Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 29/04/2022-08:10:00 AM
Tạo sự đồng bộ, liên tục nhằm nâng cao khả năng kết nối, rút ngắn quãng đường vận chuyển, kết nối giao thông thuận lợi
(MPI) - Tiếp tục chương trình Phiên họp toàn thể lần thứ 6, chiều ngày 28/4/2022, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thẩm tra Tờ trình của Chính phủ về Chủ trương đầu tư Dự án Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội; Dự án Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương trình bày Tờ trình của Chính phủ về hai dự án này.

Các Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh có vai trò liên kết Vùng, thúc đẩy phát triển đô thị hóa, có ý nghĩa rất lớn đối với việc phát triển kinh tế - xã hội cũng đã được dự kiến đầu tư xây dựng trong giai đoạn 2011-2020. Việc triển khai thực hiện Dự án trong giai đoạn 2021-2025 là phù hợp và cần thiết.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương trình bày Tờ trình. Ảnh: Quochoi.vn

Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 Đại hội XIII của Đảng, việc hoàn thành các tuyến đường kết nối Vùng Thủ đô đáp ứng nhu cầu vận tải, giải quyết ùn tắc giao thông khu vực nội đô và để hoàn thành mục tiêu đề ra, thời gian tới cần tập trung đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm, có sức lan tỏa cao, trong đó việc đầu tư hoàn thành dự án quan trọng quốc gia đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh là hết sức cần thiết và cấp bách, góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; Tăng khả năng kết nối giao thông giữa các tỉnh trong Vùng, phù hợp với Quy hoạch giao thông quốc gia; Giúp mở rộng không gian phát triển, kéo giãn mật độ dân cư khu vực nội thị; Giảm áp lực cho giao thông nội đô và các tuyến đường hiện hữu.

Ngoài ra, nội dung sự cần thiết đầu tư các Dự án đã được Bộ Chính trị thống nhất tại cuộc họp ngày 13/4/2022 về chủ trương đầu tư Dự án.

Mục tiêu của Dự án nhằm cụ thể hóa mục tiêu của Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 01/9/2021. Việc Xây dựng tuyến đường Vành đai liên vùng khu vực kinh tế trọng điểm Vùng Thủ đô Hà Nội, Vùng Thành phố Hồ Chí Minh cơ bản hoàn thành trong giai đoạn 2021-2025. Tạo sự đồng bộ, liên tục nhằm nâng cao khả năng kết nối, rút ngắn quãng đường vận chuyển, kết nối thuận lợi giao thông thuận lợi với các tỉnh, thành phố trong Vùng; giảm tải cho hệ thống giao thông hướng tâm của Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh; phát huy hiệu quả đầu tư đối với các Dự án đang triển khai.

Tạo không gian phát triển mới, khai thác tiềm năng sử dụng đất đai; góp phần điều tiết dân số cho khu vực nội đô và sử dụng đất hiệu quả, tạo nguồn lực để đầu tư phát triển.

Dự án đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội có tổng chiều dài khoảng 112,8km (gồm 103,1 km đường Vành đai 4 và 9,7km tuyến nối theo hướng cao tốc Nội Bài - Hạ Long) qua địa phận: Thành phố Hà Nội (dài 58,2km); Hưng Yên (dài 19,3km); Bắc Ninh (dài 25,6km và tuyến nối 9,7km).

Dự án đường vành đai 3 - Thành phố Hồ CHí Minh có tổng chiều dài tuyến là 76,34km (bao gồm: Thành phố Hồ Chí Minh 47,51km; Đồng Nai 11,26km; Bình Dương 10,76km; Long An 6,81km).

Về hình thức đầu tư và phân chia dự án thành phần, dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội hình thức đầu tư công kết hợp đầu tư phương thức PPP được chia thành 07 dự án thành phần; tách riêng phần giải phóng mặt bằng và phần xây dựng đường song hành triển khai độc lập theo địa giới hành chính giữa các địa phương, thực hiện theo hình thức đầu tư công; riêng dự án thành phần 3 (đầu tư theo phương thức PPP): hệ thống đường cao tốc toàn tuyến và tuyến nối 9,7 km do UBND Thành phố Hà Nội là cơ quan có thẩm quyền.

Dự án đường vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh hình thức đầu tư công được chia thành 08 dự án thành phần; tách riêng phần giải phóng mặt bằng và phần xây dựng triển khai độc lập theo địa giới hành chính giữa các địa phương.

Tờ trình của Chính phủ cũng tập trung vào các nội dung như phương án thiết kế sơ bộ; phương án giải phóng mặt bằng, tái định cư; hình thức đầu tư và phân chia dự án thành phần; sơ bộ tổng mức đầu tư, nguồn vốn; phương án tài chính, chi phí vận hành, bảo dưỡng, duy tu, sửa chữa lớn trong giai đoạn khai thác vận hành dự án; Dự kiến tiến độ và thời gian thực hiện dự án; Sơ bộ hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án; ảnh hưởng của dự án đối với môi trường, xã hội và quốc phòng, an ninh; Dự kiến sơ bộ rủi ro trong quá trình thực hiện dự án PPP; Cơ chế chia sẻ phần giảm doanh thu dự án PPP; Các hình thức ưu đãi, bảo đảm đầu tư dự án PPP; hình thức tổ chức quản lý dự án PPP; Tổ chức thực hiện các Dự án; đề xuất một số cơ chế, chính sách đặc biệt triển khai đầu tư Dự án.

Để sớm hoàn thành các dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh tạo động lực, sức lan tỏa nhằm khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội của khu vực Vùng Thủ đô và đất nước, Chính phủ kiến nghị Quốc hội các nội dung về quyết định chủ trương đầu tư Dự án; Giao Chính phủ tổ chức triển khai thực hiện Dự án bảo đảm tiến độ, chất lượng và hiệu quả đầu tư theo đúng quy định của pháp luật.

Đại diện lãnh đạo các bộ, ngành và địa phương tham dự phiên họp. Ảnh : Quochoi.vn

Tại phiên họp, các đại biểu đã tập trung cho ý kiến về hồ sơ dự án theo quy định của pháp luật, về sự cần thiết, tính cấp thiết đầu tư dự án, làm rõ sự phù hợp của dự án với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và các quy hoạch có liên quan. Đồng thời tập trung vào thảo luận về quy mô đầu tư phương án thiết kế sơ bộ các dự án, phương án đầu tư giai đoạn phân kỳ, cơ chế chính sách đặc thù cho thực hiện dự án;...

Kết luận nội dung phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, các ý kiến phát biểu đều ủng hộ sự cần thiết chủ trương đầu tư hai dự án đường vành đai này và nhấn mạnh, các ý kiến cho rằng cần tiếp tục làm rõ hơn như phạm vi, quy mô, thiết kế sơ bộ phân kỳ bảo đảm yêu cầu kết nối thông suốt kết nối; trách nhiệm thực hiện và nguồn vốn bố trí đối với đường song hành; các nút giao; khai thác quỹ đất; sơ bộ tổng mức đầu tư, cam kết bố trí vốn của các địa phương; giải phóng mặt bằng; hình thức đầu tư; phân chia dự án thành phần; cơ chế chính sách đặc thù trong thực hiện dự án; khai thác khoáng sản...

Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra chủ trương quan trọng tập trung nguồn lực triển khai xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, công trình hiện đại, tập trung cho nhóm hạ tầng giao thông và nhóm hạ tầng đô thị. Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII đặt ra yêu cầu phấn đấu đến năm 2030 sẽ có khoảng 5000km đường cao tốc kết nối các khu kinh tế, khu công nghiệp, cảng biển, cảng hàng không… Thể chế hóa Nghị quyết của Đảng, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 29/2021/QH15 về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giải đoạn 2021-2025, bố trí nguồn lực cho các công trình quan trọng quốc gia, trong đó, đặt ra yêu cầu chuẩn bị đầu tư, sớm khởi công và hoàn thành dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh và Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội trong giai đoạn hiện nay./.

Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 1014
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)