(MPI Portal) - Ngày 17/11/2014, tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trình bày Báo cáo việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn.
|
Ảnh: Đức Thanh (Báo Đầu tư)
|
Thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, trong những năm qua Chính phủ luôn quan tâm bố trí ngân sách nhà nước và thực hiện nhiều giải pháp tăng cường huy động nguồn lực cho phát triển nông nghiệp, nông thôn. Tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là các công trình trọng yếu về giao thông, thủy lợi, đê sông, đê biển, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao năng lực phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Đồng thời, ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân và khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, phát triển công nghiệp chế biến, thu hút nhiều lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn. Các chương trình xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn nông thôn tiếp tục được ưu tiên bố trí, huy động nguồn lực và tích cực triển khai thực hiện.
Về lĩnh vực tài chính, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng, bảo đảm an toàn nợ công, nợ Chính phủ theo quy định của Luật Quản lý nợ công. Đến cuối năm 2013, nợ công bằng 54,2% GDP, nợ Chính phủ 42,3% GDP; dự kiến cuối năm 2014 nợ công khoảng 60,3% GDP, nợ Chính phủ 46,9% GDP, nằm trong giới hạn cho phép theo quy định.
Thời gian tới, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo quản lý chặt chẽ nợ công; tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay. Cơ cấu lại nợ công theo hướng tăng tỷ lệ vay trong nước với thời hạn dài hơn, lãi suất thấp hơn. Kiểm soát chặt chẽ việc trả nợ đối với các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh và thu nợ đối với các khoản vay về cho vay lại. Bố trí nguồn từ ngân sách nhà nước trong giới hạn theo quy định và sử dụng Quỹ tích lũy trả nợ để bảo đảm trả nợ đúng hạn. Tiếp tục hoàn thiện thể chế, tăng cường quản lý nợ công gắn với đổi mới cơ cấu ngân sách nhà nước theo hướng lành mạnh, tích cực. Phấn đấu đến năm 2020 nợ công khoảng 60,2% GDP, nợ Chính phủ khoảng 46,6% GDP, bảo đảm trong giới hạn an toàn cho phép theo quy định.
Về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, thực hiện đồng bộ các giải pháp tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, tập trung vào cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư ngoài ngành, nâng cao năng lực quản trị và hiệu quả sản xuất kinh doanh. Trong 10 tháng, đã tái cơ cấu được 119 doanh nghiệp, trong đó cổ phần hóa 100 doanh nghiệp. Đã thoái vốn được trên 3,5 nghìn tỷ đồng, gấp hơn 3,6 lần so với năm 2013. Tăng cường công khai minh bạch tình hình tài chính và kết quả hoạt động. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và quản lý của chủ sở hữu. Doanh nghiệp nhà nước tập trung vào những ngành, lĩnh vực then chốt, thiết yếu và quốc phòng an ninh. Quản lý chặt chẽ Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp, sử dụng đúng mục đích theo quy định. Hầu hết các tập đoàn, tổng công ty nhà nước làm ăn có lãi, vốn chủ sở hữu được bảo toàn và phát triển, đóng góp vào ngân sách nhà nước tăng.
Thời gian tới, Chính phủ chỉ đạo tiếp tục hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh tái cơ cấu, tập trung vào cổ phần hóa, thoái vốn ngoài ngành, nâng cao năng lực quản trị, hiệu quả hoạt động; tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của doanh nghiệp nhà nước và kịp thời xử lý những vấn đề phát sinh. Phấn đấu đến cuối năm 2015 hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa 432 doanh nghiệp.
Về công tác phòng, chống tham nhũng, tiếp tục hoàn thiện thể chế về phòng, chống tham nhũng; chỉ đạo xây dựng Đề án kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng; thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai và kiểm soát kê khai tài sản. Tăng cường phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong phòng, chống tham nhũng và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng.
Báo cáo cũng chỉ ra những việc còn chưa đạt yêu cầu như thu hút đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế, tiêu thụ nông sản còn khó khăn. Quản lý giá cả và chất lượng vật tư nông nghiệp còn bất cập. Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số còn cao. Cải cách hành chính chưa theo kịp yêu cầu phát triển, nhất là việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; kỷ luật, kỷ cương nhiều nơi chưa nghiêm; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực chưa cao. Công tác quản lý thông tin truyền thông có mặt còn hạn chế, chưa bảo đảm tốt an ninh, an toàn mạng.
Bên cạnh đó, bội chi ngân sách còn cao; nợ công đã tăng sát trần cho phép, áp lực trả nợ lớn trong ngắn hạn; cơ cấu ngân sách chưa lành mạnh. Chất lượng giáo dục đại học và dạy nghề còn nhiều hạn chế; giải quyết việc làm cho sinh viên tốt nghiệp và thanh niên nông thôn còn khó khăn. Công tác xây dựng thể chế còn chậm, một số quy định chưa phù hợp, thiếu tính khả thi. Tình trạng khiếu nại tố cáo còn phức tạp. Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra.
Thời gian tới, Chính phủ tập trung chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương phát huy kết quả đạt được, nỗ lực khắc phục những hạn chế, yếu kém, tiếp tục thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết của Quốc hội, phấn đấu thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước./.
Tùng Linh
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư