Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 05/04/2022-09:55:00 AM
Hoàn thiện các cơ chế, chính sách để xác định ưu tiên, thu hút nguồn lực đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số
(MPI) – Tại Hội thảo “Triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 khu vực Đồng bằng sông Cửu Long” diễn ra ngày 05/4/2022 tại tỉnh Sóc Trăng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông đã có bài tham luận với chủ đề "Kế hoạch và nguồn vốn ngân sách trung ương trung hạn và năm 2022 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long".
Thứ trưởng Trần Duy Đông phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: MPI

Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã hết sức quan tâm đến đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), tập trung nguồn lực từ ngân sách nhà nước cho vùng đồng bào DTTS thông qua các cơ chế, chính sách đặc thù và tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, y tế, giáo dục, sinh kế tạo việc làm, hỗ trợ sản xuất,… như hai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 và Chương trình 135. Nhờ đó, đời sống của đồng bào đã dần được nâng cao; các chính sách an sinh xã hội được tăng cường; cơ sở hạ tầng thiết yếu được cải thiện.

Mặc dù vậy nhưng nhìn chung đời sống của đồng bào DTTS vẫn còn gặp nhiều khó khăn, kinh tế - xã hội phát triển chậm, thiếu thốn các điều kiện về kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo và nguy cơ tái nghèo cao và phải đối mặt với các khó khăn, thách thức đặc trưng riêng của từng khu vực.

Theo Thứ trưởng Trần Duy Đông, phát triển kinh - tế xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi là chủ trương lớn và cần tiếp tục được quan tâm đầu tư, hỗ trợ. Tại Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị yêu cầu phát huy mọi nguồn lực, khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS và miền núi, bảo đảm quốc phòng - an ninh. Thực hiện chủ trương trên, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 vừa qua đã được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 120/2020/QH14 và được Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư tại Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/9/2021.

Với quan điểm đầu tư phát trển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi là đầu tư cho phát triển bền vững gắn liền với giảm nghèo, góp phần quan trọng thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, nhằm đạt được mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau” thì ngân sách Nhà nước là nguồn lực đầu tư động lực, có tính định hướng để thu hút và thúc đẩy đầu tư từ khu vực tư nhân và các thành phần kinh tế, phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Để triển khai các quan điểm, định hướng của Đảng, Nhà nước, góp phần thực hiện Chương trình đồng bộ, hiệu quả, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong gian qua đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan trong triển khai, thực hiện Chương trình, đặc biệt là công tác huy động, bố trí nguồn lực, hoàn thiện các cơ chế chính sách tạo hành lang pháp lý cho Chương trình, và sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội, các Bộ, cơ quan ở Trung ương và địa phương trong triển khai, thực hiện Chương trình trong giai đoạn tới.

Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: chinhphu.vn

Về đề xuất một số kiến nghị, giải pháp, Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết, một là về cơ chế, chính sách, ngoài việc tiếp tục nghiên cứu, bổ sung và hoàn thiện các chính sách liên quan trực tiếp đến Chương trình, cần tiếp tục rà soát, hoàn chỉnh các cơ chế, chính sách về đầu tư, doanh nghiệp, đầu tư công, quy hoạch… để bổ trợ, xác định ưu tiên thu hút, huy động nguồn lực đầu tư trên địa bàn đồng bào DTTS sinh sống.

Các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ đã được Quốc hội giao tại các Nghị quyết số 88/2019/QH14 (đã được Chính phủ giao nhiệm vụ tại Nghị quyết số 12/NQ-CP ngày 15/02/2020), Nghị quyết số 120/QH14/2020 (đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch triển khai thực hiện tại Quyết định số 1409/QĐ-TTg ngày 15/9/2020) để sớm hoàn thiện hành lang chính sách, pháp lý triển khai Chương trình đồng bộ, hiệu quả.

Hai là về công tác huy động, bố trí nguồn lực, tổ chức thực hiện, kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo các cấp, các ngành và cơ quan liên quan bố trí đủ nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2030 để hoàn thành mục tiêu của Chương trình.

Các địa phương tham gia thực hiện Chương trình cần chủ động huy động nguồn ngân sách địa phương, lồng ghép với các chương trình, dự án trên cùng địa bàn để đầu tư; chủ động rà soát các cơ chế, chính sách hiện hành để tạo sự thống nhất; nghiên cứu, triển khai áp dụng rộng rãi các chính sách tín dụng ưu đãi nhà nước theo hướng đơn giản hóa thủ tục và ưu tiên cho các đối tượng của Chương trình để phát triển sản xuất, tạo sinh kế bền vững...

Thứ trưởng Trần Duy Đông khẳng định, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp thu ý kiến chỉ đạo và cùng các Bộ, cơ quan hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong quá trình triển khai các nhiệm vụ trọng tâm về phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, phát triển bền vững Vùng đồng bào DTTS và miền núi. Đồng thời sẽ tham mưu cho cơ quan có thẩm quyền tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách và các giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh nhằm thu hút mọi nguồn lực đầu tư vào Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi./.

Bảo Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 1426
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)