Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 thành phố Hồ Chí Minh thuộc nhóm Dự án quan trong quốc gia được thực hiện 5 năm từ 2022-2026 trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Long An. UBND thành phố Hồ Chí Minh là cơ quan được giao chuẩn bị đầu tư.
Sau khi trình hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (NCTKT), tiếp thu ý kiến của Tổ công tác, Thành viên Hội đồng thẩm định Nhà nước, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp với các địa phương liên quan tổ chức rà soát, điều chỉnh. Theo đó, sơ bộ tổng mức đầu tư là 75.377,86 tỷ đồng giảm khoảng 399,46 tỷ đồng.
Theo kết luận chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp sáng ngày 01/3/2022, cơ cấu nguồn vốn đầu tư của dự án theo nguyên tắc tỷ lệ ngân sách trung ương hỗ trợ 50% tổng mức đầu tư, ngân sách địa phương tham gia 50% tổng mức đầu tư đối với các dự án thành phần trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương; Tỷ lệ ngân sách trung ương hỗ trợ 75% tổng mức đầu tư, ngân sách địa phương tham gia 25% tổng mức đầu tư đối với các dự án thành phần trên địa bàn tỉnh Long An.
Tham gia ý kiến tại phiên họp, các thành viên Hội đồng cho rằng, Báo cáo NCTKT Dự án sau giải trình về cơ bản đã nêu bật được sự cần thiết đầu tư của Dự án trên cơ sở phân tích, đánh giá hiện trạng giao thông, dự báo nhu cầu vận tải, phân tích lợi thế của tuyến đường so với các tuyến đường hiện hữu, phân tích lợi ích của tuyến đường đối với việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, khu vực có tuyến đường đi qua.
Về các điều kiện để thực hiện đầu tư, Báo cáo NCTKT Dự án sau giải trình, đã nêu điều kiện để thực hiện Dự án là phù hợp với chủ trương của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, Chiến lược, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội quốc gia và các vùng, miền, địa phương; phù hợp với Quy hoạch phát triển giao thông vận tải và quy hoạch phát triển đường bộ cao tốc; các điều kiện để thực hiện Dự án như về nguồn vốn, khả năng cung ứng vật tư, thiết bị, yêu cầu về kỹ thuật, công nghệ đã được cập nhật, bổ sung thuyết minh.
Đồng thời yêu cầu UBND thành phố Hồ Chí Minh cần thuyết minh, làm rõ hơn về tính cấp bách, quan trọng của Dự án, phương án giải phóng mặt bằng, phân chia dự án thành phần, nguồn vốn và phương án huy động vốn, cơ chế chính sách đặc thù,…
|
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại phiên họp. Ảnh: MPI |
Kết luận phiên họp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, đây là dự án lớn, khó, rất phức tạp và đánh giá cao thành phố Hồ Chí Minh cũng như các tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Long An đã rất quyết tâm, nỗ lực trong quá trình chuẩn bị hồ sơ dự án đảm bảo chất lượng.
Dự án sẽ hình thành tuyến đường Vành đai cao tốc liên vùng trước năm 2030 theo quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Tạo không gian phát triển mới để khai thác tiềm năng sử dụng đất đai, tránh gây lãng phí nguồn lực đất đai và sử dụng đất hiệu quả, tạo nguồn lực để đầu tư phát triển.
"Dự án khi đi vào hoạt động, sẽ giải quyết ngay vấn đề ùn tắc giao thông, khơi thông các điểm nghẽn trong phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Hồ Chí Minh và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh./.