Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 29/01/2022-10:34:00 AM
Tình hình kinh tế - xã hội tháng 01/2022 của tỉnh Thừa Thiên Huế
Theo Báo cáo số 29/BC-UBND ngày 28/01/2022 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế.

A.TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI THÁNG01NĂM 2022

I. Những kết quả đạt được

1. Tình hình phát triển kinh tế

a) Lĩnh vực dịch vụ:

- Hoạt động du lịch:Lượng khách du lịch tháng 01/2022 ước đạt 23.731 lượt khách, giảm 79% so với cùng kỳ, trong đó khách lưu trúước đạt 19.935 lượt khách, giảm 70,5% so với cùng kỳ. Doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống ước đạt 364,3 tỷ đồng, giảm 31% so với cùng kỳ, trong đó: doanh thu dịch vụ lưu trú ước đạt 14,1 tỷ đồng, giảm 74,3%.

- Hoạt động thương mại, giá cả:Tổng mức bán lẻ hàng hoá, dịch vụ tiêu dùng xã hội tháng 01/2022ước đạt 4.101,9 tỷ đồng, tăng 7,5% so với tháng trước và tăng 2,9% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt3.454,6tỷ đồng, chiếm 84%, tăng 7,2% so với tháng trước, tăng 8,7% so với cùng kỳ. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 01 ước tăng 1,47% so với tháng trước.

- Hoạt động xuất nhập khẩu:

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 01/2022 ước đạt 93,2 triệu USD tăng 6,0% so với cùng kỳ. Các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh tăng trong tháng gồm: Nhóm hàng nông, thuỷ sản ước đạt 5,1 triệu USD, tăng 3,2 lần; Xơ, sợi dệt các loại ước đạt 33,6 triệu USD, tăng 97,4%; gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 11,1 triệu USD, tăng 56,2%.

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 01/2022 ước đạt 69,8 triệu USD, giảm 37% so với cùng kỳ. Các mặt hàng nhập khẩu phục vụ cho hoạt động sản xuất, xuất khẩu tăng trong tháng gồm: nguyên phụ liệu dệt may ước 53,8 triệu USD, tăng 64,1%; máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng ước đạt 2,8 triệu USD tăng 63,3%.

Hoạt động ngân hàng:Tổng nguồn vốn huy động của các TCTD trên địa bàn đạt 56.000 tỷ đồng, tăng 0,68% so với cuối năm 2021. Dư nợ tín dụng tại các TCTD đạt 63.800 tỷ đồng, tăng 0,81% so với cuối năm 2021. Nợ xấu ở mức 300 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ 0,47%.

Hoạt động vận tải:Ước tháng 01/2022, vận tải hành khách ước đạt 1.045,1 nghìn hành khách, tăng 2,3% so với tháng trước và giảm 31,6% so với cùng kỳ; hàng hóa vận chuyển ước đạt 1.578,6 nghìn tấn, tăng 1,6% so với tháng trước và tăng 6,8% so với cùng kỳ. Doanh thu vận tải, bốc xếp và dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 307,5 tỷ đồng, tăng 1,9% so với tháng trước và tăng 2,5% so với cùng kỳ[1].

b) Lĩnh vực công nghiệp:

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 01/2022 ước tăng 9,46% so với cùng kỳ. Trong đó: Ngành công nghiệp khai khoáng ước tăng 15,33%; Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tăng 3,77%; Ngành sản xuất và phân phối điện, nước đá ước tăng 63,53%; Ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải ước tăng 5,55%.

Một số sản phẩm chủ yếu có sản lượng tăng: bia 17,7 triệu lít, tăng 0,1% so với cùng kỳ (trong đó: bia lon 12,2 triệu lít, tăng 8,42 %; bia chai 5,5 triệu lít, giảm 14,5%); sợi các loại 8,2 nghìn tấn, tăng 9,4%; quần áo lót 33,1 triệu sản phẩm, tăng 4%; xi măng 140,6 nghìn tấn, tăng 8,9%; tôm đông lạnh 151,7 tấn, tăng 20,4%; men frit 20 nghìn tấn, tăng 6,1%; quặng inmenit và tinh quặng inmenit 1,6 nghìn tấn, tăng 6,7%; điện sản xuất 166,2 triệu KWh tăng 85,8%; điện thương phẩm 143,6 KWh, tăng 8,8%; nước uống được 4,1 triệu m3, tăng 7,7%,....

Một số sản phẩm chủ yếu có sản lượng giảm:vỏ lon nhôm 1,4 nghìn tấn, giảm 3%; Tấm lát đường và vật liệu lát 1 triệu m2, giảm 3,5%; Clanhke xi măng 194 nghìn tấn, giảm 1,3%; dăm gỗ 47,1 nghìn tấn, giảm 5%;....

c) Lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp:

Trồng trọt:Diện tích lúa vụ Đông Xuân 2021-2022 đã gieo cấy đạt 79,3% kế hoạch (22.360ha/28.193ha KH).

Tiến độ gieo trồng các loại cây hàng năm khác: Ngô 435,8ha/1.011ha, Lạc 245ha/2.325ha, Sắn 760ha/3.895ha, Rau các loại 886,5/1.819ha, Đậu các loại 285ha/797ha, Khoai lang 250,5ha/635ha, Ném 145ha/145ha, Hoa các loại 57 ha.

