Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 26/05/2022-15:14:00 PM
Việt Nam tìm cơ hội mở rộng hợp tác với các địa phương của Algeria

Tham tán Thương mại Việt Nam tại Algeria Hoàng Đức Nhuận phát biểu tại diễn đàn. (Ảnh: Trung Khánh/Vietnam+)
Tham tán Thương mại Hoàng Đức Nhuận kêu gọi các công ty Algeria đầu tư nhiều hơn vào Việt Nam - được coi là cửa ngõ vào thị trường châu Á, đặc biệt là thị trường của các quốc gia ASEAN.

Diễn ra trong các ngày 25 và 26/5 tại Annaba - thành phố cảng phía Bắc của Algeria - Diễn đàn Kinh tế Annaba, tầm nhìn 2030 quy tụ hàng trăm đại biểu là các chuyên gia kinh tế, doanh nhân, nhà đầu tư, đại diện các bộ/ngành Algeria và các tổ chức kinh tế tài chính cũng như sự tham gia của đại diện một số đại sứ quán các nước châu Phi và châu Âu.

Thương vụ Việt Nam tại Algeria tham gia sự kiện nhằm giới thiệu tiềm năng thế mạnh của Việt Nam cũng như tìm kiếm thêm cơ hội mở rộng hợp tác cho các doanh nghiệp Việt Nam với các địa phương của Algeria.

Được Hiệp hội Thanh niên Algeria khởi xướng từ năm 2021, diễn đàn kinh tế thường niên này hướng đến mục tiêu trở thành một sự kiện quốc tế được tổ chức luân phiên tại các tỉnh, thành khác nhau của Algeria nhằm trao đổi kiến thức, thúc đẩy sự phát triển của kinh tế địa phương và sự phục hồi của nền kinh tế Algeria.

Phát biểu tại diễn đàn, Tham tán Thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Algeria Hoàng Đức Nhuận đánh giá “đây là cơ hội tốt để Việt Nam khám phá tiềm năng thương mại và đầu tư của tỉnh Annaba và tăng cường hợp tác kinh tế giữa Algeria và Việt Nam nói chung." Đây cũng là lần thứ hai Thương vụ Việt Nam tại Algeria tham gia diễn đàn sau sự kiện đầu tiên được tổ chức tại Skikda năm 2021.

Giới thiệu với một số doanh nghiệp tham dự diễn đàn, Tham tán Thương mại Hoàng Đức Nhuận nhấn mạnh Việt Nam là một thị trường rộng lớn với gần 100 triệu người tiêu dùng và đang mở cửa rộng rãi với thế giới.

Năm 2021, bất chấp những ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19, nền kinh tế Việt Nam vẫn ghi nhận mức tăng trưởng 2,58% và dự kiến sẽ đạt 6,5% trong năm nay.

Trong năm qua, kim ngạch ngoại thương của cả nước đạt 668,5 tỷ USD, tăng 23% so với năm 2020. Việt Nam được hưởng lợi từ các hiệp định thương mại tự do, trong đó có Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA)…

Cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Algeria không phải là cạnh tranh mà là bổ trợ thương mại. Các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu bao gồm càphê, gạo, hạt tiêu, thủy sản...

Về hợp tác đầu tư, liên doanh giữa Tổng Công ty thăm dò khai thác dầu khí (PVEP), Công ty thăm dò và khai thác PTT của Thái Lan (PTTEP) và Tập đoàn Sonatrach là biểu tượng cho sự hợp tác thành công giữa Việt Nam và Algeria.

12 năm sau khi bắt đầu được triển khai (năm 2003), dự án khai thác mỏ Bir Seba đã cho thùng dầu đầu tiên vào tháng 8/2015. Tổng vốn đầu tư của dự án lên tới 1,26 tỷ USD. Công suất sản xuất hiện tại là 18.000 thùng/ngày.

Algeria có dân số hơn 44 triệu người với nhiều lợi thế, nền tảng của khu vực. Hiệp định khu vực mậu dịch tự do lục địa châu Phi mở ra cơ hội tốt cho các công ty Việt Nam hợp tác đầu tư với các nhà khai thác của Algeria và tiếp cận thị trường khổng lồ 1,3 tỷ dân này.

Về phần mình, Việt Nam cũng kêu gọi các công ty Algeria đầu tư nhiều hơn vào Việt Nam - được coi là cửa ngõ vào thị trường châu Á, đặc biệt là thị trường của các quốc gia thuộc Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) với 650 triệu người tiêu dùng.

Tuy nhiên, cũng theo Tham tán Thương mại Việt Nam tại Algeria Hoàng Đức Nhuận, để tăng cường quan hệ đầu tư và thương mại giữa Việt Nam và Algeria, hai nước cần tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tạo cơ chế hợp tác mới, tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư./.


TTXVN/Vietnam+

    Tổng số lượt xem: 482
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)