(MPI Portal) – Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của hầu hết các quốc gia trên thế giới, là động lực tăng trưởng, xương sống của nền kinh tế. Với vai trò đó, công tác hỗ trợ DNNVV được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chính sách phát triển của mỗi quốc gia nhằm thúc đẩy khu vực doanh nghiệp này đổi mới sáng tạo, phát triển, đóng góp ngày càng cao cho nền kinh tế.
|
Thứ trưởng Đặng Huy Đông phát biểu khai mạc Hội thảo
Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)
|
Đây là ý kiến của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông tại Hội thảo Đề xuất các nội dung cơ bản cho Luật Hỗ trợ DNNVV được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức vào sáng ngày 04/11/2014, tại Hà Nội. Tham dự Hội thảo có TS.Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam, các đại biểu đến từ các bộ, ngành liên quan, đại diện một số Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng các cơ quan thông tấn báo chí.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Đặng Huy Đông cho biết, mặc dù trong điều kiện nền kinh tế còn nhiều khó khăn, DNNVV vẫn nỗ lực duy trì tỷ lệ đóng góp cao trong những năm qua. Năm 2012, khu vực này đóng góp 50% GDP, 39% vốn thực hiện toàn xã hội, 33% thu ngân sách nhà nước và đặc biệt tạo ra 62% việc làm trong các khu vực doanh nghiệp.
Nhận thức được vai trò và tầm quan trọng của khu vực DNVV, giai đoạn vừa qua, Chính phủ đã có nhiều nỗ lực trong việc thiết lập và duy trì môi trường kinh doanh thông thoáng, bình đẳng và thuận lợi cho doanh nghiệp với các nhóm công việc chủ yếu như: duy trì kinh tế vĩ mô ổn định, tạo khung khổ pháp lý với quy trình, thủ tục hành chính đơn giản, minh bạch và hiệu quả, tăng cường khả năng tiếp cận nguồn lực và hỗ trợ mở rộng cơ hội sản xuất, kinh doanh, tiếp cận thị trường cho doanh nghiệp. Chính phủ đã ban hành và thực thi một số chính sách hỗ trợ riêng cho DNNVV như Nghị định số 90/2001/NĐ-CP ngày 23/11/2001 của Chính phủ về trợ giúp phát triển DNNVV; Nghị định số 56/2009/NĐ-CP ngày 30/6/2009 của Chính phủ về trợ giúp phát triển DNNVV; Kế hoạch phát triển DNNVV giai đoạn 2006-2010 và giai đoạn 2011-2015; Chương trình đào tạo nguồn nhân lực cho DNNVV; Quỹ bảo lãnh DNNVV; Quỹ phát triển DNNVV…
Mặc dù vậy, giữa chính sách và thực thi, giữa chủ trương của Chính phủ và kỳ vọng của doanh nghiệp vẫn còn nhiều khoảng cách nhất định. Số lượng doanh nghiệp gặp khó khăn phải giải thể hoặc ngừng hoạt động có xu hướng tăng. Chất lượng kinh doanh của DNNVV chưa được cải thiện, quy mô của các doanh nghiệp còn hạn chế. Mức đầu tư vào công nghệ, kỹ thuật của DNNVV còn thấp. Bên cạnh đó, công tác hỗ trợ DNNVV thời gian qua thực hiện theo phát triển ngành, có mục tiêu riêng và mang tính dàn trải dẫn đến hệ quả là doanh nghiệp chỉ nhận được hỗ trợ về đào tạo, đổi mới công nghệ, khuyến nông hoặc mở rộng thị trường…Trong khi đó các DNNVV với quy mô và năng lực hạn chế, đòi hỏi có sự hỗ trợ tổng thể, toàn diện về mọi mặt, như vậy mới có đủ khả năng cạnh tranh để gia nhập và tồn tại bền vững. Trước yêu cầu đó, việc nghiên cứu các nội dung Luật Hỗ trợ DNNVV là hết sức cần thiết.
|
Bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Hội thảo.
Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)
|
Tại Hội thảo, bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình bày một số nội dung chủ yếu của Đề án nghiên cứu xây dựng Luật Hỗ trợ DNNVV. Theo đó, mục tiêu của Luật này đưa ra hệ thống các giải pháp toàn diện thông qua thiết lập nguyên tắc, chính sách, chương trình nhằm hỗ trợ DNNVV phát triển sáng tạo, độc lập và xác định rõ trách nhiệm của Trung ương, địa phương trong việc hỗ trợ DNNVV để góp phần vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế quốc gia và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Luật này được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, căn cứ vào tình hình và nhu cầu hỗ trợ của DNNVV, điều kiện của ngành, môi trường kinh doanh của Việt Nam. Đối tượng áp dụng là các DNNVV độc lập, thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam; các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động hỗ trợ DNNVV và các cơ quan quản lý nhà nước về hỗ trợ DNNVV.
Các chính sách, chương trình hỗ trợ DNNVV cần phải thực hiện theo hướng có trọng tâm, trọng điểm nhằm hỗ trợ DNNVV phát triển với tốc độ cao, nâng cao năng lực cạnh tranh và tham gia được vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Bố cục của Luật dự kiến gồm 3 chương. Trong đó, chương I: Những quy định chung, quy định về mục tiêu, quan điểm, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, các nguyên tắc cơ bản, trách nhiệm của Chính phủ trong hỗ trợ DNNVV. Chương II: Các biện pháp hỗ trợ cơ bản gồm các điều khoản về các giải pháp chủ yếu hỗ trợ DNNVV. Chương III: Quản lý Nhà nước hỗ trợ DNNVV: quy định về hệ thống cơ quan quản lý Nhà nước về hỗ trợ DNNVV, công tác quản lý Nhà nước trong xây dựng và triển khai chính sách, hoạt động, chương trình và dịch vụ hỗ trợ DNNVV.
Dự thảo Luật này cũng đưa ra các giải pháp hỗ trợ DNNVV bao gồm: Hỗ trợ DNNVV đổi mới, sáng tạo trong kinh doanh; Hỗ trợ tài chính và thuế; Hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa do DNNVV sản xuất; Hỗ trợ phát triển thị trường, cung cấp thông tin và tư vấn kinh doanh cho DNNVV; Hỗ trợ về lao động và nguồn nhân lực; Hỗ trợ liên kết giữa các DNNVV và giữa các DNNVV với doanh nghiệp lớn; Hỗ trợ khởi nghiệp.
|
Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)
|
Tại phiên thảo luận, về cơ bản các đại biểu đồng ý với nội dung và kết cấu của Dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV và cho rằng, để khắc phục những tồn tại, hạn chế của chính sách hỗ trợ DNNVV, nhằm tạo hành lang pháp lý hỗ trợ cho DNNVV hoạt động và phát triển thì việc xây dựng luật hỗ trợ DNNVV là cần thiết. Luật hỗ trợ DNNVV ra đời sẽ giúp các chính sách hỗ trợ DNNVV tập trung, thống nhất về một đầu mối, đảm bảo tính đồng bộ của chính sách trợ giúp và nâng cao việc thực thi pháp luật về các chính sách trợ giúp cho DNNVV./.
Tùng Linh
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư