I. LĨNH VỰC KINH TẾ
1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản
Tháng 8 năm 2022, bà con nông dân tập trung chăm sóc các loại cây trồng vụ Hè Thu năm 2022, đối với cây lúa bà con thăm đồng thường xuyên hơn để kiểm tra tình hình sinh trưởng và phát triển của lúa, đặc biệt kiểm tra các đối tượng sâu bệnh có thể xảy ra để phun trừ kịp thời nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do sâu bệnh gây ra đối với sản xuất vụ Hè Thu; Hoạt động chăn nuôi vẫn ổn định và tiếp tục có bước phát triển, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, việc tái đàn và phục hồi chăn nuôi đang tiếp tục được thực hiện; Hoạt động sản xuất lâm nghiệp nhìn chung ổn định, trong tháng có mưa nên kết quả trồng rừng tập trung tăng hơn so với tháng trước, công tác phòng cháy chữa cháy bảo vệ rừng được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện; Hoạt động thủy sản có mức tăng khá so với tháng trước do giá xăng, dầu được điều chỉnh giảm nên ngư dân vươn khơi bám biển khai thác hải sản.
1.1 Sản xuất nông nghiệp
*Trồng trọt
- Kết quả sản xuất vụ Hè Thu năm 2022
Kết quả gieo trồng các loại cây hàng năm vụ Hè Thu 2022 toàn tỉnh ước đạt 58.681 ha, bằng 100,37% (tăng 219 ha) so với cùng kỳ năm trước. Tổng sản lượng lương thực có hạt ước đạt 233.127 tấn, so với thực hiện cùng kỳ năm trước bằng 98,35% (giảm 3.899 tấn). Dự kiến, kết quả sản xuất vụ Hè Thu năm nay ngoài cây lúa giảm thì các loại cây trồng chủ lực khác vẫn tăng hơn so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể kết quả đối với một số cây trồng chủ lực như sau:
Cây lúa: Tổng diện tích gieo trồng lúa toàn tỉnh ước tính giảm 429 ha so với cùng kỳ năm trước. Một số huyện có diện tích gieo cấy lúa giảm như: Đức Thọ giảm 414 ha; Thành phố Hà Tĩnh 78 ha; Nghi Xuân 70 ha; Thạch Hà 48 ha …Nguyên nhân chủ yếu diện tích lúa Hè Thu năm nay giảm là do sản xuất vụ Đông Xuân kết thúc chậm hơn so với kế hoạch đề ra gây ảnh hưởng đến việc gieo cấy lúa. Ngoài ra, năm nay được đánh giá là năm thời tiết thất thường mưa nhiều nắng ít nên đã gặp khó khăn trong việc gieo cấy.
Năng suất lúa vụ Hè Thu năm 2022 ước giảm 0,61 tạ/ha. Sản lượng lúa ước giảm 4.901 tấn so với cùng kỳ năm trước. Do cả diện tích và năng suất đều giảm nên sản lượng ước tính giảm. Hiện nay lúa Hè Thu đang giai đoạn trổ bông đại trà. Đây là giai đoạn có ý nghĩa quyết định đến năng suất cuối vụ. Vì vậy phải tập trung xử lý triệt để các diện tích đã xuất hiện sâu bệnh để hạn chế nguồn phát tán, lây lan trên diện rộng.
Cây ngô: Diện tích ngô vụ Hè Thu 2022 ước tính tăng 235 ha so với cùng kỳ năm trước. Một số huyện có diện tích tăng như: Hương Khê tăng 189 ha; Hương Sơn tăng 44 ha; Vũ Quang tăng 42 ha;... Nguyên nhân diện tích ngô tăng do năm nay thức ăn chăn nuôi tăng người dân trồng ngô với mục đích lấy sản phẩm làm thức ăn chăn nuôi. Năng suất ngô vụ Hè Thu năm nay ước tính tăng 0,7 tạ/ha so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân năng suất ngô ước tính tăng là do quá trình cây ra hoa phơi mao gặp thời tiết thuận lợi. Sản lượng ngô ước tính tăng 1.003 tấn so với cùng kỳ năm trước. Do cả diện tích và năng suất đều tăng nên sản lượng ngô tăng.
Cây khoai lang: Diện tích khoai lang ước tính tăng 39 ha so với cùng kỳ năm trước. Năng suất khoai lang ước tăng 0,14 tạ/ha, với sản lượng ước tính tăng 240 tấn so với cùng kỳ năm trước.
Cây sắn: Diện tích sắn ước đạt 2.625 ha, bằng 107,15% (tăng 175 ha) so với cùng kỳ năm trước. Năng suất ước đạt 152,86 tạ/ha, bằng 101,14% (tăng 1,72 tạ/ha), với sản lượng ước đạt 40.133 tấn, bằng 108,37% (tăng 3.100 tấn) so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân tăng do năm nay giá thức ăn chăn nuôi tăng bà con nông dân trồng sắn thay thế nhằm làm thức ăn chăn nuôi để giảm bớt chi phí.
Cây lạc: Diện tích trồng lạc ước tính tăng 13 ha với năng suất lạc ước giảm 0,07 tạ/ha so với thực hiện cùng kỳ năm trước. Mặc dù năng suất giảm nhưng diện tích tăng nên sản lượng lạc ước tính tăng 24 tấn so với cùng kỳ năm trước.
Cây vừng: Diện tích trồng vừng ước đạt 612 ha, bằng 103,91% (tăng 23 ha) so với thực hiện cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân diện tích tăng do một số xã chuyển đổi diện tích trồng lạc, đậu, sắn sang trồng vừng. Năng suất vừng ước đạt 6,21 tạ/ha, bằng 102,77% (tăng 0,17 tạ/ha) so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng vừng ước đạt 380 tấn, bằng 106,78% (tăng 24 tấn) so với cùng kỳ năm trước.
Rau các loại: Diện tích rau các loại ước tính tăng 157 ha so với cùng kỳ năm trước. Năng suất rau ước tính tăng 1,15 tạ/ha, với sản lượng rau ước tính tăng 1.468 tấn so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân sản lượng rau tăng do cả diện tích và năng suất đều tăng.
Cây đậu các loại: Diện tích đậu các loại ước đạt 2.636 ha, bằng 87,5% (giảm 377 ha) so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân diện tích gieo trồng giảm do đầu vụ thời tiết thất thường gây khó khăn cho việc gieo trỉa. Ngoài ra có một số diện tích chuyển đổi từ trồng đậu sang trồng vừng. Năng suất đậu các loại ước đạt 10,36 tạ/ha, bằng 95,59% (giảm 0,48 tạ/ha), với sản lượng đậu các loại ước đạt 2.731 tấn, bằng 83,64% (giảm 534 tấn) so với cùng kỳ năm trước. Do cả diện tích và năng suất đều giảm nên sản lượng đậu các loại giảm.
- Sản xuất vụ Mùa năm 2022
Sản xuất lúa vụ Mùa thường gặp khó khăn về thời tiết, đầu vụ thường xẩy ra khô hạn và cuối vụ lại thường gặp mưa bão lớn. Cùng với đó, năng suất lúa vụ Mùa thường rất thấp nên người dân ít đầu tư sản xuất. Diện tích gieo cấy lúa vụ Mùa 2022 ước đạt 490 ha, bằng cùng kỳ năm trước. Trên địa bàn tỉnh hiện còn có huyện Nghi Xuân, huyện Thạch Hà, huyện Lộc Hà đang triển khai gieo cấy lúa vụ Mùa trên những chân rộng pha cát. Do hiệu quả sản xuất vụ Mùa thấp nên không được xác định là vụ sản xuất chính của địa phương cho nên xu thế sản xuất lúa vụ Mùa đang ngày càng giảm.
- Tình hình sâu bệnh, thiệt hại
Theo báo cáo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, trên lúa Hè Thu đang có các loại sâu bệnh phát sinh gây hại, cụ thể: Rầy nâu, rầy lưng trắng với mật độ trung bình 300-500 con/m2, nơi cao 1000-1500 con/m2, chủ yếu rầy tuổi 2, tuổi 3, tuổi 4, diện tích nhiễm bệnh 9,5 ha, phân bố chủ yếu ở Đức Thọ, Can Lộc, Hương Sơn; bệnh khô vằn phát sinh gây hại trên những chân ruộng gieo cấy giày, bón thừa đạm, tỉ lệ trung bình 5-7%, nơi cao 15-20%, diện tích nhiễm bệnh là 492 ha, phân bố hầu hết các địa phương trong tỉnh; bệnh đốm nâu gây hại với tỷ lệ 10-15%, nơi cao 20-30% trên những diện tích chăm sóc kém, phân bón không đầy đủ với, diện tích 215 ha, phân bố chủ yếu ở Can Lộc, Cẩm Xuyên, Đức Thọ, thị xã Hồng Lĩnh,…Bệnh bạc lá xuất hiện rải rác ở Đức Thọ, Hồng Lĩnh với tỷ lệ 5-7%; chuột gây hại trên trà lúa gieo thẳng gần gò đồi, gần làng, tỷ lệ trung bình 1-3%, nơi cao 5-7%, diện tích 237 ha, phân bố hầu hết các địa phương trong tỉnh. Trên cây ngô thì sâu keo mùa thu phát sinh gây hại trên trà ngô sớm, diện tích nhiễm 7 ha và bệnh đốm lá 9 ha tập trung tại Hương Khê, Vũ Quang, Hương Sơn, Cẩm Xuyên…Đối với cây ăn quả có múi, các đối tượng sâu bệnh gây hại chính như: Nhện nhỏ 30 ha; sâu đục thân, đục cành 13 ha; bệnh ghẻ sẹo trên cây cam, diện tích 14 ha; bọ xít xanh 10 ha, phân bố tại Hương Sơn, Vũ Quang, Hương Khê, Can Lộc,…
*Chăn nuôi
Hoạt động sản xuất chăn nuôi trên địa bàn tỉnh trong tháng 8/2022 vẫn ổn định và tiếp tục có bước phát triển. Các dịch bệnh đối với chăn nuôi cơ bản được kiểm soát, việc tái đàn và phục hồi chăn nuôi đang tiếp tục được thực hiện, tổng đàn các loại vật nuôi đều tăng hơn so với cùng kỳ năm trước nhưng với mức tăng nhẹ. Chăn nuôi trâu, bò sau ảnh hưởng bởi dịch viêm da nổi cục năm 2021 thì hiện nay tổng đàn đã phát triển trở lại; chăn nuôi lợn vẫn còn gặp khó khăn, dịch tả lợn Châu Phi vẫn còn xuất hiện trên địa bàn chưa qua 21 ngày, cùng với việc giá thức ăn tăng quá cao đã gây khó khăn cho việc thực hiện phát triển đàn lợn; chăn nuôi gia cầm tương đối ổn định, trong tháng đã cung cấp lượng lớn sản phẩm gia cầm phục vụ nhu cầu tăng cao trong dịp rằm tháng 7 âm lịch. Nhìn chung, trước những khó khăn về dịch bệnh và chi phí sản xuất tăng cao thì hoạt động sản xuất chăn nuôi trên địa bàn Hà Tĩnh chưa thể có bước đột phá trong ngắn hạn mà chỉ ở mức ổn định sản xuất.
Tình hình dịch bệnh, thiệt hại: Tính đến ngày 15/8/2022, theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh, còn có 62 con (15 con trâu và 47 con bò) tại xã Điền Mỹ và xã Phúc Đồng, huyện Hương Khê đang mắc bệnh lở mồm long móng chưa qua 21 ngày; có 1 hộ nuôi với 11 con lợn có trọng lượng 830 kg, tại xã Kỳ Đồng, huyện Kỳ Anh mắc dịch tả lợn Châu Phi đã tiêu hủy và ổ dịch này chưa qua 21 ngày; dịch cúm gia cầm H5N1 xẩy ra tại xã Cẩm Quang, huyện Cẩm Xuyên làm 2.826 con gia cầm ốm chết phải tiêu hủy. Các loại dịch bệnh trên đàn vật nuôi cơ bản được kiểm soát. Tuy nhiên, khi dịch chưa qua 21 ngày nên vẫn có nguy cơ tái phát. Vì vậy, trước hết là các hộ chăn nuôi cần phải luôn chủ động, tăng cường công tác phòng bệnh cho đàn vật nuôi nhằm hạn chế dịch bệnh xẩy ra, tránh thiệt hại về kinh tế và môi trường chăn nuôi.
1.2 Lâm nghiệp
Hoạt động sản xuất lâm nghiệp trong tháng 8/2022 nhìn chung ổn định. Hoạt động trồng rừng vẫn được triển khai, nhờ điều kiện thời tiết trong tháng có mưa nên kết quả trồng rừng tập trung tăng hơn so với tháng trước (tăng 201 ha) cũng như cùng kỳ năm trước (tăng 62 ha). Sản lượng gỗ khai thác tháng 8/2022 ước tính tăng khá so với tháng trước (tăng 3.288 m3) cũng như so với cùng kỳ năm trước (tăng 898 m3). Hoạt động trồng rừng mùa nắng nóng phụ thuộc vào các đợt mưa, còn khai thác gỗ chủ yếu từ rừng trồng nên phụ thuộc vào chu kỳ khai thác của rừng trồng. Vì vậy, kết quả sản xuất lâm nghiệp giữa các tháng và các năm thường có sự chênh lệch khá lớn.
Bước vào mùa nắng nóng, công tác bảo vệ rừng và quản lý lâm sản luôn được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện. Tính từ ngày 15/7 - 15/8/2022 đã xẩy ra 1 vụ cháy rừng với diện tích rừng bị cháy là 0,4 ha và 6 vụ phá rừng với diện tích rừng bị phá là 5,06 ha. Như vậy, tính từ đầu năm đến ngày 15/8/2022, trên địa bàn Hà Tĩnh đã xẩy ra 1 vụ cháy rừng (giảm 2 vụ), với diện tích rừng bị cháy là 0,4 ha (giảm 0,83 ha) và 57 vụ phá rừng (tăng 28 vụ), với diện tích rừng bị phá là 28,95 ha (tăng 19,06 ha) so với cùng kỳ năm trước. Hiện nay đang là mùa nắng nóng nên các cơ quan chức năng cần phải tăng cường tuần tra kiểm soát và người dân khi vào rừng cần phải nâng cao ý thức để phòng chống cháy rừng.
1.3 Thủy sản
Kết quả sản xuất thủy sản tháng 8/2022 tăng 1.325 tấn so với tháng trước và tăng 114 tấn so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân do giá xăng, dầu được điều chỉnh giảm nên ngư dân vươn khơi bám biển khai thác hải sản, cùng với đó là các hộ nuôi trồng thu hoạch sản phẩm vụ tôm Xuân Hè nên làm cho sản lượng nuôi trồng tăng. Mặc dù tổng sản lượng thủy hải sản đánh bắt và nuôi trồng 8 tháng đầu năm 2022 vẫn tăng 916 tấn so với cùng kỳ năm trước nhưng các ngư dân khai thác hải sản và người nuôi trồng thủy sản vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân do chi phí xăng, dầu, nhân công và các dịch vụ hậu cần nghề cá, thức ăn thủy sản đều tăng mạnh. Hiện nay, nuôi tôm vẫn đang là hoạt động nuôi trồng thủy sản chủ lực của tỉnh. Mặc dù đang thu hoạch vụ tôm Xuân Hè và bước vào nuôi tôm vụ Đông 2022, nhưng do giá bán sản phẩm tăng không đáng kể trong khi chí phí sản xuất tăng cao nên các hộ nuôi tôm ở Hà Tĩnh không đầu tư mở rộng quy mô sản xuất nên sẽ không có sự biến động lớn về sản lượng nuôi trồng trong những tháng cuối năm 2022.
Trong tháng, dịch bệnh gan hoại tử trên tôm nuôi đã xuất hiện với diện tích nhiễm bệnh là 2,7 ha. Như vậy, tính từ đầu năm đến ngày 15/8/2022 trên địa bàn Hà Tĩnh đã có 86,8 ha tôm bị nhiễm bệnh đốm trắng và 9,23 ha tôm bị nhiễm bệnh gan hoại tử. Dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, không gây thiệt hại nhiều cho người nuôi trồng thủy sản.
2. Sản xuất công nghiệp
Hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh tính từ đầu năm đến cuối tháng 8 năm 2022 gặp nhiều khó khăn. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp cộng dồn 8 tháng đầu năm 2022 ước giảm 15,06% so cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chủ yếu do một số doanh nghiệp có tỷ trọng giá trị công nghiệp cao giảm sản lượng, gặp khó khăn trong sản xuất, tạm ngừng sữa chữa thiết bị, máy móc. Dự kiến trong thời gian tới Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa sẽ tiếp tục giảm mạnh sản lượng thép sản xuất. Ngoài ra, tổ máy số 1 của nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 vẫn chưa định thời gian hoạt động trở lại sẽ là những yếu tố tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất công nghiệp những tháng cuối năm 2022.
2.1. Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp (IIP)
Ước tháng 8/2022 chỉ số sản xuất ngành công nghiệp so với tháng 7/2022 giảm 19,9% và giảm 43,77% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp khai khoáng tăng 7,3% so với tháng trước và tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 25,27% so với tháng trước, so với cùng kỳ năm trước chỉ số sản xuất của ngành này giảm 48,31%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 2,27% so với tháng trước, so với cùng kỳ năm trước giảm 26,2%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải tăng 0,61% so với tháng 7/2022 và giảm 19,85% so với tháng 8/2021.
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp cộng dồn 8 tháng đầu năm 2022 ước giảm 15,06% so cùng kỳ năm trước. Cụ thể, ngành công nghiệp khai khoáng giảm 3,67%, làm giảm 0,09 điểm phần trăm; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 9,92% làm giảm 8,01 điểm phần trăm (là ngành đóng góp chủ yếu vào mức tăng chung toàn ngành công nghiệp); ngành sản xuất và phân phối điện giảm 37,94%, làm giảm 6,67 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải giảm 12,48%, làm giảm 0,29 điểm phần trăm vào mức tăng chung toàn ngành.
2.2. Một số sản phẩm chủ yếu
Trong số 19 nhóm sản phẩm chủ yếu được tổng hợp, có 11 nhóm sản phẩm sản lượng cộng dồn 8 tháng tăng so cùng kỳ (chiếm 57,89% trong tổng số sản phẩm) và có 8 nhóm sản phẩm có chỉ số giảm (chiếm 42,11%) trong tổng số sản phẩm công nghiệp chủ yếu. Một số sản phẩm công nghiệp 8 tháng năm 2022 tăng so với cùng kỳ năm trước: Bê tông trộn sẵn (bê tông tươi) tăng 102,98%; gạch xây dựng bằng đất sét nung tăng 35,2%; chè (trà) nguyên chất tăng 30,29%; dịch vụ sản xuất dược tăng 20,46%; điện thương phẩm tăng 19,93%; bia đóng lon tăng 18,19%; …
Sản phẩm công nghiệp 8 tháng năm 2022 giảm so với cùng kỳ năm trước: điện sản xuất giảm 39,76%; mực đông lạnh giảm 27,4%; quặng inemit và tinh quặng inemit giảm 16,1%; nước không uống được giảm 13,5%; thép không gỉ ở dạng bán thành phẩm giảm 12,32%; …
2.3. Tình hình sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp
Chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp tháng 8/2022 tăng 0,18% so với tháng trước, so với cùng kỳ năm trước giảm 5,41%. Chỉ số sử dụng lao động cộng dồn đến cuối tháng 8/2022 giảm 6,43% so với cùng kỳ năm 2021. Chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp 8 tháng đầu năm 2022 giảm so với cùng kỳ chủ yếu là do giảm số lượng lao động của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Cụ thể chỉ số sử dụng lao động của ngành này giảm 8,74% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số sử dụng lao động ngành khai khoáng tăng 8,11%, ngành sản xuất và phân phối điện tăng 1,33%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải tăng 3,15% so với cùng kỳ năm 2021.
3. Vốn đầu tư
Tháng 8/2022 công tác giải ngân vốn tiếp tục tăng so với tháng trước (tăng 12,73%) và tăng so với cùng kỳ năm trước (tăng 8,35%). Trong đó, vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh tăng mạnh so với tháng trước (tăng 15,46%) và tăng so với cùng kỳ năm trước (tăng 6,5%), đây là nguồn vốn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý (chiếm 76,30%). Nguyên nhân do trong tháng các công trình đã được cấp vốn, công tác triển khai hoàn tất các thủ tục do đó đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ để đạt mục tiêu đề ra.
Tổng vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý dự ước tháng 8/2022 đạt 610,13 tỷ đồng, tăng 12,73% so với tháng trước, tăng 8,35% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh ước đạt 465,53 tỷ đồng, tăng 15,46% so với tháng trước, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước. Vốn ngân sách nhà nước cấp huyện ước đạt 114,33 tỷ đồng, tăng 5,25% so với tháng trước và tăng 52,41% so với cùng kỳ năm trước. Vốn ngân sách nhà nước cấp xã ước đạt 30,27 tỷ đồng, tăng 2,87% so với tháng trước và giảm 40,65% so với tháng 8/2021. Cụ thể, tiến độ một số công trình lớn hiện nay trên địa bàn Hà Tĩnh: Nâng cấp đường tỉnh DDT giai đoạn 2 đạt 33.121 triệu đồng; xử lý cấp bách đê tả nghèn đạt 59.248 triệu đồng; cải tạo mặt đường, chỉnh trang hạ tầng kỹ thuật đường Quang Trung đoạn từ đường Nguyễn Huy Lung đến cầu Hộ Độ và bổ sung 1 đơn nguyên cầu Hộ Độ đạt 68.049 triệu đồng; Dự án hạ tầng cơ bản cho phát triển toàn diện tỉnh Hà Tĩnh thuộc dự án BIIG2 đạt 74.814 triệu đồng…
Dự ước 8 tháng năm 2022, tổng vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý ước đạt 3.495,42 tỷ đồng, đạt 46,66% kế hoạch năm, tăng 5,67% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh ước đạt 2.670,23 tỷ đồng, chiếm 76,39% tổng vốn, tăng 7,93% so với cùng kỳ; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện ước đạt 666,32 tỷ đồng, chiếm 19,06% tổng vốn, tăng 31,98% so với cùng kỳ; vốn ngân sách Nhà nước cấp xã ước đạt 158,87 tỷ đồng, chiếm 4,55% tổng vốn, giảm 51,7% so với cùng kỳ.
4. Thương mại, dịch vụ
4.1. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng
Hoạt động bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 8 giảm nhẹ so với tháng trước (0,42%). Giảm chủ yếu trong nhóm dịch vụ lưu trú, ăn uống, lữ hành, do trong tháng trùng với dịp tháng 7 âm lịch lượng khách đến nghỉ mát tại các bãi biển, các khu sinh thái nghỉ dưỡng giảm mạnh. Nhưng với việc giá cả có dấu hiệu giảm nhẹ đã kích thích tăng cầu tiều dùng các loại hàng hóa, doanh thu hoạt động bán lẻ chiểm tỷ trọng lớn và tăng ổn định đã kéo lại doanh thu nhóm ngành này. Tính chung 8 tháng năm 2022, hoạt động thương mại dịch vụ phục hồi tích cực đạt mức tăng cao.
- Tổng mức bán lẻ hàng hóa: Doanh thu tháng 8 ước đạt 4.540,12 tỷ đồng, tăng 0,62% so với tháng trước và tăng 46,84% so với cùng kỳ năm trước. Có 6/12 nhóm hàng có doanh thu giảm so với tháng trước, trước hết ở 2 nhóm hàng xăng dầu (giảm 4,0%) và nhiên liệu khác (giảm 2,47%) do việc giá bán tiếp tục được điều chỉnh giảm theo giá dầu thế giới. Ngoài ra, các nhóm hàng có doanh thu giảm tập trung ở nhóm đồ dùng gia đình (giảm 8,26%), ô tô con (giảm 1,94%), đá quý, kim loại quý (giảm 1,67%) và bảo dưỡng, sửa chữa ô tô, xe máy (giảm 1,34%) do tâm lý chung của người dân là hạn chế mua sắm tài sản trong tháng 7 âm lịch. Bên cạnh các nhóm hàng có chỉ số giảm thì có 6/12 nhóm hàng có chỉ số tăng so với tháng trước, trong đó, tăng mạnh nhất ở 2 nhóm hàng vật phẩm, văn hóa giáo dục (tăng 68,42%) và may mặc (tăng 9,02%) do đây là thời điểm giao mùa cũng như học sinh đã bắt đầu trở lại trường bước vào năm học mới.
Tính chung 8 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt 33.231,95 tỷ đồng, tăng 18,71% so với cùng kỳ năm trước và tăng ở 11/12 nhóm hàng, trong đó tăng mạnh ở các nhóm hàng như: Xăng, dầu các loại tăng 42,96%; đá quý, kim loại quý tăng 41,31%; nhiên liệu khác tăng 36,43%; hàng may mặc tăng 21,64%; hàng hóa khác tăng 21,27%; lương thực, thực phẩm tăng 19,33%; Gỗ và vật liệu xây dựng tăng 19,15%. Nhìn chung 8 tháng năm 2022 tổng mức bán lẻ hàng hóa doanh thu tăng ổn định hàng tháng so với cùng kỳ. Thu nhập chung của người dân cũng được cải thiện hơn so với năm trước. Tuy vậy, hoạt động của các cơ sở bán lẻ hàng hóa trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp những khó khăn nhất định như: Giá cả hàng hóa, dịch vụ đang có xu hướng tăng cao do ảnh hưởng bởi chi phí sản xuất và vận chuyển nên đã ảnh hưởng đến sức mua của người dân. Trong khi đó, một lượng lớn vốn tín dụng đang bị mắc kẹt tại thị trường bất động sản trong khi vốn sản xuất kinh doanh gặp khó khăn là những yếu tố ảnh hưởng bất lợi đến nền kinh tế nói chung và hoạt động thương mại nói riêng.
- Dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành:
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành tháng 8/2022 ước đạt 520,10 tỷ đồng, giảm 8,95% so với tháng trước, tăng 5,3 lần so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, hoạt động lưu trú ước đạt 21,26 tỷ đồng, giảm 30,07% so với tháng trước, tăng 6,3 lần so với cùng kỳ năm trước; Dịch vụ ăn uống ước đạt 498,46 tỷ đồng, giảm 7,29% so với tháng trước, tăng 5,3 lần so với cùng kỳ; Dịch vụ du lịch lữ hành và hoạt động hỗ trợ du lịch ước đạt 0,38 tỷ đồng, giảm 87,89% so với tháng trước. Do tính chất thời vụ tháng 8 thời điểm gần kết thúc kỳ nghỉ hè bước vào năm học mới và bắt đầu vào những tháng cuối năm nhu cầu du lịch giảm, lượng khách đến nghỉ mát tại các bãi biển, các khu sinh thái nghỉ dưỡng giảm mạnh. Cùng với đó, do ảnh hưởng yếu tố tâm linh trong tháng trùng với tháng 7 âm lịch, người dân ít đi lại. Tác động đến doanh thu hoạt động dịch vụ lưu trú, ăn uống, lữ hành giảm hơn so với các tháng trước. Nhưng so cùng kỳ vẫn tăng mạnh do năm trước thời điểm này đang trong đang trong giai đoạn tạm ngừng kinh doanh, giãn cách xã hội.
Tính chung 8 tháng đầu năm 2022 doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành ước đạt 3.922,52 tỷ đồng, tăng 45,75% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lưu trú ước đạt 163,93 tỷ đồng, tăng 74,59%; lượt khách phục vụ 913.590 lượt, tăng 57,07% so với cùng kỳ năm trước; ngày khách phục vụ 767.514 ngày, tăng 42,6% so với cùng kỳ năm trước; Ăn uống ước đạt 3.746,98 tỷ đồng, tăng 44,67%; Du lịch lữ hành và dịch vụ hỗ trợ du lịch ước đạt 11,61 tỷ đồng, tăng 57,84%. Nhìn chung hoạt động dịch vụ 8 tháng đầu năm 2022 có mức tăng mạnh so với cùng kỳ (do cùng kỳ năm trước ảnh hưởng bởi dịch Covid -19, mọi hoạt động bị ngưng trệ). Tuy nhiên, vẫn đánh dấu sự hồi phục hoàn toàn của khu vực này khi so với cùng kỳ của năm 2019 (năm chưa chịu ảnh hưởng lớn của dịch bệnh) vẫn đạt mức tăng 8,58%.
Dịch vụ khác: Doanh thu dịch vụ khác tháng 8 ước tính đạt 224,63 tỷ đồng, tăng 0,48% so với tháng trước và tăng 181,31% so với cùng kỳ năm trước. Việc giảm doanh thu 2 nhóm ngành: Dịch vụ kinh doanh bất động sản; dịch vụ hành chính và dịch vụ hỗ trợ và tăng ở các nhóm ngành: Dịch vụ giáo dục và đào tạo, y tế và hoạt động trợ giúp xã hội đã đân đến việc tăng trưởng nhẹ ở chung ngành dịch vụ khác. Nguyên nhân chủ yếu do tháng này thời điểm giao mùa, các ca mắc covid trong cộng đồng có dấu hiệu tăng trở lại nên nhu cầu khám chữa bệnh tăng, cùng với đó chuẩn bị bước vào năm học mới tăng nhu cầu học thêm các trung tâm. Tuy nhiên, việc trùng vào dịp tháng 7 âm lịch nên giảm mạnh nhu cầu về bất động sản và dịch vụ cưới hỏi, hiếu hỷ, thuê xe, dịch vụ thuê đồ dùng cá nhân và gia đình
Tính chung 8 tháng năm 2022, doanh thu hoạt động dịch vụ khác ước đạt 1.575,47 tỷ đồng, tăng 44,02% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Nhóm kinh doanh bất động sản tăng 51,03%; hành chính và dịch vụ hỗ trợ tăng 36,68%; giáo dục đào tạo tăng 108,57%; Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội giảm 2,92%; nghệ thuật, vui chơi và giải trí giảm 0,38%; dịch vụ khác tăng 71,84%.
4.2. Hoạt động vận tải
Tình hình vận tải, kho bãi trong tháng tăng so tháng trước, các phương tiện vận tải được chú trọng việc đầu tư chất lượng xe đời mới, chất lượng cao đối với loại phương tiện hành khách, đối với phương tiện vận chuyển hàng hóa chú trọng việc bảo đảm chứa đựng hàng hóa. Hạ tầng đường bộ được nâng cấp mở rộng góp phần hoàn chỉnh mạng lưới đường bộ thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực. Tuy nhiên, dịch vụ bốc xếp hàng hóa thông qua cảng trong tháng giảm so với những tháng đầu năm do lượng hàng hóa thông qua cảng giảm.
Doanh thu vận tải, kho bãi tháng 8/2022 ước đạt 466,17 tỷ đồng, tăng 1,15% so với tháng trước và tăng 75,89% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Vận tải hành khách ước đạt 109,15 tỷ đồng, tăng 0,73% so với tháng trước và tăng 13,89 lần so với cùng kỳ năm trước; vận tải hàng hóa ước đạt 294,73 tỷ đồng, tăng 0,41% so với tháng trước và tăng 55,84% so cùng kỳ năm trước; doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 62,21 tỷ đồng, tăng 5,62% so với tháng trước và giảm 9,30% so với cùng kỳ năm trước.
Kết quả kinh doanh vận tải trong tháng 8 tăng so với tháng trước, nguyên nhân chủ yếu do trong tháng thời điểm nhập học của Tân sinh viên, người dân đi lễ chùa, đền tháng 7 âm lịch nên lượng vận tải hành khách nội tỉnh cũng như liên tỉnh đều tăng. Cùng với đó đây là thời điểm hoàn thiện các công trình xây dựng đẩy nhanh tiến độ trước mùa mưa bão, nên dẫn đến nhu cầu vận tải hàng hóa vật liệu xây dựng, đất đá, sắt thép tăng hơn.
Tính chung, kết quả kinh doanh vận tải, kho bãi 8 tháng năm 2022, ước tính đạt 3.59,64 tỷ đồng, tăng 16,77% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Vận tải hành khách ước đạt 757,69 tỷ đồng, tăng 6,89%; hàng hoá ước đạt 2.262,47 tỷ đồng, tăng 27,49%; kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 572,91 tỷ đồng, giảm 3,54% so với cùng kỳ năm trước.
4.3. Xuất nhập khẩu hàng hóa
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 8 năm 2022 ước đạt 454,5 triệu USD, tăng khả quan hơn so với tháng trước (tăng 13,13%) nhưng vẫn chưa đạt mức cùng kỳ năm trước (giảm 7,62%). Nguyên nhân chủ yếu bối cảnh giao dịch không ổn định và lượng tồn kho cao của ngành công nghiệp thép. Với việc tăng nhập khẩu nguyên liệu đầu vào, và giá phôi thép và thép cây ở châu Á đã tăng vào ngày 16/8 kỳ vọng sẽ mang lại những tín hiệu tích cực trong sản xuất và xuất khẩu thời gian tới.
- Kim ngạch xuất khẩu tháng 8 ước đạt 111,5 triệu USD, tăng so với tháng trước (3,31%) nhưng giảm mạnh với cùng cùng kỳ (giảm 45,48%). Chủ yếu do biến động giảm của mặt hàng thép, phôi thép (ước đạt 109,07 triệu USD tăng 26,03% so với tháng trước và giảm 40,34% so với cùng kỳ) và ở các mặt hàng thủy sản, xơ, sợi dệt và may mặc. Mặt hàng chè và dăm gỗ cũng bắt đầu tiêu thụ mạnh hơn trong tháng, tuy nhiên việc chỉ chiếm quy mô nhỏ không thể cân bằng lại cán cân xuất khẩu.
Tính chung 8 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1.178,09 triệu USD, giảm 12,80% so với cùng kỳ năm trước. Tính trong các mặt hàng xuất khẩu, ngoài mặt hàng thép nhóm hàng thủy sản cũng có kim ngạch xuất khẩu cộng dồn 8 tháng giảm so với cùng kỳ (Thép, phôi thép giảm 13,34%; Thủy sản giảm 18,44%). Còn lại các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng: Chè (tăng 175,21%); dệt và may mặc (tăng 160,62%); dăm gỗ (20%); xơ, sợi dệt các loại (tăng 7,04%). Nguyên nhân, chủ yếu do việc mặt hàng chủ lực thép giảm mạnh trong 3 tháng gần đây. Hi vọng với việc dự thảo Nghị định ban hành biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện các hiệp định FTA sẽ sớm được ban hành, thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu ngành công nghiệp thép.
