I. Các yếu tố tác động đến tình hình đăng ký doanh nghiệp tháng 3 và Quý I/2022
Với việc khẩn trương triển khai các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình, nền kinh tế đang có những dấu hiệu khởi sắc ngay trong Quý I/2022. Cộng đồng doanh nghiệp đánh giá các nhóm giải pháp đưa ra tại Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ rất toàn diện, có ý nghĩa hết sức tích cực, như một “liều thuốc” hữu hiệu giúp doanh nghiệp phục hồi, cơ bản đáp ứng được mong muốn của cộng đồng doanh nghiệp và người dân, cũng như thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Quốc hội và Chính phủ trong việc đưa nền kinh tế của nước ta sớm vượt qua giai đoạn nhiều khó khăn, thử thách để phục hồi và phát triển.
Các địa phương trên cả nước đã dần thích ứng theo đúng tinh thần chủ động nhằm thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời, triển khai có hiệu quả Chiến dịch tiêm chủng vắc-xin mùa xuân năm 2022. Đến nay, cả nước đã tiêm hơn 201,8 triệu liều vắc-xin phòng Covid-19, trong đó, 47 tỉnh, thành phố đạt tỷ lệ bao phủ mũi 2 trên 95% và 16 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ mũi 2 từ 90% đến dưới 95%[1], nhờ đó mặc dù gần đây số ca nhiễm Covid-19 tăng nhanh nhưng tỷ lệ chuyển bệnh nặng và tử vong giảm sâu.
Cùng với đó, ngành du lịch Việt Nam đã chính thức mở cửa hoàn toàn với chính sách nới lỏng điều kiện nhập cảnh cho khách quốc tế. Điều này hứa hẹn sẽ tác động tích cực cho nền kinh tế sau khoảng thời gian dài dịch bệnh.
Các yếu tố trên đã phần nào đem lại niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp, thể hiện ở những tín hiệu rất tích cực từ tình hình đăng ký doanh nghiệp trong tháng 3 và Quý I năm 2022.
II. Tình hình đăng ký doanh nghiệp Quý I/2022
1. Doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường
Quý I hàng năm thường là thời điểm các doanh nghiệp lên kế hoạch kinh doanh cho một năm tài chính mới. Cùng với đó là sự cộng hưởng tích cực từ các chính sách của Chính phủ về phục hồi và phát triển kinh tế thời gian qua đã góp phần khắc họa bức tranh về tình hình đăng ký doanh nghiệp trong Quý I/2022 với những gam màu tươi sáng.
Nổi bật là con số 60.178 doanh nghiệp doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, con số kỉ lục về doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong Quý I từ trước đến nay, gấp 1,5 lần so với trung bình Quý I giai đoạn 2017-2021, tăng 36,7% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong đó, số doanh nghiệp thành lập mới là 34.590 doanh nghiệp, tăng 18,1% so với cùng kỳ năm 2021 và là mức cao nhất trong Quý I từ trước đến nay. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là 25.588 doanh nghiệp, tăng 73,6% so với cùng kỳ năm 2021. Đây cũng là số doanh nghiệp tái gia nhập thị trường cao nhất trong Quý I từ trước đến nay, gấp 2,1 lần mức doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trung bình trong Quý I giai đoạn 2017-2021.
Những con số ấn tượng này đã phần nào cho thấy niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp đã dần trở lại sau hai năm dịch bệnh Covid-19 bùng phát.
1.1. Doanh nghiệp thành lập mới
Số doanh nghiệp thành lập mới trong Quý I/2022 là 34.590 doanh nghiệp, tăng 18,1% so với cùng kỳ năm 2021 và là mức cao nhất trong Quý I từ trước đến nay. Số vốn đăng ký mới trong Quý I/2022 đạt 471.215 tỷ đồng, tăng 5,2% so với cùng kỳ năm 2021.
Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong Quý I/2022 là 1.177.883 tỷ đồng (tăng 21,0% so với cùng kỳ năm 2021), trong đó, số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới là 471.215 tỷ đồng (tăng 5,2% so với cùng kỳ năm 2021). Có 11.797 doanh nghiệp đang hoạt động đăng ký tăng vốn trong Quý I/2022 (tăng 23,5% so với cùng kỳ năm 2021), số vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp đang hoạt động đạt 706.668 tỷ đồng (tăng 34,5% so với cùng kỳ năm 2021). Vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp trong Quý I/2022 đạt 13,6 tỷ đồng, giảm 10,9% so với cùng kỳ năm 2021.
Tại hai địa phương lớn, chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh, tình hình đăng ký doanh nghiệp cũng có sự khởi sắc, trong đó:
- Thành phố Hồ Chí Minh có 10.207 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 24,1% so với cùng kỳ năm 2021.
- Hà Nội (địa phương hiện đang có số ca nhiễm Covid-19 cao nhất cả nước) có 6.110 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2021.
Tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong Quý I/2022 là 243.466 lao động, giảm 0,9% so với cùng kỳ năm 2021.
- Phân theo lĩnh vực hoạt động:
Có 14/17 ngành có số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng so với cùng kỳ năm 2021: Kinh doanh bất động sản (tăng 47,2%); Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội (tăng 39,3%); Vận tải kho bãi (tăng 32,5%); Bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy (tăng 25,1%); Dịch vụ lưu trú và ăn uống (tăng 22,6%);...
Các ngành có số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới chiếm tỷ lệ lớn nhất, gồm: Bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy có 12.285 doanh nghiệp (chiếm 35,5%); Công nghiệp chế biến, chế tạo có 4.534 doanh nghiệp (chiếm 13,1%); Xây dựng có 4.028 doanh nghiệp (chiếm 11,6%).
Có 3/17 ngành có số lượng doanh nghiệp thành lập mới giảm so với cùng kỳ năm 2021: Sản xuất phân phối, điện, nước, gas (giảm 30,7%); Giáo dục và đào tạo (giảm 24,8%); Nghệ thuật, vui chơi và giải trí (giảm 6,2%).
- Phân theo địa bàn hoạt động:
Trong Quý I/2022, tất cả các khu vực trên cả nước đều có số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng so với cùng kỳ năm 2021, gồm: Đồng bằng Sông Hồng (9.773 doanh nghiệp, tăng 9,4%); Trung du và miền núi phía Bắc (1.706 doanh nghiệp, tăng 17,3%); Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung (4.813 doanh nghiệp, tăng 17,6%); Đông Nam Bộ (14.076 doanh nghiệp, tăng 23,1%); Tây Nguyên (1.136 doanh nghiệp, tăng 23,2%) và Đồng bằng Sông Cửu Long (3.086 doanh nghiệp, tăng 25,3%).
- Phân theo quy mô vốn:
Số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng ở 04/05 quy mô vốn so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, số doanh nghiệp đăng ký thành lập ở quy mô vốn từ 0 - 10 tỷ đồng là 30.778 doanh nghiệp (chiếm 89,0%, tăng 18,9%); từ 20 - 50 tỷ đồng là 1.152 doanh nghiệp (chiếm 3,3%, tăng 30,6%); từ 50 - 100 tỷ đồng là 550 doanh nghiệp (chiếm 1,6%, tăng 28,2%) và ở quy mô trên 100 tỷ đồng là 474 doanh nghiệp (chiếm 1,4%, tăng 3,7%). Số doanh nghiệp đăng ký thành lập ở quy mô vốn từ 10 - 20 tỷ đồng là 1.636 (chiếm 4,7%, giảm 0,8%).
1.2. Doanh nghiệp quay trở lại hoạt động
Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong Quý I/2022 là 25.588 doanh nghiệp, tăng 73,6% so với cùng kỳ năm 2021. Đây cũng là số doanh nghiệp tái gia nhập thị trường cao nhất trong Quý I từ trước đến nay, gấp 2,1 lần mức doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trung bình trong Quý I giai đoạn 2017-2021.
Các lĩnh vực có số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động nhiều nhất trong Quý I/2022 là: Bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy (9.953 doanh nghiệp, chiếm 38,9%); Xây dựng (3.374 doanh nghiệp, chiếm 13,2%); Công nghiệp chế biến, chế tạo (3.010 doanh nghiệp, chiếm 11,8%).
Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng ở 17/17 lĩnh vực, trong đó, những tác động tích cực từ việc mở cửa đón khách quốc tế đã giúp cho các ngành, nghề có liên quan tới du lịch có sự khởi sắc. Những lĩnh vực có sự gia tăng mạnh mẽ nhất là: Dịch vụ lưu trú và ăn uống (1.485 doanh nghiệp, tăng 105,4%); Giáo dục và đào tạo (556 doanh nghiệp, tăng 96,5%); Kinh doanh bất động sản (845 doanh nghiệp, tăng 92,0%); Bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy (9.953 doanh nghiệp, tăng 90,6%); Nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản (361 doanh nghiệp, tăng 84,2%) và Dịch vụ việc làm; du lịch; cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác (1.405 doanh nghiệp, tăng 75,0%)...
2. Tình hình doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, chờ làm thủ tục giải thể và đã giải thể
Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, chờ làm thủ tục giải thể và đã giải thể trong Quý I/2022 là 51.305 doanh nghiệp, tăng 27,2% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, có 35.681 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, chiếm 69,5% tổng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong Quý I/2022. Sự gia tăng của Quý I/2022 so với cùng kỳ năm trước chủ yếu đến từ số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong tháng 01/2022 (38.364 doanh nghiệp, chiếm 74,8% số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường của Quý I/2022).
2.1. Doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh
Số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh trong Quý I/2022 là 35.681 doanh nghiệp, tăng 49,7% so với cùng kỳ năm 2021. Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn trong Quý I/2022 tăng cao một phần là do trong Quý có ngày 01/01, là thời điểm bắt đầu năm tài chính mới, thường được các doanh nghiệp lựa chọn để tạm ngừng kinh doanh. Minh chứng rõ nét là số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh trong tháng 01/2022 chiếm đến 82% tổng số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh trong Quý I/2022.
Doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh chủ yếu thuộc các lĩnh vực: Bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy (12.611 doanh nghiệp, chiếm 35,3%); Xây dựng (4.950 doanh nghiệp, chiếm 13,9%) và Công nghiệp chế biến, chế tạo (4.089 doanh nghiệp, chiếm 11,5%). Đây cũng là những ngành nghề có số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động cao nhất.
Doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh tập trung chủ yếu ở quy mô vốn từ 0 - 10 tỷ đồng với 32.564 doanh nghiệp (chiếm 91,3%, tăng 48,9% so với cùng kỳ năm 2021). Ở quy mô từ 10 - 20 tỷ đồng có 1.718 doanh nghiệp (chiếm 4,8%, tăng 57,0% so với cùng kỳ năm 2021); từ 20 - 50 tỷ đồng có 856 doanh nghiệp (chiếm 2,4%, tăng 55,1% so với cùng kỳ năm 2021); từ 50 - 100 tỷ đồng có 325 doanh nghiệp (chiếm 0,9%, tăng 73,8% so với cùng kỳ năm 2021) và quy mô trên 100 tỷ đồng có 218 doanh nghiệp (chiếm 0,6%, tăng 61,5% so với cùng kỳ năm 2021).
Phần lớn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh trong Quý I/2022 có thời gian hoạt động ngắn, chủ yếu là các doanh nghiệp có thời gian hoạt động từ 0-5 năm với 18.373 doanh nghiệp (chiếm 51,5%); 9.508 doanh nghiệp hoạt động từ 5-10 năm (chiếm 26,6%) và 7.800 doanh nghiệp hoạt động trên 10 năm (chiếm 21,9%).
2.2. Doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể
Trong Quý I/2022, số doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể là 11.289 doanh nghiệp, tăng 0,1% so với cùng kỳ năm 2021.
So với cùng kỳ năm 2021, số lượng các doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể tăng ở 8/17 lĩnh vực. Các ngành kinh doanh có số lượng doanh nghiệp chờ giải thể lớn nhất là: Bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy (4.186 doanh nghiệp, chiếm 37,1%); Công nghiệp chế biến, chế tạo (1.371 doanh nghiệp, chiếm 12,1%); Xây dựng (1.293 doanh nghiệp, chiếm 11,5%).
Phân theo quy mô vốn, doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể tăng ở 4/5 quy mô vốn và tập trung chủ yếu ở quy mô vốn từ 0 - 10 tỷ đồng với 10.054 doanh nghiệp (chiếm 89,1%, giảm 1,0% so với cùng kỳ năm 2021). Ở quy mô vốn từ 10 - 20 tỷ đồng có 607 doanh nghiệp (chiếm 5,4%, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2021); từ 20 - 50 tỷ đồng có 337 doanh nghiệp (chiếm 3,0%, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm 2021); từ 50 - 100 tỷ đồng có 145 doanh nghiệp (chiếm 1,3%, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2021) và trên 100 tỷ đồng có 146 doanh nghiệp (chiếm 1,3%, tăng 9,0% so với cùng kỳ năm 2021).
2.3. Doanh nghiệp đã giải thể
Số doanh nghiệp đã giải thể trong Quý I/2022 là 4.335 doanh nghiệp, giảm 16,7% so với cùng kỳ năm 2021.
17/17 ngành kinh doanh chính có số lượng doanh nghiệp đã giải thể giảm. Các lĩnh vực có tỷ lệ doanh nghiệp đã giải thể giảm nhiều nhất so với cùng kỳ năm 2021 là: Khai khoáng; Nghệ thuật, vui chơi và giải trí và Vận tải kho bãi với tỷ lệ giảm lần lượt là 31,7%; 28,6% và 26,7%.
Trong Quý I/2022, số doanh nghiệp đã giải thể có thời gian hoạt động từ 0-5 năm là 3.184 doanh nghiệp (chiếm 73,4%); 744 doanh nghiệp có thời gian hoạt động từ 5-10 năm (chiếm 17,2%) và 407 doanh nghiệp có thời gian hoạt động trên 10 năm (chiếm 9,4%).
Phân theo quy mô vốn, số lượng doanh nghiệp đã giải thể tăng ở 4/5 quy mô vốn, trong đó tập trung chủ yếu ở quy mô vốn từ 0 - 10 tỷ đồng với 3.777 doanh nghiệp (chiếm 87,1%, giảm 19,7% so với cùng kỳ năm 2021). Ở quy mô từ 10 - 20 tỷ đồng có 276 doanh nghiệp (chiếm 6,4%, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2021); từ 20 - 50 tỷ đồng có 151 doanh nghiệp (chiếm 3,5%, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2021); từ 50 - 100 tỷ đồng có 68 doanh nghiệp (chiếm 1,6%, tăng 30,8% so với cùng kỳ năm 2021) và ở quy mô trên 100 tỷ đồng có 63 doanh nghiệp (chiếm 1,5%, tăng 28,6% so với cùng kỳ năm 2021).
II. Tình hình đăng ký doanh nghiệp tháng 3 năm 2022
1. Doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường
Trong tháng 3/2022 có 18.602 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, gấp 3 lần số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Trong đó, số doanh nghiệp thành lập mới và số vốn đăng ký mới đều có sự gia tăng ấn tượng so với cùng kỳ năm 2021. Cụ thể, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong tháng 3/2022 là 14.302 doanh nghiệp, với số vốn đăng ký là 193.647 tỷ đồng, tăng 28,0% về số doanh nghiệp và tăng 71,3% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2021. Đáng chú ý, đây là mức doanh nghiệp thành lập mới cao nhất kể từ tháng 5/2021.
Tháng 3 năm 2022 ghi nhận có 4.300 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 5,1% so với cùng kỳ năm 2021, nhưng vẫn lớn hơn gấp 1,4 lần trung bình giai đoạn 2017-2021.
Số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 3/2022 là 93.806 người, tăng 28,8% so với cùng kỳ năm 2021.
2. Doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường
Trong tháng 3/2022, cả nước có 6.527 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, giảm 10,3% so với cùng kỳ năm 2021 và giảm 83,0% so với tháng 01/2022, trong đó có: 2.976 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh, tăng 34,5% so với cùng kỳ năm 2021; 2.474 doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể, giảm 28,5% so với cùng kỳ năm 2021; 1.077 doanh nghiệp đã giải thể, giảm 33,0% so với cùng kỳ năm 2021./.
[1] https://moh.gov.vn/tin-lien-quan/-/asset_publisher/vjYyM7O9aWnX/content/chieu-21-3-co-47-tinh-thanh-at-ty-le-bao-phu-mui-2-vaccine-phong-covid-19-tren-95-
Cục Quản lý đăng ký kinh doanh