Chăn nuôi:Đến 17/01/2022, Đàn lợn: 134.000 con, đàn trâu 14.225 con, đàn bò 28.400 con, đàn gia cầm 4.460 nghìn con. Đã tổ chức lực lượng chốt chặn tại các chốt kiểm dịch 24/24 giờ để kiểm tra việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật và tiêu độc, khử trùng phương tiện vận chuyển. Kiểm tra công tác phòng, chống đói, rét đối với đàn vật nuôi và triển khai kế hoạch tiêm phòng vụ Xuân 2022. Triển khai kế hoạch kiểm tra phòng chống dịch bệnh, vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần.

Thủy sản:Sản lượng thủy sản tháng 01/2022 ước đạt 2.265 tấn, tăng 3,1% so với cùng kỳ; trong đó: sản lượng nuôi trồng đạt 360 tấn, khai thác đạt 1.905 tấn (khai thác biển 1.660 tấn). Sản xuất giống ước đạt 9,7 triệu con, trong đó tôm sú 7,5 triệu con, ươm cá giống 2,2 triệu con.

Tổ chức quản lý tốt đội tàu cá xa bờ 402 chiếc; hướng dẫn các chủ tàu cá xa bờ lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, hiện đã có 398/402 tàu cá lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS).

Lâm nghiệp:Diện tích trồng rừng tập trung 880 ha tăng 4,4% so với cùng kỳ, sản lượng khai thác gỗ rừng trồng ước đạt 30.000 m3, tăng 1,7%.

Tăng cường chỉ đạo lực lượng kiểm lâm địa bàn duy trì nắm bắt diễn biến thời tiết để chủ động công tác phòng cháy chữa cháy rừng; tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng cho người dân khi thắp hương viếng mộ, đốt vàng mã ở các khu nghĩa trang, các điểm lễ hội tâm linh. Bắt giữ ngăn chặn tình trạng khai thác, vận chuyển, mua bán động vật hoang dã và lâm sản trái phép trước, trong và sau Tết.

2.Thu chi ngân sách Nhà nước

Thu ngân sách nhà nước tháng 01/2022 ước đạt 721,1 tỷ đồng, chiếm 10,5% dự toán và giảm 26,5% so với cùng kỳ; trong đó: thu nội địa 684,1 tỷ đồng[2], chiếm 10,7% dự toán và giảm 27,7% so với cùng kỳ; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 36,8 tỷ đồng, chiếm 8% dự toán; thu viện trợ, huy động đóng góp 230 triệu đồng, chiếm 2,1 dự toán.

Chi ngân sách địa phương ước đạt 592,2 tỷ đồng, chiếm 5% dự toán, trong đó: Chi đầu tư phát triển 87,6 tỷ đồng, chiếm 2,1% dự toán, chi thường xuyên 504,6 tỷ đồng, chiếm 6,8%.

3. Tình hình đầu tư và xây dựng

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tháng 01/2022 ước đạt 1.313 tỷ đồng, bằng 4,7% KH, tăng 5,9% so với cùng kỳ.

- Phân theo cấp quản lý:vốn do Trung ương quản lý 326 tỷ đồng, tăng 3,5% so với cùng kỳ; vốn do địa phương quản lý 987 tỷ đồng, tăng 6,7%.

- Phân theo nguồn vốn:vốn ngân sách nhà nước đạt 336 tỷ đồng, tăng 20,8% so với cùng kỳ; vốn tín dụng đạt 455 tỷ đồng, giảm 6,6%; vốn đầu tư của doanh nghiệp 155 tỷ đồng, giảm 3,1%; vốn đầu tư của dân 240 tỷ đồng, tăng 33,3%; vốn viện trợ nước ngoài 96 tỷ đồng, giảm 8,6%; vốn đầu tư nước ngoài 31 tỷ đồng, tăng 3,3%.

Phối hợp với các cơ quan Trung ương đôn đốc đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án trọng điểm: đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn, mở rộng nhà ga hành khách Cảng hàng không quốc tế Phú Bài,...

Đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án vốn ngân sách trung ương: Xử lý triệt để ô nhiễm môi trường do rác thải sinh hoạt tại các khu vực trọng điểm trên địa bàn tỉnh; Dự án Bảo tồn, tu bổ và tôn tạo hệ thống kinh thành Huế (hợp phần tu bổ, tôn tạo và ĐB, GPMB và tái định cư); Phục hồi Điện Kiến Trung-Tử Cấm Thành; Đường Phú Mỹ - Thuận An, huyện Phú Vang; đường Chợ Mai - Tân Mỹ;đường phía Tây phá Tam Giang - Cầu Hai (đoạn Phú Mỹ-Phú Đa);Đường cứu hộ cứu nạn thị trấn Phong Điền - Điền Lộc;Đường phía Đông đầm Lập An;Bệnh viện phục hồi chức năng tỉnh;....

Triển khai thực hiện các dự án Tuyến đường bộ ven biển và cầu qua cửa Thuận An, đường Nguyễn Hoàng và cầu Vượt sông Hương, Đường Tố Hữu nối dài đi sân bay Phú Bài, Đường vành đai 3, Đê chắn sóng Cảng Chân Mây – giai đoạn 2,....

