Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 29/06/2022-17:29:00 PM
Công bố Kết quả chính thức Tổng điều tra kinh tế năm 2021
(MPI) – Chiều ngày 29/6/2022 đã diễn ra Hội nghị Công bố Kết quả chính thức Tổng điều tra kinh tế năm 2021 dưới sự chủ trì của bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, Phó Trưởng ban Ban chỉ đạo Tổng điều tra Kinh tế Trung ương và ông Trương Hải Long, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Thành viên Ban chỉ đạo Tổng điều tra Kinh tế Trung ương.

Tổng điều tra kinh tế năm 2021 hoàn thành theo đúng tiến độ trong bối cảnh diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19

Tổng điều tra kinh tế năm 2021 được thực hiện theo Quyết định số 307/QĐ-TTg ngày 27/02/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức Tổng điều tra kinh tế năm 2021 và Quyết định số 1344/QĐ-BKHĐT ngày 03/9/2020 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Trưởng ban Ban Chỉ đạo Tổng điều tra kinh tế Trung ương năm 2021 về ban hành Phương án Tổng điều tra kinh tế năm 2021.

Tổng điều tra kinh tế năm 2021 được tiến hành trên phạm vi cả nước nhằm thu thập thông tin cơ bản về các đơn vị sản xuất, kinh doanh, hoạt động sự nghiệp, Đảng, đoàn thể, hiệp hội, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam, cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể phi nông, lâm nghiệp và thủy sản, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng nhằm phục vụ việc đánh giá toàn diện thực trạng và xu hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, làm cơ sở đánh giá tình hình, xây dựng kế hoạch, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước. Năm 2020 được chọn là năm số liệu để thu thập và tổng hợp thống nhất cho tất cả các loại đơn vị điều tra.

Tổng điều tra kinh tế 2021 có quy mô lớn, nội dung phức tạp, liên quan đến 05 loại đơn vị điều tra, trong đó: Tổng cục Thống kê chịu trách nhiệm thực hiện 4 đơn vị điều tra là: Doanh nghiệp; Cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể; Đơn vị sự nghiệp, hiệp hội; Cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng và Bộ Nội vụ chịu trách nhiệm thực hiện đơn vị điều tra: Cơ quan hành chính, cơ quan của Đảng, tổ chức chính trị - xã hội. Tổng cục Thống kê phối hợp với Bộ Nội vụ biên soạn báo cáo "Tổng điều tra kinh tế năm 2021 - Kết quả chính thức".

Từ tháng 3/2021 đến tháng 12/2021, cuộc Tổng điều tra kinh tế đã được triển khai tập trung, thống nhất từ Trung ương đến địa phương thông qua Ban chỉ đạo Tổng điều tra các cấp, Ban Chỉ đạo Tổng điều tra Bộ Quốc phòng, Ban Chỉ đạo Tổng điều tra Bộ Công an. Đến nay, công tác xử lý, tổng hợp kết quả chính thức đã hoàn thành theo đúng tiến độ trong bối cảnh diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19.

Nhằm phổ biến kịp thời thông tin phục vụ lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các địa phương và người dùng tin, Ban Chỉ đạo Tổng điều tra Trung ương công bố kết quả Tổng điều tra kinh tế năm 2021 với các chỉ tiêu thống kê đa dạng, chuyên sâu hơn so với kết quả sơ bộ đã công bố ngày 11/01/2022. Thông tin từ kết quả Tổng điều tra phác họa đầy đủ sự biến động, phân bố các cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp; số lượng lao động; cơ cấu ngành, vùng của nền kinh tế; đóng góp của từng ngành kinh tế cho sự phát triển của cả nước, từng địa phương. Đây là những thông tin hữu ích phục vụ Lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các ngành và địa phương xây dựng, ban hành chính sách, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, vùng và liên vùng sát với tình hình thực tiễn, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025) và 10 năm (2021-2030) theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Kết quả Tổng điều tra phác họa đầy đủ sự biến động, phân bố các cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp; số lượng lao động; cơ cấu ngành, vùng của nền kinh tế

Theo kết quả chính thức của tổng điều tra kinh tế năm 2021, số lượng và lao động của các đơn vị điều tra năm 2020 đều tăng so với năm 2016 nhưng mức độ tăng về lao động thấp hơn so với các giai đoạn trước. Năm 2020, cả nước có hơn 6,0 triệu đơn vị điều tra, tăng 7,5% (tương đương tăng 423,6 nghìn đơn vị) so với năm 2016; bình quân giai đoạn 2016-2020 tăng 1,8%/năm, cao hơn mức tăng 1,5%/năm giai đoạn 2011-2016 và thấp hơn mức tăng 4,9%/năm giai đoạn 2006-2011. Số lao động trong các đơn vị điều tra năm 2020 là 27,5 triệu người, tăng 4,3% (tăng 1,1 triệu người); bình quân giai đoạn 2016-2020 tăng 1,1%/năm, thấp hơn mức tăng 3,6%/năm giai đoạn 2011-2016 và mức tăng 7,7%/năm giai đoạn 2006-2011.

Doanh nghiệp, hợp tác xã tăng trưởng tích cực và đạt tốc độ tăng cao nhất trong các đơn vị điều tra; các cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể và cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng duy trì mức tăng trưởng nhưng có dấu hiệu chậm lại; các đơn vị hành chính, sự nghiệp, hiệp hội giảm mạnh trong 5 năm qua. Tính đến thời điểm ngày 31/12/2020, cả nước có 684,3 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh với số lao động là 14,7 triệu người, tăng 35,5% về số doanh nghiệp và tăng 4,9% về số lao động so với năm 2016. Bình quân giai đoạn 2016-2020, số doanh nghiệp tăng 7,9%/năm và số lao động tăng 1,2%/năm, đều thấp hơn mức tăng 8,7%/năm và tăng 5,1%/năm của giai đoạn 2011-2016.

Số cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể năm 2020 đạt gần 5,2 triệu cơ sở với 8,7 triệu lao động, tăng 5,9% về số cơ sở và tăng 5,2% về số lao động so với năm 2016; bình quân giai đoạn 2016-2020 tăng 1,4%/năm về số cơ sở và tăng 1,3%/năm về số lao động, thấp hơn mức tăng 3,0% và 1,8% của giai đoạn 2011-2016.

Số đơn vị sự nghiệp là 52,5 nghìn đơn vị với 2,4 triệu lao động, giảm 28,6% về số đơn vị (giảm 21 nghìn đơn vị) và giảm 6,2% về số lao động (giảm 158 nghìn người) so với năm 2016. Bình quân giai đoạn 2016-2020, số đơn vị sự nghiệp giảm 8,1%/năm và số lao động giảm 1,6%/năm, có xu hướng ngược lại so với mức tăng lần lượt 0,5%/năm và tăng 2,8%/năm của giai đoạn 2011-2016; mức tăng 2,6%/năm và 5,0%/năm của giai đoạn 2006-2011.

Các hiệp hội, tổ chức phi Chính phủ có gần 6,5 nghìn đơn vị với số lao động là 35,7 nghìn người, giảm 2,7% về số đơn vị và giảm 3,3% về số lao động so với năm 2016.

Quy mô lao động bình quân một đơn vị điều tra năm 2020 biến động không đều so với năm 2016, giảm mạnh ở khối doanh nghiệp và trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản. Lao động bình quân trong các đơn vị điều tra giảm nhẹ từ 4,7 người năm 2016 xuống 4,6 người năm 2020, trong đó: Doanh nghiệp giảm từ 27,7 người xuống 21,5 người; HTX giảm từ 15,4 xuống 10,9 người; cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể có quy mô lao động bình quân 1,7 người tương đương năm 2016.

Các đơn vị sự nghiệp, hiệp hội, tổ chức phi Chính phủ và tôn giáo, tín ngưỡng lại có biến động tăng so với năm 2016, cụ thể: Đơn vị sự nghiệp, hiệp hội, tổ chức phi Chính phủ năm 2020 có quy mô 41,2 người, tăng 8,9 người so với năm 2016; đơn vị hành chính 42,8 người, tăng 23,9 người; cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng 3,6 người, tăng 0,3 người.

Trình độ người đứng đầu các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể, hành chính, sự nghiệp và tôn giáo đã có sự thay đổi tích cực, trong đó khu vực hành chính, sự nghiệp dẫn đầu về trình độ đại học và trên đại học. Trình độ đào tạo của người đứng đầu có những cải thiện đáng kể, được thể hiện ở tỷ lệ người đã qua đào tạo năm 2020 đạt 53,3%, tăng 5,1 điểm phần trăm so với năm 2016 và đều tăng lên ở tất cả các trình độ. Tuy nhiên, tỷ lệ người đứng đầu chưa qua đào tạo năm 2020 vẫn chiếm tỷ trọng lớn với mức 46,7% (các cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể chiếm tới 53%), giảm 5,1 điểm phần trăm so với năm 2016.

Tỷ lệ lao động nữ biến động không nhiều; khu vực dịch vụ vẫn thu hút nhiều lao động nữ nhất nhưng đang có xu hướng giảm dần. Năm 2020, lao động nữ chiếm 48,4% tổng số lao động đang làm việc trong các đơn vị điều tra, giảm nhẹ so với tỷ lệ 48,5% của năm 2016. Lao động nữ làm việc trong khu vực Dịch vụ năm 2020 vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất 49,0%, tuy nhiên lại có xu hướng giảm dần trong 5 năm trở lại đây (giảm 1,1 điểm phần trăm so với năm 2016).

Mức độ tập trung các đơn vị điều tra có sự chênh lệch giữa các vùng kinh tế, trong đó Đồng bằng sông Hồng tiếp tục là vùng thu hút nhiều đơn vị điều tra nhất cả nước với 1,6 triệu đơn vị; đứng thứ hai là Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung với 1,3 triệu đơn vị (chiếm 21,9%), thu hút gần 4,5 triệu lao động (chiếm 16,5%); Đông Nam Bộ là 1,2 triệu đơn vị (chiếm 20,6%), thu hút 7,6 triệu lao động (chiếm 28%); đồng bằng sông Cửu Long là 1,1 triệu đơn vị (chiếm 17,8%), thu hút 3,5 triệu lao động (chiếm 17,8%); Trung du và Miền núi phía Bắc là 537 nghìn đơn vị (chiếm 8,9%), thu hút 2,3 triệu lao động; Tây Nguyên là vùng có số lượng đơn vị và số lao động chiếm tỷ trọng thấp nhất cả nước, lần lượt là 4,8% và 3,2%.

Hoạt động đổi mới sáng tạo trong các đơn vị điều tra có nhiều cải thiện; khu vực Dịch vụ dẫn đầu về số lượng các đơn vị có hoạt động đổi mới sáng tạo; đồng bằng Sông Hồng tập trung nhiều đơn vị có hoạt động đổi mới sáng tạo nhất cả nước với 12.941 đơn vị có hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D), chiếm 70,0% số đơn vị R&D cả nước; Tiếp theo là khu vực Công nghiệp - Xây dựng chiếm 27,9%. Khu vực Nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản đứng vị trí thấp nhất, chiếm 2,1%./.

Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 1484
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)