 6,140 triệu TTQ, tăng 3,39% so với tháng trước, tăng 3,93% so với cùng kỳ năm 2021.
* Doanh thu cảng biển tháng 01 năm 2022 của khối cảng trên địa bàn thành phố ước đạt 521 tỷ đồng, tăng 1,25% so với tháng trước, tăng 5,56% so với cùng kỳ.
II. VĂN HÓA - XÃ HỘI
Dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp và liên tục ghi nhận những trường hợp tử vong do dịch bệnh, gây ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng, đời sống an sinh của nhân dân và tình hình kinh tế chung của thành phố. Trước tình hình đó, Lãnh đạo và nhân dân thành phố Hải Phòng luôn chủ động các phương án, ứng phó chính xác diễn biến dịch, hạn chế thấp nhất tác động của dịch bệnh.
1. Giải quyết việc làm, an sinh xã hội
* Công tác Lao động, việc làm
Trong tháng 01 đầu năm 2022, tổ chức 02 phiên giao dịch việc làm, có 36 lượt doanh nghiệp tham gia với nhu cầu tuyển dụng là 600 lượt lao động; cung lao động tại Sàn được 3.000 lượt người, gấp 5 lần nhu cầu tuyển dụng; đăng ký bảo hiểm thất nghiệp là 800 người. Qua giải quyết chế độ thất nghiệp đã tư vấn, giới thiệu việc làm cho 800 lao động. Hướng dẫn, tiếp nhận thỏa ước lao động tập thể cho 01 doanh nghiệp; hướng dẫn, thẩm định và ra thông báo thực hiện nội quy lao động cho 02 doanh nghiệp. Ước cấp mới 80 giấy phép lao động, cấp lại 05 giấy phép lao động, gia hạn 10 giấy phép lao động, miễn cấp 03 giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
Tháng 01/2022, đến thời điểm báo cáo trên địa bàn thành phố xảy ra 01 vụ đình công, ngừng việc tập thể với 300 lao động tham gia; xảy ra 01 vụ tai nạn lao động làm chết 01 người.
* Công tác giáo dục nghề nghiệp
Trong tháng 01 năm 2022, tổng hợp, báo cáo kết quả tuyển sinh, đào tạo GDNN trên địa bàn thành phố năm 2021 theo quy định tại Thông tư 15/2019/TT-BLĐTBXH; phối hợp tổ chức tư vấn học nghề, giới thiệu việc làm cho quân nhân hoàn thành nghĩa vụ quân sự tại ngũ trở về địa phương năm 2022 theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố. Báo cáo, đề nghị UBND thành phố tiếp tục giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hoàn thiện Kế hoạch của UBND thành phố triển khai thực hiện Chương trình “Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong các cơ sở GDNN giai đoạn 2022-2027” sau khi Kế hoạch của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành. Hướng dẫn Trung tâm GDNN Giao thông vận tải Hải Phòng về đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp; tiếp tục tập trung xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về liên kết, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn thành phố Hải Phòng.
* Công tác người có công
Trong tháng 01/2022, giải quyết chế độ chính sách đối với 100 trường hợp, gồm: trợ cấp mai táng phí đối với 42 người, trợ cấp hàng tháng đối với 01 vợ liệt sĩ đã lấy chồng/vợ khác, chế độ thờ cúng: 57 trường hợp. Tiếp nhận, thẩm định để thực hiện chính sách và phục vụ công tác quản lý đối với 23 trường hợp, trong đó: cấp lại giấy chứng nhận đối với người có công với cách mạng 06 giấy chứng nhận thân nhân gia đình liệt sĩ; tiếp nhận, giới thiệu di chuyển hồ sơ 15 trường hợp; đính chính thông tin cá nhân trong hồ sơ người có công với cách mạng 02 trường hợp. Xây dựng, triển khai thực hiện Kế hoạch thăm, tặng quà cho người có công nhân dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
* Công tác giảm nghèo - Bảo trợ xã hội
Trong tháng 01/2022, tiếp nhận 01 đối tượng vào các Trung tâm bảo trợ xã hội, tập trung được 15 lượt người lang thang. Tính đến ngày 15/01/2022, số lượng các đối tượng tại các cơ sở bảo trợ xã hội tổng số là 741 người, bằng 99% so với năm trước; cấp 01 giấy chứng nhận cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập. Phối hợp triển khai kế hoạch thăm tặng quà Tết Nhâm Dần năm 2022 cho người nghèo, người cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội nuôi dưỡng tập trung và tặng quà chúc thọ người cao tuổi năm 2022.
* Công tác phòng, chống tệ nạn xã hội
Trong tháng 01/2022, tổ chức quản lý, cai nghiện ma túy tập trung tại các Cơ sở cai nghiện ma túy và trường Lao động xã hội Thanh Xuân cho 784 người. Cai nghiện tại gia đình và cộng đồng cho 09 người. Điều trị Methadone toàn thành phố (18 cơ sở) cho 3.923 người, trong đó ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đang quản lý 06 cơ sở điều trị cho 1.156 người. Đoàn kiểm tra 178 thành phố tập trung rà soát, nắm tình hình các cơ sở kinh doanh dịch vụ theo Quyết định số 28999/QĐ-SLĐTBXH của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội về việc phê duyệt Kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2022; đồng thời rà soát, kiểm tra tình hình hoạt động và việc chấp hành chỉ đạo của Chính phủ và thành phố về phòng, chống Covid-19 ở các cơ sở kinh doanh dịch vụ.
2. Giáo dục - Đào tạo
Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Ngành giáo dục thành phố vẫn có nhiều chủ trương, hoạt động ý nghĩa và thiết thực đảm bảo phương châm các em học sinh ngừng đến trường nhưng không ngừng học; nhiều trường học trên địa bàn thành phố đã thực hiện chương trình “Sóng và máy tính cho em” do Bộ Giáo dục và đào tạo phát động nhằm đảm bảo tất cả các em học sinh đều có thiết bị học tập trực tuyến, không ảnh hưởng đến chất lượng học tập. Đặc biệt, trong tháng, thành phố đã tổ chức Lễ Biểu dương học sinh, sinh viên xuất sắc tiêu biểu thành phố năm 2021, đây là hoạt động có ý nghĩa sâu sắc nhằm động viên, khuyến khích các em HSSV trên địa bàn thành phố thi đua học tập và rèn luyện, góp phần đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài trong toàn thành phố, thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo thành phố đối với công tác giáo dục, đào tạo nhân tài.
Thành phố tiếp tục tăng cường công tác tiêm chủng, kiểm soát biến chủng mới Omicron của virus Sars-CoV-2 trong các trường học.
3. Y tế và An toàn vệ sinh thực phẩm
* Công tác y tế dự phòng
Công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19
Trong tháng 01 năm 2022, tình hình dịch bệnh Covid-19 của thành phố diễn biến phức tạp khi liên những ca mắc mới không ngừng tăng cao, đã có nhiều ca tử vong, gây ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng, đời sống an sinh xã hội và tình hình kinh tế chung của toàn thành phố.
Tính đến ngày 24/01/2022, tổng số ca đang điều trị là 18.377 ca; số ca hồi phục xuất viện là 16.740 ca; số ca tử vong là 55 ca.
Số cơ sở cách ly y tế: tại các cơ sở cách ly tập trung là 434 người; tại các khách sạn là 190 người; cách ly tại nhà, nơi cư trú là 32.454 người. Xét nghiệm: tổng tích lũy từ ngày 23/3/2020 đến ngày 24/01/2022 đã lấy 2.647.056 mẫu xét nghiệm; tính trong thời gian từ ngày 27/4/2021 đến ngày 24/01/2022 đã lấy 2.119.969 mẫu xét nghiệm. Tiêm vắc xin: tổng tích lũy mũi tiêm đến nay: 3.912.140 mũi (người lớn: 3.564.788 mũi; trẻ em: 347.352 mũi).
*Công tác phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm khác
Tình hình các bệnh truyền nhiễm gây dịch trong toàn thành phố tháng 01/2022: bệnh sốt xuất huyết không ghi nhận ca bệnh; bệnh tay chân miệng: ghi nhận 09 ca mắc; bệnh thủy đậu ghi nhận 08 ca mắc; bệnh quai bị ghi nhận 02 ca; bệnh tiêu chảy ghi nhận 57 ca; hội chứng lỵ ghi nhận 05 ca bệnh; cúm ghi nhận 122 ca; sởi không ghi nhận ca bệnh; bệnh liên cầu lợn ở người không ghi nhận ca bệnh; bệnh viêm não vi rút không ghi nhận ca bệnh.
Trong tháng 01/2022, thành phố đã tổ chức tiêm phòng các mũi vắc xin trong chương trình tiêm mở rộng cho trẻ em và phụ nữ có thai đầy đủ, an toàn, phù hợp với tình hình dịch hàng tháng.
* Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm
Trong năm tháng 01/2022, thành phố thực hiện kiểm tra theo Quyết định số 4003/QĐ-BCĐ ngày 31/12/2021 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm đợt Tết Nguyên đán Nhâm dần năm 2022; bảo đảm an toàn thực phẩm phục vụ đoàn công tác của Thủ tướng Chính phủ làm việc tại Hải Phòng; bảo đảm an toàn thực phẩm phục vụ Chương trình đón tiếp và làm việc với đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương; bảo đảm an toàn thực phẩm phục vụ Lễ Biểu dương học sinh, sinh viên xuất sắc tiêu biểu thành phố Hải Phòng 2021.
Số cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP là 16 cơ sở. Hồ sơ tự công bố là 05 sản phẩm; cấp giấy công bố sản phẩm: 0 giấy. Trong tháng báo cáo, không có vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra.
* Công tác phòng chống HIV/AIDS
Trong tháng 01/2022, số người nhiễm HIV là 14 người, số người chuyển sang AIDS là 05 người; số người chết do AIDS là 04 người. Đề án Thí điểm cấp phát thuốc Methadone nhiều ngày 441 bệnh nhân tại 05 cơ sở điều trị. Số bệnh nhân điều trị trong tháng là 41 người; số bệnh nhân ra khỏi chương trình là 48 người; số bệnh nhân đang điều trị là 3.918 người; số bệnh nhân đạt nhiều duy trì là 3.700 người.
4. Văn hóa - Thể thao
Trong tháng 01/2022, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hải Phòng đã tập trung chỉ đạo toàn Ngành tổ chức triển khai tốt các nhiệm vụ chính trị được giao. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh và phát triển toàn diện công tác quản lý nhà nước đối với các lĩnh vực do Ngành quản lý.
Về lĩnh vực văn hóa, thành phố triển khai kế hoạch tổ chức các hoạt động tuyên truyền Nhân dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 và kỷ niệm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Tổ chức ghi hình và phát sóng chương trình nghệ thuật “Ký ức đồng vọng” - Sân khấu truyền hình Hải Phòng tháng 01/2022; thẩm định vở kịch nói “Hoa cúc xanh trên đầm lầy”. Chuẩn bị tổ chức chương trình nghệ thuật đêm Giao thừa “Hải Phòng - Mừng xuân Nhâm Dần 2022” và các hoạt văn hoá, văn nghệ, thể thao đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Rà soát, thống kê số lượng Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú, Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố tặng quà nhân dịp Tết Nguyên đán. Báo cáo Uỷ ban nhân dân thành phố về chủ trương cho phép triển khai dự án vẽ tranh tường của Đại sứ quán Colombia thực hiện tại thành phố Hải Phòng. Triển khai công tác xây dựng hồ sơ khoa học di sản văn hóa - lịch sử chiến thắng Bạch Đằng và Báo cáo tóm tắt quần thể di tích lịch sử Bạch Đằng (Quảng Ninh - Hải Phòng - Hải Dương).
Về lĩnh vực thể thao, triển khai Kế hoạch tổ chức các hoạt động thể dục thể thao quần chúng mừng xuân Nhâm Dần và kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt phê duyệt Đề án phát triển thể thao thành tích cao Hải Phòng giai đoạn 2022 - 2026, định hướng đến năm 2030. Đăng cai tổ chức và bổ sung một số môn thi trong Chương trình Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX năm 2022 tại Hải Phòng; đăng cai tổ chức một số giải Thể thao quốc gia năm 2022; triển khai kế hoạch tập huấn, chuẩn bị lực lượng vận động viên tham gia các giải quốc gia, quốc tế và khu vực năm 2022.
5. Tình hình trật tự an toàn giao thông
Từ ngày 15/12/2021 đến ngày 14/01/2022, toàn thành phố xảy ra 07 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm 06 người chết, không có người bị thương. So với cùng kỳ năm 2021, số vụ tai nạn giao thông giảm 05 vụ (tương ứng giảm 41,67%), số người chết giảm 03 người (tương ứng giảm 33,33%) và số người bị thương giảm 09 người (tương ứng giảm 100%). Các vụ tai nạn chủ yếu từ va chạm cá nhân, do người dân chưa chấp hành đúng luật, không tuân thủ các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông.
6. Công tác phòng chống cháy, nổ
Từ ngày 15/12/2021 đến ngày 14/01/2022, trên địa bàn thành phố Hải Phòng đã xảy ra 03 vụ cháy, không gây thiệt hại về người; nguyên nhân các vụ cháy chủ yếu do tình trạng bất cẩn trong cách sử dụng các thiết bị có nguy cơ cháy, nổ cao; một số vụ cháy thảm thực bì rừng gây thiệt hại ước tính là 02 ha, các vụ cháy khác đang trong quá trình điều tra, xác định giá trị thiệt hại về tài sản. Trong thời gian tới, thành phố tiếp tục chú trọng tăng cường phối hợp liên ngành để kiểm tra công tác phòng cháy chữa cháy tại các địa bàn, cơ sở trọng điểm dễ xảy ra cháy nổ, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy./.