(MPI) - Chiều ngày 21/7/2022, tại Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã trình bày chuyên đề giới thiệu Nghị quyết số 20/NQ-TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới.
|
Hình ảnh tại điểm cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ảnh: MPI |
Về tính cấp thiết của Nghị quyết số 20-NQ/TW, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, xuất phát từ thực tiễn công tác quản lý, phát triển khu vực kinh tế tập thể, qua đánh giá kết quả sau 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW về “tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể”, tại Hội nghị Trung ương 5 vừa qua đã dành nhiều thời gian, thảo luận kỹ lưỡng, sâu sắc và thống nhất cao về sự cần thiết phải tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò và những kết quả đạt được, đồng thời chỉ ra những hạn chế, tồn tại và nguyên nhân của khu vực kinh tế tập thể (KTTT).
Nghị quyết số 20-NQ/TW đã nêu thành tựu nổi bật, đó là khu vực kinh tế tập thể cơ bản đã khắc phục được tình trạng yếu kém kéo dài, góp phần xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, từng bước khẳng định vị trí, vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Trong đó, nhận thức về phát triển kinh tế tập thể, mà trọng tâm là hợp tác xã trong hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân được nâng lên. Chính sách, pháp luật về kinh tế tập thể được quan tâm xây dựng, hoàn thiện phù hợp với từng giai đoạn phát triển. Hợp tác xã đã cơ bản hoàn thành việc chuyển đổi sang mô hình kiểu mới theo quy định của pháp luật.
Số lượng hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thành lập mới tăng đáng kể, phát triển đa dạng hơn về ngành nghề, quy mô và trình độ, hỗ trợ tốt hơn cho các thành viên, tạo việc làm và nâng cao thu nhập thường xuyên cho người lao động. Tổ hợp tác với cơ cấu tổ chức gọn nhẹ, nội dung hoạt động đơn giản nhưng thiết thực, đáp ứng tốt hơn nhu cầu liên kết linh hoạt và mang tính ngắn hạn của người dân. Liên kết giữa các hợp tác xã với nhau, với doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác bước đầu phát triển.
Phó Thủ tướng cho biết, Cương lĩnh của Đảng đã khẳng định, kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã khẳng định về việc “Đổi mới, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã gắn với phát huy vai trò làm chủ, tăng cường lợi ích của các thành viên, nâng cao khả năng huy động nguồn lực”.
Kết luận Hội nghị Trung ương 5 vừa qua, Ban chấp hành Trung ương yêu cầu trong thời gian tới phải tiếp tục quán triệt, nhận thức sâu sắc, thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Trung ương 5 về phát triển kinh tế tập thể phù hợp với yêu cầu, tính chất của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của nước ta. Đồng thời, Hội nghị khẳng định sự phát triển KTTT là xu thế tất yếu khách quan và phải xuất phát từ nhu cầu thiết thực của các thành viên; tôn trọng các giá trị, nguyên tắc hoạt động của hợp tác xã (HTX) phù hợp với đặc điểm kinh tế xã hội (KTXH) của từng địa phương, từng vùng và của cả nước. KTTT có nhiều hình thức đa dạng phát triển từ thấp đến cao, trong đó HTX là nòng cốt.
Xuất phát từ yêu cầu và thực tiễn nêu trên, việc ban hành Nghị quyết mới về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới là một yêu cầu cấp thiết nhằm thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, phù hợp với thực tiễn và tạo nguồn lực và động lực mới để phấn đấu đến năm 2030 nước ta trở thành nước công nghiệp hiện đại, có thu nhập trung bình cao; và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Trên cơ sở đánh giá một cách bài bản, khách quan, nghiêm túc về các kết quả đạt được, hạn chế và nguyên nhân; phân tích bối cảnh mới trong nước, quốc tế và những vấn đề đặt ra đối với việc khẳng định vai trò, vị trí và phát triển, nâng cao hiệu quả khu vực kinh tế tập thể, Hội nghị Trung ương 5 đã thống nhất cao về 5 quan điểm chỉ đạo, mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể đối với khu vực kinh tế tập thể trong giai đoạn mới, cùng với đó là 5 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu và phân công các đơn vị tổ chức thực hiện.
Thực tế tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW cho thấy kinh tế tập thể phát huy hiệu quả tốt tại các khu vực khó khăn, vùng biên giới, hải đảo..., góp phần bảo đảm an ninh, an sinh, an dân, tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân...
Nghị quyết đưa ra mục tiêu tổng quát là phát triển kinh tế tập thể năng động, hiệu quả, bền vững, cùng với kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân với nhiều mô hình hợp tác, liên kết trên cơ sở tôn trọng bản chất, giá trị và nguyên tắc của kinh tế tập thể, thu hút ngày càng nhiều nông dân, hộ gia đình, cá nhân và tổ chức tham gia; góp phần nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của các thành viên, hộ gia đình, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững đất nước, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Mục tiêu cụ thể: đến năm 2030: Cả nước có khoảng 140.000 tổ hợp tác, với 2 triệu thành viên; 45.000 hợp tác xã với 8 triệu thành viên; 340 liên hiệp hợp tác xã với 1.700 hợp tác xã thành viên; Bảo đảm trên 60% tổ chức kinh tế tập thể đạt loại tốt, khá, trong đó có ít nhất 50% tham gia liên kết theo chuỗi giá trị. Có trên 5.000 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; phát triển các chuỗi giá trị nông sản hàng hóa gắn với liên kết sản xuất, cung cấp dịch vụ chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; đẩy mạnh tham gia vào các chuỗi cung ứng đưa sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu trực tiếp ra nước ngoài.
Đến năm 2045: phấn đấu thu hút tối thiểu 20% dân số tham gia các tổ chức kinh tế tập thể. Mở rộng quy mô hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể, chất lượng hoạt động ngang tầm các nước trong khu vực và trên thế giới. Bảo đảm trên 90% tổ chức kinh tế tập thể hoạt động hiệu quả, trong đó có ít nhất 75% tham gia các chuỗi liên kết. Phấn đấu có ít nhất 3 tổ chức kinh tế tập thể nằm trong bảng xếp hạng 300 hợp tác xã lớn nhất toàn cầu do Liên minh Hợp tác xã quốc tế (ICA) công nhận. Các tổ chức kinh tế tập thể đều áp dụng công nghệ, nhất là chuyển đổi số vào hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ.
|
Ảnh: MPI |
Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh đến các nhiệm vụ, giải pháp gồm: Nhận thức đúng, đầy đủ về bản chất, vị trí, vai trò và tầm quan trọng của kinh tế tập thể trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đây là nội dung quan trọng, cốt lõi khắc phục cho được tồn tại kéo dài và chậm được khắc phục trong thời gian vừa qua và xác định đây là nhiệm vụ trước tiên. Trên cơ sở kết thừa Nghị quyết 13-NQ/TW, Nghị quyết lần này Trung ương bổ sung, làm rõ hơn về bản chất, nội hàm kinh tế tập thể với cách diễn đạt rõ ràng, dễ hiểu hơn trong quá trình thực hiện.
Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể. Theo đó, Trung ương đề ra 8 nhóm chính sách cụ thể để khuyến khích, phát triển kinh tế tập thể gồm chính sách phát triển nguồn nhân lực, đất đai, tài chính, tín dụng, khoa học - công nghệ, hỗ trợ về thông tin kinh tế, kỹ năng tiếp thị và nghiên cứu thị trường, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, bảo hiểm xã hội.
Cùng với đó là, đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với kinh tế tập thể; Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp và Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đối với phát triển kinh tế tập thể.
Để các chủ trương của Đảng về “tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới” sớm đi vào cuộc sống, Nghị quyết số 20-NQ/TW đã đề ra sáu nhóm nhiệm vụ cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện./.
Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư