Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 21/06/2022-13:00:00 PM
Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long tạo ra các giá trị mới và mang lại sự chuyển đổi
(MPI) - Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thời kỳ 2021-2030 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức ngày 21/6/2022 tại thành phố Cần Thơ đã nhận được các công bố cam kết tài trợ thực hiện một số chương trình, dự án phát triển hạ tầng triển khai thực hiện Quy hoạch.
Bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB). Ảnh: Chinhphu.vn

Phát biểu tại Hội nghị, bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho rằng, đây là thành quả của cách tiếp cận mới mang tính toàn diện và chiến lược đối với sự phát triển vùng. Quy hoạch thể hiện cách tiếp cận toàn Chính phủ và cam kết mạnh mẽ trong việc thúc đẩy phát triển bền vững và nâng cao khả năng thích ứng với khí hậu của ĐBSCL.

ĐBSCL được coi là điểm nóng toàn cầu về biến đổi khí hậu. Trong bối cảnh rủi ro khí hậu ngày càng gia tăng và các tác động phát triển sắp tới, Quy hoạch vùng ĐBSCL nêu bật tư duy và tầm nhìn mới cho khu vực. Quy hoạch cũng đưa ra những cơ hội to lớn để tạo ra các giá trị mới và mang lại sự chuyển đổi, cũng như tiềm năng tăng trưởng xanh, bền vững, đồng đều và thịnh vượng lâu dài trong khu vực.

Chuyển từ tầm nhìn và quy hoạch sang thực hiện luôn là một thách thức và đã có một số xu hướng có thể nhận thấy cần được giải quyết để thúc đẩy quá trình chuyển đổi kinh tế của ĐBSCL. Theo đó, bà Carolyn Turk nêu lên một số điểm để chuyển từ quy hoạch sang hành động. Thứ nhất, đảm bảo tập trung cao độ vào hiệu quả và hiệu lực. Quy hoạch vùng cần đi kèm với một Chương trình hành động chiến lược và khả thi, trong đó xác định rõ ràng các ưu tiên đầu tư trong khung thời gian và với nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội nhất định. Với nhu cầu vốn để thực hiện các dự án đầu tư trong quy hoạch, điều quan trọng là phải có tầm nhìn khu vực, trong đó tập trung vào thực hiện những hành động mang tính cấp bách và mang lại tác động to lớn. Điều này có nghĩa là cần đảm bảo các nguồn lực tài chính hiện có được sử dụng hiệu quả hơn, tối đa hóa các đồng lợi ích về xã hội và môi trường.

Trên cơ sở Quy hoạch vùng, tiếp tục sắp xếp thứ tự ưu các dự án đầu tư cấp vùng, phân bổ ngân sách để chuẩn bị các dự án đã lên kế hoạch và đơn giản hóa các quy trình phê duyệt để nâng cao tính sẵn sàng và đảm bảo quyền làm chủ cũng như trách nhiệm giải trình trong việc thực hiện các dự án ưu tiên.

Thứ hai, đảm bảo sự phối hợp theo chiều dọc và chiều ngang. Việc thực hiện quy hoạch sẽ đòi hỏi cách tiếp cận toàn bộ chính phủ. Cần có chỉ đạo rõ ràng và thống nhất về vai trò và trách nhiệm của tất cả các bên liên quan chính, đồng thời đảm bảo sự tham gia và phối hợp chặt chẽ giữa các ngành có liên quan và giữa các cấp quản lý.

Thứ ba, đảm bảo quy hoạch vùng luôn được cập nhật. Quy hoạch phải thích ứng và linh hoạt trong quá trình thực hiện. Điều quan trọng là phải có một cơ chế phản hồi hiệu quả để cho phép phản ánh, đánh giá, cập nhật và điều chỉnh liên tục. Đồng thời, cần có khung giám sát và đánh giá mạnh mẽ để ghi nhận và đánh giá tiến độ thực hiện và đảm bảo chất lượng thực hiện.

“Là một đối tác tin cậy lâu năm, Ngân hàng Thế giới rất vinh dự được hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong nhiệm vụ quan trọng là lập Quy hoạch vùng ĐBSCL. Chúng tôi cam kết mang tri thức toàn cầu, khả năng tập hợp và nguồn lực tài chính của mình để hợp tác với toàn bộ chính phủ, các đối tác phát triển, khu vực tư nhân và các bên liên quan chính khác nhằm đạt được tăng trưởng bền vững, thích ứng với khí hậu và bao trùm ở ĐBSCL. Khi phối hợp cùng nhau, chúng ta có thể đưa ra các quyết định chiến lược và thực hiện những hành động táo bạo và đổi mới sáng tạo để tiếp tục khai thác tiềm năng của vùng”, bà Carolyn Turk nhấn mạnh.

Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Hà Lan cho rằng, quy hoạch vùng ĐBSCL hoàn toàn phù hợp với các nội dung trong mối quan hệ song phương lâu dài của hai nước, đặc biệt là Thỏa thuận Đối tác Chiến lược về Nước và Biến đổi Khí hậu và Thỏa thuận Đối tác Chiến lược về Nông nghiệp bền vững và An ninh lương thực.

Đồng bằng Hà Lan và ĐBSCL đều là những đồng bằng dễ bị tổn thương, cùng đối mặt với nhiều thách thức tương tự nhau. Hà Lan cam kết tiếp tục đồng hành, chung tay vì một tương lai tươi sáng của ĐBSCL.

Việt Nam đã đặt một dấu mốc quan trọng khi phê duyệt Quy hoạch tổng thể vùng ĐBSCL, với các định hướng mang tính dài hạn, liên ngành và quy hoạch tích hợp nhằm hỗ trợ và thúc đẩy phát triển xã hội, kinh tế và môi trường của ĐBSCL; là cơ sở vững chắc và sự khích lệ cho các hoạt động kinh doanh, đầu tư và hợp tác hơn nữa.

Trong thời gian tới, chúng tôi cam kết tiếp tục hợp tác với Chính phủ, khu vực tư nhân, các nhà khoa học và các tổ chức phi chính phủ của Việt Nam để thực hiện thành công Quy hoạch tổng thể tích hợp nhằm giúp con người, kinh tế và thiên nhiên ở ĐBSCL phát triển mạnh mẽ.

Việc hình thành các trung tâm đầu mối kinh doanh nông sản ở ĐBSCL sẽ là một yếu tố quan trọng trong kế hoạch tổng thể thu gom, tổng hợp các sản phẩm nông nghiệp và thủy sản tại địa phương và gia tăng giá trị sản phẩm thông qua phát triển các trung tâm chế biến và công nghệ cũng là cùng kết hợp với các dịch vụ và các ngành công nghiệp khác. Với kiến thức và kinh nghiệm của mình trên khắp thế giới về thiết kế và phát triển các trung tâm kinh doanh nông sản như vậy, Hà Lan mong muốn được hợp tác với Việt Nam về nội dung quan trọng này.

Ông Hirai Shinji, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá, Quy hoạch tổng thể đã thể hiện tốt quan điểm về sự phát triển của ĐBSCL phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam nói chung. ĐBSCL sẽ trở thành trung tâm chuyển đổi công nghệ, kinh tế - xã hội trong tương lai.

Tại Hội nghị đã diễn ra lễ trao Hồ sơ quy hoạch cho lãnh đạo 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL và công bố cam kết tài trợ thực hiện một số chương trình, dự án phát triển hạ tầng triển khai thực hiện Quy hoạch; thống nhất danh mục dự án phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu dự kiến thực hiện trong giai đoạn 2021-2025./.

Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 1848
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)