(MPI) – Ngày 03/4/2022, Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo số 95/TB-VPCP về kết luận của Thường trực Chính phủ tại cuộc họp về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Kế hoạch đầu tư công năm 2021; tình hình triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư công năm 2022; tình hình kinh tế - xã hội tháng 3, 3 tháng đầu năm 2022; tình hình triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
|
Ảnh minh họa. Nguồn: MPI |
Theo đó, Thường trực Chính phủ đánh giá cao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính đã tích cực, chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan. Đồng thời, yêu cầu hai Bộ khẩn trương nghiên cứu tiếp thu đầy đủ các ý kiến xác đáng tại cuộc họp để chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn thiện các dự thảo Tờ trình, Báo cáo, trình Chính phủ tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2022.
Về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Dự toán ngân sách nhà nước, Kế hoạch đầu tư công năm 2021; tình hình triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Dự toán ngân sách nhà nước, đầu tư công năm 2022, Thường trực Chính phủ yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính rà soát kỹ số liệu, nội dung nhận định, đánh giá bảo đảm thống nhất giữa các Báo cáo. Nhấn mạnh các nội dung, số liệu có thay đổi so với nội dung, số liệu đã báo cáo Quốc hội, phân tích rõ nguyên nhân (khách quan, chủ quan), nhất là các số liệu kết quả thực hiện về tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước, thu ngân sách nhà nước, bội chi ngân sách nhà nước…; Bổ sung nội dung báo cáo về tình hình, kết quả xử lý các vấn đề tồn đọng, kéo dài, nhất là các vấn đề Quốc hội, Đại biểu Quốc hội quan tâm; phân tích kỹ hơn các vấn đề mới phát sinh.
Về tình hình kinh tế - xã hội tháng 3, 3 tháng đầu năm 2022 và tình hình triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, hai Bộ cần nhấn mạnh, làm rõ hơn các kết quả đạt được về giữ vững ổn định chính trị xã hội, bảo đảm quốc phòng, trật tự, an ninh, an toàn xã hội, tạo điều kiện thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; nhanh chóng, kịp thời thực hiện tốt công tác bảo hộ công dân, hỗ trợ có kết quả người Việt Nam ở U-crai-na về nước.
Đánh giá, phân tích kỹ những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, trên cơ sở đó đề ra các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, trong đó, đánh giá kỹ nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư công quý I/2022 đạt thấp, từ đó đề xuất các giải pháp quyết liệt, hiệu quả hơn nữa để khắc phục, chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin để tăng cường giám sát việc quản lý, sử dụng, giải ngân vốn đầu tư công. Đến ngày 31/3/2022 nếu bộ, cơ quan, địa phương nào chưa phân bổ hết kế hoạch vốn năm 2022 được giao thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính khẩn trương tổng hợp, đề xuất điều chuyển vốn cho các dự án, các bộ, cơ quan, địa phương khác, đồng thời phê bình, kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu và các tập thể, cá nhân có liên quan.
Có các giải pháp cụ thể để bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế: (i) Về cân đối ngân sách nhà nước: tiếp tục các giải pháp tăng thu, triệt để tiết kiệm chi, nhất là chi kinh tế có tính chất sự nghiệp; đẩy mạnh hơn nữa ứng dụng công nghệ số trong thu chi ngân sách nhà nước. (ii) Về cân đối xuất nhập khẩu: theo dõi sát tình hình để có biện pháp điều tiết phù hợp, bảo đảm cán cân thương mại hợp lý, bền vững, phát huy tối đa nguồn lực trong nước, không để nhập siêu. (iii) Về cân đối lương thực: chủ động có giải pháp bảo đảm an ninh lương thực, thúc đẩy xuất khẩu, rà soát điều chỉnh hợp lý việc sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu các mặt hàng nông sản. (iv) Về cân đối năng lượng: nguyên tắc là phải bảo đảm an ninh năng lượng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, không để thiếu điện cho sản xuất và sinh hoạt, xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan, cá nhân trong việc này. (v) Về cân đối lao động: tiếp tục có giải pháp bảo đảm cung - cầu lao động; triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid 19; khẩn trương sơ kết, đánh giá các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ.
Tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, theo dõi sát tình hình quốc tế, khu vực, nhất là diễn biến xung đột Nga - U-crai-na, chủ động phân tích, dự báo, kịp thời điều hành, đề xuất các giải pháp phù hợp để ứng phó với các vấn đề phát sinh. Điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế. Tăng cường quản lý chặt chẽ, nâng cao hiệu quả hoạt động của thị trường vốn, thị trường chứng khoán, bảo đảm ổn định, an toàn, lành mạnh, công khai, minh bạch.
Bổ sung, làm rõ các bài học kinh nghiệm, nhất là về tăng cường siết chặt kỷ luật kỷ cương hành chính, cấp dưới phục tùng cấp trên, cá nhân phục tùng tổ chức; giữ nghiêm kỷ luật đi công tác, dự các cuộc họp của các cơ quan, địa phương khác; sự đoàn kết, thống nhất, thực hiện nghiêm kỷ luật phát ngôn; bố trí nguồn lực phải bảo đảm tập trung, hiệu quả, không phân tán, dàn trải, manh mún, chia cắt; trong chỉ đạo điều hành phải bám sát tình hình thực tiễn, có sự phối hợp chặt chẽ, linh hoạt, trách nhiệm giữa các bộ, cơ quan, địa phương.
Thường trực Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan chưa triển khai đúng tiến độ các nhiệm vụ được giao trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cần nghiêm túc rút kinh nghiệm, không được để tiếp tục chậm trễ; khẩn trương hoàn thành ngay các nhiệm vụ, văn bản quy phạm pháp luật được giao để triển khai thực hiện Chương trình theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ./.
Minh Hậu
Bộ Kế hoạch và Đầu tư