(MPI) - Ngày 20/7/2022, tại trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã diễn ra Cuộc họp đối thoại chính sách ODA Việt Nam - Nhật Bản dưới sự đồng chủ trì của ông Phạm Hoàng Mai, Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và ông TAKEHANA Masahiro, Trưởng phòng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ Ngoại giao Nhật Bản.
|
Toàn cảnh cuộc đối thoại. Ảnh: MPI |
Đây là dịp để hai bên rà soát tình hình hợp tác và các khó khăn, vướng mắc gặp phải trong quá trình thực hiện các dự án sử dụng vốn ODA do Nhật Bản cung cấp, qua đó xác định phương hướng để thúc đẩy tiến độ thực hiện các dự án và đề xuất các lĩnh vực hợp tác trọng tâm giữa Việt Nam và Nhật Bản trong thời gian tới.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Phạm Hoàng Mai cho biết, Nhật Bản luôn là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu và đứng thứ nhất về cung cấp vốn vay ODA của Việt Nam. Đồng thời đề nghị, Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ Việt Nam triển khai các dự án mà hai bên đã nhất trí thực hiện, cũng như cung cấp các khoản ODA thế hệ mới, hướng tới năm 2030 là năm Kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản.
Ông Phạm Hoàng Mai cũng thông báo về định hướng thu hút, quản lý và sử dụng vốn ODA của nhà tài trợ nước ngoài giai đoạn 2021-2025 của Việt Nam. Theo đó, tại Quyết định số 2109/QĐ-TTg được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 15/12/2021, vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài sẽ được ưu tiên sử dụng cho các dự án phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường,… và là nguồn lực quan trọng đóng góp vào quá trình bền vững của Việt Nam thông qua các dự án thiết thực và hiệu quả. Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn vay ODA, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp Nhật Bản sang tìm hiểu môi trường đầu tư, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án.
Ông TAKEHANA Masahiro đánh giá cao mối quan hệ tốt đẹp Việt Nam - Nhật Bản, được thể hiện qua chuyến thăm cấp cao của Thủ tướng Chính phủ hai nước và cho biết, Nhật Bản sẽ tiếp tục thúc đẩy các dự án sử dụng vốn vay ưu đãi và vốn ODA thế hệ mới với cách làm và biện pháp mới, cùng ưu đãi tốt nhất để tập trung sử dụng trong 06 lĩnh vực ưu tiên, gồm: nâng cao năng lực thực thi pháp luật trên biển; đào tạo nhân lực và tăng cường quản trị; ứng phó với biến đổi khí hậu và giải pháp môi trường; tăng cường kết nối và hoàn thiện hạ tầng công nghiệp; thúc đẩy phát triển xã hội như sức khỏe, y tế, giáo dục,…; chuyển đổi số. Đồng thời khẳng định, phía Nhật Bản sẽ tiếp thu và rà soát các ý kiến, đóng góp của các cơ quan, bộ, ngành của Việt Nam để xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai các dự án trong tương lai./.
Bảo Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư