Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 06/06/2022-11:03:00 AM
Dự án đường Vành đai 4, đường Vành đai 3 tạo động lực, sức lan tỏa nhằm khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội
(MPI) - Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, ngày 06/6/2022, tại Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình về Chủ trương đầu tư Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội và Dự án đường Vành đai 3 - thành phố Hồ Chí Minh.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình. Ảnh: Quochoi.vn

Triển khai kết luận của Bộ Chính trị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và kết quả thẩm tra của Ủy Ban kinh tế Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo UBND thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh nghiêm túc tiếp thu, hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi 02 dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, đường Vành đai 3 - thành phố Hồ Chí Minh. Ngày 23/5/2022, Chính phủ tiếp tục có các Tờ trình: số 208/TTr-CP, số 206/TTr-CP trình Quốc hội xem xét quyết định chủ trương đầu tư 02 Dự án quan trọng quốc gia nêu trên.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, các dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; đường Vành đai 3 - Thành phố Hồ Chí Minh có vai trò liên kết Vùng, thúc đẩy phát triển đô thị hóa, có ý nghĩa rất lớn đối với việc phát triển kinh tế - xã hội và các dự án này cũng đã được dự kiến đầu tư xây dựng trong giai đoạn 2011-2020. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, nhất là sự hạn chế về nguồn lực nên chưa có điều kiện để triển khai trong giai đoạn này.

Việc triển khai Dự án đường Vành đai 4 vùng - Thủ đô Hà Nội và Dự án đường Vành đai 3 - thành phố Hồ Chí Minh nhằm mục tiêu cụ thể hóa mục tiêu của Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt. Cụ thể, các Dự án hướng tới mục tiêu xây dựng tuyến đường Vành đai liên vùng khu vực kinh tế trọng điểm Vùng Thủ đô Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh cơ bản hoàn thành trong giai đoạn 2021-2025. Tạo sự đồng bộ, liên tục nhằm nâng cao khả năng kết nối, rút ngắn quãng đường vận chuyển, kết nối giao thông thuận lợi với các tỉnh, thành phố trong Vùng; giảm tải cho hệ thống giao thông hướng tâm của Thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh; phát huy hiệu quả đầu tư đối với các Dự án đang triển khai. Tạo không gian phát triển mới, khai thác tiềm năng sử dụng đất đai; góp phần điều tiết dân số cho khu vực nội thành và sử dụng đất hiệu quả, tạo nguồn lực để đầu tư phát triển.

Tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, Vành đai 3 - thành phố Hồ Chí Minh phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025; định hướng phát triển về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; phù hợp với Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030; phù hợp với quy hoạch của các ngành, các địa phương có liên quan.

Về phạm vi đầu tư, Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội có tổng chiều dài khoảng 112,8km (gồm 103,1 km đường Vành đai 4 và 9,7km tuyến nối theo hướng cao tốc Nội Bài - Hạ Long) qua địa phận: thành phố Hà Nội (dài 58,2km); Hưng Yên (dài 19,3km); Bắc Ninh (dài 25,6km và tuyến nối 9,7km). Dự án đường Vành đai 3 - thành phố Hồ Chí Minh có tổng chiều dài tuyến là 76,34km (bao gồm: thành phố Hồ Chí Minh 47,51km; Đồng Nai ll,26km; Bình Dương 10,76km; Long An 6,81 km).

Về quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật, giải phóng mặt bằng các tuyến đường theo quy mô quy hoạch (6-8 làn xe cao tốc) và hệ thống đường đô thị song hành 02 bên. Riêng đường Vành đai 4 giải phóng mặt bằng dự trữ cho tuyến đường sắt vành đai. Trên cơ sở kết quả dự báo nhu cầu vận tải, phù hợp với các giải pháp đầu tư và nguồn lực giai đoạn 1 đầu tư phân kỳ với quy mô phân kỳ 04 làn xe cao tốc hạn chế, vận tốc thiết kế 80 km/h có các yếu tổ hình học được thiết ké theo tiêu chuẩn đường cao tốc và các nút giao liên thông hoàn chỉnh giao cắt với đường hiện trạng có nhu cầu vận tải cao, bảo đảm khai thác an toàn, hiệu quả; đầu tư xây dựng phần đường song hành 02 bên.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nhấn mạnh đến các nội dung về phương án thiết kế sơ bộ; Sơ bộ về phương án giải phóng mặt bằng, tái định cư; hình thức đầu tư và phân chia dự án thành phần; Sơ bộ tổng mức đầu tư, nguồn vốn; phương án tài chính, chi phí vận hành, bảo dưỡng, duy tu, sửa chữa lớn trong giai đoạn khai thác vận hành dự án; kiến tiến độ và thời gian thực hiện dự án; sơ bộ hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án; ảnh hưởng của dự án đối với môi trường, xã hội và quốc phòng, an ninh.

Với tính chất là các dự án quan trọng quốc gia, để bảo đảm tiến độ đầu tư, tạo thuận lợi trong quá trình triển khai, căn cứ ý kiến của Bộ Chính trị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và vận dụng một số cơ chế đã được Quốc hội thông qua, Chính phủ đề xuất áp dụng các nhóm cơ chế, chính sách đặc biệt triển khai đầu tư Dự án. Đồng thời kiến nghị, để sớm hoàn thành các dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, đường Vành đai 3 - Thành phố Hồ Chí Minh, tạo động lực, sức lan tỏa nhằm khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội của khu vực Vùng Thủ đô, Vùng Thành phố Hồ Chí Minh và đất nước, Chính phủ kiến nghị Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư 02 dự án nêu trên./.

Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 4018
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)