Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 01/07/2022-16:59:00 PM
Phát triển bền vững của vùng Tây Nguyên đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển chung của cả nước
(MPI) - Phát biểu tại Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW và Kết luận số 12-NQ/TW ngày 24/10/2011 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Tây Nguyên diễn ra ngày 01/7/2022, tại tỉnh Đắk Lắk, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, với vị trí là địa bàn chiến lược đặc biệt trọng yếu về kinh tế, chính trị, an ninh, quốc phòng và môi trường sinh thái của đất nước, sự ổn định và phát triển bền vững của Tây Nguyên đóng vai trò hết sức quan trọng trong sự phát triển chung của cả nước.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu. Ảnh: MPI

Tây Nguyên là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng, thuộc khu vực Tam giác phát triển Lào - Việt Nam - Cam-pu-chia; có diện tích lớn thứ ba cả nước với dân số gần 6 triệu người; hệ thống giao thông kết nối với các cảng biển quan trọng của vùng Duyên hải miền Trung, Đông Nam Bộ và là đầu nguồn của 04 con sông lớn gồm sông Sê San, sông Srepok, sông Ba và sông Đồng Nai, đóng vai trò quan trọng trong việc điều tiết, cung cấp nước ngọt cho khu vực hạ du của các địa phương thuộc hai vùng Duyên hải miền Trung và Đông Nam Bộ. Tây Nguyên cũng là vùng có tiềm năng lớn về phát triển kinh tế rừng, chế biến nông lâm sản, khai thác và chế biến khoáng sản, phát triển du lịch gắn với bản sắc văn hóa dân tộc bản địa phong phú và đa dạng.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, để hỗ trợ vượt qua những khó khăn, thách thức, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Vùng, Bộ Chính trị đã kịp thời ban hành Nghị quyết số 10 với mục tiêu “Đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đoàn kết một lòng cùng với cả nước xây dựng Tây Nguyên giàu về kinh tế, vững về chính trị, phát triển nhanh về văn hóa - xã hội, mạnh về quốc phòng, an ninh; tiến tới xây dựng Tây Nguyên thành vùng kinh tế động lực”.

Kết quả đánh giá 10 năm thực hiện Nghị quyết 10 cho thấy, tuy đã đạt được những thành tựu, kết quả quan trọng, nhưng phát triển của Vùng vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, yếu kém. Do vậy, Bộ Chính trị khóa XI đã ban hành Kết luận số 12, trong đó khẳng định “Tây Nguyên là địa bàn giữ vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và môi trường sinh thái của đất nước. Phát triển vùng Tây Nguyên phải kết hợp đồng bộ cả về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh; vừa phát huy ý chí tự lực tự cường, khai thác nội lực tại chỗ, vừa phải có sự lãnh đạo toàn diện của Đảng và đầu tư tương xứng của Nhà nước về chính sách, nguồn lực và sự liên kết, hỗ trợ kịp thời các tỉnh, thành phố trong khu vực và cả nước”.

Sau gần 20 năm thực hiện Nghị quyết 10 và Kết luận số 12, cùng với sự lãnh đạo, chỉ đạo tích cực của các cấp, các ngành ở Trung ương, cùng với sự nỗ lực quyết tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền và Nhân dân các địa phương trong Vùng, Vùng Tây Nguyên đã có những chuyển biến tích cực, qua đánh giá sơ bộ đã đạt được nhiều thành tựu trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị và bảo đảm quốc phòng, an ninh như các nhiệm vụ, giải pháp, mục tiêu, chỉ tiêu đề ra cơ bản được hoàn thành; khẳng định Nghị quyết 10 và Kết luận số 12 của Bộ Chính trị đã thực sự đi vào cuộc sống.

Kinh tế vùng Tây Nguyên đã đạt được kết quả khá toàn diện, quy mô kinh tế được mở rộng; chuyển dịch cơ cấu đúng định hướng. Văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ. Đời sống văn hóa của người dân ngày càng phong phú, nhiều giá trị văn hóa truyền thống được phát huy. Công tác giảm nghèo từng bước được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm khá.

Công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học đã được quan tâm. Công tác quản lý bảo vệ phát triển rừng, sử dụng hiệu quả tài nguyên nước đã được các cấp, các ngành, các địa phương chú trọng và được xác định là vấn đề quan trọng, cấp thiết đối với sinh kế của người dân trong vùng. Việc giao đất, cho thuê đất, định canh, định cư đã được triển khai thực hiện kịp thời, từng bước khắc phục được tình trạng thiếu đất sản xuất, đất ở, nhà ở…

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, tuy đạt được những kết quả đáng khích lệ trong thời gian qua nhưng trong quá trình phát triển, vùng Tây Nguyên còn tồn tại khó khăn, hạn chế như phát triển kinh tế của Vùng chưa bền vững; chất lượng tăng trưởng thấp; một số chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế chưa đạt mục tiêu đề ra.

Phát triển văn hóa - xã hội còn nhiều bất cập, nhiều di sản văn hoá dân tộc vùng Tây Nguyên đang đứng trước nhiều thách thức, chưa giải quyết tốt mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển. Kết quả giảm nghèo chưa bền vững, khoảng cách giàu nghèo giữa các nhóm dân cư có xu hướng ngày càng gia tăng.

Liên kết giữa các địa phương trong Vùng chưa chặt chẽ, liên kết nội vùng và liên vùng chưa có tính chiến lược, lâu dài theo hướng bổ trợ lẫn nhau. Mạng lưới kết cấu hạ tầng cấp vùng, liên vùng còn thiếu và yếu, chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu tạo đột phá cho phát triển nhanh các ngành có lợi thế.

Công tác quản lý, khai thác sử dụng tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường còn nhiều bất cập. Tổ chức, hoạt động của bộ máy nhà nước còn bất cập, hiệu lực, hiệu quả chưa cao. Hệ thống chính trị ở một số cơ sở địa bàn còn yếu, chưa đủ năng lực xử lý những vấn đề an ninh, chính trị phức tạp trên địa bàn…

Bên cạnh các nguyên nhân khách quan, tồn tại hạn chế trong phát triển của Vùng thời gian qua do các nguyên nhân chủ quan như nhận thức về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của vùng còn chưa cao. Công tác chỉ đạo điều hành giữa các cấp, các ngành chưa thật sự quyết liệt, thiếu đồng bộ. Cơ chế, chính sách cho phát triển kinh tế - xã hội vùng chưa theo kịp với đòi hỏi thực tế, chủ yếu mang tính hỗ trợ, chưa chú trọng kích thích phát triển.

Quy hoạch phát triển vùng, các địa phương trong vùng chưa đồng bộ; việc cụ thể hóa, ưu tiên bố trí không gian phát triển cho các công trình hạ tầng cấp vùng, liên tỉnh chưa thực sự được quan tâm.

Hỗ trợ nguồn lực cho đầu tư trong vùng còn chưa đáp ứng được yêu cầu. Việc thu hút, huy động các nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước cho phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội còn hạn chế. Thiếu thể chế điều phối và kết nối phát triển toàn vùng, nhất là trong việc quản lý và xử lý những vấn đề mang tính vùng.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, với vị trí là địa bàn chiến lược đặc biệt trọng yếu về kinh tế, chính trị, an ninh, quốc phòng và môi trường sinh thái của đất nước, sự ổn định và phát triển bền vững của Tây Nguyên đóng vai trò hết sức quan trọng trong sự phát triển chung của cả nước. Do vậy, Hội nghị được tổ chức để thảo luận, lắng nghe ý kiến tham luận của các Bộ, ngành và địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học về các kết quả đạt được; các tồn tại, hạn chế; nguyên nhân của các tồn tại hạn chế khi tổ chức thực hiện Nghị quyết số 10 và Kết luận số 12 để Ban Chỉ đạo, Tổ Biên tập Đề án tham khảo và có các đánh giá toàn diện hơn nhằm tham mưu, đề xuất với Bộ Chính trị mục tiêu, quan điểm và phương hướng phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng gợi mở một số vấn đề mà các đại biểu cần tập trung đánh giá và thảo luận. Thứ nhất, đánh giá sâu sắc hơn các kết quả đạt được từ năm 2002 đến nay, những kết quả có tính chất quyết định đến phát triển kinh tế - xã hội toàn Vùng; những nguồn lực, tiềm năng còn chưa được khai thác hoặc khai thác chưa hiệu quả; những điểm nghẽn, nút thắt kìm hãm sự phát triển của các địa phương trong Vùng.

Thứ hai, thảo luận, phân tích tính đồng bộ trong việc xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách huy động nguồn lực bên ngoài và khơi thông các nguồn lực tại chỗ để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đề xuất các khuyến nghị chính sách cho Vùng.

Thứ ba, làm rõ vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Vùng trong mối quan hệ tổng thể quốc gia; đánh giá các cơ hội, thách thức đối với sự phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của Vùng trong thời gian tới.

Thứ tư, định hình lại, làm sâu sắc hơn các tiềm năng, lợi thế của Vùng Tây Nguyên. Trên cơ sở đó, đề xuất được các quan điểm cần được xem xét, các cơ chế chính sách cần phải thay đổi; các ngành, lĩnh vực cần được ưu tiên đầu tư; các trục phát triển kết nối Vùng với khu vực Duyên hải miền Trung, Đông Nam Bộ và các địa phương của Lào, Cam-pu-chia để phát triển kinh tế - xã hội Vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Thứ năm, đề xuất được các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội của Vùng, trong đó làm rõ việc giải quyết các vấn đề nổi lên của Vùng như tập trung khôi phục và phát triển kinh tế rừng; bảo vệ hệ sinh thái đầu nguồn, đa dạng sinh học và an ninh nguồn nước; giải quyết tình trạng đói nghèo, thiếu đất sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số của vùng; giải quyết dứt điểm tình trạng dân di cư tự do; thúc đẩy việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Tây Nguyên; bảo đảm quốc phòng, an ninh. Bên cạnh đó, cần làm tốt công tác xây dựng tổ chức Đảng và hệ thống chính trị cấp cơ sở nhằm giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và củng cố khối đại đoàn kết dân tộc của Vùng./.

Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 3456
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)