- Kim ngạch nhập khẩu: Tháng 8/2022 ước đạt 343,0 triệu USD, tăng 16,74% so với tháng trước và tăng 19,30% so với cùng kỳ. Trong đó, chủ yếu là nhập khẩu nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất Formosa với 290,0 triệu USD. Cộng dồn 8 tháng năm 2022, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 2.713,03 triệu USD, tăng 18,76% so với cùng kỳ năm trước
5. Chỉ số giá tiêu dùng
Thị trường tiêu dùng hàng hoá và dịch vụ trong tháng, diễn ra sôi động, lượng hàng hoá phong phú, đa dạng là tháng trùng dịp lễ Vu lan nhu cầu lương thực, thực phẩm tăng mạnh dẫn tới giá cả thực phẩm tươi sống gà thịt, thịt lợn, thịt bò, thịt gia cầm vịt, ngan tăng nhẹ so với tháng trước. Mặc dù tính chung chỉ số giá vẫn được kiểm soát nhưng đang có xu hướng tăng nhanh trong thời gian tới.
Tháng 8 chỉ số CPI chung tăng 0,14% so với tháng trước, tăng 2,63% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Khu vực thành thị tăng 0,1% so với tháng trước, tăng 2,44% so với cùng kỳ năm trước; khu vực nông thôn tăng 0,15% so với tháng trước, tăng 2,71% so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính có: 06 nhóm hàng hóa có chỉ số giá tăng so với tháng trước: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 102,16%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,13%; giáo dục tăng 0,03%; Thuốc và dịch vụ y tế cùng nhóm hàng hóa và dịch vụ khác có chỉ số tăng 0,02%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,01%. 03 nhóm hàng hóa có chỉ số giá giảm so với tháng trước: Giao thông giảm 4,52%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 0,49%; bưu chính viễn thông giảm 0,02%. 02 nhóm không có biến động về chỉ số so với tháng trước gồm: Đồ uống và thuốc lá; may mặc, mũ nón, giày dép.
Một số yếu tố chính tác động đến sự biến động của chỉ số giá tháng 8 năm 2022: (i) Giá thực phẩm, lương thực tăng mạnh trong kỳ rằm tháng 7 (lễ Vu lan), bên cạnh đó thời tiết thất thường ảnh hưởng xấu đến sự sinh trưởng của các loại rau, củ quả khiến chỉ số chung nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng cao trong tháng ; (ii) Giá một số mặt hàng văn phòng phẩm tăng do nhu cầu của nhóm đối tượng học sinh và phụ huynh phục vụ năm học mới; (iii) Giá nhiên liệu xăng, dầu qua hai kỳ điều chỉnh giảm trong tác động vào chỉ số giá nhóm giao thông và chi phí trung gian các nhóm hàng hóa khác.
Chỉ số giá vàng tăng 0,46% so với tháng trước, tăng 2,82% so với cùng tháng năm trước; chỉ số giá đô la Mỹ giảm 0,31% so với tháng trước, tăng 3,64% so với cùng tháng năm trước. Giá vàng bình quân trong tháng ở mức 5.342 nghìn đồng/chỉ 9999, giá đô la Mỹ bình quân 2.402.994 đồng/100 USD.
Tính chung CPI bình quân 8 tháng năm 2022, chỉ số chung tăng 1,77% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Khu vực thành thị tăng 1,77%; nông thôn tăng 1,77% so với cùng kỳ năm trước. Nhìn chung, thị trường tiêu dùng, từ đầu năm đến nay các mặt hàng có mức biến động mạnh chủ yếu tập trung ở các nhóm lương thực, thực phẩm, xăng dầu, điện nước sinh hoạt. Một số mặt hàng thiết yếu giảm giá khiến chỉ số giá chung vẫn được kiểm soát. Tuy nhiên, những tháng cuối năm dự kiến chỉ số giá tiêu dùng chung sẽ tăng mạnh hơn. Cụ thể, tháng 9/2022 nhóm giá các loại lương thực thực, thực phẩm, đồ uống sẽ tăng do có kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 02/9 khá dài ngày. Bên cạnh đó, giá các loại gạo nếp, đậu hạt các loại tăng do nhu cầu nguyên liệu sản xuất nhân bánh phục vụ Tết Trung thu, thêm vào đó nhu cầu tiêu thụ đồ dùng gia đình những tháng cuối năm xu hướng tăng và hàng may mặc, văn phòng phẩm, sách vở tăng mạnh là tháng bước vào năm học mới 2022-2023.
II. MỘT SỐ VẤN ĐỀ XÃ HỘI
1. Đời sống dân cư và bảo đảm an sinh xã hội
Thực hiện Quyết định số 08/QĐ-TTg, ngày 28/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ về “Quy định việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động; Kế hoạch số 168/KH-UBND ngày 11/5/2022 của UBND tỉnh về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Đến nay Hà Tĩnh đã hoàn thành việc chi trả hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động. Tổng số lao động được hỗ trợ 1.314 lao động với kinh phí hỗ trợ 1.995,5 triệu đồng, được chia làm 4 đợt. Đợt 1 là 301 lao động, kinh phí hỗ trợ 459 triệu đồng; đợt 2 là 375 lao động, kinh phí hỗ trợ 580 triệu đồng; đợt 3 là 169 lao động, kinh phí hỗ trợ 258 triệu đồng; đợt 4 là 465 lao động; kinh phí hỗ trợ 698,5 triệu đồng.
2. Giáo dục
- Giáo dục đào tạo: Vượt qua những khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngành giáo dục Hà Tĩnh đã khép lại năm học 2021-2022 với nhiều kết quả đáng ghi nhận. Với tinh thần kiên cường, vượt khó, hiếu học, toàn ngành đã thực hiện tốt mục tiêu linh hoạt, sáng tạo, đảm bảo an toàn, chất lượng.
Kết quả Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2022-2023, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS được tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập năm học 2022-2023 là 72,69%, (số lượng 11.538 học sinh), số còn lại vào các trường THPT tư thục, GDTX, học nghề.
Kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2022, tỷ lệ tốt nghiệp của học sinh Hà Tĩnh là 99,50%, tăng 0,45% so với năm trước. Trong đó, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp giáo dục THPT là 99,84%; giáo dục thường xuyên là 97,49%. Toàn tỉnh có 32 trường có tỷ lệ học sinh tốt nghiệp 100%, tăng 15 trường so với năm 2021. Tổng điểm bình quân các môn là 6,720 điểm, xếp thứ 9 cả nước, tăng 9 bậc so với năm trước. Trong đó có 5 môn có điểm bình quân cao, nằm trong tốp 10 cả nước: Vật lý xếp thứ 4 với điểm trung bình 7,290821; Ngữ văn xếp thứ 5 với điểm trung bình 7,3409; Hóa học xếp thứ 5 với điểm trung bình 7,2247; Địa lý xếp thứ 8 với điểm trung bình 7,037601; Lịch sử xếp thứ 9 với điểm trung bình 6,692779. Toàn tỉnh có 185 bài thi đạt điểm 10 ở tất cả các môn. Mặc dù tổng số điểm 10 thấp hơn so với năm ngoái nhưng đây vẫn là kết quả khẳng định thương hiệu của giáo dục Hà Tĩnh.
- Giáo dục nghề nghiệp: Theo Sở LĐ-TB&XH, năm học 2022 - 2023, các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh sẽ tuyển sinh mới và đào tạo khoảng hơn 19.000 chỉ tiêu, trong đó hệ cao đẳng 1.450 chỉ tiêu, còn lại là hệ trung cấp, sơ cấp nghề. Đến nay, các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh đã tuyển sinh được 9.596 học sinh, sinh viên tham gia học nghề (cao đẳng: 295, trung cấp: 443, sơ cấp: 6.010; đào tạo dưới 3 tháng: 2.848), đạt 51,9% kế hoạch năm 2022. Dự kiến, năm 2022, các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh sẽ tuyển sinh được hơn 21.000 chỉ tiêu, ước đạt 110% kế hoạch.
3. Hoạt động y tế
- Tình hình dịch bệnh Covid-19: Hiện nay, số ca mắc COVID-19 và số bệnh nhân phải chuyển điều trị tại các cơ sở y tế đang có xu hướng tăng lên, trong khi theo đánh giá của Bộ Y tế, tỷ lệ tiêm phòng của Hà Tĩnh đối với lứa tuổi trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi hiện đang thấp. Vì vậy, ngành Y tế Hà Tĩnh khuyến cáo người dân cần chủ động đi tiêm vắc-xin để phòng, chống hiệu quả với dịch bệnh.
Tổng số ca mắc COVID-19 từ ngày 01/01/2022 đến ngày 19/8/2022 là 55.194 ca, lũy kế từ 04/6/2021 đến nay 56.153 ca mắc. Tình hình điều trị các ca bệnh: chuyển các Bệnh viện tuyến trên 128 BN; điều trị khỏi 55.265 BN, trong đó có 124 BN tuyến trên, 55.141 BN tại Hà Tĩnh; 52 BN tử vong.
Tính đến ngày 17/8/2022, Hà Tĩnh có tỷ lệ người trờn 18 tuổi tiêm mũi 1 đạt 100,46%, tiêm mũi 2 đạt 98,75%, tiêm mũi nhắc lại lần 1 (mũi 3) đạt 79,23%. Người đã tiêm mũi nhắc lại lần 2 (mũi 4) đạt 140,72% so với số người kế hoạch trong độ tuổi ưu tiên. Người từ 12 đến dưới 18 tuổi, tiêm mũi 1 đạt 104,13%, tiêm mũi 2 đạt 99,76%, tiêm mũi nhắc lại lần 1 (mũi 3) đạt 27,15%. Đối với trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, tỷ lệ tiêm mũi 1 đạt 54,42%, mũi 2 đạt 31,81%.
- Tình hình dịch bệnh khác: Hiện nay dịch sốt xuất huyết đang bùng phát tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước; và một số quốc gia trong khu vực đã ghi nhận ca bệnh đậu mùa khỉ xâm nhập. Do đó để ngăn chặn dịch bệnh bùng phát, điều then chốt là ý thức chấp hành các giải pháp phòng, chống dịch của chính mỗi người dân và cộng đồng dân cư.
Toàn tỉnh từ đầu năm đến nay đã phát hiện 208 ca sốt xuất huyết (gồm 8 ổ dịch với 56 ca mắc và 152 ca đơn lẻ), phân bố rải rác tại: TP Hà Tĩnh, Kỳ Anh, TX Kỳ Anh, Hương Sơn, Hương Khê, Nghi Xuân, Đức Thọ, Lộc Hà…
Ngoài sốt xuất huyết trong tháng trên địa bàn Hà Tĩnh có một số ca bệnh đơn lẻ khác: 1 ca mắc sốt rét, 8 ca mắc bệnh quai bị, 19 ca mắc lỵ trực trùng; 16 ca mắc lỵ a míp; 8 ca mắc bệnh thủy đậu; 1.045 ca mắc bệnh cúm; 3 ca chân tay miệng; tiêu chảy 461 ca; viêm gan vi rút khác 3 ca. Ngoại trừ sốt xuất huyết, thì tất cả các ca bệnh còn lại không tạo thành dịch và không có ca bệnh nào bị tử vong vì các bệnh nói trên.
- Công tác phòng chống HIV/AIDS: Các hoạt động phòng chống HIV/AIDS tiếp tục được duy trì hiệu quả. Trong tháng, có 01 người nhiễm mới HIV, không có người chuyển thành AIDS và đồng thời cũng không có người chết vì AIDS. So với cùng kỳ năm trước giảm 2 người nhiễm mới HIV, giảm 3 người chuyển thành AIDS, số người chết vì AIDS không đổi. Tính chung 8 tháng năm 2022 có 13 người nhiễm mới HIV, 6 người chuyển thành AIDS và 2 người chết vì AIDS, so với cùng kỳ năm trước giảm 20 người (giảm 60,61%) nhiễm mới HIV, giảm 24 người (giảm 80%) chuyển thành AIDS , số người chết vì AIDS không đổi.
- Công tác an toàn thực phẩm: Trong tháng, trên địa bàn tỉnh không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm tập thể, chỉ có 99 ca ngộ độc đơn lẻ, không có người chết vì ngộ độc; so với cùng kỳ năm trước số vụ ngộ độc tập thể không đổi, giảm 42 ca (giảm 29,79%) ngộ độc đơn lẻ, số ca tử vong không đổi.
Tính chung 8 tháng năm 2022 có 1 vụ ngộ độc tập thể làm 4 người bị ngộ độc; ngoài ra có 580 ca bị ngộ độc đơn lẻ, không có người chết vì ngộ độc; so với cùng kỳ năm trước giảm 2 vụ ngộ độc tập thể (giảm 66,67%), giảm 49 ca ngộ độc tập thể (giảm 92,45%), số ca ngộ độc đơn lẻ giảm 246 ca (giảm 29,78%), số ca tử vong không đổi.
4. Hoạt động văn hoá, thể thao
- Hoạt động văn hóa: Trong tháng, trên địa bàn tỉnh nhiều hoạt động văn hóa đã diễn ra sôi nổi:
Cuộc thi “Đại sứ Văn hóa đọc năm 2022” sau hơn 3 tháng triển khai, đã thu hút 112.806 học sinh các cấp học trên toàn tỉnh tham gia, Ban tổ chức đã trao giải cho 57 bài thi xuất sắc, gồm: 1 giải A, 3 giải B, 6 giải C, 22 giải khuyến khích, 25 giải chuyên đề, đồng thời tuyển chọn 20 bài thi xuất sắc tham gia Vòng chung kết Cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc toàn quốc năm 2022.
Kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2022); 54 năm Chiến thắng Đồng Lộc, tưởng niệm 54 năm ngày hy sinh của 10 nữ liệt sỹ TNXP (24/7/1968 - 24/7/2022), tại Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc, Báo Nhân Dân, tỉnh Hà Tĩnh, Tạp chí Cộng sản, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức chương trình nghệ thuật “Cõi thiêng Đồng Lộc”.
Từ ngày 28/7-30/7, Hà Tĩnh tham gia Hội diễn nghệ thuật quần chúng “Câu hò nối những dòng sông” do Cục Nghệ thuật biểu diễn phối hợp với 6 tỉnh Bắc Trung bộ tổ chức. Hà Tĩnh đã xuất sắc giành huy chương bạc toàn đoàn và 1 huy chương vàng, 3 huy chương bạc các tiết mục…
- Công tác kiểm tra, thanh tra văn hóa: Trong tháng, Sở Văn hóa, thể thao và Du lịch Hà Tĩnh đã tổ chức kiểm tra 12 cơ sở kinh doanh dịch vụ thể thao, nhắc nhở các cơ sở kinh doanh chấp hành các quy định của pháp luật, bổ sung các trang thiết bị cần thiết, đặc biệt chú trọng vào công tác trực cứu hộ, đảm bảo an toàn trong hoạt động bơi lội. Bên cạnh đó, Sở Văn hóa, thể thao và Du lịch đã cấp 14 giấy phép: 01 giấy phép lĩnh vực du lịch, 12 giấy phép thuộc lĩnh vực văn hóa cơ sở, 01 giấy phép lĩnh vực di sản văn hóa.
- Hoạt động thể thao:
Thể thao thành tích cao: Tại Giải vô địch trẻ Karate quốc gia năm 2022 diễn ra tại nhà thi đấu thể dục thể thao tỉnh Quảng Nam, đoàn Hà Tĩnh dành được 15 huy chương các loại, xếp thứ tư toàn đoàn. Cụ thể: 7 huy chương vàng, 3 huy chương bạc, 5 huy chương đồng.
Thể thao quần chúng: Trong tháng, các hoạt động thể thao quần chúng diễn ra sôi nổi với nhiều hoạt động như: ngày 26/7 diễn ra Giải Bóng chuyền hơi nam - nữ do Công đoàn Khối Nội chính - Chính quyền tổ chức nhân kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929-28/7/2022); ngày 28-29/7 diễn ra Giải Cầu lông trong khuôn khổ Đại hội Thể dục thể thao Hà Tĩnh lần thứ IX năm 2022 tại Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao tỉnh thu hút hơn 200 VĐV tham gia. Ngoài ra, trong tháng nhiều huyện tổ chức khai mạc Đại hội thể dục thể thao, đến nay 100% huyện, thị xã, thành phố đã tổ chức xong Đại hội thể thao cấp cơ sở, Đại hội nhằm thúc đẩy phong trào luyện tập thể dục, thể thao, rèn luyện sức khỏe trong toàn thể cán bộ, công nhân, viên chức và Nhân dân; đồng thời nhằm phát hiện, tuyển chọn những vận động viên xuất sắc cho các giải thể thao thành tích cao.
5. Tình hình an toàn giao thông
Tính từ ngày 15/7-14/8/2022 xảy ra 9 vụ tai nạn đường bộ làm 6 người chết, 6 người bị thương, ước tính thiệt hại 150 triệu đồng; so với cùng kỳ năm trước giảm 2 vụ, giảm 5 người chết, tăng 3 người bị thương.
Tính chung 8 tháng năm 2022 (từ ngày 15/12/2021-14/8/2022) đã xẩy ra 62 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm 52 người chết, 28 người bị thương, tổng thiệt hại ước tính 1 tỷ; so với cùng kỳ giảm 9 vụ (giảm 12,68%), giảm 7 người chết (giảm 11,86%), tăng 3 người bị thương (tăng 12,0%), ước tính thiệt hại tăng 532 triệu đồng.
6. Môi trường
- Tình hình cháy ,nổ: Từ ngày 15/7/2022 đến ngày 14/8/2022 đã xảy ra 9 vụ cháy, nổ; làm 1 người bị thương, tổng thiệt hại ước tính là 238,5 triệu đồng. So với cùng kỳ năm trước số vụ cháy, nổ giảm 2 vụ, giảm 1 người chết; tăng 1 người bị thương, thiệt hại tăng 179,5 triệu đồng. Tính chung 8 tháng năm 2022 trên địa bàn tỉnh đã xẩy ra ra 34 vụ cháy, nổ làm 1 người chết, 1 người bị thương, tổng thiệt hại ước tính 2.265,5 triệu đồng; so với cùng kỳ năm trước số vụ chảy, nổ giảm 1 vụ; giảm 2 người chết; giảm 1 người bị thương; thiệt hại ước giảm 150,5 triệu đồng. Nguyên nhân xảy ra tai nạn chủ yếu là đi sai làn đường quy định và không nhường đường dành cho người đi bộ.
- Vi phạm môi trường: Tính từ ngày 15/7 đến ngày 14/8/2022 đã phát hiện 66 vụ, đã xử lý 44 vụ, với tổng số tiền xử phạt là 81,48 triệu đồng; so với tháng trước tăng 32 vụ đã phát hiện (tăng 94,12%), tăng 21 vụ đã xử lý (tăng 91,30%), số tiền nộp phạt giảm 81,17 triệu đồng (giảm 49,90%); so với cùng kỳ năm 2021 tăng 44 vụ đã phát hiện (tăng 200%), tăng 29 vụ đã xử lý (tăng 193,33%), số tiền xử phạt giảm 23,22 triệu đồng (giảm 22,18%). Vi phạm môi trường đã phát hiện trong tháng chủ yếu là vận chuyển cát trái phép, sử dụng xung kích điện đánh bắt thủy sản trái phép... gồm 64 vụ (chiếm 96,96%); vận chuyển, chôn, lấp, đổ, thải, đốt chất thải rắn, chất thải nguy hại không đúng quy trình kỹ thuật, quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường 1 vụ (1,52%) và xả nước thải, xả khí thải chưa được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường ra môi trường 1 vụ (1,52%).
Tính chung 8 tháng đầu năm (ngày 15/12/2021 - 14/8/2022) đã phát hiện 608 vụ, đã xử lý 420 vụ, với tổng số tiền xử phạt 1.556,99 triệu đồng; so với cùng kỳ năm trước tăng 503 vụ (tăng 4,79 lần), tăng 343 vụ đã xử lý (tăng 4,45 lần), tăng số tiền nộp phạt 427,74 triệu đồng (tăng 37,88%).
7. Tình hình thiên tai
Trong tháng, ngày 21/7 trên địa bàn Hà Tĩnh xảy ra 1 vụ sét đánh, làm 1 người tử vong. So với cùng kỳ năm trước tăng 1 vụ, tăng 1 người chết, số người bị thương không đổi. Tính chung từ đầu năm đến nay, ở Hà Tĩnh đã xảy ra 6 vụ thiên tai, cụ thể là 1 vụ sóng to, gió lớn (ngày 3/4); 1 vụ mưa lớn (ngày 30/4-1/5); 3 vụ sét đánh (ngày 26/5; ngày 14/6 và ngày 21/7), 1 vụ lốc xoáy (ngày 14/6); làm chết 4 người; làm hư hỏng 1 chiếc tàu, 17 nhà hư hỏng, thiệt hại 512 ha diện tích lúa, 153 ha diện tích hoa màu, ước tính tổng thiệt hại là 7.968 triệu đồng. So với cùng kỳ năm trước giảm 2 vụ thiên tai, số người chết không đổi, giảm 1 người bị thương, tổng thiệt hại về tài sản giảm 39.032 triệu đồng.
Trên đây là một số tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng năm 2022 trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh./.