(MPI) – Triển khai kế hoạch thẩm định quy hoạch tỉnh Long An, ngày 09/8/2022, tại trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã diễn ra Hội thảo đánh giá môi trường chiến lược của quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tham vấn ý kiến chuyên gia để thẩm định kết quả đánh giá môi trường chiến lược trong quy hoạch Tỉnh.
|
Ông Đinh Thanh Tâm phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: MPI |
Phát biểu tại Hội thảo, ông Đinh Thanh Tâm, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, thực hiện các quy định của Luật Bảo vệ Môi trường và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, việc xây dựng Quy hoạch Tỉnh thuộc đối tượng phải lập báo cáo Đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC) và được thực hiện đồng thời với việc xây dựng Quy hoạch Tỉnh.
Để hoàn thiện báo cáo đáp ứng yêu cầu theo quy định, ông Đinh Thanh Tâm đề nghị các đại biểu cho ý kiến về căn cứ, phạm vi, phương pháp thực hiện ĐMC; so sánh đánh giá sự phù hợp quan điểm mục tiêu quy hoạch với quan điểm môi trường; biến đổi khí hậu; định hướng bảo vệ môi trường trong quá trình thực hiện quy hoạch; các vấn đề cần lưu ý trong bảo vệ môi trường.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Huỳnh Văn Sơn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Long An cho biết, nhiệm vụ xây dựng Quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 522/QĐ-TTg ngày 16/4/2020 với mục tiêu cụ thể hóa quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng ở cấp tỉnh về không gian các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, hệ thống đô thị và phân bố dân cư nông thôn, kết cấu hạ tầng, phân bổ đất đai, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường trên cơ sở kết nối quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn.
|
Ông Huỳnh Văn Sơn phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: MPI |
Đưa ra các quan điểm phát triển của tỉnh, thiết lập tầm nhìn và xác định các mục tiêu phát triển tổng quát, cụ thể của tỉnh; sắp xếp, phân bố không gian các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh gắn với phát triển kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường trên địa bàn để sử dụng các nguồn lực phục vụ mục tiêu phát triển cân đối, hài hòa, hiệu quả và bền vững trong thời kỳ Quy hoạch; hình thành danh mục các dự án, thứ tự ưu tiên, cũng như các giải pháp và nguồn lực thực hiện Quy hoạch.
Triển khai thực hiện nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, UBND tỉnh Long An giao Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan lập quy hoạch tỉnh; đầu mối chủ trì nhiệm vụ phối hợp với các sở ngành tỉnh và Đơn vị tư vấn lập quy hoạch tỉnh tổ chức xây dựng Quy hoạch tỉnh đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật về quy hoạch; xác định xu thế và mức độ ảnh hưởng của việc thực hiện quy hoạch tới môi trường và luận chứng các giải pháp cần thiết khắc phục tối đa các tác động tiêu cực có thể xảy ra, đảm bảo phát triển bền vững; thực hiện đề xuất phân vùng môi trường, xác định vùng bảo vệ nghiêm ngặt và vùng hạn chế phát thải vào trong nội dung Quy hoạch Tỉnh và đã được đánh giá trong nội dung của ĐMC.
Với sự hỗ trợ, cung cấp đầy đủ các thông tin, dữ liệu, số liệu, các tài liệu liên quan sẵn có của tỉnh Long An, cùng với sự trao đổi thông tin, phối hợp, thảo luận giữa nhóm lập ĐMC, nhóm lập Quy hoạch tỉnh và Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Long An đã giúp xem xét đúng các vấn đề môi trường, xã hội trong lập Quy hoạch, vì thế các đề xuất của Quy hoạch đều dựa trên cơ sở đánh giá toàn diện các tác động môi trường, xã hội và biến đổi khí hậu.
Tiến độ thực hiện của ĐMC đã bám sát với tiến độ lập quy hoạch tỉnh để đưa ra những đề xuất, kiến nghị kịp thời từ góc độ môi trường. Trên cơ sở các kiến nghị của nhóm ĐMC, nhóm Quy hoạch tỉnh thống nhất các nội dung điều chỉnh, hoàn thiện các nội dung Quy hoạch cho phù hợp.
|
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: MPI |
Tham gia ý kiến, các chuyên gia và đại diện các bộ, ngành là thành viên Hội đồng cho rằng, kết cấu, nội dung dự thảo báo cáo bám sát quy định; số liệu rõ ràng và bám sát thực tiễn; Các quan điểm, mục tiêu đưa ra trong quy hoạch về cơ bản phù hợp với các quan điểm, mục tiêu về bảo vệ môi trường của quốc gia đã được ban hành. Tuy nhiên, để hoàn thiện dự thảo, các đại biểu đề nghị rà soát, cập nhật bổ sung và điều chỉnh nội dung tương ứng với các văn bản mới, đặc biệt là Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050; Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030; đánh giá tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng; bổ sung các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu theo cam kết của Việt Nam tại COP26, xây dựng các giải pháp, hành động giảm phát thải khí nhà kính nhằm thực hiện cam kết của Việt Nam về hướng tới đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Bên cạnh đó, các đại biểu đã tập trung thảo luận, cho ý kiến về thành phần môi trường, di sản thiên nhiên, điều kiện về kinh tế - xã hội có khả năng bị tác động bởi quy hoạch; sự phù hợp của Quy hoạch tỉnh với quan điểm, mục tiêu về bảo vệ môi trường; đánh giá, dự báo xu hướng tác động của quy hoạch tỉnh đến biến đổi khí hậu; các phương pháp đánh giá môi trường chiến lược đã áp dụng. So sánh, đánh giá sự phù hợp của quan điểm, mục tiêu quy hoạch với quan điểm, mục tiêu, chính sách về bảo vệ môi trường, chiến lược, Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia, nội dung bảo vệ môi trường trong quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh; Tác động của biến đổi khí hậu; Giải pháp, định hướng bảo vệ môi trường trong quá trình thực hiện quy hoạch; Vấn đề cần lưu ý về bảo vệ môi trường, kiến nghị phương hướng và giải pháp duy trì xu hướng tích cực, hạn chế, giảm thiểu xu hướng tiêu cực trong quá trình thực hiện quy hoạch.
Các ý kiến góp ý tại Hội thảo có ý nghĩa quan trọng, là căn cứ để tỉnh Long An hoàn thiện dự thảo Báo cáo quy hoạch tỉnh và Báo cáo Đánh giá Môi trường chiến lược, đảm bảo sự thống nhất và đồng bộ để trình cấp có thẩm quyền theo quy định./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư