(MPI) – Ngày 24/9/2022, Tạp chí Kinh tế và Dự báo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia thúc đẩy tăng trưởng xanh hướng tới phát triển bền vững với chủ đề kết nối tầm nhìn quốc gia với hành động của địa phương và doanh nghiệp.
|
Chủ tọa Hội thảo. Ảnh: MPI
|
Hội thảo nằm trong chuỗi hoạt động Kỷ niệm 55 năm ngày Tạp chí Kinh tế và Dự báo phát hành số đầu tiên (tháng 10/1967). Tham dự Hội thảo có các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý; đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư một số địa phương; các doanh nghiệp; về phía Bộ Kế hoạch và Đầu tư có đại diện lãnh đạo một số đơn vị liên quan.
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, bà Nguyễn Lệ Thủy, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế và Dự báo cho rằng, Việt Nam là một trong những quốc gia bị tác động nặng nề bởi biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh và nhiều yếu tố tác động từ bên ngoài. Thực hiện tăng trưởng xanh sẽ góp phần nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế và con người trước biến đổi khí hậu, đồng thời hỗ trợ Việt Nam tăng cường năng lực cạnh tranh, thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng xanh, tạo thuận lợi cho việc tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Việt Nam là một trong những quốc gia trong khu vực sớm tiếp cận với mô hình tăng trưởng xanh. Ngay từ năm 2012, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020, tầm nhìn đến năm 2050. Đây được coi là chìa khóa để bảo đảm cho các mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020. Tiếp đến tháng 3/2014, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020. Cùng với đó, Quốc hội đã ban hành mới, bổ sung, sửa đổi một số luật liên quan đến tăng trưởng xanh.
Tái khẳng định tầm quan trọng của tăng trưởng xanh trong phát triển bền vững quốc gia, ngay trước thềm Hội nghị COP 26, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050” tại Quyết định số 1658/QĐ-TTg, ngày 01/10/2021, trong đó, đề ra mục tiêu thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa các-bon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.
|
Bà Nguyễn Lệ Thủy, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế và Dự báo phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: MPI |
Theo bà Nguyễn Lệ Thủy, qua gần 10 năm triển khai Chiến lược tăng trưởng xanh có thể thấy, nhận thức của nhân dân, cộng đồng về vai trò, ý nghĩa của tăng trưởng xanh đã được nâng lên rõ rệt, từng bước thay đổi hành vi sản xuất, sinh hoạt và có nhiều hành động thiết thực đóng góp vào thực hiện tăng trưởng xanh; xuất hiện nhiều mô hình sản xuất và tiêu dùng tiết kiệm, an toàn, văn minh, mang đậm bản sắc dân tộc, hài hòa và thân thiện với thiên nhiên; cảnh quan, môi trường sống của người dân ngày càng thay đổi theo hướng tích cực hơn, đặc biệt tại các xã nông thôn mới. Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế nhằm hiện thực hóa các mục tiêu tăng trưởng xanh đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Một số mục tiêu, nhiệm vụ, chỉ tiêu chính của Chiến lược tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 đã đạt được kết quả khả quan.
Việc chuyển hướng sang kinh tế xanh và tăng trưởng xanh, thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh là một lựa chọn tất yếu nhằm thực hiện định hướng phát triển mới của đất nước theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021- 2030, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, đồng thời tạo cơ hội lớn để Việt Nam có thể trở thành một quốc gia tiên phong trong khu vực về tăng trưởng xanh, phục hồi xanh, bắt kịp xu thế phát triển của thế giới. Đây cũng là mục tiêu Việt Nam phải hướng đến trong giai đoạn phát triển tới để vượt qua thách thức phục hồi trong và sau dịch bệnh Covid-19, tiếp tục đà đổi mới, đẩy mạnh mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, chất lượng và hiệu quả.
|
Ông Lê Việt Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: MPI |
Phát biểu tại Hội thảo, ông Lê Việt Anh, Vụ trưởng Vụ khoa học, giáo dục, tài nguyên và môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, chiến lược tăng trưởng xanh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngay trước thềm Hội nghị COP26 đã thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong thực hiện cam kết giảm phát thải khí nhà kính và hành động khí hậu thông qua hiện thực hóa các mục tiêu tăng trưởng xanh và tiếp tục được khẳng định bằng cam kết mạnh mẽ về “phát thải ròng bằng “0” (PTR0)” của Việt Nam. Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh đóng vai trò quan trọng trong việc cụ thể hóa Chiến lược tăng trưởng xanh và làm tiền đề cho Lộ trình PTR0, đồng thời hướng tới đạt được các mục tiêu phát triển bền vững SDGs.
Với 8 nhóm chủ đề tổng hợp, 10 chủ đề theo nhóm ngành, lĩnh vực ưu tiên, 57 nhóm nhiệm vụ, hành động và 134 nhiệm vụ, hoạt động cụ thể, Kế hoạch Hành động xác định rõ lộ trình nhằm đạt được các mục tiêu về kinh tế - xã hội - môi trường cho toàn bộ nền kinh tế, đồng thời phù hợp với cam kết của Việt Nam về đưa phát thải ròng về “0” vào năm 2050. Các nhiệm vụ, hành động tại Kế hoạch được tính toán và xây dựng trên cơ sở lựa chọn kịch bản tăng trưởng xanh cao có tính đến tác động tích lũy của tất cả các giải pháp khả thi về kỹ thuật, trong đó nhấn mạnh các nhóm nhiệm vụ, giải pháp ưu tiên có tính đồng lợi ích, sẵn sàng về năng lực thực thi, bảo đảm cân đối chi phí - lợi ích trong dài hạn và có khả năng lan tỏa, thay vì chỉ tính đến tác động tích lũy của các giải pháp có tính khả thi về kinh tế.
Hiện vẫn đang tồn tại một số rào cản nhất định, tiềm năng thu hút dòng vốn cho tăng trưởng xanh, biến đổi khí hậu và phát triển bền vững cho Việt Nam là rất lớn. Do đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với vai trò là cơ quan tham mưu tổng hợp cho Chính phủ, sẽ tiếp tục nghiên cứu và đề xuất những giải pháp tổng thể bảo đảm hài hòa lợi ích quốc gia và cam kết toàn cầu, phù hợp với bối cảnh quốc tế và trong nước để khơi thông các nguồn lực cho tăng trưởng xanh trong thời gian tới, ông Lê Việt Anh cho hay.
Hội thảo được nghe các bài trình bày về phát triển bền vững doanh nghiệp Việt Nam thông qua bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững; phát triển kinh tế biển xanh để thích ứng với biến đổi khí hậu, hướng tới phát triển bền vững; xây dựng nền nông nghiệp xanh; giải pháp thúc đẩy chuyển dịch năng lượng xanh và bền vững cho Việt Nam; phát triển kinh tế tuần hoàn; thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi số để tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.
Chia sẻ về vấn đề thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi số để tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, vẫn còn những rào cản ảnh hưởng không nhỏ đến thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp, như chi tiêu cho nghiên cứu khoa học của Việt Nam còn thấp và chưa thực chất. Chi phí lao động ở Việt Nam còn thấp là một trở ngại cho việc thúc đẩy chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao. Phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa, năng lực công nghệ còn hạn chế, chưa có nhiều doanh nghiệp, cá nhân sở hữu các bằng sáng chế công nghệ, chủ yếu sử dụng các công nghệ sẵn có của nước ngoài để tùy biến, phát triển. Hành lang chính sách, pháp luật của Nhà nước về chính phủ điện tử, các giao dịch, thủ tục hành chính trên nền tảng số vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, đây cũng là các thách thức, hạn chế cho doanh nghiệp khi xác định chiến lược, xây dựng kế hoạch chuyển đổi số.
Bà Bùi Thu Thủy cũng cho biết, năm 2022, ngân sách trung ương hỗ trợ khoảng 50 tỷ đồng và các địa phương cũng dành hàng chục tỷ đồng để hỗ trợ cho các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ, chuyển đổi mô hình sản xuất theo hướng xanh và tuần hoàn. Đây là những tiền đề và nền tảng quan trọng để các doanh nghiệp Việt Nam tận dụng, chuyển đổi mô hình sản xuất kinh doanh của mình đáp ứng yêu cầu tình hình mới.
Tại Hội thảo, các nhà khoa học, nhà quản lý, các doanh nghiệp, các địa phương đã chia sẻ, thảo luận, bàn thảo phương thức thực hiện mô hình tăng trưởng xanh của Việt Nam trong giai đoạn tới, đề xuất các giải pháp, biện pháp cụ thể để thúc đẩy tăng trưởng xanh, phát triển bền vững ở Việt Nam; tập trung thảo luận về các nhóm vấn đề cụ thể như hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030; Nhận diện vai trò của kinh tế số, chuyển đổi số trong thực hiện tăng trưởng xanh và giải pháp cho Việt Nam; Các vấn đề về đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, trong xu thế tăng trưởng xanh và phát triển bền vững doanh nghiệp Việt Nam; Hiệu quả xã hội từ xanh hóa nền kinh tế, từ phát triển các nguồn năng lượng xanh, phát triển kinh tế biển xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn, tiết kiệm tài nguyên dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ; Xây dựng nền nông nghiệp xanh, hướng tới phát triển bền vững; Hành động của địa phương trong thực hiện tăng trưởng xanh và phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa - xã hội, bảo vệ môi trường.
Những kết quả thảo luận tại Hội thảo sẽ cung cấp những luận cứ khoa học quý báu, những gợi mở có giá trị thực tiễn cho việc thực hiện thành công Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, góp phần vào thắng lợi của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư