(MPI) - Tại cuộc họp để thảo luận về đảm bảo kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, chống suy thoái và đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì vào chiều ngày 30/7/2022, các chuyên gia trong và ngoài nước đánh giá cao các chính sách và giải pháp vừa qua của Chính phủ trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và phục hồi nhanh kinh tế.
|
Các chuyên gia quốc tế tham dự tại cuộc họp. Ảnh: Chinhphu.vn |
Các chuyên gia trong và ngoài nước đều thống nhất đánh giá tình hình thế giới đang biến động phức tạp và khó lường; nhiều vấn đề tác động sâu sắc đến nền kinh tế toàn cầu và từng quốc gia. Thách thức nhiều hơn thuận lợi và thời cơ do cạnh tranh địa chính giữa các nước lớn; giá dầu tăng cao, đứt gãy chuỗi cung ứng và lạm phát ở nhiều nước lớn tiếp tục tăng.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam gặp nhiều khó khăn, thách thức đối với công tác chỉ đạo, điều hành, nhất là về ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Độ mở của nền kinh tế Việt Nam lớn, quy mô còn khiêm tốn, tác động nhỏ bên ngoài cũng có thể ảnh hưởng lớn đến bên trong, trong khi khả năng chống chịu và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn hạn chế.
Các chuyên gia đánh giá cao các chính sách và giải pháp vừa qua của Chính phủ, phản ứng kịp thời trong điều hành để đạt được mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và phục hồi nhanh kinh tế sau đại dịch. Một số tổ chức quốc tế dự báo Việt Nam có khả năng tăng trưởng cao trong thời gian tới; các chuyên gia tham dự đã đưa ra nhiều khuyến nghị với Việt Nam nhằm giải quyết các vấn đề trước mắt và lâu dài.
Bà Dorsati Madani, chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá cao nền kinh tế vĩ mô của Việt Nam và cho rằng, quá trình phục hồi đi đúng hướng, đúng nhu cầu và các ngành sản xuất trong nước đang có sự tăng trưởng đáng kể.
Thách thức của Việt Nam hiện nay là bảo đảm cân bằng giữa phục hồi kinh tế và kiểm soát lạm phát, linh hoạt điều phối giữa chính sách tài chính và tiền tệ. Việt Nam còn nhiều dư địa để phát triển, trong đó việc thúc đẩy các gói hỗ trợ kinh tế là rất phù hợp với phát triển kinh tế số, phát triển mới bền vững và trở thành nước phát triển trong tương lai, bà Dorsati Madani nhấn mạnh.
Đại diện Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đều nhận định rằng, Việt Nam đã mở cửa lại nền kinh tế rất rốt, có triển vọng phục hồi nhanh và vững chắc sau đại dịch COVID-19. Ông Andrew Jeffries, Giám đốc Quốc gia ADB cho biết, ADB vẫn giữ nguyên dự báo Việt Nam tăng trưởng 6,5% trong năm 2022 và có thể ở mức 6,7% vào năm 2023.
Bà Pauline Tamesis, Điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc tại Việt Nam tán thành với phát biểu của Thủ tướng Chính phủ là cần đặt nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất vào vị trí trọng tâm của chính sách phục hồi; tạo ra việc làm ổn định và có các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ vừa vừa, các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ,…
Bà Nguyễn Thị Kim Phương, đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chúc mừng Chính phủ và người dân Việt Nam về các nỗ lực và kết quả phòng, chống dịch, bao phủ vắc-xin để tự tin trở lại cuộc sống bình thường. Theo bà Nguyễn Thị Kim Phương, giữa phát triển kinh tế và bảo vệ sức khỏe người dân có sự phụ thuộc trực tiếp và hai chiều, bài phát biểu của Thủ tướng Chính phủ đã nhắc tới hai vấn đề mấu chốt trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là nâng cao năng lực của y tế dự phòng và y tế cơ sở.
|
Chuyên gia Võ Trí Thành phát biểu. Ảnh: Chinhphu.vn |
Các chuyên gia trong nước đều tán thánh với quan điểm của Chính phủ trong triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Theo chuyên gia Võ Trí Thành, để ổn định kinh tế vĩ mô thì cần phải đảm bảo sự lành mạnh của hệ thống tài chính, cân đối ngân sách và nợ công,… cơ bản trong 6 tháng đầu năm 2022, Việt Nam đã làm tương đối tốt, tuy nhiên áp lực trong những tháng cuối năm là rất lớn; đề nghị nên xây dựng một đề án ổn định kinh tế vĩ mô, cân đối lớn, phục hồi tăng trưởng gắn với phát triển bền vững. Trong khi đó, chuyên gia Trần Đình Thiên cho rằng, cần phản ứng chính sách một cách hết sức linh hoạt, chủ động để bảo đảm "cân bằng động" phù hợp với tình hình./.
Bảo Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư