Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 14/11/2014-17:15:00 PM
Đổi mới tư duy về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam
(MPI Portal) – Ngày 12/11/2014, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức tọa đàm xin ý kiến cho Đề án Đổi mới tư duy về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bùi Quang Vinh. Tham dự buổi Tọa đàm có lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ và các chuyên gia kinh tế trong nước.

TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương trình bày Đề án. Ảnh: Thanh Sơn (MPI Portal)

Thay mặt nhóm nghiên cứu, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương đã trình bày Đề án Đổi mới tư duy về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam trong đó, ông đưa ra khái niệm về nền kinh tế thị trường hiện đại, một loại hình kinh tế thị trường rất nhân văn, cạnh tranh công bằng, khuyến khích người có năng lực, nhưng đồng thời, cũng hỗ trợ người yếu thế để mọi người cùng có cơ hội phát triển. Trong nền kinh tế thị trường hiện đại, nhà nước và thị trường là hai yếu tố cơ bản không thể thiếu, nhà nước và thị trường thực hiện hợp lý vai trò và chức năng của mình, kết hợp và bổ sung cho nhau hướng đến một thị trường hoàn hảo.

Nền kinh tế thị trường hiện đại có một số đặc trưng chủ yếu như sau: có chế độ sở hữu tài sản và quyền sở hữu tài sản rõ ràng, minh định; Tự do kinh doanh; cạnh tranh công bằng và có trật tự; Tự do kinh doanh và cạnh tranh thị trường chi phối phân bổ nguồn lực trong nền kinh tế, chi phối sự lựa chọn của các chủ đề thị trường; Giá cả tất cả các loại hàng hóa, dịch vụ và các yếu tố sản xuất đều được quyết định dựa trên khan hiếm nguồn lực, cạnh tranh và quan hệ cung cầu của thị trường; Và cuối cùng, đào thải sáng tạo tức là cạnh tranh thị trường một cách công bằng và có trật tự để lựa chọn người thắng cuộc. Doanh nghiệp, cá nhân hay quốc gia năng động, sáng tạo, tìm kiếm các cách thức phù hợp gia tăng được năng suất lao động, hiệu quả sử dụng nguồn lực. Các doanh nghiệp không cạnh tranh sẽ bị thị trường đào thải để nhường chỗ, nhường cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp khác.

Trong nền kinh tế thị trường hiện đại, nhà nước có vai trò ổn định kinh tế vĩ mô, thiết lập khung pháp luật và bộ máy thực thi thị trường hoạt động tốt, khắc phục khiếm khuyết, thất bại của thị trường, đảm bảo bình đẳng về cơ hội phát triển cho mọi người, phân phối lại thu nhập giảm bớt bất công, bất bình đẳng trong xã hội; giảm sự đau khổ của nhóm người chịu tác động theo chu kỳ của thị trường; Thiết lập hệ thống bảo hiểu xã hội dưới các hình thức đa dạng đối với tất cả mọi người; Tổ chức cung ứng các sản phẩm, dịch vụ công thiết yếu và thực hiện các nhiệm vụ xã hội.

Trong khi thực hiện các chức năng nói trên, Nhà nước cũng phải chịu ràng buộc bởi, giới hạn ngân sách cứng và trách nhiệm giải trình đầy đủ trước dân. Nói cách khác, nhà nước hoạt động theo thị trường và các can thiệp của nhà nước vào nền kinh tế cũng không trái với nguyên tắc thị trường, mà phải thuận theo thị trường. Trên thực tế, không bao giờ có thị trường hoàn hảo, nhưng can thiệp của nhà nước phải hướng đến sự hoàn hảo của thị trường, khắc phục, sửa chữa các khuyết điểm của thị trường.

Ảnh: Thanh Sơn (MPI Portal)

Vậy, nên đổi mới tư duy, quan niệm về kinh tế thị trường định hướng XHCN như thế nào, TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng, nền kinh tế thị trường định hướng XHCN là nền kinh tế thị trường hiện đại, trong đó định hướng XHCN là việc Nhà nước XHCN làm nhiều hơn và thực hiện tốt hơn các chức năng xã hội của mình, gồm: nhà nước tạo ra nhiều hơn cơ hội phát triển cho người dân, đảm bảo công bằng hơn cho tiếp cận cơ hội phát triển, nhất là đối với nhóm người yếu thế trong xã hội; Thực hiện chiến lược tăng trưởng toàn diện, chia sẻ công bằng lợi ích phát triển cho các nhóm dân cư, các vùng kinh tế; Nhà nước đầu tư, phát triển các vùng, lĩnh vực mà kinh tế tư nhân không làm, hoặc không làm được; Chi tiêu nhiều hơn cho giáo dục, y tế, chăm sóc sức khỏe của người dân và an sinh xã hội; Vì nhân dân phục vụ nhiều hơn.

Tại Tọa đàm, các đại biểu đã được nghe các ý kiến của TS. Nguyễn Thế Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, GS.TSKH Nguyễn Quang Thái, TS. Hồ Sỹ Hùng, Cục trưởng Cục phát triển doanh nghiệp, GS.TS Bùi Tất Thắng, Viện Chiến lược phát triển, TS. Cao Viết Sinh góp ý để hoàn thiện Đề án trước khi trình Thủ tướng Chính phủ./.

Thúy Quyên
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 2858
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)