Dự kiến đến 31/01/2022, vốn đầu tư công năm 2021 giải ngân đạt 5.201,1 tỷ đồng, chiếm 81,3%(bao gồm vốn kéo dài[3]). Cụ thể vốn cân đối ngân sách địa phương: 3.084 tỷ đồng, đạt 83%, trong đó ngân sách tỉnh quản lý: 1.492,2 tỷ đồng, đạt 76,5%; Cấp huyện quản lý: 1.591,75 tỷ đồng, đạt 90%; Vốn ngân sách trung ương: 2.117,1 tỷ đồng, đạt 79% ,trong đó vốn trong nước: 1727,7 tỷ đồng, đạt 86%; vốn nước ngoài: 389,4 tỷ đồng, đạt 58,2%.Tháng 01/2022 ước giải ngân đạt 298 tỷ đồng, chiếm 7% kế hoạch vốn năm 2022.

Một số dự án trọng điểm đã đi vào hoạt động góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp, tăng nguồn thu ngân sách tỉnh như Dự án xây dựng nhà máy chế biến cát, bột thạch anh ít sắt chất lượng cao (Hue Premium Silica), Nhà máy thủy điện Thượng Nhật, Khu nghỉ dưỡng nước khoáng nóng Mỹ An,.... Một số dự án thuộc lĩnh vực dệt may, khai thác khoáng sản, các dự án đầu tư trong Khu công nghiệp thực hiện đúng tiến độ tại Giấy chứng nhận đầu tư được cấp; một số dự án chậm tiến độ so với cam kết như tòa nhà của VNPT, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Huế, dự án Bến thuyền du lịch trên sông Hương, Dự án Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng biển Hải Dương, Khu nghỉ dưỡng huyền thoại Địa Trung Hải mở rộng, Tổ hợp nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô của Bách Việt, Khu nghỉ dưỡng Mộc Lan - Lăng Cô,.... Nguyên nhân chủ yếu do khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay, năng lực đáp ứng của nhà đầu tư và thị trường tiêu thụ gặp khó khăn và ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh Covid-19.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tập trung thực hiện các dự án: Nhà máy xử lý rác thải Phú Sơn; Nhà máy sản xuất găng tay y tế -Kanglongda; Hệ thống xử lý nước thải tuần hoàn mở rộng của dự án Nhà máy Kanglongda Huế; DA Khách sạn Huế Square,...

4. Phát triển doanh nghiệp và thu hút đầu tư

Tính đến 24/01/2022, có 57 doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 498 tỷ đồng, tăng 35,7% về lượng và tăng 65,9% về vốn so với cùng kỳ; số doanh nghiệp hoạt động trở lại 183 doanh nghiệp, tăng 59 doanh nghiệp, số doanh nghiệp đăng ký tạm ngưng hoạt động là 220 doanh nghiệp, tăng 52 doanh nghiệp; giải thể 15 doanh nghiệp, tăng 08 doanh nghiệp.

Tính từ đầu năm đến nay, đã cấp phép cho 03 dự án cấp mới với tổng vốn đầu tư cấp mới đạt1.872tỷ đồng.Trong đó:Khu KT, CN đã cấp mới 02dự án[4]với tổng vốn đầu tư cấp mới1.175tỷ đồng.Ngoài địa bàn Khu KT, CN cấp mới01dự án[5]với tổng vốn đầu tư cấp mới697tỷ đồng.

5. Văn hóa-xã hội

- Về khoa học và công nghệ:Trong tháng 01/2022, đã tổ chức Hội nghị giao trực tiếp tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện cho 01 nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh, nghiệm thu 01 nhiệm vụ KH&CN và thẩm định dự toán 05 nhiệm vụ, tổ chức 02 hội nghị triển khai dự án (Hoàng Mai và Nông thôn thông minh).

Ban hành và triển khai Đề án “Phát triển vùng nguyên liệu và các sản phẩm dược liệu gắn với chương trình mỗi xã một sản phẩm ở tỉnh Thừa Thiên Huế” năm 2022, Xây dựng Kế hoạch triển khai Chương trình hành động thực hiện một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và hoàn chỉnh Đề án Khu công nghệ cao Thừa Thiên Huế,…

Đã tổ chức Hội đồng tư vấn khoa học và công nghệ thẩm định về công nghệ dự án Khu liên hợp sản xuất công nghiệp kính chân mây _CFG và tổ chức 01 Hội đồng tư vấn nghiệm thu dự án KH&CN được hỗ trợ theo Nghị quyết số 22/2020/NQ-HĐND.

Đang tổ chức đoàn kiểm tra về tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa phục vụ Tết Nguyên Đán Nhâm Dần. Tổ chức Hội thảo khoa học về Thúc đẩy hoạt động đo lường trong doanh nghiệp gắn với chương trình chuyển đổi số.

- Về văn hóa - thể thao:Tổ chức thực hiện Chỉ thị số 22-CT/TU ngày 21 tháng 12 năm 2022 của Tỉnh ủy về tổ chức Tết Nhâm Dần năm 2022 gắn với đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, triển khai kế hoạch tổ chức các hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân Nhâm Dần 2022. Phê duyệt Đề án Festival bốn mùa.

Ngay từ đầu năm (sáng 01/01/2022) đã tổ chức chương trình công bố Festival Huế 2022 với hoạt động đầu tiên là “Tái hiện Lễ Ban Sóc triều Nguyễn” tại Ngọ Môn, Đại Nội. Chuẩn bị các điều kiện để tổ chức, hướng dẫn nhân dân tổ chức các hoạt động văn hoá, trò chơi dân gian, thể dục thể thao, vui chơi, giải trí theo thuần phong, mỹ tục của dân tộc, đảm bảo người dân đón Tết Nhâm Dần 2022 vui tươi, lành mạnh như: chuẩn bị Tổ chức chương trình văn nghệ mừng Đảng mừng Xuân, với chủ đề: "Mừng Đảng, mừng Xuân, mừng công cuộc đổi mới, hội nhập của quê hương, đất nước". Chuẩn bị tổ chức Lễ Thướng Tiêu tại Thế Miếu, Đại Nội, mở cửa miễn vé đón nhân dân tham quan di tích trong các ngày 01 đến hết ngày 03 tháng 02 năm 2022 (mồng 01 - 03 Tết Nguyên đán),….

Ngày 16/1/2022, đã phát động đợt cao điểm Tuổi trẻ Thừa Thiên Huế ra quân “Ngày Chủ nhật xanh” đồng loạt tổng dọn vệ sinh môi trường đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022, thực hiện cao điểm từ ngày 16/01/2022 đến ngày 06/02/2022 và duy trì thường xuyên trong năm 2022.

- Về giáo dục và đào tạo:Đã hoàn thành sơ kết học kỳ I và thực hiện công tác học kỳ II năm học 2022-2023 theo hướng đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Tập trung nâng cao chất lượng giáo dục các cấp, bậc học của các phòng chuyên môn. Triển khai quyết liệt các giải pháp phòng chống dịch COVID-19 trong nhà trường. Tổ chức dạy học online, dạy học trên truyền hình mang lại nhiều hiệu quả thiết thực.

Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 24/5/2021 của Tỉnh ủy Khóa XVI về xây dựng Thừa Thiên Huế là một trong những trung tâm lớn của cả nước về giáo dục – đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030.

- Về y tế: Đã triển khai nhiệm vụ y tế, chăm sóc sức khỏe 2022. Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc đảm bảo an toàn thực phẩm trong thời gian trước Tết; phối hợp tổ chức hiệu quả công tác kiểm tra liên ngành, đặc biệt là các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm. Đăng ký Bộ Y tế nhu cầu đầu tư từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội thuộc lĩnh vực y tế tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Chuẩn bị hồ sơ để tiếp nhận Bệnh viện Giao thông vận tải Huế.

* Công tác phòng, chống dịch Covid-19:Triển khai quyết liệt, nghiêm túc các văn bản chỉ đạo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế, Cục Quản lý khám chữa bệnh, Cục Y tế dự phòng về phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong giai đoạn mới. Thực hiện việc giám sát chặt chẽ tình hình dịch, công tác thực hiện trong phòng, chống dịch dịch COVID-19 tại các đơn vị. Tuyên truyền giáo dục sức khỏe về phòng chống dịch bệnh. Tiếp tục tổ chức thường trực, báo cáo công tác giám sát, phòng chống dịch bệnh COVID-19 theo chỉ đạo của Bộ Y tế.

Tiếp nhận, phân phối, tiêm phòng vắc xin phòng Covid-19 từ Bộ Y tế hỗ trợ cho tỉnh theo quy trình. Đến ngày 28/01/2022, Bộ Y tế đã phân bổ 2.108.124 liều vắc xin: Đã tiêm 11.740.312 mũi cho người trên 18 tuổi, trong đó tiêm mũi 1 cho 887.969 người (100,56%), mũi 2 cho 852.343 người (96,52%); Đã tiêm 200.147 người từ 12 tuổi đến 17 tuổi, trong đó tiêm mũi 1 cho 102.295 người (100,16%) và 97.852 người tiêm mũi 2 (95,81%).

Toàn tỉnh có 20.699 ca F0 có mã bệnh (bao gồm số bệnh nhân nơi khác chuyển đến BVTW Huế điều trị); đã điều trị khỏi 17.003 bệnh nhân, 123 ca tử vong. Đã triển khai thuốc điều trị COVID-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại Quyết định số 4689/QĐ-BYT ngày 06/10/2021. Hiện nay, đã có 1.726 trường hợp F0 đã được chỉ định điều trị thuốc kháng virus.

*Công tác phòng, chống các dịch bệnh lưu hành:Chủ động trong công tác phòng chống dịch, bệnh, đặc biệt là Covid-19, Sốt xuất huyết và các bệnh dịch khác. Tăng cường công tác giám sát dịch bệnh, phát hiện dịch sớm, báo cáo dịch bệnh kịp thời ngay từ tuyến cơ sở; có phương án sẵn sàng đối phó khi có dịch bệnh xảy ra.

- Về lao động việc làm, an sinh xã hội:

+ Lĩnh vực Lao động – Việc làm:

Tiến hành tổng hợp kết quả hoạt động thu thập, lưu trữ, tổng hợp biến động thông tin thị trường lao động năm 2021 tại các địa phương. Hướng dẫn tư vấn, tuyển chọn, đào tạo lao động đưa đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2022. Triển khai Kế hoạch thực hiện Chương trình Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao tỉnh năm 2022. Xây dựng Kế hoạch Phát triển giáo dục nghề nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2022; Kế hoạch Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2022.

+ Công tác chăm lo Tết Nguyên Đán Nhâm Dần:

Tổ chức triển khai thực hiện Công văn số 5100/LĐTBXH-NCC ngày 31/12/2021 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về việc hướng dẫn tặng quà của Chủ tịch nước nhân dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022. UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 229/QĐ-UBND ngày 18/01/2022 về việc trợ giúp các đối tượng chính sách nhân dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022; Kế hoạch số 15/KH-UBND ngày 18/01/2021 về việc các đồng chí Lãnh đạo tỉnh đi thăm và tặng quà nhân dịp tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022.

Đến nay, đã chuẩn bị 4.337 suất quà của UBND tỉnh tặng người có công và thân nhân của người có công nhân dịp Tết Nguyên Đán 2022.

- Về tình hình tiền lương, thưởng trong dịp Tết Nhâm Dần – 2022:

Đối với Công ty TNHH NN1TV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ: Mức thưởng bình quân đạt 5,63 triệu đồng/người, mức thưởng cao nhất đạt 12,0 triệu đồng, mức thưởng thấp nhất là 3,0 triệu đồng.

Đối với Công ty có cổ phần, vốn góp chi phối nhà nước: Mức thưởng bình quân đạt khoảng 7,72 triệu đồng/người, trong đó, mức thưởng cao nhất đạt 127,6 triệu đồng và mức thưởng thấp nhất là 0,8 triệu đồng.

Đối với Doanh nghiệp dân doanh: Mức thưởng bình quân đạt khoảng 7,76 triệu đồng, mức thưởng cao nhất đạt 163,7 triệu đồng và mức thưởng thấp nhất là 200 ngàn đồng.

Đối với Doanh nghiệp FDI: Mức thưởng bình quân đạt 4,47 triệu đồng, mức thưởng cao nhất là 130 triệu đồng và mức thưởng thấp nhất là 300 ngày đồng.

- Lĩnh vực Bảo trợ xã hội, giảm nghèo:

Triển khai Kế hoạch tổ chức chúc thọ, mừng thọ người cao tuổi năm 2022 (Trong đó, thăm, chúc thọ, mừng thọ cho người cao tuổi tròn 90 và 100 tuổi trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022: 216 người tròn 100 tuổi với kinh phí 151,2 triệu đồng; 1.619 người tròn 90 tuổi với tổng kinh phí 1,052 tỷ đồng).

Tổ chức tặng quà Tết cho hộ nghèo nhân dịp Tết Nhâm Dần–Năm 2022 do Quỹ Thiện Tâm và Tạp chí Nhà đầu tư tài trợ tại TP Huế, TX Hương Trà và huyện A Lưới(tổng kinh phí 600 triệu đồng: 1000 suất quà, mỗi suất 600.000 đồng/hộ).

Hướng dẫn 05 huyện, thị xã (Hương Thủy, Quảng Điền, Phú Lộc, Phú Vang, Phong Điền)tiến hành rà soát, lập danh sách hộ gia đình có người lao động từ các tỉnh, thành phía Nam gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 di cư trở về địa phương đề xuất Tổ chức di cư Quốc tế hỗ trợ(200 hộ/huyện, thị xã với mức hỗ trợ dự kiến 1.000.000 đồng/hộ).

Hướng dẫn các huyện: Phong Điền, Phú Vang, Phú Lộc, A Lưới tiến hành rà soát, lập hồ sơ đề nghị xác định huyện nghèo; xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn. Tổ chức Lớp tập huấn cho người di cư hồi hương về di cư an toàn và cơ hội sinh kế cho người di cư thuộc hộ nghèo, hộ khó khăn trở về địa phương trên địa bàn huyện Phú Lộc.

- Công tác hỗ trợ ảnh hưởng dịch COVID-19:

+ Triển khai chính sách hỗ trợ ảnh hưởng dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP, Nghị quyết số 126/NQ-CP, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, Quyết định số 33/2021/QĐ-TTg: Tính đến ngày 15/01/2022, toàn tỉnh đã thực hiện hỗ trợ: 134.041 người(tăng 801 người so với cuối tháng 12/2021), với tổng kinh phí: 74,525 tỷ đồng (tăng gần 1,522 tỷ đồng so với cuối cuối tháng 12/2021).

Hỗ trợ người dân Huế ở Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam gặp khó khăn do đại dịch COVID-19: 10.865 hộ với 10,865 tỷ đồng.

+ Kết quả thực hiện theo Nghị quyết số 116/NQ-CP, Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg:

Chính sách giảm mức đóng Bảo hiểm thất nghiệp cho người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19: Số đơn vị dự kiến được giảm mức đóng BHTN: 2.659 đơn vị; số người lao động được giảm mức đóng BHTN: 90.305 người; số tiền giảm đóng BHTN: 50,947 tỷ đồng (hiện nay đang thực hiện giảm mức đóng theo từng tháng).

Chính sách hỗ trợ bằng tiền cho người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp: Số người đã được hỗ trợ: 93.924 người; tổng số tiền hỗ trợ: 226,088 tỷ đồng.

6. Cải cách hành chính

Đã tiến hành rà soát lại bộ TTHC thuộc thẩm quyền; quy trình nội bộ, quy trình điện tử; đồng thời, thực hiện toàn bộ quy trình tiếp nhận hồ sơ, giải quyết và trả kết quả thuộc thẩm quyền tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Tiến hành công bố Danh mục TTHC chuẩn hóa một số lĩnh vực theo thẩm quyền của đơn vị. Tập trung hoàn thiện, phát triển Chính quyền điện tử hướng tới Chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số phục vụ người dân, doanh nghiệp; bảo đảm an toàn thông tin và an ninh mạng; đảm bảo chỉ số xếp hạng Chính quyền điện tử luôn nằm ở nhóm đầu toàn quốc.

7. Công tác đối ngoại, quốc phòng - an ninh

Công tác đối ngoại:Đã đón tiếp, làm việc với08đoàn khách quốc tế/26lượt người đến thăm, làm việc, tìm hiểu cơ hội hợp tác, xúc tiến đầu tư – thương mại(giảm05đoàn/08lượt người so với cùng kỳ năm ngoái). Tiếp tục triển khai các hoạt động nhằm duy trì và tăng cường, mở rộng quan hệ quốc tế và hợp tác hữu nghị với các đối tác theo hướng đa dạng hóa, đa phương hóa các mối quan hệ quốc tế; khai thác hiệu quả các mối quan hệ đối tác, nhất là hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch, lao động,…với các địa phương nước ngoài; triển khai các hoạt động hội nhập quốc tế, ngoại giao văn hoá và ngoại giao kinh tế trên địa bàn tỉnh. Công tác đối ngoại tiếp tục phục vụ có hiệu quả đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Quốc phòng, an ninh:Đã triển khai nhiệm vụ quốc phòng, an ninh năm 2022 đảm bảo đúng yêu cầu và kiểm soát chặt chẽ trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.Tổ chức ra quân mở đợt cao điểm tấn công, trấn áp các loại tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự Tết Nguyên đán Nhâm Dần và các sự kiện, lễ hội lớn năm 2022.Triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, huy động tối đa lực lượng, phương tiện tăng cường đấu tranh phòng, chống tội phạm; tập trung đấu tranh với các hành vi buôn lậu, buôn bán hàng giả, hàng nhái trên thị trường, bảo đảm chất lượng hàng hóa cung ứng trên thị trường trong dịp Tết.

An toàn giao thông:Từ 15/12/2021 đến 14/01/2022, trên địa bàn tỉnh xảy ra 20 vụ tai nạn và va chạm giao thông, bằng với cùng kỳ; làm chết 19 người, tăng 04 người; bị thương 11 người, giảm 01 người.

B. MỘT SỐ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂMTHỜI GIAN TỚI

I. Một số nhiệm vụ trọng tâm trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần

-Đẩy mạnh công tác tuyên truyền và tổ chức các hoạt động thiết thực kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2022), phát động các phong trào thi đua, làm sạch vệ sinh môi trường đường làng, ngõ xóm, cơ quan, công sở. Đẩy mạnh phong trào toàn dân xây dựng Thừa Thiên Huế “Xanh - Sạch - Sáng”. Tăng cường tuyên truyền, cổ động trực quan trên các trục đường chính, các trung tâm, nơi công cộng nhằm tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho nhân dân vui Xuân đón Tết.

-Triển khai đồng bộ các chính sách an sinh và phúc lợi xã hội, quan tâm chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho các gia đình chính sách, người có công, hộ nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn,…đảm bảo mỗi người, mỗi gia đình đều được đón Tết cổ truyền vui tươi, đầm ấm.

- Xây dựng kế hoạch tăng cường các biện pháp phòng, chống tội phạm; phòng, chống cháy, nổ, giữ gìn an ninh, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm an toàn giao thông. Quan tâm công tác y tế dự phòng, công tác kiểm tra bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm an ninh trật tự, an toàn giao thông, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng ma túy, pháo nổ, đánh bạc dưới mọi hình thức, gian lận thương mại, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, đầu cơ, găm hàng, tăng giá đột biến để thu lợi bất chính; đảm bảo ổn định đời sống của nhân dân trong dịp Tết.

- Tổ chức tốt Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ. Chỉ đạo công tác tuyển chọn, gọi công nhân nhập ngũ năm 2022. Thực hiện nghiêm túc chế độ trực lãnh đạo, trực tự vệ tại cơ quan công sở trong và sau Tết.

II. Một số nhiệm vụ trọng tâm các tháng tiếp theo

1.Tiếp tục triển khai đồng bộ, quyết liệt, kịp thời chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ và Tỉnh uỷ về phòng, chống dịch bệnh Covid -19, đẩy nhanh tiêm chủng, bao phủ vắc xin cho người dân.

2. Tập trung xây dựng, hoàn thiện các quy hoạch, kế hoạch, đề án

- Hoàn thành Đề án phục hồi và phát triển kinh tế trong trạng thái bình thường mới và kế hoạch triển khai Chương trình hành động của Tỉnh uỷ (khoá XVI) thực hiện Nghị quyết 38/2021/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế.

- Chỉ đạo, đôn đốc các sở, ban, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 01/QĐ-UBND ngày 01/01/2022 về việc triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.

- Tiếp tục triển khai Nghị quyết số 1264/NQ-UBTVQH14, ngày 27/4/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc điều chỉnh địa giới hành chính các đơn vị hành chính cấp huyện để mở rộng thành phố Huế và sắp xếp, thành lập các phường thuộc thành phố Huế.

- Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng và Bộ Nội vụ tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 1210 và Nghị quyết 1211 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong đó có tính đến yếu tố đặc thù đối với Thừa Thiên Huế.

- Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tham mưu Thủ tướng Chính phủ trình Chính phủ ban hành Nghị định thành lập Quỹ Bảo tồn di sản Huế; triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 410/TB-VPCP và Thông báo số 269/TB-VPCP ngày 18/10/2021 của Văn phòng Chính phủ.

- Đôn đốc đẩy nhanh tiến độ các quy hoạch quan trọng: Quy hoạch tỉnh, giai đoạn 2021-2030, định hướng 2050; Quy hoạch Bảo tồn và phát huy giá trị Quần thể di tích Cố đô Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế; Quy hoạch chung đô thị Phong Điền đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030; Chương trình phát triển đô thị Phong Điền đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các quy hoạch phân khu xây dựng, quy hoạch chi tiết,...

Ngoài ra, UBND tỉnh xây dựng và trình Tỉnh uỷ, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, HĐND tỉnh thông qua một số chương trình, đề án, báo cáo, cụ thể sau:

Quy định một số chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế; Quy định một số chính sách hỗ trợ di dời các cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp vào cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025;

Quy định một số chính sách hỗ trợ ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2030; Chương trình ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2030;

Chương trình xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025; Quy định cơ chế chính sách huy động nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn mới tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021 – 2025;

Quy định chính sách trợ cấp thu hút nguồn nhân lực Bác sĩ cho ngành Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế, giai đoạn 2022-2026; Phê duyệt tổng số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập của tỉnh năm 2022;

Đề nghị công nhận đô thị Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế đạt tiêu chí đô thị loại IV; Đề án sắp xếp, bán đấu giá các trụ sở làm việc cũ, xây dựng Khu hành chính tập trung huyện Phong Điền;

Đề án Phát triển chính quyền số và dịch vụ đô thị thông minh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030;

Quy định một số cơ chế chính sách sưu tầm, bảo tồn và phát huy giá trị mỹ thuật truyền thống trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế; Điều chỉnh Nghị quyết số 02/2015/NQ-HĐND ngày 25/04/2015 của HĐND tỉnh về việc thông qua Đề án “Chính sách hỗ trợ bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn Huế đặc trưng”;

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định Bảng giá các loại đất định kỳ 05 năm (2020 - 2024) trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành kèm theo Nghị quyết số 23/2019/NQ-HĐND ngày 20/12/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh; Quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí đăng ký, phí thẩm định hồ sơ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế; Quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí khai thác và sử dụng tài liệu đất đai trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế; Quy định giá cụ thể sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi năm 2021 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế; Quy định mức thu giá dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục ngoài học phí đáp ứng nhu cầu người học của cơ cở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

3. Tập trung hỗ trợ, đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm

Triển khai Kế hoạch đầu tư công năm 2022; trong đó, tập trung làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, phân bổ vốn, kế hoạch đấu thầu và triển khai thi công ngay từ đầu năm góp phần đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.

Hỗ trợ triển khai lựa chọn nhà đầu tư gắn liềndự án trọng điểm theo kế hoạch: Trung tâm thương mại dịch vụ tại khu A - Đô thị mới An Vân Dương, Siêu thị vật liệu thông minh thuộc khu C- Đô thị mới An Vân Dương, Trung tâm thương mại dịch vụ tại phường Tứ Hạ, thị xã Hương Trà,...

Hỗ trợ,đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng, dịch vụ cảng phục vụ sản xuất công nghiệp:Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN Gillimex (KCN Phú Bài); Trạm bơm nước thô và đường ống nước thô cung cấp cho nhà máy nước tại Khu Công nghiệp Phong Điền - Viglacera; Hệ thống xử lý nước thải tại Khu B (mở rộng), Khu công nghiệp Phong Điền phục vụ dự án Kanglongda,...

Đôn đốc thực hiện các dự án du lịch, dịch vụ sớm đi vào hoạt động tạo năng lục mới trong năm: Khu du lịch nghỉ dưỡng quốc tế Minh Viễn Lăng Cô giai đoạn I; Laguna Lăng Cô giai đoạn II; Khu phức hợp du lịch và dịch vụ Đăng Kim Long giai đoạn I; Khu nghỉ dưỡng huyền thoại Địa Trung Hải mở rộng, Khu biệt thự du lịch sinh thái biển Lăng Cô Spa Resort,....

4.Về quản lý tài chính ngân sách

Tiếp tục ưu tiên ngân sách cho công tác phòng, chống dịch Covid-19; thực hiện các giải pháp đảm bảo an sinh xã hội. Bảo đảm các nguồn lực phục vụ các dự án trọng điểm. Thực hiện hiệu quả chính sách thuế, tăng cường khai thác nguồn thu vãng lai, kinh doanh qua mạng; bán đấu giá quyền sử dụng đất,...

5. Phát triển các ngành lĩnh vực

- Lĩnh vực du lịch, dịch vụ:

Chuẩn bị các điều kiệnan toàn, hiệu quả đón khách trong tình hình mới, quảng bá hình ảnh du lịch Thừa Thiên-Huếvới thông điệp “Huế - Điểm đến an toàn và thân thiện”; đón khách du lịch quốc tế sử dụng “hộ chiếu vaccine” theo nguyên tắc “an toàn đến đâu, mở cửa đến đó, mở cửa phải an toàn” và tuân thủ tuyệt đối các biện pháp phòng, chống COVID-19 theo quy định.

Bảo đảm hàng hoá cung cấp phục vụ Tết Nguyên Đán, an toàn vệ sinh thực phẩm; tập trung vào công tác phát triển thị trường gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động sản suất kinh doanh.

- Lĩnh vực nông nghiệp:Triển khai kế hoạch sản xuất nông nghiệp vụ Đông Xuân 2021 - 2022 đảm bảo đúng khung lịch thời vụ; tiếp tục các biện pháp chăm sóc cây trồng vật nuôi chăn nuôi; có phương án để chủ động đối phó, khắc phục những tác động xấu, bất thường của thời tiết khí hậu. Triển khai chương trình phát triển gia súc, gia cầm, trong đó chú trọng phát triển chất lượng đàn lợn; triển khai thả giống thuỷ sản theo vụ; nâng cao năng lực đánh bắt xa bờ.

- Lĩnh vực công nghiệp:Xây dựng phương án bảo vệ hồ đập các dự án nhà máy thủy điện. Đảm bảo các điều kiện sản xuất an toàn.

* Lĩnh vực văn hoá xã hội:

Đẩy mạnh truyền thông về thời gian các sự kiện và lễ hội mừng Đảng, mừng Xuân. Chuẩn bị các điều kiện, cơ sở vật chất đón học sinh trở lại trường an toàn, đảm bảo chất lượng dạy và học hoc kỳ II năm học 2021-2022. Tập trung các nguồn lực để chủ động triển khai thực hiện Chương trình giáo dục mầm non mới, đổi mới chương trình, sách giáo khoa lớp 3, lớp 7, lớp 10 năm học 2022-2023.

Tập trung ứng phó, điều trị Covid-19, tăng cường cơ sở vật chất[6], trang thiết bị, đội ngũ y tế phòng, chống dịch Covid; thực hiện công tác tiêm vắc xin theo độ tuổi thực hiện theo Thông báo số 17/TB-UBND ngày 17/01/2022 của Chủ tịch UBND tỉnh. Tập trung giải quyết an sinh xã hội của chính phủ, xem xét hỗ trợ chính sách cho người dân các trường hợp ảnh hưởng dịch bệnh.

Hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp triển khai ngay kế hoạch chuyển đổi số để xây dựng, nâng cao các chỉ số CCHC: PAR-Index; PAPI-Index, PCI, ICT. Nâng cao chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS).

Tổ chức các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm; tăng cường kiểm tra, kiểm soát đối với các loại hình dịch vụ, kinh doanh có điều kiện.


[1]Trong đó: Doanh thu vận tải hành khách tháng 01/2022 ước đạt 31,9 tỷ đồng, tăng 2,3% so với tháng trước, giảm 32,4% so với cùng kỳ; vận tải hàng hóa 249,5 tỷ đồng, tăng 1,9% so với tháng trước và tăng 7,9% so với cùng kỳ; DV hỗ trợ vận tải 24,5 tỷ đồng, tăng 1,3% so với tháng trước và tăng 20,9% so với cùng kỳ; bưu chính, chuyển phát 1,6 tỷ đồng, tăng 0,6% so với tháng trước và tăng 18,2% so với cùng kỳ.

[2]Trong Thu nội địa: Thu từ DNNN do TW quản lý 19 tỷ đồng, chiếm 11,6% dự toán,giảm15,3%so với cùng kỳ; thu từ doanh nghiệp nhà nước do địa phương quản lý18,9tỷ đồng,chiếm 10,2% dự toán,tăng 30,6%; thu từ doanh nghiệp có vốnđầu tưnước ngoài230tỷ đồng,chiếm 10,9% dự toán,giảm 58,2%; thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh118tỷ đồng, chiếm 11,8% dự toán, tăng35,3%; thu tiền sử dụng đất150tỷ đồng,chiếm 12,5%dự toán.

[3]Giải ngân nguồn vốn kéo dài năm 2021 dự kiến đến ngày 31/01/2022 đạt 545,71 tỷ đồng, đạt 98,5%

[4]Nhà máy sản xuất trang phục lót và hàng thể thao(Công ty Scavi Huế) 575 tỷ đồng;Nhà máy sản xuất men Frit(Công ty CP Frit Huế) 600 tỷ đồng.

[5]Khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp và Bến thuyền nội bộ thuộc bãi bồi Lương Quán, phường Thủy Biều,TPHuế.

[6]Xúc tiến, chuẩn bị đầu tư các dự án nâng cấp, sữa chữa các cơ sở khám chữa bệnh: Xây dựng Trung tâm Kiểm soát bệnh tật; Trung tâm Kiểm nghiệm Thuốc - Mỹ phẩm - Thực phẩm; Dự án Mở rộng Bệnh viện Mắt Huế; các dự án Hệ thống xử lý nước thải tại một số đơn vị khám chữa bệnh, các Trung tâm y tế: thị xã Hương Trà, huyện Phong Điền, huyện Phú Vang; các Bệnh viện: Phong-Da liễu, Răng Hàm Mặt, Phục hồi chức năng,....


thuathienhue.gov.vn

  • Tổng số lượt xem: 703
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)