Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 04/06/2022-13:27:00 PM
Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 5/2022
(MPI) - Ngày 04/6/2022, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 5/2022 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng và Thứ trưởng Trần Duy Đông tham dự phiên họp.
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: chinhphu.vn

Phiên họp tập trung thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, việc triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tình hình phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, ngân sách nhà nước trong tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2022.

Tại phiên họp, Thứ trưởng Trần Duy Đông đã trình bày báo cáo tình hình kinh tế - xã hội (KTXH) tháng 5 và 5 tháng năm 2022; tình hình triển khai Chương trình phục hồi và phát triển KTXH; tình hình phân bổ, giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước 5 tháng năm 2022, kết quả của 06 Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022.

Theo báo cáo, nhìn chung, tình hình quốc tế, trong nước 5 tháng đầu năm có những thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn.

Trong bối cảnh đó, tình hình KTXH tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2022 tiếp tục chuyển biến tích cực; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn, kiểm soát lạm phát, các hoạt động kinh tế phục hồi mạnh mẽ trong điều kiện tình hình thế giới có nhiều biến động, khó lường. Đây là yếu tố rất tích cực, tạo dư địa tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ, tài khóa phù hợp để thúc đẩy tăng trưởng, hỗ trợ nền kinh tế phục hồi và phát triển nhanh hơn.

Kết quả đạt được nêu trên là nhờ sự lãnh đạo của Đảng; sự đoàn kết, thống nhất, ý chí quyết tâm của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp, người dân; cả nước vừa nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên, vừa giải quyết các vấn đề tồn đọng, xử lý các vấn đề phát sinh và thực hiện các nhiệm vụ mới như Chương trình phòng chống dịch Covid-19, Chương trình phục hồi và phát triển KTXH, vừa phát triển, thúc đẩy thực hiện các chương trình, dự án đầu tư phát triển hạ tầng quan trọng, chiến lược như hệ thống giao thông...

Mặc dù vậy, nước ta vẫn đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, đến từ bên ngoài và bên trong nền kinh tế; lạm phát, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, đầu tư bất động sản tiếp tục là những rủi ro tiềm ẩn, cần được theo dõi chặt chẽ, có phương án, kịch bản điều hành chủ động, linh hoạt, kịp thời nhằm giảm thiểu tác động bất lợi đến tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, đời sống người dân, nhất là người nghèo, đối tượng yếu thế.

Về tình hình triển khai Chương trình phục hồi và phát triển KTXH, báo cáo nêu rõ, ngay sau thời điểm Quốc hội ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, Chính phủ đã khẩn trương ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội với 05 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu.

Với nhận thức về ý nghĩa quan trọng của Chương trình, Chính phủ, các Bộ, cơ quan, địa phương đã quyết tâm, nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 11/NQ-CP.

Về đầu tư công, Chính phủ đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự kiến danh mục, mức vốn bố trí cho nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình và phương án điều chỉnh linh hoạt giữa nguồn vốn Chương trình và Kế hoạch đầu tư công trung hạn; trình Quốc hội xem xét chủ trương đầu tư 03 dự án đường cao tốc quan trọng quốc gia sử dụng vốn Chương trình.

Tuy nhiên, tình hình triển khai một số nhiệm vụ cụ thể còn chậm, chưa bảo đảm tiến độ, yêu cầu đề ra tại Nghị quyết 11/NQ-CP; cần phải khẩn trương, nỗ lực hơn nữa nhằm đưa các chính sách sớm đi vào cuộc sống, phát huy tối đa hiệu quả của Chương trình.

Thứ trưởng Trần Duy Đông cho rằng, nhìn chung, những tháng còn lại là khoảng thời gian quyết định kết quả thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Nghị quyết 01/NQ-CP, Chương trình phục hồi và phát triển KTXH trong cả năm 2022. Do vậy, các cấp, các ngành cần bám sát tình hình, làm tốt công tác dự báo, chủ động xây dựng kịch bản, giải pháp điều hành, phối hợp chặt chẽ trong tổ chức thực hiện, bảo đảm chất lượng, tiến độ triển khai nhiệm vụ được giao.

Về các phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới, các bộ, cơ quan, địa phương cần nghiêm túc triển khai thực hiện nhanh, hiệu quả, thực chất, toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Nghị quyết 01/NQ-CP, Chương trình phục hồi và phát triển KTXH, Chương trình phòng, chống dịch Covid-19 (2022-2023); theo dõi chặt chẽ tình hình, phối hợp chặt chẽ, chủ động phương án xử lý các vấn đề phát sinh, bảo đảm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn, ổn định thị trường chứng khoán, bất động sản, giảm bớt khó khăn về giá, chi phí sinh hoạt tăng cao cho các đối tượng chính sách, người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn.

Trong đó, chú trọng nhiệm vụ, giải pháp như tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả Chương trình phòng chống dịch Covid-19 (2022-2023); Điều hành đồng bộ, chủ động, linh hoạt chính sách tài khóa, tiền tệ và chính sách vĩ mô khác; điều hành tăng trưởng tín dụng, quyết liệt triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất (2%/năm), giảm bớt áp lực chi phí vốn cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh; theo dõi chặt chẽ thị trường, giá cả hàng hóa, bảo đảm cân đối cung - cầu, điều hành, bình ổn giá; khẩn trương nghiên cứu phương án giảm thuế, phí xăng dầu để hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, nhất là trong bối cảnh thu ngân sách nhà nước đạt kết quả tốt; chủ động phương án sản xuất.

Triển khai thực hiện nhanh, đồng bộ, quyết liệt hơn nữa Chương trình phục hồi và phát triển KTXH, xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, là một trong các tiêu chí quan trọng để đánh giá, xếp loại cuối năm đối với tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu; phát huy hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo về triển khai thực hiện Chương trình, bảo đảm tiến độ thực hiện, giải ngân.

Triển khai quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; phát huy vai trò của các Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công; nâng cao kỷ luật, kỷ cương trong công tác chuẩn bị đầu tư; rà soát, nghiên cứu sửa đổi quy định tại các luật liên quan đến đầu tư công; công bố giá và chỉ số giá các loại vật liệu xây dựng hằng tháng phù hợp với tình hình, điều chỉnh dự toán, vốn đầu tư của các nhiệm vụ, dự án theo đúng quy định.

Đẩy nhanh lộ trình cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; hoàn thiện, báo cáo cấp có thẩm quyền phương án xử lý các vấn đề tồn đọng, dự án, doanh nghiệp kém hiệu quả./.

Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 1498
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)