(MPI) - Trình bày báo cáo tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2022 diễn ra ngày 04/4/2022, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, nhìn chung, tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và 3 tháng đạt được nhiều kết quả tích cực; Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm; nền kinh tế mở cửa và ổn định trong điều kiện “bình thường mới", tạo đà cho quá trình phục hồi kinh tế - xã hội trong cả năm 2022 và các năm tiếp theo.
|
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trình bày báo cáo. Ảnh: Chinhphu.vn |
Phiên họp diễn ra dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính nhằm tập trung thảo luận về tình hình triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, đầu tư công năm 2022; tình hình kinh tế - xã hội tháng 3, quý I năm 2022 và những trọng tâm chỉ đạo trong gian tới, đặc biệt về tình hình triển khai Nghị quyết 01/NQ-CP, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; báo cáo cập nhật kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công năm 2021; công tác hoàn thiện thể chế.
Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các đại biểu phân tích, đánh giá sâu sắc hơn những mặt được, chưa được, phân tích kỹ các nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, đóng góp thêm về những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, trọng điểm thời gian tới, tổ chức lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện thế nào để khắc phục được các tồn tại, hạn chế, ứng phó linh hoạt, hiệu quả với những vấn đề mới có thể phát sinh, tiếp tục giải quyết những vấn đề tồn đọng, kéo dài…
|
Ảnh: Chinhphu.vn |
Trình bày báo cáo, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và 3 tháng đầu năm tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khá. GDP quý I ước tăng 5,03% so với cùng kỳ (cùng kỳ năm 2020 tăng 3,66%, năm 2021 tăng 4,72%), đáng chú ý khu vực dịch vụ tăng 4,58%, gấp gần 1,5 lần so với cùng kỳ các năm 2020-2021. Qua đó, tạo niềm tin vào các chính sách phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, kỳ vọng tăng trưởng tiếp tục đà tích cực trong quý II và cả năm 2022.
Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Nguồn cung và dự trữ xăng dầu trong nước được bảo đảm trong điều kiện nguồn cung và giá xăng dầu thế giới nhiều biến động; ổn định thị trường điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt, bảo đảm an ninh năng lượng; thực hiện tốt các biện pháp kiểm soát lạm phát.
Các bộ, cơ quan, địa phương đã đẩy nhanh phân bổ chi tiết kế hoạch vốn được giao. Đến ngày 25/3/2022, tổng số vốn các bộ, cơ quan và địa phương đã có quyết định giao chi tiết cho các dự án đủ thủ tục đầu tư, đủ điều kiện giải ngân trong năm 2022 đạt 82% số vốn kế hoạch được giao.
Xuất khẩu phục hồi mạnh mẽ; Vốn FDI đăng ký tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần 3 tháng đầu năm tăng gần gấp 2 lần so với cùng kỳ; Hoạt động sản xuất, kinh doanh mở rộng. Sản xuất nông nghiệp ổn định; Sản xuất công nghiệp tiếp tục khởi sắc; Thương mại, dịch vụ tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực; Tình hình doanh nghiệp rất tích cực, phản ánh kỳ vọng, niềm tin mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp vào tiến trình mở cửa, phục hồi của nền kinh tế sau hơn 02 năm chịu tác động của dịch bệnh.
Nguyên nhân của kết quả đạt được là nhờ sự lãnh đạo của Đảng; đồng hành, ủng hộ của Quốc hội; sự chỉ đạo điều hành đúng hướng, quyết liệt, thống nhất, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự phối hợp đồng bộ, linh hoạt chính sách tài khóa, tiền tệ và chính sách khác để ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn, việc quán triệt, thực hiện nghiêm, quyết tâm quan điểm “thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả với dịch Covid-19” của các cấp, các ngành; đẩy mạnh phân công, phân cấp trong tổ chức thực hiện gắn với trách nhiệm người đứng đầu; thường xuyên tổng kết, đánh giá, kế thừa kinh nghiệm và kết quả đạt được; tinh thần đoàn kết, đồng lòng, chung sức, niềm tin, kỳ vọng của người dân vào sự phục hồi của nền kinh tế, hỗ trợ của bạn bè quốc tế.
Tuy nhiên, nước ta cũng đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, tiềm ẩn nhiều rủi ro về ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát, có thể tác động đến hiệu quả chính sách hỗ trợ, làm chậm lại đà tăng trưởng, ảnh hưởng đến tiến trình phục hồi của nền kinh tế trong năm 2022-2023. Yêu cầu các cấp, các ngành cần chủ động theo dõi, dự báo tình hình có phương án điều hành đồng bộ, linh hoạt, kịp thời theo các biến động của kinh tế vĩ mô, lạm phát, các cân đối lớn về năng lượng, lao động, việc làm, đầu tư...; quyết tâm, quyết liệt hơn nữa để triển khai hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu đạt và vượt mục tiêu tăng trưởng cả năm đã đề ra.
Về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, các bộ, cơ quan, địa phương cần tiếp tục thực hiện đồng bộ, thống nhất, kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 11/NQ-CP, các Công điện về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Chương trình phòng, chống dịch Covid-19 (2022-2023); theo dõi chặt chẽ, chủ động nghiên cứu, dự báo, có phương án ứng phó đồng bộ, linh hoạt, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, các cân đối lớn.
Theo đó, chú trọng một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu như tập trung, ưu tiên toàn lực để triển khai đồng bộ, hiệu quả Chương trình phòng chống dịch Covid-19 (2022-2023); Điều hành đồng bộ, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ các công cụ chính sách tiền tệ, tài khóa và các chính sách khác để góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, duy trì mức lãi suất cho vay hợp lý nhằm hỗ trợ tích cực cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Theo dõi chặt chẽ thị trường, giá cả hàng hóa để có chính sách, giải pháp kịp thời bảo đảm cân đối hàng hóa, kiểm soát biến động giá cả; bảo đảm cung ứng, lưu thông hàng hóa và các cân đối lớn của nền kinh tế.
Triển khai thực hiện nhanh, đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả hơn nữa các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Nghị quyết số 11/NQ-CP, xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, là một trong các tiêu chí quan trọng để đánh giá, xếp loại cuối năm đối với tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu; tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn 2021-2025, vốn đầu tư công thuộc Chương trình, bảo đảm giải ngân hết số vốn được giao, tránh phát sinh tham nhũng, tiêu cực.
Khẩn trương tổng kết, đánh giá các chính sách người dân, người lao động, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo Nghị quyết số 68/NQ-CP; đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ trong trường hợp cần thiết.
Tập trung triển khai quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công như đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai, tài nguyên; Đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thi công; thực hiện nghiệm thu, lập hồ sơ thanh toán ngay khi có khối lượng; Rà soát, điều chuyển kế hoạch vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt, còn thiếu vốn; Thành lập Tổ công tác thúc đẩy giải ngân vốn trong từng bộ, cơ quan, địa phương; Xử lý nghiêm các trương hợp nhà thầu vi phạm tiến độ, chất lượng hợp đồng; Tổ chức giao ban định kỳ hàng tuần với các cơ quan chủ quản, chủ đầu tư về tình hình thực hiện các dự án, giải ngân kế hoạch đầu tư công; Kịp thời chỉ đạo ban hành đơn giá xây dựng phù hợp với tình hình, điều chỉnh dự toán, vốn đầu tư của các nhiệm vụ, dự án theo đúng quy định.
Tập trung rà soát, tháo gỡ các rào cản, vướng mắc cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh, khơi thông điểm nghẽn về huy động, sử dụng nguồn lực trong nền kinh tế; đẩy nhanh lộ trình thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư