Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết 6 tháng cuối năm, lường trước các yếu tố bất lợi của nền kinh tế, đặc biệt là lạm phát, Ngân hàng Nhà nước sẽ tính toán để đưa ra các phương án điều hành phù hợp.
|
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú phát biểu tại buổi họp báo. (Ảnh: CTV/Vietnam+) |
Ngày 15/6, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã tổ chức họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2022.
Tín dụng tăng gấp đôi
Chia sẻ tại họp báo, ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước cho biết ngay đầu năm 2022, Ngân hàng Nhà nước đã có chỉ đạo, định hướng tín dụng tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Kết quả, đến ngày 9/6, tín dụng tăng 8,15% so với cuối năm 2021 và tăng 17,09% so với cùng kỳ năm ngoái.
“Điều này cũng cho thấy tốc độ khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp khá tích cực. Tôi tin rằng thời gian tới, tín dụng tăng trưởng tốt cùng với tác động của gói kích thích kinh tế sẽ tạo sự cộng hưởng, hỗ trợ tốt cho nền kinh tế hồi phục,” Phó thống đốc khẳng định.
Cũng theo Phó Thống đốc, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành tỷ giá linh hoạt phù hợp với tình hình thị trường trong và ngoài nước, các cân đối vĩ mô, tiền tệ và mục tiêu chính sách tiền tệ, qua đó góp phần hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế và ổn định lạm phát.
Trong điều hành lãi suất, Phó Thống đốc cho hay việc duy trì được lãi suất ổn định là nỗ lực rất lớn trong bối cảnh trước đó Ngân hàng Nhà nước đã 3 lần hạ lãi suất điều hành.
"Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành mặc dù chịu áp lực từ xu hướng nới lỏng tiền tệ, tăng lãi suất trên toàn cầu nhằm tạo điều kiện để tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn từ Ngân hàng Nhà nước với chi phí thấp, qua đó có điều kiện giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ khách hàng phục hồi sản xuất-kinh doanh," ông Tú khẳng định.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 4/2022, lũy kế giá trị nợ đã cơ cấu từ khi ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN là hơn 695.000 tỷ đồng cho 1,1 triệu khách hàng.
Dư nợ cơ cấu giữ nguyên nhóm nợ hiện còn hơn 198.000 tỷ đồng của gần 680.000 khách hàng; lũy kế giá trị nợ đã được miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ là gần 91.000 tỷ đồng cho gần 490.000 khách hàng. Dư nợ miễn giảm lãi giữa nguyên nhóm nợ còn gần 18.000 tỷ đồng của hơn 166.000 khách hàng.
Room tín dụng vẫn cần được kiểm soát
Giải đáp câu hỏi của phóng viên về việc Ngân hàng Nhà nước có xem xét nới room cho các ngân hàng, ông Phạm Chí Quang - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Chính sách tiền tệ, thông tin tăng trưởng tín dụng tính đến nay đạt khoảng 8,15%, con số này còn khá xa so với mục tiêu tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng Nhà nước.
Ông Quang cho biết trong 3 năm trở lại đây, nhu cầu tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng thương mại đều vượt 20% dù định hướng tăng trưởng tín dụng chỉ 14%. Với tốc độ tăng trưởng lớn như vậy, nếu không kiểm soát room tín dụng, áp lực lạm phát sẽ rất lớn, áp lực tăng lãi suất huy động cũng rất cao.
“Nếu chiều theo nhu cầu tăng trưởng tín dụng trên của các ngân hàng thương mại, áp lực với lạm phát là rất lớn. Bởi để phục vụ nhu cầu tăng trưởng tín dụng, các ngân hàng sẽ phải chạy đua tăng lãi suất huy động, dẫn tới lãi suất cho vay và nợ xấu tăng theo. Đây cũng là lý do mà Ngân hàng Nhà nước áp dụng room tín dụng,” ông Quang nhấn mạnh.
Theo ông Quang, mỗi năm Ngân hàng Nhà nước đều đưa ra chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng định hướng, nhưng có sự điều chỉnh linh hoạt tùy diễn biến thị trường, kinh tế vĩ mô và dựa vào sức khỏe của từng tổ chức tín dụng.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng cho hay hiện có những ngân hàng vẫn còn room tín dụng nhưng cũng có những ngân hàng đã gần cạn room. Vị này cho rằng đây là cơ hội để các ngân hàng cạn room tín dụng xem xét lại rủi ro, "gạn đục khơi trong" trong việc cấp tín dụng. Bên cạnh đó, khách hàng cũng cần đa dạng hóa nguồn vốn huy động.
Vì thế, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết việc áp dụng room tín dụng tuy là "mệnh lệnh hành chính" nhưng là cần thiết để điều tiết thị trường.
“Định hướng mà Ngân hàng Nhà nước mong muốn là chuyển tải dần vai trò cung ứng vốn trung, dài hạn cho nền kinh tế từ hệ thống ngân hàng sang các phân khúc khác của thị trường vốn,” ông Quang khẳng định.
Thận trọng với lạm phát
Cũng tại họp báo, Phó Thống đốc Đào Minh Tú đánh giá thời gian tới sẽ có nhiều khó khăn phải đối mặt, trong đó là nguy cơ lạm phát. Thậm chí, lạm phát đã không còn là nguy cơ mà đang hiện hữu. Các nước phát triển trên thế giới đang đối mặt với lạm phát tăng mạnh, các ngân hàng trung ương bắt đầu lộ trình tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát. Tình hình tài chính tiền tệ toàn cầu nói chung có nhiều biến động sẽ tác động tới nước ta vì Việt Nam có độ mở nền kinh tế khá lớn.
Trong nước, giá cả hàng hóa, xăng dầu cũng nóng lên thời gian gần đây, chịu tác động từ các biến động địa chính trị trên thế giới. Những vấn đề này sẽ tác động trực tiếp đến việc điều hành tỷ giá, lãi suất, cung tiền…
"Chúng tôi đã đánh giá những tác động này và sẵn sàng lường trước những bất lợi có thể lớn hơn nữa trong thời gian tới," ông Tú thông tin.
Do đó, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ “linh hoạt” trong thực hiện chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng. Cụ thể, mục tiêu tăng trưởng tín dụng đặt ra cho năm nay là 14%, song Ngân hàng Nhà nước sẽ căn cứ vào tình hình cụ thể để điều chỉnh cho phù hợp.
Theo đại diện Ngân hàng Nhà nước, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có khả năng tăng lãi suất trong tuần này cũng sẽ gây áp lực nhất định lên điều hành tỷ giá của Việt Nam. Tuy nhiên, đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng khẳng định sẽ điều hành tỷ giá linh hoạt theo phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến.”
"Thời gian tới, bám sát chỉ đạo của Chính phủ và các mục tiêu của Chương trình phục hồi kinh tế-xã hội 2022-2023, Ngân hàng Nhà nước theo dõi sát diễn biến thị trường trong và ngoài nước, diễn biến dịch bệnh để điều hành đồng bộ, linh hoạt chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ quá trình phục hồi kinh tế, thích ứng kịp thời với diễn biến thị trường... Riêng các lĩnh vực có hệ số rủi ro cao vẫn sẽ được kiểm soát chặt chẽ,” Phó Thống đốc khẳng định./.