(MPI) - Là cơ quan tham mưu tổng hợp, dưới sự chỉ đạo của tập thể Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ và sự đoàn kết, nỗ lực phấn đấu của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục nỗ lực, quyết tâm, thường xuyên cập nhật, dự báo tình hình, xây dựng kịch bản tăng trưởng kinh tế, kịp thời đề xuất các giải pháp, cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo an sinh xã hội, tranh thủ thời cơ phục hồi và phát triển nền kinh tế.
|
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu kết luận Hội nghị. Ảnh: MPI |
Trên đây là nội dung phát biểu kết luận của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tại Hội nghị Giao ban sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022 diễn ra chiều ngày 18/7/2022. Hội nghị có sự tham dự của Thứ trưởng Trần Duy Đông, Thường trực Tổ Chuyên gia tư vấn của Bộ trưởng, lãnh đạo các tổ chức đoàn thể và các đơn vị thuộc Bộ.
Tại Hội nghị, các đại biểu đánh giá cao báo cáo sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai công tác 6 tháng cuối năm 2022. Báo cáo phản ánh tương đối đầy đủ toàn diện các kết quả công việc Bộ triển khai; chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao các ý kiến phát biểu và nhấn mạnh, trong kết quả chung của đất nước, của Chính phủ đều thấy vai trò, ví trị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, là cơ quan tham mưu chiến lược quan trọng. Chúng ta đã nỗ lực, cố gắng trong toàn Ngành nói chung và Bộ nói riêng; hoàn thành khối lượng công việc lớn, quan trọng, khó, đáp ứng tiến độ và chất lượng, có tính chất dẫn dắt phục hồi, đóng góp vào kết quả phát triển kinh tế - xã hội chung của cả nước. Đặc biệt, trong bối cảnh khó khăn ở trong nước và thế giới, diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Bộ đã kịp thời tham mưu xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, chống đứt gãy chuỗi cung ứng;…
Bộ đã chủ động dự báo, phân tích tình hình đưa ra các giải pháp nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, định hướng phát triển, đảm bảo hiệu quả; theo dõi sát sao, đôn đốc triển khai, điều hành kế hoạch đầu tư phát triển năm 2022 và kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách phát triển kinh tế các địa phương và vùng lãnh thổ; đôn đốc triển khai công tác quản lý quy hoạch; huy động nguồn lực cho sản xuất kinh doanh; tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh; tiếp tục phát huy tinh thần tiên phong trong đổi mới, thúc đẩy đổi mới sáng tạo; tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ phục vụ chương trình công tác của Quốc hội; làm tốt công tác xã hội, xây dựng văn hóa con người của ngành Kế hoạch và Đầu tư, vừa làm công tác chuyên môn vừa làm tốt công tác nhân văn, hướng thiện.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng chỉ ra những kết quả chưa đạt được và nhấn mạnh, mặc dù đã có nhiều nỗ lực, tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần sớm được khắc phục, như một số nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao chưa hoàn thành, quá hạn vẫn còn. Trước tồn tại đó, Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ nghiêm túc đánh giá những mặt được, chưa được đối với từng lĩnh vực công tác. Đồng thời đặt ra các yêu cầu trong 6 tháng cuối năm 2022.
Bối cảnh đã rõ, kinh tế toàn cầu suy giảm, các tổ chức đều hạ dự báo tăng trưởng; lạm phát tăng diện rộng ở phạm vi toàn cầu cùng với việc điều chỉnh chính sách tiền tệ, nhất là ở khu vực châu Á và sẽ tác động đến nước ta; cạnh tranh kinh tế với các nước lớn gay gắt, liên kết quốc tế liên tục điều chỉnh; nguồn cung nguyên nhiên vật liệu bị gián đoạn; thiên tại, dịch bệnh; xu hướng đầu tư trực tiếp nước ngoài, trật tự thương mại có sự thay đổi lớn, chuyển dịch dẫn đến những thách thức nhưng cũng mang lại cơ hội.
Ở trong nước, việc ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn tiềm ẩn nhiều rủi ro; thiếu hụt nhiều lao động; chi phí trả lương cho người lao động đang tăng lên, gây khó khăn cho doanh nghiệp; dịch bệnh đang diễn biến phức tạp; cải cách thể chế, cắt giảm thủ tục kinh doanh chưa đủ mạnh;…
Trước bối cảnh đó, đòi hỏi Bộ ta phải kế thừa và phát huy truyền thống đoàn kết của toàn Ngành, của Bộ, nhất là trong tập thể lãnh đạo và cán bộ công chức, viên chức để tạo khối đoàn kết thống nhất; phát huy trí tuệ, trách nhiệm, bản lĩnh, dám nghĩ, dám làm, dám đấu tranh với cái sai, bảo vệ cái đúng; trách nhiệm, tiên phong đi đầu trong cải cách và chủ động trong từng công việc được giao, từ việc nhỏ nhất để duy trì truyền thống đổi mới, đáp ứng yêu cầu cải cách, phát triển đất nước; chủ động trong công tác nghiên cứu, nâng cao năng lực tham mưu, dự báo, phân tích, cập nhật, bám sát tình hình mới. Từ đó, trong toàn ngành, toàn Bộ bám sát phương châm hành động của Chính phủ là “đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển”, coi đây là trọng tâm, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Cùng với đó, triển khai các nhiệm vụ nhằm bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; phải thường xuyên đổi mới, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; tăng cường công tác phối hợp, không cát cứ; thu hút đầu tư, hỗ trợ cho doanh nghiệp, rà soát lại cơ chế chính sách, đánh giá việc thực hiện Luật Doanh nghiệp, tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp phát triển; chú ý đến chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, các mô hình kinh tế mới như kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế ban đêm, kinh tế tuần hoàn; cùng với hạ tầng, nhân lực phải chú trọng thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo để tạo động lực cho tăng trưởng mới; các mục tiêu cam kết tại Hội nghị COP26, chương trình hành động về tăng trưởng xanh; xây dựng Luật Hợp tác xã, Luật Đấu thầu sửa đổi đảm bảo tiến độ và chất lượng.
Về công tác quy hoạch, chủ động bám sát và kịp thời tham mưu cho Chính phủ triển khai thực hiện các bước tiếp theo ngay sau khi Bộ Chính trị xem xét, cho ý kiến đối với nội dung “Định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia”; tập trung chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch theo quy định của pháp luật về quy hoạch, phấn đấu cơ bản hoàn thành quy hoạch 05 vùng trong năm 2022; phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện các nội dung cần thiết để trình phê duyệt 23 quy hoạch ngành quốc gia còn lại; Tập trung phối hợp với các địa phương còn lại để hoàn thiện hồ sơ và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt quy hoạch tỉnh trong năm 2022; Thành lập và ban hành quy chế hoạt động của 5 Hội đồng điều phối vùng cho 5 vùng kinh tế còn lại./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư