(MPI) - Tại Quyết định số 17/2022/QĐ-TTg ngày 28/7/2022 về phân cấp thực hiện các dự án, dự án thành phần đầu tư các đoạn tuyến đường bộ cao tốc theo hình thức đầu tư công thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ thông báo danh mục và mức vốn dự kiến cho từng dự án, dự án thành phần thuộc Chương trình để Bộ Giao thông vận tải và cơ quan chủ quản hoàn thiện thủ tục, thực hiện đầu tư theo quy định.
|
Ảnh minh họa. Nguồn: MPI |
Đồng thời, thực hiện theo đúng quy định của Luật Đầu tư công về điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm vốn ngân sách nhà nước: tổng hợp phương án điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 vốn ngân sách trung ương giữa Bộ Giao thông vận tải và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định; Theo dõi, kiếm tra việc phân bổ kế hoạch và triển khai thực hiện các dự án thuộc Chương trình.
Về phạm vi điều chỉnh, Quyết định nêu rõ, các dự án, dự án thành phần đầu tư các đoạn tuyến đường bộ cao tốc theo hình thức đầu tư công thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo quy định của Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khoá, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (sau đây gọi tắt là Chương trình), trừ các dự án, dự án thành phần do Bộ Giao thông vận tải là cơ quan chủ quản.
Đối tượng áp dụng là Ủy ban nhân dân các tỉnh được phân cấp làm cơ quan chủ quản; Bộ Giao thông vận tải, các bộ, cơ quan liên quan; Tổ chức, cá nhân tham gia vào quá trình chuẩn bị, thực hiện đầu tư xây dựng dự án, dự án thành phần đầu tư các đoạn tuyến đường bộ cao tốc theo hình thức đầu tư công thuộc Chương trình.
Thời gian áp dụng quy định khoản 3 Điều 5 Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội.
Quyết định quy định rõ nguyên tắc, yêu cầu của phân cấp. Theo đó, phân cấp triệt để cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có đề xuất, đủ năng lực, kinh nghiệm quản lý sau khi đã sử dụng tối đa năng lực của Bộ Giao thông vận tải.
Các tuyến cao tốc được phân chia thành các dự án thành phần và phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh làm cơ quan chủ quản theo địa giới hành chính. Trường hợp ranh giới, địa giới hành chính nằm giữa các vị trí công trình cầu, hầm hoặc nút giao thì toàn bộ công trình cầu, hầm hoặc nút giao sẽ thuộc về một dự án thành phần.
Yêu cầu đối với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được phân cấp làm cơ quan chủ quản bố trí vốn đầu tư (kể cả trong trường hợp phát sinh tăng tổng mức đầu tư) để hoàn thành dự án đúng tiến độ; Bảo đảm đáp ứng đủ năng lực, kinh nghiệm quản lý hoặc có biện pháp tăng cường bảo đảm đủ năng lực, kinh nghiệm quản lý thực hiện các dự án, dự án thành phần đáp ứng tiến độ và chất lượng yêu cầu theo quy định của pháp luật; Chịu trách nhiệm toàn diện trong việc triển khai dự án bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả, khả thi, đồng bộ.
Về nội dung phân cấp, theo Quyết định, phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh làm cơ quan chủ quản các dự án, dự án thành phần đầu tư các đoạn tuyến đường bộ cao tốc theo hình thức đầu tư công thuộc Chương trình tại Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định này.
Để tổ chức thực hiện, Thủ tướng Chính phủ giao trách nhiệm cụ thể cho các Bộ, ngành liên quan; giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được phân cấp làm cơ quan chủ quản thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ được giao tại Điều 164 Luật Xây dựng; thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cơ quan được phân cấp và cơ chế kiểm tra, giám sát, thanh tra bảo đảm không để xảy ra việc trục lợi chính sách, lợi ích nhóm, thất thoát, lãng phí.
Chịu trách nhiệm toàn diện về việc kiện toàn nhân sự, đảm bảo đủ năng lực, kinh nghiệm của Ban Quản lý dự án trực thuộc hoặc tư vấn quản lý dự án, đáp ứng điều kiện phân cấp quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội và văn bản đã cam kết; tuân thủ quy định của pháp luật về xây dụng và quy định khác có liên quan; chịu trách nhiệm toàn diện về đề xuất Thủ tướng Chính phủ quyết định phân cấp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh làm cơ quan chủ quản theo nguyên tắc, yêu cầu quy định tại Điều 2 Quyết định này.
Đối với dự án cầu vượt sông Đáy nối tỉnh Ninh Bình và tỉnh Nam Định thuộc tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng, Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan lập, thẩm định, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án trên tuyến cao tốc nêu trên.
Đối với dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu (Km19 - Km53), Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan lập, thẩm định, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án.
Căn cứ chủ trương đầu tư dự án tổng thể được cấp có thẩm quyền phê duyệt, cơ quan chủ quản tiếp nhận hồ sơ từ Bộ Giao thông vận tải, tiến hành lập, thẩm định, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc phê duyệt quyết định đầu tư các dự án, dự án thành phần theo quy định.
Tổ chức triển khai thực hiện đảm bảo chất lượng, tiến độ, tuân thủ quy định của pháp luật; phê duyệt quyết toán các dự án, dự án thành phần được phân cấp sau khi hoàn thành, gửi quyết định phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành cho Bộ Giao thông vận tải để tổng hợp báo cáo kết quả phê duyệt quyết toán vốn đầu tư toàn bộ dự án; bàn giao cho Bộ Giao thông vận tải quản lý, khai thác, bảo trì theo quy định.
Bố trí đủ vốn đầu tư theo cam kết để hoàn thành các dự án, dự án thành phần đúng tiến độ. Trường hợp dự án, dự án thành phần do Ủy ban nhân dân tỉnh làm cơ quan chủ quản thực hiện tăng tổng mức đầu tư so với tổng mức đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Ủy ban nhân dân tỉnh có trách nhiệm bố trí vốn ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để hoàn thành dự án, dự án thành phần theo quy định. Riêng 03 dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc: Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1, Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1, thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 3 các Nghị quyết số 58/2022/QH15, số 59/2022/QH15 và số 60/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư